Trích sách Giáo hoàng của Thế Giới Mới, Michel Cool
Trong một dịp đến Argentina, cha Stan Rougier có dịp gặp hồng y Bergoglio. Cha nhớ hồng y đã rất nhiệt tình trước các sáng kiến để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người nghèo khu ngoại ô Buenos Aires.
“Đó là năm 1999, tôi đang chuẩn bị viết một quyển sách về cha Paco Huidobro, một trong các bạn ở chủng viện Maison de France của tôi, cha người gốc Tây Ban Nha. Nhân viên cựu hầm mõ này xuất thân trong một gia đình cộng sản, chính bản thân ông ở trong Đảng Cộng sản và ông đã chọn làm linh mục-thợ ở Argentina. Tại đây, trong các thành phố ổ chuột của thủ đô, ông đã đưa ra rất nhiều sáng kiến hướng về người nghèo, giúp họ sinh sống và giúp các phụ nữ bị bỏ rơi. Trước cả danh hài Coluche, người sáng lập các Tiệm ăn Tình thương ở Pháp, cha Huidobro đã mở các tiệm ăn Tình Thương và phân phát các túi thực phẩm để cho những ai đang cần. Ông gắn bó với Chúa Kitô một cách đặc biệt. Mỗi ngày chúa nhật, ông mang Mình Thánh Chúa đi từng nhà.
Trong cuộc nói chuyện đức tổng giám mục Bergoglio, dưới mắt tôi, cha là một người cực kỳ nhiệt huyết với những sáng kiến của tình đoàn kết. Một con người cởi mở và dễ đến gần, có khả năng lắng nghe rất lâu và tìm tòi học hỏi nếu điều đó cha không biết. Nói về cha Paco, đức tổng giám mục không ngần ngại nói cha không thể giao cho cha Paco làm phó, vì không ai có thể sống buông bỏ hoàn toàn như cha Paco được. “Bạn của bạn là một vị thánh,” cha âm thầm thố lộ cho tôi biết. Cha Paco đã về với Chúa. Người ta phán xét con người qua những gì họ yêu thương, và dịp này, tôi bị đánh động bởi lòng tốt, sự ý nhị, lòng quãng đại của vị giám chức này. Bây giờ có một vài người xếp cha ở phía bảo thủ nhưng tôi có thể làm chứng cho sự ngưỡng mộ của cha, và nó là hai chiều, vị tu sĩ cánh tả này, là người hoàn toàn phục vụ những người nghèo nhất trong các thành phố ổ chuột. Hãy nghĩ đến vị chủ chăn này, trong suốt thời kỳ nhiệm chức của cha, cha đã tăng gấp đôi con số các linh mục phục vụ trong các khu vực khó khăn. Đó là con số không phải nhỏ.
Vài năm trước đó, sau khi nhận chức, vị tân giáo hoàng trong bài giảng buổi lễ kỷ niệm Cách Mạng Tháng Năm đã có những lời rất can đảm. “Từ trên trời, tiếng nói thầm lặng của không biết bao nhiêu người đã chết van xin chúng ta đừng lập lại các sai lầm của quá khứ. Chỉ như vậy mới mang lại một ý nghĩa cho số phận bi thảm của họ.” Vì thế tôi không hiểu vì sao có người lại nghi ngờ cha đã tố cáo hai linh mục dòng Tên trong thời kỳ độc tài hoặc trách cha đã giữ im lặng.
Đối với tôi, tất cả những điều này là những điều không nghĩ tới được, không tưởng tượng được! Phải phân tích các sự kiện, hoàn cảnh, bối cảnh để có thể hiểu cương vị của người này người kia trước khi phê phán quá nhanh.
Cha đã chọn tên thánh là Phanxicô và đây là dịp để nhắc lại thánh Phanxicô. Đương nhiên thánh Phanxicô là vị thánh buông xả hoàn toàn, chọn sống nghèo là mục đích và lý tưởng đời mình. Nhưng chúng ta đừng quên thánh Phanxicô là người tỏa ra một lối sống thanh thản, hòa bình. Các cộng đoàn, các nhóm do thánh Phanxicô thành lập đã hiểu và sống thông điệp dịu dàng toát ra từ cha một cách sâu đậm. Vì thế, chính tinh thần hòa bình và yêu thương này sẽ làm cho Giáo hội biến đổi từ chiều sâu và không bạo lực. Giáo hoàng Phanxicô đã thật sự đặt ưu tiên vừa làm mới, vừa hoán cải Giáo hội vừa tôn trọng thứ bậc. Để nói đến tiến trình tế nhị này, tôi mượn lời của Khổng Tử: “Hãy thắp một ngọn nến thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối.”
Tôi xác tín vị tân giáo hoàng sẽ có tinh thần này. Từ từ, nhẹ nhàng, có thể là không thể cảm thấy, cha sẽ thay đổi, có thể chúng ta sẽ không thấy nhưng hoa quả của chúng có thể sẽ được hái sau này.
Nguyễn Tùng Lâm dịch