Lá thư từ Baltimore, Mỹ: “Đã có và sẽ có rất nhiều anh hùng”

202

aleteia.org, Zoe Romanovsky, 30-04-2015

Từ nhà mình đến hiện trường các biến cố xảy ra ở Baltimore, cái nhìn của nữ ký giả của Aleteia ở Mỹ.

Lá thư từ Baltimore, Mỹ

Tôi đang ngồi canh các cô con gái của tôi lướt xe trượt trên hè phố vào một sáng mùa xuân ở trung tâm thành phố Baltimore. Vậy mà chỉ cách đây 10 giờ, tôi không chắc gia đình tôi còn ở đây. Thật khó biết khi nào có lệnh di tản; tôi chưa bao giờ hình dung mình ở tâm bão của cuộc nổi dậy bạo động.

Sau hai tuần biểu tình ôn hòa sau cái chết của Freddie Gray – một thanh niên 25 tuổi bị chết sau chấn thương cột sống gây ra khi anh bị giữ ở đồn cảnh sát Baltimore -, các cuộc biểu tình đã thành những cuộc nổi dậy bạo loạn vào chiều thứ hai 27-4 và tiếp diễn cho đến khuya: hôi của, đốt nhà, cảnh sát bị tấn công, ký giả bị thương, vv.

Tất cả bắt đầu vào chiều thứ bảy 25-4 khi các cuộc biểu tình ôn hòa bỗng thay đổi. Hàng nhóm thanh niên và đàn ông giận dữ nhảy lên xe, ngừng tất cả mọi lưu thông, tấn công cảnh sát và người đi đường. Một trong các cô bạn của tôi đi xuống phố nhưng bị lạc đường, cô ở ngay giữa lòng bạo động, bị kẹt cứng trong vòng 90 phút. Trẻ con kinh sợ, chúng la hét trong xe. Nhưng chúa nhật, yên tĩnh trở lại và điều tệ nhất đã qua.

Tôi không biết tình trạng đã trở nên trầm trong và gần như ngoài kiểm soát vào ngày thứ hai, cho đến khi một cô bạn ở bang Carolina Nam gởi cho tôi một tin nhắn, hỏi tôi có bình yên không. Vì không có truyền hình, cô cho tôi biết tin tức chỉ xảy ra cách nhà tôi 3 cây số. Lúc đó chúng tôi tìm tin tức địa phương trên Internet: tình trạng nguy kịch. Khi đêm xuống, một trung tâm xây dựng khổng lồ bốc cháy, cũng như nhiều tòa nhà ở những nơi khác nhau trong thành phố và xe cộ bị đốt; người ta có thể nói đó là vùng chiến tranh.

Các lãnh đạo tôn giáo hiệp nhất cùng nhau đương đầu với bạo lực

Baltimore là một thành phố có nhiều vấn đề, không nghi ngờ gì về chuyện này: tham nhũng, căng thẳng giữa các chủng tộc, nạn thất nghiệp, nạn nghèo khổ, ma tuý, tội ác, vô gia cư… Thế mà đây là thành phố cảng tuyệt vời, có văn hóa và lịch sử phong phú, có rất nhiều, rất rất nhiều người lao động, đầy đức tin. Là bà mẹ da trắng với hai đứa con da đen, tôi luôn cảm thấy mình được đón nhận và được nâng đỡ trong thành phố này. Baltimore có thể là nồi thuốc súng nhưng là một thành phố có quả tim rộng mở.

Các lãnh đạo tôn giáo cùng đoàn kết với nhau trước các biến cố. Ngay cả các báo chí lương dân – đặc biệt là báo chí địa phương – cũng đã ca ngợi cố gắng của các vị chủ chăn và các lãnh đạo tôn giáo địa phương tất cả mọi tín ngưỡng. Họ đã làm việc liên tục và đã thành công lớn.

Ngay cả các phe đối lập nhau, Crips và Bloods cũng cùng nhau lên truyền hình để khẩn cấp kêu gọi những người nổi dậy ngưng đập phá thành phố mình. Hôm đó gia đình Freddie Gray làm lễ tang cho con mình và anh mình nhưng họ cũng xin ngưng bạo động. Tất cả những ai còn một chút lương tri trong thành phố này đều hiểu bạo lực và phá hoại không giải quyết được vấn đề hung bạo của cảnh sát cũng như nạn bất bình đẳng trong xã hội.

Đã có và sẽ có rất nhiều anh hùng ở Baltimore. Khi tôi viết những dòng này, tình trạng thành phố đã ổn định hơn. Một vài người cho rằng phản ứng của nhà cầm quyền hơi yếu nhưng tôi có cảm tưởng, qua các sự kiện xảy ra, ai cũng muốn tình trạng này sớm được kiểm soát. Tuy nhiên tình trạng yên tĩnh vẫn còn mong manh và tạm thời. Sáng nay khi tôi lái xe đi chợ, quân đội cầm súng và mang mộc khiên canh gác đường phố. Cảnh sát gác trước các cửa tiệm. Ngày mai đội bóng chày Orioles của Baltimore sẽ đấu với đội White Sox của Chicago ở một sân vận động gần nhà tôi vài trăm mét, sân vận động sẽ đóng cửa không cho dân chúng vào. Và các công dân bình thường như chúng tôi cầu nguyện để thành phố chúng tôi sớm vãn hồi an ninh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch