Giáo hoàng Phanxicô, người cải cách?

368

Ameriacmagazine – Glen Argan – 03/3/15

Sử gia giáo hội nói rằng giáo hoàng có những kẻ địch bên trong và ngoài giáo hội.

Giáo hoàng Phanxicô, người cải cách

Giáo hoàng Phanxicô là một nhà cải cách triệt để, phải đối diện với những kẻ thù trong và ngoài giáo hội, chống đối ít nhất là một số điểm trong nghị trình của ngài.

Massimo Faggioli,, một chuyên gia về Công đồng Vatican II và là tác giả một số sách về giáo hội, đã nói rằng giáo hoàng không phải là một người theo chủ nghĩa tự do vốn đề cao các cá nhân là trung tâm thế giới và tối thiểu hóa vai trò của giáo hội trong đời sống chung.

Nhưng, theo Faggioli, Đức Phanxicô xem giáo hội có một vai trò quan trọng trong xã hội, và tất nhiên là ‘trong mọi sự của nhân loại.’ Đây là những nhận định của ông trong diễn đàn thường niên Anthony Jordan hôm 28 tháng 2, tại chủng viện thánh Giuse. ‘Đây không phải là một suy tư theo chủ nghĩa tự do, nhưng là một suy tư Kitô giáo căn bản.’

Faggioli là giáo sư thần học tại Đại học thánh Tôma ở Minnesota, và là tác giả một số sách, trong đó có quyển ‘Giáo hoàng Phanxicô: Truyền thống trong Truyền tiếp,’ sẽ được Paulist Press xuất bản vào tháng năm tới.

Diễn đàn Anthony Jordan được tổ chức bởi Đại học Thần học Newman, với sự hỗ trợ của Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ.

Faggioli nói rằng, Giáo hoàng Phanxicô tự xem mình có 2 ủy thác cải cách.

Ủy thác thứ nhất ngài nhận được từ các hồng y trong mật nghị tháng 3 năm 2013, đã bất ngờ chọn ngài làm giáo hoàng. Ủy thác này là muốn xử lý các vấn đề tài chính Vatican, tham nhũng, xâm hại tình dục, và cải tổ giáo triều.

Có một sự đồng thuận về nhu cầu cần phải thực hiện cải cách này, và giáo hoàng không phải đối mặt với những phản đối dữ dội nào để thực hiện chúng.

‘Nhưng, ngay từ đầu, ngài đã làm rõ rằng, ngài có một ủy thác khác nữa, không phải đến từ mật nghị hồng y hay từ thể chế giáo hội.’ Mà đây là ‘ủy thác toàn dân,’ rút ra từ trải nghiệm của ngài khi làm tổng giám mục Buenos Aires.

Ủy thác toàn dân này, được xác định bởi lời của ngài, ‘Tôi là ai mà phán xét?’ khi nói về một người đồng tính, ‘nhưng tìm kiếm Thiên Chúa, với lòng thiện tâm.’

‘Đây là thách thức đòi hỏi thực sự mà ngài đưa ra cho giáo hội. Và đây cũng là điểm khiến ngài gây thù chuốc oán với một số người.’

Ủy thác toàn dân này bao gồm việc giải quyết một số vấn đề mới nảy sinh từ thời Công đồng Vatican II, như vai trò phụ nữ trong giáo hội, gia đình và hôn nhân. Từ đó khiến Đức Phanxicô lập hội đồng 9 hồng y, họp 2 tháng một lần để giúp ngài quản trị giáo hội.

Faggioli nói rằng, việc lập hội đồng này, ‘về căn bản nghĩa là nói với Giáo triều Roma, ‘Các bạn bị sa thải.”

Trong quá khứ, bất kỳ lúc nào có một ban bệ nào được thành lập trong giáo hội, tất cả vẫn nằm trong giáo triều. Nhưng, 6 trong 9 thành viên của hội đồng các hồng y này, là những giám quản hay cựu giám quản về hưu của các giáo phận.

Một vài giám mục ở Công đồng Vatican II hồi năm 1963, muốn lập một hội đồng tương tự như hội đồng của giáo hoàng Phanxicô, nhưng rồi họ đã nhận được một lá thư mật từ quốc vụ khanh Vatican bảo rằng họ chẳng có quyền gì để nhắm đến một chuyện như thế cả.

‘Giáo hoàng Phanxicô đã thay đổi một số chuyện. Đây là một dạng thay đổi gây nên một loạt phản ứng đáng chú ý và gây náo động.’

Một vài chống đối đến từ bên trong giáo triều, nhưng Faggioli cho rằng ‘quyền lực tuyệt đối’ của giáo triều ‘là một chuyện bịa hơn là sự thật.’

‘Chúng ta thấy họ đầy quyền lực, nhưng lại không phải thế.’

Faggioli kể rằng có một hồng y nói rằng mình sẽ chống lại giáo hoàng nếu ngài xói mòn sự hiệp nhất trong giáo hội, và ông thấy đây là ‘một chuyện mới, chưa từng có.’

Sử gia này cho biết ông chưa từng thấy sự chống đối giáo hoàng nào như thế trong bất kỳ triều giáo hoàng nào.

‘Đây là điều khiến tôi lo lắng.’

Điển hình là, những người đang chống đối giáo hoàng cũng chính là những người ‘suốt hàng thập kỷ qua đã không ngừng nói rằng điều quan trọng nhất của người Công giáo là vâng lời giáo hoàng. Nhưng khi có một giáo hoàng mà họ không thích, thì họ lại quay qua trở thành những người Công giáo theo chủ nghĩa tự do.’

Trong bài nói của mình, Faggioli cũng nói về sự chống đối giáo hoàng ở châu Âu, xuất phát từ ‘lực lượng kinh tế trí thức không Công giáo,’ bao gồm các tập đoàn và các lãnh đạo truyền thông.

Những người này xem Giáo hoàng Phanxicô là một thần học gia của thần học giải phóng, người thách thức ‘một đường lối hiểu nhất định về thế giới qua cái nhìn của Tây phương.’

Sử gia Faggioli cũng dự báo rằng, mùa thu năm nay sẽ là thời điểm then chốt của giáo hoàng Phanxicô. Tông thư về môi trường của ngài sẽ được ban hành vào mùa thu tới, tháng 9 ngài sẽ công du Hoa Kỳ ‘một chuyến công du phức tạp nhất của triều giáo hoàng cho đến nay,’ và vào tháng 10, sẽ là Hội đồng Giám mục về Gia đình nữa.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch