Đức Phanxicô, một giáo hoàng bênh vực cho “nữ quyền”?
lemondedesreligions.fr, Bénédicte Lutaud, Rôma, 17-2-2015
Đức Phanxicô không ngừng nêu lên vị trí “đa số” mà phụ nữ phải có trong đời sống hội thánh. Nhưng ngài sẽ đi đến đâu?
“Phụ nữ phải được coi trọng trong Giáo hội.” “Phải nói lên tính cách giải phóng của họ”. Từ đầu triều giáo hoàng, Trong các bài diễn văn của mình, Đức Phanxicô đã nói rất nhiều về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Ngài có phải là người bênh vực cho nữ quyền không? Nếu việc phong chức cho phụ nữ chưa phải là mục tiêu của ngài bây giờ thì gần như ngài đã quyết tâm mang đến cho họ một vai trò rõ rệt trong đời sống Giáo hội. Cải cách Giáo triều, một công trường chính trong triều giáo hoàng của ngài, sẽ là dịp để bổ nhiệm các khuôn mặt phụ nữ đứng đầu các ban bộ, không phải là không có những kháng cự mạnh mà ngài sẽ gặp trong chính ban quản trị của mình.
Chỉ một vài ngài sau khi được bầu chọn, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Phanxicô đã rửa chân cho hai phụ nữ trong một nhà tù của La Mã. Đó là lần đầu tiên. Một tuần sau, trong một bài diễn văn, ngài khẳng định phụ nữ có một “vai trò đặc biệt để mở các cánh cửa của Chúa”. Tháng 11-2013, trong Tông huấn Tin Mừng, Đức Phanxicô nói rõ ràng: Ngài mời gọi suy tư về “vai trò có thể có của phụ nữ trong những vị trí nắm giữ những quyết định quan trọng”. Tháng 12-2014, ngài đòi hỏi “quyền của phụ nữ phải được biết đến nhiều hơn”, trong “đời sống xã hội cũng như trong đời sống nghề nghiệp”.
“Như trái dâu trên chiếc bánh ngọt”
Nhưng Đức Phanxicô không ngừng ở lời nói. Tháng 3-2014, ngài bbổ nhiệm bà Margaret Archer làm chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về khoa học xã hội, bà là một nhà xã hội học danh tiếng. Tháng 7, lần đầu tiên ngài bổ nhiệm một phụ nữ đứng đầu một đại học giáo hoàng, nữ tu Mary Melone. Từ nay Hội đồng giáo hoàng Bảo vệ Trẻ em có số nhân viên nam nữ bằng nhau. Tháng 9, Đức Phanxicô bổ nhiệm năm phụ nữ vào Hội đồng Thần học Quốc tế, một hội đồng có giá thế. Ba tháng sau, ngài khẳng định: “Phụ nữ như trái dâu trên chiếc bánh ngọt! Phải cần có thêm nữa!”.
Ở Vatican, người ta thì thầm ngài còn đi xa hơn: chọn một nữ tu đứng đầu bộ đảm trách mục vụ cho người di dân. Hồng y Maradiaga, phối hợp viên của Hội đồng hồng y giúp cho giáo hoàng trong việc cải cách Giáo triều, đã nêu lên khả năng có thể có một cặp vợ chồng đứng đầu Hội đồng giáo hoàng đảm trách giáo dân. Sự hiện diện của một phụ nữ ở địa vị cao trong Bộ lo về các thể chế của đời sống tận hiến không phải là chuyện không dự trù được, theo bà Lucetta Scaraffia, một chuyên gia về địa vị phụ nữ trong Giáo hội ở báo L’Obsservatore Romano.
Liên tục trong nội dung, cắt đứt trong hình thức
Cho đến bây giờ, phụ nữ chưa bao giờ bước qua được con “số 3” trong Giáo triều. Năm 2010, dưới triều Đức Bênêđictô XVI, lần đầu tiên một phụ nữ, bà Flaminia Giovanelli, được bổ nhiệm vào chức vụ phó chủ tịch của một cơ quan lớn: Hội đồng giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Một năm sau, nữ tu Nicla Spezzati trở thành số 3 của Bộ lo về Đời sống Tận hiến.
Về nội dung thì Đức Phanxicô ở trong con đường của các bị tiền nhiệm, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI của ngài. Đức Bênêđictô XVI còn hỗ trợ cho việc khai sinh ra một chức vụ bổ túc ở L’Osservatore Romano. Bà Lucetta Scaraffia cho biết, chính trong tổng thể các bài diễn văn của mình mà Đức Bergoglio cho thấy sự khác biệt của mình khi “can đảm tố cáo vai trò thứ yếu của phụ nữ trong Giáo hội”. Bà Romilda Ferrauto, chủ biên phân bộ tiếng Pháp của Radio Vatican còn đi xa hơn, “Ngài còn táo bạo hơn trong cách ngài diễn tả, quyết định và nâng giá trị cho phụ nữ. Hành trình cá nhân của ngài đã làm điều khác biệt.” Cũng không nói hơn, tác giả Armando Rubén Puente đã kể trong “Cuộc đời của Jorge Bergoglio” rằng, hồng y Jorge Mario Bergoglio khi còn làm tổng giám mục Buenos Aires, ngài đã cứu nhiều cô gái đứng đường và những người khai thác họ.
Nhưng thái độ này không làm cho mọi người vui lòng. Nhiều hồng y của Giáo triều không giấu được sự bực tức của họ. Nếu Đức Phanxicô quyết định bổ nhiệm phụ nữ đứng đầu các ban bộ, “điều đó có nghĩa họ sẽ dùng các địa vị này để thăng tiến nghề nghiệp. Sẽ có các kháng cự mãnh liệt, bà Lucetta Scaraffia tiên đoán. Tôi không biết Đức giáo hoàng có thể đương đầu được không.” “Sẽ không đơn giản. Cũng như phần còn lại của việc cải cách Giáo triều”, bà Romilda Ferrauto thừa nhận.
Không được chịu chức thánh
Tuy nhiên bài diễn văn của Đức giáo hoàng có những giới hạn rõ ràng. Về việc chịu chức thánh cho phụ nữ, ngài dứt khoát: “chức thánh là dành cho đàn ông (…) không bàn cãi về chuyện này”, ngài viết trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Đức Phanxicô xác nhận cương vị của Giáo hội khi ngài nói về các giá trị của phụ nữ: “Họ là điều họ mang, họ là mẹ của cộng đoàn.” Chủ nghĩa nữ quyền? Một “triết lý có nguy cơ biến nam tính thành nữ tính”. Rõ là như thế.
Bà Lucetta Scaraffia xác định, “Vatican duy trì ý tưởng cho rằng đàn ông, đàn bà có những vai trò khác nhau và bổ túc cho nhau. Vấn đề là người ta xem địa vị của đàn ông thì cao hơn, nhưng không phải vậy. Đàn bà không cần địa vị trong chức thánh.”
Bà Kate McElwee là giám đốc tổ chức Mỹ, Women’s ordination Conference ở Rôma, bà ủng hộ việc phong chức thánh cho phụ nữ. Theo bà, thái độ của Giáo hội là “kỳ thị giới tính. Nói rằng đàn bà có tính thiêng liêng hơn, có tình mẫu tử hơn là để biện minh cho uy quyền được giao cho đàn ông”.
Nâng cao giá trị của các phụ nữ tận hiến làm việc trên thực địa
Từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 2 vừa qua, bà Kate McElwee tham dự một cuộc hội thảo do Hội đồng giáo hoàng về văn hóa tổ chức. Trên bản trình bày, không có vấn đề chịu chức của phụ nữ được ghi trong chương trình nghị sự: “Theo thống kê, chủ đề này ít ai quan tâm.” “Tôi thích xem thống kê!”, bà McElwee châm biếm nói, trong lúc có 63% người Công giáo Mỹ ủng hộ cho việc phong chức thánh cho phụ nữ. Ở Pháp, theo một thống kê được công bố trên báo Le Monde và La Croix năm 2009, có 63 % tín hữu ủng hộ việc này.
Cũng vậy, bà Romilda Ferrauto làm dịu lại, cuộc gặp gỡ này đã giúp nâng cao vai trò của các nữ tu trên thực địa nhất là nữ tu Eugenia Bonetti, một hình ảnh tượng trưng ở Âu châu cho việc chống lại nạn buôn người, các nữ di dân Phi châu bị cưỡng bức làm điếm. “Các nữ tu là những người duy nhất có thể dễ dàng đến gần với các cô làm điếm”, bà Romilda Ferrauto, chủ biên phận bộ tiếng Pháp của Radio Vatican cho biết như trên. “Ngày nay, các nữ tu chiếm hai phần ba cộng đoàn nhưng họ không có tiếng nói nào”, bà Lucetta Scaraffia than phiền.
Bà Anne-Marie Pelletier, giáo sư ở Trường Bernardin và người được giải Ratzinger 2014 đã tham dự vào buổi hội thảo của Hội đồng giáo hoàng về văn hóa. Bà xác nhận: “Ngày nay, có một số phụ nữ giữ khoảng cách đối với các thể chế giáo sĩ mà họ cho rằng họ ít được ghi nhận về lao nhọc vô bờ mà họ đã hoàn tựu.”
Phụ nữ trong chủng viện và nhiều nữ thần học gia hơn
Bà Lucetta Scaraffia cũng bênh vực để có thêm các phụ nữ giảng dạy trong các chủng viện: “Các linh mục tương lai sẽ quen nhìn phụ nữ trong các chức vụ cao. Cho đến bây giờ họ chỉ quen nhìn các bà rửa chén!”
Mặt khác, chính trong lãnh vực tri thức mà Giáo hoàng Phanxicô là người có thiện ý nhất trong việc bổ nhiệm các phụ nữ. Phải “rút tỉa phần đóng góp đặc biệt tốt nhất của họ trong sự nhận thức của đức tin”, ngài đã phát biểu như trên trước hội đồng Thần học Quốc tế vào tháng 12 vừa qua. Để làm được như vậy, phải “suy tư lại tất cả truyền thống Kitô về phụ nữ trong Phúc Âm: Mácta, Maria, người phụ nữ Samarita và Maria Mácđalêna, bà Lucetta Scaraffia nhận xét. Các Tổ phụ Giáo hội nói đến nữ tính của Thiên Chúa được diễn giải qua Thần Khí”. “Kiểu tiến hóa có tính cách như một cuộc động đất nhỏ này chỉ có thể làm tối thiểu trong kiên nhẫn và tin tưởng. Nhưng động thái đã khởi đầu”, bà Anne-Marie Pelletier vui mừng cho biết.
Marta An Nguyễn chuyển dịch