Kinh ngạc khi gặp gỡ Chúa Giêsu

638

Khả năng nhận ra mình là người có tội, mở ra cho chúng ta sự bàng hoàng trước cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.

Đây là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ năm 03-9, lễ kính thánh Gregory Cả, Giáo hoàng Tiến sỹ Giáo hội.

 The astonishment at the encounter with Jesus

Bài giảng của Đức Giáo hoàng Phanxicô tập trung vào bài Tin mừng kể chuyện mẻ lưới kỳ diệu. Sau khi đã lao công cả đêm mà không bắt được gì, thánh Phêrô, tin theo Chúa Giêsu, mà lại giong buồm thả lưới. Đức Thánh Cha dùng câu chuyện này để nói về đức tin khi gặp Chúa.

‘Trước hết, tôi thấy thật vui khi nghĩ đến chuyện Chúa Giêsu đã dành phần lớn thời gian của Ngài trên các nẻo đường với dân chúng, rồi khi đêm về, Ngài đi ra nơi thanh vắng mà cầu nguyện, nhưng Ngài đã gặp dân, Ngài tìm dân. Còn về phần mình, chúng ta có hai cách để gặp Chúa. Đó là cách của Phêrô, của các tông đồ, của dân chúng:

Tin mừng dùng cũng một từ như nhau cho hết những người này, cho dân chúng, cho các tông đồ, cho thánh Phêrô, đó là họ ‘kinh ngạc.’ Thực sự, kinh ngạc đã chiếm lấy Phêrô và những người quanh Chúa. Khi cảm giác kinh ngạc này đến .. và dân chúng ta nghe Chúa Giêsu và những lời Ngài nói, thì cảm thấy kinh ngạc. ‘Nhưng người này nói với uy quyền. Chưa có ai nói với uy quyền như thế.’

Một nhóm khác gặp Chúa Giêsu, lại không để sự kinh ngạc này đi vào lòng mình. Các luật sỹ nghe về Chúa Giêsu, và họ cân đo đong đếm: ‘Ừ thì, ông này thông minh, ông là người nói lên sự thật, nhưng chúng ta không đồng ý với những chuyện này, không!’ Họ cân đo đong đếm, và họ giữ khoảng cách với Chúa.

Ngay cả quỷ cũng thú nhận, và tuyên xưng, rằng Chúa Giêsu là ‘Con Thiên Chúa,’ nhưng như các luật sỹ và những người Pharisiêu gian tà, ‘chúng đã không có khả năng kinh ngạc, chúng khóa mình trong sự tự đủ, trong tự đại của chúng.’

Thánh Phêrô nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai, nhưng đã thú nhận ngay rằng mình là người tội lỗi.

Những con quỷ nói sự thật về Chúa Giêsu, nhưng lại chẳng thú nhận gì về mình. Chúng không thể nói, bởi sự kiêu ngạo của chúng quá lớn nên không thể mở miệng. Các luật sỹ thì nói, ‘Đây là một người thông minh, một rabbi có khả năng, ông ấy làm phép lạ, vv…!’ Nhưng họ lại không chịu nói, ‘Chúng ta kiêu ngạo, chúng ta tự đủ, chúng ta là kẻ có tội. Việc không thể nhận ra bản thân là tội nhân, đã khiến chúng ta xa khỏi lời tuyên xưng đích thực về Chúa Giêsu Kitô. Và đây chính là điểm khác biệt.’

Sự khiêm nhượng của người thu thuế nhận ra rằng mình là tội nhân và sự kiêu ngạo của người Pharisiêu cứ huyên thuyên nói tốt về mình.

Khả năng mở miệng nhận mình là tội nhân, mở chúng ta ra với sự kinh ngạc của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, cuộc gặp đích thực. Ngay cả trong giáo xứ chúng ta, trong xã hội chúng ta, trong cả những con người được thánh hiến cũng vậy: Có mấy người có khả năng nói lên rằng Chúa Giêsu là Chúa? Rất nhiều! Nhưng thật khó hơn nhiều khi thành tâm mà nói: ‘Tôi là người có tội.’ Nói về người khác như thế thì dễ hơn nhiều phải không? Nói kiểu đó khi ngồi lê đôi mách, chứ gì nữa? Chuyện này, chuyện kia, chuyện khác, …. Chúng ta tất cả là những bậc thầy trong chuyện này, chẳng phải sao? Để gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô, thì cần có 2 lời tuyên xưng: ‘Ngài là Con Thiên Chúa, và tôi là người có tội’ nhưng không phải là tuyên xưng theo kiểu biện luận. ‘Tôi là tội nhân bởi thế này, bởi chuyện này, bởi lẽ kia, bởi việc nọ.’

Thánh Phêrô về sau đã quên mất sự kinh ngạc của cuộc gặp gỡ với Chúa, và đã chối Chúa. Nhưng bởi ngài khiêm nhượng, ngài đã gặp Chúa, và rồi khi chạm mắt nhau, thánh Phêrô đã khóc, và đã trở lai với lời xưng thú của mình, ‘Tôi là người có tội.’

Nguyện xin Chúa cho chúng ta ơn gặp gỡ Chúa, những cũng xin ơn cho chúng ta để mình gặp Ngài. Xin Chúa cho chúng ta ơn tuyệt diệu là được kinh ngạc trong cuộc gặp này. Và xin Chúa ban cho chúng ta ơn trong đời, có được hai lời tuyên xưng này: ‘Tôi tin Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống. Và tôi tin tôi là người có tội.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng