aleteia.org, John Burger, 2015-11-06
Một họa sĩ trẻ người Serbia, chính thống giáo giải thích, khi nhìn cảnh hành quyết các Kitô hữu của lực lượng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, trong tâm hồn anh nhóm lên một niềm hy vọng cho những kẻ sát nhân này nên đã thôi thúc anh vẽ bức tranh này.
21 tín hữu Kitô người Cốp ở Lybia bị nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chặt đầu, đã được Giáo hội chính thống Cốp tuyên bố họ là những người tử đạo. Các hình ảnh của vụ hành quyết ở Bắc Phi này đã làm cho cả thế giới rúng động. Xúc động sâu xa, một họa sĩ người Serbia, chính thống giáo sống ở Đức đã viết hay đúng hơn đã vẽ một bức tượng và sẽ được đem ra bán đấu giá để lấy tiền giúp đỡ gia đình các nạn nhân.
Bức tranh có tên là “Các thánh tử đạo ở Lybia,” họa sĩ Nikola Sarić hy vọng những ai nhìn bức tranh này sẽ động lòng cầu nguyện cho những tên khủng bố này được ơn trở lại. Sari sinh năm 1985 ở Serbia, anh học ở Viện Hàn lâm Nghệ thuật tôn giáo của Giáo hội chính thống Serbia năm 2014. Từ năm 2011, anh sống và làm việc ở Hanovre.
Aleteia: Vì sao anh vẽ bức tranh về những người tử đạo này?
Nikola Sari: Tôi nhìn các hình này trên Internet và tôi choáng váng. Tôi suy nghĩ và ý tưởng này đến trong đầu tôi ngay lập tức, như trong tất cả các công việc của tôi, nó tự vạch đường đi của nó. Tôi suy nghĩ và với thời gian, ý tưởng này được hình thành.
Xin anh nói về anh và công việc của anh.
Tôi quan tâm nhiều đến các chủ đề tôn giáo. Các chủ đề này nói với tôi, vì mỗi ngày tôi đều đối diện với những chuyện này, từ đó tôi rút ra được một vài kết luận. Các kết luận này mang tính phổ quát, nó cho tôi niềm cảm hứng. Tôi diễn giải nó theo cách của tôi và hy vọng tranh của tôi sẽ làm người xem suy nghĩ.
Trong nghĩa nào mà anh nói anh “đối diện với những chuyện này mỗi ngày”?
Chúng ta đến với những câu chuyện này qua phụng vụ hoặc qua đức tin và tôi nghĩ về nó. Các câu chuyện này nói về chúng ta, về dân chúng, về thế giới, về thiện ác, về Chúa và tương quan giữa Chúa với con người, và về các tương quan giữa con người với nhau. Đó là những câu chuyện phổ quát và vượt thời gian.
Anh nghĩ gì và anh cảm nhận gì khi anh sáng tác bức tranh 21 người tử đạo?
Câu chuyện này vạch một con đường trong lòng tôi; nó thật sự làm tôi bị chấn động, nó gợi lên câu chuyện của những người tử đạo mà chúng ta biết. Đối với tôi, tự hào ở bên cạnh Thiên Chúa và Chúa Kitô, ở trong tình yêu này, đó là tấm gương cực mạnh. Những câu chuyện này nói với tôi một cách rất riêng tư, và là Kitô hữu, nó làm tôi xúc động sâu xa.
Cũng khó để giải thích từ đâu ý tưởng này đến với tôi. Đó là cách tôi tiến triển qua quá trình nhiều năm học hành và nó vẫn tiếp tục tiến triển. Ngôn ngữ của thị giác cũng giống như những chuyện khác tôi làm. Nó tự hình thành chính nó. Đơn giản là như vậy.
Anh vẽ các tên đao phủ trong bức tranh. Đương nhiên họ có dự phần trong câu chuyện, nhưng anh có nghĩ là phải loại họ ra không?
Bao gồm các đao phủ, các tên khủng bố, các tên giết người không phải là chuyện mới trong nghệ thuật thị giác. Và các hình ảnh này cũng là một hình thức kể chuyện: đó là những kẻ đã giết các nhân vật. Đó là cách để hiểu chuyện đã xảy ra như thế nào… Người xem có thể hình dung không có họ nhưng đầu óc lúc đó sẽ hoàn toàn khác. Họ vẫn ở đó, sự hiện diện của họ kể lại câu chuyện khủng khiếp, một cuộc thảm sát. Nhưng đó cũng là câu chuyện của cuộc sống và của mối dây liên hệ giữa Chúa Kitô và các người tử đạo. Và vì thế, tôi thấy việc nên làm là phải có cả hai khía cạnh của câu chuyện.
Còn ý tưởng cho rằng khi nhìn bức tranh, người xem sẽ cầu nguyện cho sự trở lại của các tên đao phủ thì sao?
Theo tôi, cầu nguyện cho tất cả mọi người, đó là một việc phải làm. Chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù của mình và những người làm hại mình. Chúng ta được mời gọi để cầu nguyện cho tất cả mọi người. Và nếu được như vậy thì tôi sẽ rất hạnh phúc khi ý tưởng này được thực hiện, một đao phủ trở lại và hối hận về những việc mình đã làm..
John Burger là chủ biên phần tin thời sự của báo Aleteia ấn bản tiếng Anh.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch