Chiều ngày thứ năm, Giáo hoàng đã cử hành thánh lễ Tiệc ly tại nhà tù Rebibbia. Ngài bắt đầu nghi thức rửa chân bằng việc rửa chân cho một phụ nữ Nigeria đang bồng con trên tay. ‘Thiên Chúa yêu thương từng người một, với đầy đủ tên họ.’
Vatican Insider – Iacopo Scaramuzzi – 03/4/15
Khi Đức Thánh Cha đến nhà tù Rebibbia ở Roma, khoảng 5giờ chiều, ngài được chào đón bằng trào pháo tay nồng hậu, và ngài ôm chào từng người trong số 300 tù nhân đang chờ đón ngài trong sân. Ngài cũng ôm chào một nhóm các quản giáo, các nhân viên điều hành, tình nguyện viên và các cha tuyên úy.
Trong nhà nguyện ‘Lạy Cha’ của nhà tù, Đức Phanxicô cử hành thánh lễ, và trong bài giảng, ngài với các tù nhân bao gồm 150 nam tù nhân, và 150 nữ tù, trong đó có 15 bà mẹ cùng với con cái.
‘Ngày thứ năm này, Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với các môn đệ của mình để mừng lễ Phục Sinh. Trong đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe, có một đoạn cho thấy chính xác những gì Chúa Giêsu làm cho tất cả chúng ta, đó là yêu thương những người thuộc về Ngài trong thế gian, Ngài yêu thương họ đến cùng. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Yêu thương vô hạn, luôn luôn, đến tận cùng. Tình yêu thương Chúa Giêsu dành cho chúng ta là không giới hạn, mà ngày một tăng thêm, tăng thêm nữa. Ngài không bao giờ mệt mỏi khi yêu thương bất kỳ ai.
Ngài yêu thương tất cả chúng ta, đến độ trao ban mạng sống của mình cho chúng ta, đúng thế, trao ban mạng sống của Ngài cho chúng ta, trao ban mạng sống của chính Ngài cho mỗi một người trong chúng ta, và như thế chúng ta có thể nói rằng: Ngài đã ban mạng sống Ngài cho tôi. Ngài ban mạng sống, cho các bạn, cho bạn, cho tôi. Ngài yêu thương cụ thể từng người, mỗi một người trong chúng ta với đầy đủ tên họ. Tình yêu của Chúa Giêsu không bao giờ nản lòng, bởi Ngài không bao giờ mệt mỏi khi yêu thương. Cũng như Ngài không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Ngài không bao giờ mệt mỏi khi ôm ấp chúng ta.
Đây là điều trên hết mà tôi muốn nói với các bạn. Chúa Giêsu yêu thương tất cả và mỗi một người chúng ta bây giờ cho đến tận cùng. Và ngài làm những việc mà các môn đệ không thể hiểu được, ngài đi rửa chân cho họ. Đây là tục lệ thời đó, bởi khi người ta bước vào nhà, chân họ đang bị lấm bẩn bởi bụi đường, thời đó chưa có đá rải đường như bây giờ [giáo hoàng mỉm cười giải thích] Và người ta rửa chân trước khi vào nhà. Nhưng không phải chủ nhà đích thân rửa chân cho khách, mà đây là việc của các đầy tớ, việc của nô lệ. Và Chúa Giêsu, như một nô lệ, rửa chân cho chúng ta. Ngài rửa chân cho các môn đệ. Ngài nói với Phêrô ‘Con không hiểu được những gì Ta đang làm, nhưng rồi con sẽ hiểu sau.’
Tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta quá lớn lao, đến độ Ngài trở nên một nô lệ để phục vụ chúng ta, chữa lành chúng ta, tẩy sạch chúng ta. Ngày hôm nay, trong thánh lễ này, Giáo hội muốn các linh mục rửa chân cho 12 người là hình tượng 12 tông đồ. Nhưng chúng ta phải xác quyết trong lòng, phải biết chắc rằng, khi Chúa rửa chân cho chúng ta, Ngài tẩy sạch mọi sự, Ngài thanh tẩy chúng ta. Ngài cho chúng ta cảm nhận tình yêu của Ngài một lần nữa. Trong Kinh thánh, có một đoạn rất đẹp của ngôn sứ Isaiah rằng: người mẹ có thể nào quên con mình chăng? Một bà mẹ có thể quên con của mình, nhưng Ta sẽ không bao giờ quên con. Chính đó, tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi như thế đó.
Và hôm nay, tôi sẽ rửa chân cho 12 người các bạn. Nhưng tất cả các bạn đều ở trong các anh chị em này, tất cả các bạn, tất cả những người ở đây. 12 người này đại diện cho các bạn. Nhưng cả tôi cũng cần được Chúa tẩy rửa, và trong thánh lễ này, xin các bạn cầu nguyện cho tôi. Nguyện xin Chúa cũng rửa xạch những nhơ uế xấu xa của tôi để tôi trở nên nô lệ của các bạn, nô lệ cho việc phục vụ mọi người, như Chúa Giêsu khi xưa vậy.’
Rồi Đức Phanxicô quỳ gối, rửa chân và hôn chân cho 12 tù nhân, bắt đầu từ một bà mẹ trẻ người Nigeria đang bồng con trên tay. Đức Phanxicô lay chân em bé, rồi ngài tiếp tục rửa chân cho từng tù nhân một với nụ cười trên môi. Được biết, Giáo hoàng đã rửa chân cho 6 nữ tù nhân, 2 người Nigeria, 1người Congo, 2 người Ý, và 1 người Ecuador – cùng với 6 nam tù nhân, 1 người Brazil, 1 người Nigeria và 4 người Ý.
Trong lời nguyện kết lễ, cha Spriano, tuyên úy của Rebibbia, nhắc về một tù nhân đã tự vẫn hôm 28 tháng 3, và cầu nguyện cách riêng cho ‘người bạn vừa chết cách đây mấy ngày trong nhà tù này.’ Trước khi rời nhà nguyện, Đức Phanxicô nán lại một lát để chào hỏi và ôm các tù nhân. Tiếng pháo tay nồng ấm vang lên không dứt.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch