«Giáo hội phải cổ động cho một sự hiển linh đích thực của gia đình»

405

aleteia.org, 2015-10-21

Đức hồng y Robert Sarah, nhà hiền triết giữa các nhà hiền triết, ngay từ ngày đầu, nhân vật số 4 của Vatican đã cảnh báo thượng hội đồng.

hồng y Robert Sarah

Ngày 10 tháng 10 vừa qua, sau cuộc họp của Hội đồng Giám mục Phi châu, Aleteia đã có buổi phỏng vấn với Đức hồng y Robert Sarah, ngài cho biết ngài lo lắng nhiều cho thượng hội đồng, ngài đặt hết lòng tin tưởng của mình vào Đức Chúa Thánh Thần để Thần Khí dẫn đưa thượng hội đồng về đến bến. Hồng y cũng nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện cho các nghị phụ.

Từ những ngày đầu, Hồng y bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật đã biện hộ để tái khám phá nét đẹp của đời sống gia đình Kitô giáo, ngài xin Đức Thánh Cha «đưa ra các sự thật và các định hướng cho toàn thế giới». Nhấn mạnh trong bài diễn văn rất cứng rắn về hai nguy cơ không chờ đang bao phủ hành tinh chúng ta: «Nạn tôn thờ tự do ở Phương Tây và nạn cực đoan của Hồi giáo ở Phương Đông», hai ý thức hệ xâu xé nhân loại ở hai thái cực – một bên là «vô thần không tôn giáo» ở Phương Tây, một bên là «tôn giáo cuồng tín» ở Phương Đông –, hồng y người Guinê xin Giáo hội «đề xướng một sự hiển linh đích thực cho gia đình». Và, «cơn khủng hoảng hôn nhân chính yếu cũng là cơn khủng hoảng về Chúa, và cũng là cơn khủng hoảng của đức tin», ngài nhắc lại.

Sau đây là một vài trích đoạn trong bài tham luận của Hồng y Robert Sarah:

«Trọng kính Đức Thánh Cha, các nghị phụ, các tham dự viên, tôi xin nêu ra ba suy nghĩ sau:

Có nhiều minh bạch và tôn trọng hỗ tương nhau hơn    

Với lòng chân thành, tôi khẳng định trong lần họp thượng hội đồng năm ngoái, trên những vấn đề khác nhau, đã có khuynh hướng nhượng bộ theo tinh thần thế tục và cá nhân chủ nghĩa của Phương Tây. (…) Vì thế, mong ước đầu tiên của tôi là có được tự do, minh bạch và khách quan nhiều hơn nữa trong việc làm của chúng ta.

Nhận định về lịch sử và về các tư tưởng

Ước mong thứ nhì của tôi là thượng hội đồng vinh danh sứ mệnh lịch sử của mình và không chỉ chú tâm giải quyết một vài vấn đề mục vụ (như việc rước lễ của những người ly dị tái hôn), nhưng là giúp Đức Thánh Cha nêu rõ hơn các sự thật và các định hướng cho toàn thế giới.

Từ Thượng Hội đồng năm 1980, đã có những thách thức mới. Một nhận định về mặt thần học giúp chúng ta thấy hai nguy cơ không chờ bao phủ trên thời đại chúng ta, hiểm họa ở hai thái cực: một mặt là nạn thờ tự do ở Phương Tây, mặt kia là chủ trương cực đoan của Hồi giáo, vô thần không tôn giáo chống với cuồng tín tôn giáo. Hai hình thức cực đoan là hai đe dọa lớn nhất chống lại gia đình: sự tan rã có tính chủ quan ở thế giới thế tục hóa của Phương Tây, nơi thể thức ly dị dễ dàng và nhanh chóng, nơi có các phối hợp đồng tính, tình trạng trợ tử, vv.. Mặt khác là tình trạng gia đình-giả của ý thức hệ Hồi giáo, sự hợp pháp hóa nạn đa thê của họ, nô lệ hóa đàn bà, nô lệ tình dục, hôn nhân cưỡng bức với các em bé gái, vv. (…)

Hai khuynh hướng này đều (…) hủy hoại gia đình, xã hội và Giáo hội, tạo ra bạo lực không chấp nhận được và tạo ra nạn sợ Kitô giáo. (…)

Nêu lên và phục vụ nét đẹp của chế độ một vợ một chồng và của gia đình

Đứng trước hai thử thách khủng khiếp và chưa từng có, Giáo hội phải cổ động một sự «hiển linh đích thực của gia đình».

Chúng ta phải không sợ nêu lên sự thật, chương trình của Chúa là ở trong chế độ một vợ một chồng của tình yêu vợ chồng có với nhau suốt đời. Từ vị trí ở trên cao của mình, Giáo hội phải kiên quyết và khẩn cấp tuyên bố ý của Đấng Tạo dựng về hôn nhân. Sẽ có rất nhiều người thiện tâm, thiện ý chia sẻ hành động can đảm sáng rõ này của Giáo hội!

Một lời nói mạnh và rõ của giáo quyền tối cao sẽ giúp các mục tử trong sứ vụ của mình với người đương thời để giúp họ tái khám phá nét đẹp của gia đình Kitô giáo. Điều cần thiết cho mục đích này là làm thuận lợi cho tiến trình tìm hiểu Kitô giáo của người lớn, vì cơn khủng hoảng hôn nhân trước hết là cơn khủng hoảng về Chúa, thêm vào đó là cơn khủng hoảng đức tin, mà chúng ta thấy trong sự khai tâm của trẻ con. Chúng ta, các giám mục, chúng ta có bổn phận tối hậu là nhận thấy và khởi đi để cổ động cho các đặc sủng, các phong trào, các cơ sở tôn giáo, nơi sẽ cho thấy thế nào là gia đình, tình yêu cho cuộc sống và hy vọng vào Vĩnh cữu, cái nôi của đức tin và trường học của đức ái. Sự Quan Phòng và Công đồng Vatican II đã cho chúng ta nhiều cơ hội để dâng mừng phép lạ này.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch