Catholic Herald – Jo-Anne Rowney – Friday, 14 Aug 2015
Nhiệt tình nóng bỏng trước chuyến công du giáo hoàng đến Hoa Kỳ
Giấc mơ của hầu hết người dân Hoa Kỳ là có được tấm ảnh chụp selfie với giáo hoàng Phanxicô. Một cơn sóng nồng nhiệt đang dâng lên trước chuyến công du của ngài, theo lời đại diện Vatican ở Hoa Kỳ cho biết.
Con số đặt hàng tông thư môi trường của giáo hoàng Phanxicô, và đặt vé để gặp ngài, tại Hoa Kỳ đang cho thấy sự nồng nhiệt mà người dân ở đây dành cho chuyến công du tháng tới của ngài.
Tổng Giám mục Bernardito Auza, trưởng ban quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Hoa Kỳ đã trả lời phỏng vấn của Vatican Radio rằng: ‘Quá nhiều sự chú ý. Tất cả mọi người đều muốn được thấy giáo hoàng, dù là từ đàng xa.
Giấc mơ của nhiều người là được chụp selfie với giáo hoàng.’ Theo dự định, giáo hoàng Phanxicô sẽ có bài nói chuyện với Liên hiệp quốc hôm 25 tháng 9.
Tổng Giám mục Auza nhắc đến tông thư Laudato Si của Giáo hoàng Phanxicô như bằng chứng cho sự chú ý đang tăng cao dành cho ngài:
Văn phòng của tổng giám mục đã phân bổ hàng hàng bản sao văn kiện này.
Đức cha thêm rằng, các đại biểu Liên Hiệp Quốc của các nước đang phát triển, đặc biệt ‘xem giáo hoàng là một ngọn cờ đầu, một người thể hiện nguyện vọng và quan điểm của họ.’
Tông thư và lời kêu gọi mạnh mẽ cần có hành động quốc tế để làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu, đã là chủ đề thảo luận triền miên tại các hội nghị Liên hiệp quốc, chứ không chỉ là các trao đổi riêng.
Lời kêu gọi của giáo hoàng trong tông thư, muốn có một hình mẫu môi trường không chạy theo lợi nhuận tức thời mà không màng đến ảnh hưởng của nó đến môi trường hay người nghèo, đã thực sự đánh động sự đồng cảm của hầu hết các đại biểu.
Tổng giám mục Auza hi vọng tông thư và sự hứng khởi đem lại sẽ giúp cho các đại biểu của các quốc gia thúc đẩy một ý chí chính trị nhằm đạt được thỏa thuận về các tiêu chuẩn cứng rắn để đối phó với biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ hội nghị ở Paris vào tháng 11 và 12 năm nay.
‘Tông thư đã được dùng ở mọi mức để thảo luận về một đồng thuận cho hội nghị Paris sắp tới.
Tông thư đã cho các đại biểu ‘sự hứng khởi, triết lý, thần học, và cả lập luận luân lý về lý do vì sao chúng ta phải làm điều này.
Tôi chắc rằng tông thư đã tác động lên nhiều tâm thức và quan điểm của nhiều đại biểu, nhiều quốc gia.
Tất nhiên, tôi từng trao đổi với một vài đại biểu nói rằng, ‘Đúng đó, chúng tôi thực sự yêu mến đường lối suy tư của giáo hoàng, thích lắng nghe giáo hoàng, nhưng chúng tôi cũng có những vấn đề kỹ thuật.’
Nhưng bất chấp các cản trở này, tôi vẫn tin rằng giáo hoàng sẽ ‘đầy thuyết phục’ đối với họ.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch