Aleteia – cha Longernecker
Sáng chúa nhật chúng tôi đặt chân đến Assisi, và thành phố nổi danh này đầy các du khách, những người đi nghỉ cuối tuần, và các người hành hương. Vương cung Thánh đường chật kín người đi lễ nên chúng tôi quyết định bỏ qua các bức trang tường tuyệt đẹp ở đây, mà đến cử hành thánh lễ tại một nhà nguyện nhỏ chỉ cách mộ thánh Phanxicô vài bước. Khi viếng thăm Assisi, tôi nhớ lại 3 đức tính nổi danh của thánh Phanxicô, và thật xúc động khi thấy 3 đức tính này phản ánh trong đời sống và mục vụ của giáo hoàng Phanxicô hiện nay.
Thứ nhất, thánh Phanxicô nổi danh vì lòng yêu mến sự khó nghèo. Và lúc Đức Phanxicô nhận ra mình sắp được bầu làm giáo hoàng, hồng y Hummes bạn ngài, đã kề vai mà nói nhỏ, ‘Đừng quên người nghèo.’ Nhận lấy danh hiệu ‘Phanxicô’ giáo hoàng đã đưa việc ghi nhớ người nghèo vào tiêu chuẩn cho triều giáo hoàng của mình. Sự chú tâm của giáo hoàng Phanxicô dành cho người nghèo không chỉ là việc chào đón người vô gia cư đến dùng bữa, cung cấp cho họ phòng tắm và cắt tóc, cũng như đến thăm các tù nhân. Nhưng chính nhiệt tâm dành cho người nghèo đã khiến Đức Phanxicô phê phán chủ nghĩa tư bản không kiểm soát, một hệ thống kinh tế toàn cầu đang gây hại cho người nghèo, và những điều kiện làm việc tước đoạt tự do và chọn lựa của họ.
Tại sao giáo hoàng Phanxicô quá trung thành trong việc gìn giữ ‘chọn lựa ưu tiên cho người nghèo’ của đức tin Công giáo? Không phải chỉ bởi người nghèo cần giúp đỡ, nhưng là bởi từ người nghèo chúng ta học biết được một bài học thiêng liêng. Giáo hội Công giáo không dạy rằng nghèo khổ tự thân là một nhân đức. Nhưng, khi nghèo, chúng ta biết rằng chúng ta cần được giúp đỡ, và chỉ khi biết rằng mình cần giúp đỡ, chúng ta mới có thể kêu lên cùng Chúa, Đấng lấp đầy những nhu cầu thâm sâu nhất của chúng ta. Những lời ngôn sứ của giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả người giàu cũng phải chịu một dạng nghèo khổ, đó chính là bởi họ đang bị bần cùng hóa về tinh thần khi biến tiền bạc thành thần.
Đức tính nổi danh thứ hai của thánh Phanxicô là tình yêu với thiên nhiên. Bài vịnh ca mặt trời, bài giảng cho đàn chim, và việc thuần hóa chó sói, đã cho ngài sự ngưỡng mộ của tất cả những người dù có đức tin hay không. Tình yêu thiên nhiên của thánh Phanxicô được phản ánh nơi tông thư Laudato Si của giáo hoàng Phanxicô. Ngay từ đầu, giáo hoàng đã phản ánh tinh thần hân hoan của thánh Phanxicô và kêu gọi thế giới hãy làm tươi mới nhận thức về vai trò của mình là quản gia tạo vật.
Thánh Phanxicô thành Assisi nhắc nhở chúng ta rằng ngôi nhà chung của chúng ta như một người chị mà chúng ta chung sống, và như một người mẹ mở rộng vòng tay ôm lấy chúng ta. ‘Chúc tụng Chúa, qua người Chị, Mẹ Trái đất, duy trì và điều hòa chúng con, cho đủ loại trái trăng với hoa lá đủ màu.’ Người chị này giờ đang kêu lên với chúng ta bởi chúng ta đã gây hại cho chị bằng những lạm dụng vô trách nhiệm và xâm phạm những của mà Thiên Chúa đã phú cho chị. Chúng ta xem mình như chúa, như chủ, tự cho mình quyền tự tác.
Trong tông thư Laudato Si, giáo hoàng Phanxicô mang lấy tình yêu thiên nhiên của thánh Phanxicô, và lấy đó để liên kết với một thế giới đang hoài nghi tôn giáo, nhưng hết sức bận tâm về sự hủy hoại thế giới tự nhiên. Khi làm thế, ngài đưa bận tâm về môi trường lên một mức nhân văn cao hơn và sâu hơn. Ngài chỉ ra rằng người ta không thể bận tâm cho môi trường tự nhiên mà lại không bận tâm tương tự đến đau khổ của người nghèo, việc hủy hoại những trẻ thơ chưa được sinh ra, sự xâm hại trẻ em, sự cô đơn của người già và những nguy hại của tiến bộ khoa học vô kiểm soát.
Cũng như bận tâm của mình dành cho người nghèo, bận tâm của giáo hoàng Phanxicô về thế giới tự nhiên có một ý nghĩa thiêng liêng thâm sâu hơn cho nhân loại. Cuối tông thư, giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi một dạng thần nghiệm Phanxicô, trong đó sự chiêm ngắm tự nhiên dẫn dắt đến sự chiêm ngắm Đấng Tạo Hóa.
‘Cuối cùng, chúng ta thấy mình đối diện với vẻ đẹp vô hạn của Thiên Chúa, và với sự ngưỡng mộ và hạnh phúc, chúng ta có thể đọc thấy huyền bí của vũ trụ đang cùng chúng ta chia sẻ sự dồi dào vô tận … Sự sống bất diệt sẽ là một cảm nghiệm kính sợ kinh ngạc chung, trong đó mọi tạo vật, được biến đổi huy hoàng sẽ ở đúng nơi đúng chốn của mình … Còn lúc này, chúng ta cùng nhau đảm trách ngôi nhà đã được trao phó cho chúng ta … Trong sự hiệp nhất với mọi tạo vật, chúng ta lữ hành qua mảnh đất này mà tìm kiếm Thiên Chúa, bởi ‘nếu thế giới có một khởi đầu và đã được tạo dựng, thì chúng ta phải đi tìm Đấng đã tạo nên khởi đầu này, và là Đấng tạo tác chúng ta.’
Cuối cùng, giáo hoàng Phanxicô phản ánh đời sống và mục vụ của thánh Phanxicô trong năng lực giảng dạy với những hành động lớn lao và mang tính ngôn sứ. Trong bài phỏng vấn mới đây, tổng giám mục Gaenswein đã nhận xét rằng đây là một trong những điểm uy thế nhất của giáo hoàng Phanxicô. Dù ngài ôm một người dị tật, rửa chân cho tù nhân, chọn sống trong nhà trọ thánh Marta, hay đến thăm một khu ổ chuột, giáo hoàng Phanxicô đều thể hiện Tin mừng bằng hành động, và qua đó lên tiếng bằng một ngôn ngữ không lời vượt qua hết mọi rào cản ngôn từ và văn hóa để chạm đến hàng triệu triệu người.
Người Công giáo hay không Công giáo đều yêu mến thánh Phanxicô, chính bởi vì đời sống của ngài cũng là một hành động ngôn sứ lớn lao. Ngài là nhà thơ và ngôn sứ qua sự đơn sơ, qua gương mẫu mạnh mẽ và hành động chứng nhân. Đây cũng là một điều hệ trọng thiêng liêng sâu sắc hơn nữa, bởi tâm điểm sứ điệp Kitô giáo chính là sự thật về nhập thể khi Thiên Chúa bày tỏ chân lý của ngài không phải qua sách vở hay lời nói, nhưng là qua một con người lịch sử. Chúa Giêsu Kitô chính là hành động lớn lao của Thiên Chúa – Ngôi làm thành xác phàm.
Thánh Phanxicô đã sống 3 nguyên tắc này và, giờ đây trong thế kỷ XXI, qua một giáo hội luôn xưa cổ và cũng luôn mới mẻ, giáo hoàng Phanxicô đang làm sống động những chân lý mà Thánh Phanxicô thành Assisi đã sống cách đây gần 800 năm.