Kitô hữu thì bao dung, Kitô hữu không đóng lại cánh cửa với bất kỳ ai, dù cho có bị phản đối vì việc này. Còn người loại trừ, bởi vì tin rằng mình tốt đẹp hơn, thì gây xung đột và chia rẽ, và không biết nghĩ đến sự thật rằng, ‘tất cả chúng ta sẽ phải đứng trước tòa Chúa phán xét.’
Đây là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ năm 05-11, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta
Thái độ của Chúa Kitô là bao dung
Trong thư gởi tín hữu Roma, thánh Phaolô đã thúc giục chúng ta đừng phán xét và đừng xem thường anh em mình, bởi điều này dẫn đến việc loại trừ họ khỏi ‘nhóm nhỏ của chúng ta’ và như thế chúng ta rơi vào thói tuyển lựa, không mang tính Kitô. Thật vậy, Chúa Kitô cùng với hiến tế trên đồi Golgotha, hiệp nhất và bao dung mọi con người trong ơn cứu độ. Trong Tin mừng, những người thu thuế và luật sỹ được kéo đến gần Chúa Giêsu, họ là những người bị loại trừ, bị cho ra rìa, và người Pharisiêu cùng các kinh sư phàn nàn về điều này.
Thái độ của các kinh sư và người Pharisiêu giống nhau, họ loại trừ. Họ nói rằng, ‘Chúng tôi hoàn hảo, chúng tôi tuân giữ luật. Còn những người này là kẻ tội lỗi, họ là quân thu thuế.’ Nhưng thái độ của Chúa Giêsu là bao dung. Có hai con đường trong đời, con đường loại trừ và con đường bao dung. Con đường thứ nhất có thể không có nhiều, nhưng nó là nguồn gốc mọi chiến tranh. Mọi tai ương đều mở đầu với sự loại trừ. Người ta bị loại trừ khỏi cộng đồng quốc tế, nhưng còn bị loại trừ khỏi gia đình, bạn bè. Biết bao trận chiến đang nổ ra. Còn con đường cho chúng ta thấy Chúa Giêsu và dạy chúng ta về Chúa Giêsu, là con đường kia, ngược lại với con đường loại trừ.
Có kháng cự với sự bao dung
Không dễ để bao dung người khác, bởi có sự kháng cự, có một thái độ tuyển lựa. Vì lý do này, mà Chúa Giêsu kể cho chúng ta hai dụ ngôn, về con chiên lạc và về đồng xu bị mất. Cả mục đồng lẫn bà bị mất tiền, đều sẽ làm bất kỳ điều gì để tìm thấy những gì đã mất, và khi tìm thấy, họ hớn hở vui mừng.
Họ đầy vui mừng, bởi đã tìm thấy những gì bị mất, và họ mời hàng xóm, bạn bè đến chia vui, bởi lòng quá hạnh phúc. ‘Tôi đã tìm thấy, tôi đưa vào, tôi bao dung.’ Đây là sự bao dung của Thiên Chúa, đối lập với sự loại trừ của những người phán xét, xua đuổi mọi người. ‘Không, người này không được, người kia không được …’ và thế là họ tạo một nhóm nhỏ bạn bè, một môi trường riêng cho họ. Đây là sự đối lập giữa bao dung và loại trừ. Thiên Chúa bao dung tất cả chúng ta trong ơn cứu độ, tất cả! Đây là điểm khởi đầu cho mọi sự. Còn chúng ta, với những yếu đuối, tội lỗi, ghen tương, đố kỵ, tất cả chúng ta đều có thái độ loại trừ này, thứ cuối cùng kết thúc trong chiến tranh.
Nếu tôi loại trừ, một ngày nào đó tôi sẽ đứng trước tòa Thiên Chúa
Chúa Giêsu hành động như Chúa Cha, Đấng phái Ngài đến để cứu chúng ta, Ngài tìm cách để bao dung chúng ta.
Chúng ta hãy suy nghĩ một chút, ít nhất hãy làm gì đó, chúng ta làm phần nhỏ của mình, đừng bao giờ phán xét. Có người sẽ bảo, ‘Nhưng người này làm thế này …’ Chúa biết mà, đó là cuộc đời của họ, nhưng tôi sẽ không loại trừ họ khỏi lòng mình, khỏi lời cầu nguyện của mình, khỏi những lời chào, nụ cười, và những dịp nói tốt cho họ. Đừng bao giờ loại trừ, chúng ta không có quyền loại trừ. Và thánh Phaolô kết thư như thế nào: ‘Chúng ta tất cả sẽ đứng trước ngai Chúa phán xét. . . rồi mỗi người chúng ta sẽ giải trình với Chúa.’ Nếu tôi loại trừ, một ngày nào đó đứng trước tòa Chúa, tôi sẽ phải giải trình về mình. Chúng ta hãy xin ơn làm những người luôn bao dung, luôn luôn, bao dung trong sự cẩn trọng lành mạnh, nhưng là luôn luôn biết bao dung. Đừng đóng cánh cửa lại với bất kỳ ai, luôn luôn mở lòng mình ra. “Chuyện này làm tôi vui, chuyện kia làm tôi bực,’ nhưng hãy để mở cửa lòng. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn này.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio