Nói chuyện với Đức Hồng y Christoph Schönborn về Thượng Hội Đồng Gia đình

461

parismatch.com, Caroline Pigozzi, 2015-11-01

Paris Match. Trọng kính Hồng y, xin Hồng y giải thích về Thượng Hội Đồng Gia đình vừa được tổ chức ba tuần ở Vatican.

Đức Hồng y Christoph Schönborn. Thượng hội đồng là một danh từ Hy lạp có nghĩa “con đường chung”. Họp thượng hội đồng có nghĩa là cùng đi chung, cùng đến chung để bàn một vài chủ đề. Chúng tôi có 360 người tham dự – gồm hồng y, giám mục, linh mục, thần học gia, chuyên gia và khoảng năm mươi cặp – cùng họp với nhau để cùng suy tư về vấn đề gia đình và hôn nhân.

 

Đức Hồng y Christoph Schönborn, người rất có ảnh hưởng trong Thượng Hội Đồng 2015 ở Vatican. © Eric Vandeville
Đức Hồng y Christoph Schönborn, người rất có ảnh hưởng trong Thượng Hội Đồng 2015 ở Vatican. © Eric Vandevill

Để đến một kết luận nào?

Không có một mạng lưới nào vững chắc, tốt đẹp và thiết yếu như mạng lưới gia đình. Chính vì lẽ đó mà thượng hội đồng dứt khoát khẳng định, tương lai của nhân loại là ở gia đình.

Nhưng làm thế nào, trong một cuộc họp mà đa số là người đi tu lại phối hợp được kinh nghiệm với thần học?

Phối hợp thì hơi khó vì có một vài người sợ nếu nói quá nhiều về kinh nghiệm thì quên giáo điều, quên thần học; có người thì lo nói nhiều về thần học thì xa thực tế sống hàng ngày. Thực tế là tuyệt đối phải có cả hai để nhìn sự việc được sát hơn.

Tôi nghĩ cha cũng đã nói về gia đình mình…

Cũng như nhiều tham luận viên trong các hội đồng, tôi kể câu chuyện của ông bà và cha mẹ tôi. Khi tôi 13 tuổi thì cha mẹ tôi ly dị, sau đó cha tôi lập gia đình lại. Sự đau khổ ở tuổi vị thành niên không phải chỉ xảy ra cho người khác… Trong các nhóm nhỏ chia theo từng ngôn ngữ, một vài người bắt đầu công việc bằng cách kể kinh nghiệm riêng của họ. Một tiếp cận rất tích cực vì đây không phải là nói đến các vấn đề trừu tượng, nhưng là suy tư để phản ảnh thực tế. Các chứng từ cảm động nhất là các chứng từ của các cặp, họ nói về kinh nghiệm gia đình của họ, những giây phút rất xúc động mà thượng hội đồng này sẽ còn nhớ mãi.

“Đức Giáo hoàng xin chúng tôi hãy là các nhà truyền giáo, hòa với giáo dân, đi ra khỏi phòng thánh”

Còn Đức Giáo hoàng?

Sự hiện diện của ngài rất quan trọng. Ngài ở đó, chăm chú và thinh lặng nghe. Ngài chỉ can thiệp một lần và lần đó rất quan trọng. Nhưng tôi không thể nói cho bà biết ngài can thiệp vào vấn đề gì, vì đó không thuộc phạm vi chung. Như bà đã biết, sau thượng hội đồng, Đức Giáo hoàng sẽ quyết định và sẽ công bố tài liệu dựa theo các đề nghị đáng kể nhất của thượng hội đồng, thượng hội đồng là một tổ chức tham vấn. vậy phải kiên nhẫn…

Tất cả những người tham dự đều có thể gặp Đức Giáo hoàng?

So với các vị tiền nhiệm của ngài thì Đức Phanxicô đã làm cho chúng tôi ngạc nhiên thật sự. Trong các cuộc họp thượng hội đồng tôi tham dự trước đây, lúc nào Giáo hoàng cũng là người đến sau hết, khi chúng tôi đã ở trong phòng. Như bất cứ một vị vua, một nguyên thủ Quốc gia nào, mọi người đứng dậy khi ngài vào. Vậy mà ngay ngày đầu, tôi đến trước năm phút và người ta đã báo cho tôi: “Đức Giáo hoàng đến rồi.” Ồ, thật hốt hoảng! Đức Giáo hoàng đang ở giữa những người đến đầu tiên, giữa các giám mục. Ngài nói chuyện với họ như người cha gia đình đón bạn bè, anh em trong nhà. Buổi sáng và buổi sau trưa, trong giờ nghỉ giải lao, mọi người uống cà phê, uống nước ngọt, ăn bánh nhẹ, Đức Giáo hoàng đến gặp các nghị phụ, các giáo dân để nói chuyện với họ. Ban tổ chức có xin chúng tôi nên kín đáo, không nên bủa vây ngài bằng máy hình; nhưng một vài người đã không thể cưỡng được, họ đã dùng điện thoại cầm tay chụp hình, bởi vì đây là cơ hội duy nhất.

Đức Phanxicô giải lao trong cuộc họpTrong bài diễn văn quan trọng của mình, Đức Giáo hoàng nói với thượng hội đồng về tinh thần làm việc chung. Nhưng không đơn giản để áp dụng…

Đức Giáo hoàng kêu gọi tất cả các giám mục có tinh thần làm việc đồng đội, ngài xem đây là chuyện đặc biệt nghiêm túc. Mỗi người trong địa phận của mình, cùng đi tới chung với giáo dân, với linh mục, với các hội đồng cố vấn của giám mục – cố vấn của các linh mục,  cố vấn mục vụ – cùng thỏa thuận với Hội đồng giám mục ở các nước của mình.

Còn về vấn đề tiêu hôn?

Vấn đề này cần phải chính xác. Tài liệu và các quyết định của Đức Giáo hoàng về thủ tục pháp lý tiêu hôn phải được đơn giản hóa nhưng các tiêu chuẩn khách quan thì vẫn giữ như cũ. Một hôn nhân theo bí tích là khi hai vợ chồng có ý thức, họ nói “vâng” để ở với nhau suốt đời, họ không bị vấn đề tâm thần và khi họ đồng ý có con với nhau, thì hôn nhân đó là một hôn nhân đích thực. Nhưng khi những điều kiện này không được trọn vẹn, thì hôn nhân này không trọn vẹn về mặt bí tích, thì có thể được công bố tiêu hôn.

Người ly dị và tái hôn có làm cho cha thất vọng?

Chuyện này không phải là điểm trọng tâm. Phải nhìn vấn đề này trong tổng thể vì cơn khủng hoảng thể chế gia đình là một thực tế. Bây giờ rất nhiều người sống chung nhưng không làm đám cưới về mặt tôn giáo cũng như dân sự. Và dĩ nhiên phải tìm một con đường để tháp tùng họ về mặt thiêng liêng, những người có gia đình lần thứ hai, lần thứ ba, cũng như phải xem xét một cách khách quan quan hệ trước của họ. Có thể nào có một đám cưới thật sự trong một trường hợp bất thường không? Đồng hành cùng họ, làm sáng tỏ điểm này, cho họ thấy họ có thể hay không có thể được rước lễ. Vì thế sự trợ giúp những người ly dị tái hôn là nền tảng và phải xem xét kỹ từng trường hợp một. Không có công thức soạn sẵn. Đức Giáo hoàng khuyến khích phải xem xét cẩn thận bối cảnh, sự khác nhau về mặt văn hóa và xã hội của các Giáo hội địa phương, của vùng, của đất nước…

Các đại diện Phi Châu thầm lặng…

Ở Phi Châu, gia đình đóng một vai trò rất quan trọng hơn ở xã hội chúng ta. Một giám mục Phi Châu đã giải thích rõ điều này. Ngài nhấn mạnh, đối với họ, “gia đình được định nghĩa chính yếu qua con cái”. Trong khi ở xã hội chúng ta, gia đình chính yếu là vợ chồng. Một sự khác biệt rõ ràng!  Mặt khác, nhiều vụ hôn nhân lại do gia đình dàn xếp, giống như ngày xưa ở Âu Châu. Thêm nữa, Phi Châu còn đối diện với một vấn đề tế nhị, đó là nạn đa thê, được xem như hợp pháp ở đây. Về vấn đề này, một giám mục Phi Châu giải thích cho chúng tôi : “Vấn đề đa thê có thể được giải quyết ở các thành phố lớn do tình trạng bấp bênh của đời sống gia đình. Một cặp vợ chồng sống ở thành phố Phi Châu không có phương tiện để có hai, ba, bốn vợ như trước. Ở nhà quê thì cần nhiều người đàn bà để trồng trọt.”

Các linh mục Phi Châu thường có con…

Đó là một thực tế và phải chấp nhận. Ai làm được thì làm.

Gần chúng ta hơn, xin Hồng y giải thích cho tôi về vụ tháp chuông của những người công giáo Pháp.

Tôi luôn xem nước Pháp là quê hương thiêng liêng của tôi vì tôi được học ở đó và dạy ở vùng nói tiếng Pháp trong vòng hai mươi năm. như thế sự gắn bó của tôi vào văn hóa và Giáo hội Pháp rất lớn. Tôi có thể nói người Pháp có khuynh hướng rạch ròi kiểu Đề-cát. Vì thế mâu thuẫn lâu đời trong Giáo hội Pháp thường được diễn tả qua ảnh hưởng của phái Giăng-xen (janséniste) khắc khổ, nghiêm nhặt, chủ trương ưu tú mà đôi khi quên rằng Giáo hội đi bước thấp bước cao trong lịch sử riêng của mình cũng như trong Lịch sử chung. Giáo hội cần lòng mộ đạo bình dân, lòng mộ đạo mà bà thấy nhiều nhất trong các đền thờ lớn. Đức Giáo hoàng thường nhấn mạnh đến lòng thương xót, đến lòng trắc ẩn, đến quan tâm, đến lòng tốt… Những người nghiêm nhặt thường quên điều này, họ nghĩ tốt hơn Giáo hội nên là một nhóm nhỏ tinh tuyền và nghiêm nhặt. Nhưng, Giáo hội luôn là căn nhà mở rộng, căn nhà của người cha, người mẹ, căn nhà ấm áp có chỗ cho tất cả mọi người.

Còn các trào lưu truyền thống chủ nghĩa?

Tôi không chống ai, đúng hơn tôi nhìn các khía cạnh khác nhau, mà chắc chắn ở Pháp thấy rõ hơn là ở Ý hay ở Áo, nơi các khác biệt này cùng sống chung với nhau dễ dàng và đơn giản hơn.

“Không có việc phụ nữ không được làm phó tế”

Phụ nữ có thể một ngày nào đó được làm phó tế không, bước đầu tiên để đến chức linh mục?

Điều này không bị loại trừ, không có một lý do tuyệt đối nào để ngăn cản bước đi này. Lúc nào cũng có các nữ phó tế trong Giáo hội nhất là vào thiên niên kỷ đầu. Nhưng cẩn thận, phải phân biệt rõ ràng chức phó tế với chức thánh! Đừng lẫn lộn.

Nhưng bây giờ xin hỏi cha, cha là tu sĩ Dòng Đa Minh và làm việc với Giáo hoàng Dòng Tên…

Dù có các mâu thuẫn nhưng trong Lịch sử có một sự kết hợp sâu xa giữa hai Dòng. Thánh I-Nhã, người sáng lập Dòng Tên rất yêu quý Thánh Đa Minh và các tu sĩ Dòng Đa Minh. Còn tôi, tôi có người bác đi tu Dòng Tên và bác đã đề nghị với tôi: “Đã đi tu thì ít nhất phải tu Dòng Tên.”

Là tu sĩ Dòng, cha cộng tác với Đức Phanxicô dễ hơn các hồng y không tu Dòng không?

Tôi hoàn toàn hạnh phúc thấy Thần Khí đã thổi để mật nghị bầu Đức Phanxicô làm giáo hoàng. Đối với tôi, trước hết Thần Khí hướng dẫn đã cho chúng ta Đức Gioan-Phaolô II, nhân vật vĩ đại đã làm sụp đổ Đế quốc Xô-viết, chế độ cộng sản, và trong 27 năm ngài đã thổi một sức sống phi thường cho Giáo hội. Sau Đức Gioan-Phaolô II, chúng ta có Đức Bênêđictô XVI, ngài là giáo sư của tôi. Ngài là giáo sư tài ba, là người thầy ngoại hạng, là tiến sĩ cao cả  của Giáo hội.

Và trên nền tảng vững chắc của hai vị tiền nhiệm, chúng ta có Giáo hoàng Phanxicô hiện nay, người đòi hỏi chúng ta: “Bây giờ anh em hãy đi ra vùng ngoại vi của thế giới này, hãy là các nhà truyền giáo, hãy hòa với giáo dân, đừng ở trong phòng thánh của mình.” Ngài có một ngôn ngữ rõ ràng, có cử chỉ đi vào lòng người, những người cảm thấy mình bị Giáo hội bỏ rơi và có thể, trong tận sâu tâm hồn họ, đã hối tiếc, đã hoài niệm về một Giáo hội đã bỏ mình.

Cha sinh ra ở lâu đài Skalka, Bohemia, cha là hồng y cuối cùng thuộc dòng họ quý tộc đã cống hiến nhiều giám mục, một dòng họ cai trị Trung Âu (Mitteleuropa) từ thế kỷ 13.

(Cha cười). Đúng, tôi là hồng y thứ ba và giám mục thứ tám của gia đình, nhưng tôi vui nhất là sự năng động của triều giáo hoàng. Tôi được may mắn gần được ba giáo hoàng. Tôi rất gần Đức Gioan-Phaolô II và hiện nay vẫn còn gần với Đức Bênêđictô XVI, tôi biết ngài từ bốn mươi năm nay, ngài nói với tôi: “Chúng ta cùng giữ tình bạn này.” Và bây giờ là Đức Phanxicô, một món quà rất lớn. Đó là phép lạ của Thần Khí.

Cha là một hồng y tiến bộ?

Tôi vui được là hồng y của Hội thánh La Mã. Theo truyền thống xưa, các hồng y thường là các cha xứ của địa phận Rôma. Tôi vui vì có tước hiệu của một giáo xứ bình dân, Gesu Divin Lavoratore, Portuense nơi tôi thường đến mỗi khi có dịp về Rôma. Như thế, bà có thể để tôi vào ô nào bà muốn. Tôi chỉ là một linh mục thường, một tu sĩ, một giám mục. Và nhất là tôi hạnh phúc được vậy.

Marta An Nguyễn chuyển dịch