Đức Phanxicô, một giáo hoàng gây rối

1387

la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, 2015-07-23

Đức Phanxicô, một giáo hoàng gây rối

Đức Phanxicô, Giáo hoàng gây rối. Khi ngài chỉ trích cách cư xử của Giáo triều thì người công giáo vỗ tay. Nhưng khi trong thông điệp Chúc tụng Chúa cũng như trong lần ngài đi Nam Mỹ, ngài chỉ trích một nền “kinh tế giết người” và một hệ thống “tiếp tục phủ nhận quyền căn bản nhất về kinh tế, xã hội, văn hóa của hàng trăm triệu người anh em” thì đây đó dư luận bắt đầu nghiến răng!

Trong một vài môi trường nhất là ở Mỹ, người ta thì thầm, ngài đi quá xa, ở đây người ta đặt cho ngài biệt danh “giáo hoàng đến từ đồng cỏ Pampa”. Tấn công thì quá dễ, cứ gán cho những gì ngài nói là do từ gốc rễ của ngài. Ngắn gọn, giáo hoàng này vẫn còn bị dính vào gốc Argentina của mình: họ nói, những điều ngài nói có thể tốt với châu lục này nhưng sẽ không áp dụng được ở Phương Tây nơi hoàn cảnh thực tế phức tạp hơn và các bất bình đẳng xã hội ít rõ nét hơn.

Đức Phanxicô, như ngài đã tự nói, ngài không đi ra khỏi giáo huấn xã hội của Giáo hội, một giáo huấn cổ điển nhất. Từ lâu giáo huấn này đã tố cáo một chủ nghĩa tự do chủ trương tự mình giải quyết lấy công việc của mình, giáo huấn này khẳng định, ở trên quyền sở hữu tư nhân là quyền cho một sự phân bổ công chính của cải chung và xứng đáng với nhân phẩm của từng người. Nhưng rõ ràng, kinh nghiệm mục vụ ở một trong những thành phố có những bất bình đẳng lớn nhất thế giới đã làm cho những lời nói của ngài mang một sức mạnh đặc biệt. Nhất là khi giáo hoàng đến từ phía Nam bán cầu dằn mạnh rằng, thế giới này đã trở nên toàn cầu: “Tương tác hoàn vũ đòi hỏi câu trả lời toàn cầu cho những vấn đề địa phương”, ngài đã tuyên bố như trên ở Bôlivia. Âu Châu không còn là nơi không có những thảm kịch thế giới như các nơi khác, thảm kịch của những người di dân nhắc cho họ điều này mỗi ngày.

Trong lời chỉ trích này, Đức Phanxicô nhận biết Giáo hội không nắm độc quyền của sự thật. Ngài lặp lại, đây không phải là vấn đề ý thức hệ nhưng là vấn đề xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của từng người mà Giáo hội của Chúa Kitô không thể đứng ngoài. Thực chất, trong một thế giới mà nền kinh tế biến con người thành nô lệ, làm thay đổi bộ mặt hành tinh thì đòi hỏi một sự hoán cải tận căn không phải là điều không tưởng. Nhưng đó là bằng chứng của một tinh thần thực tiễn.

 Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch