independent.com, Kevin Schembri Orland, 4-1-2015
Khi trả lời các câu hỏi về giáo hoàng năm 2014 và các kỳ vọng về ngài cho năm 2015, Cha Joe Borg, giảng viên đại học và là nhà bình luận, tin rằng Giáo hoàng Phanxicô tuyệt đối chính là Giáo hoàng mà Giáo hội cần lúc này.
Tờ Malta Independent đã hỏi giám mục Mario Grech địa phận Gozo, Malta, nghệ sĩ vô thần Roger Tirazona, và linh mục Borg, xem họ nghĩ gì về Giáo hoàng Phanxicô và kỳ vọng gì cho Giáo hội Công giáo trong năm 2015. Các câu trả lời của họ như sau:
“Mới đây, Giáo hoàng Phanxicô cảm thấy cần phải phân biệt giữa một Phanxicô thật và một Phanxicô giả do truyền thông dựng lên. Ngài đã trả lời cho một nữ ký giả Argentina rằng, ai muốn biết ngài nói gì, hãy đọc các bài giảng và các văn bản của ngài, chứ đừng nghe theo những gì truyền thông nói.
Truyền thông mô tả ngài là một người “theo thuyết hổ lốn” vì đã cầu nguyện ở đền thờ Hồi giáo Blue Mosque ở Istanbul, một việc mà Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô cũng đã làm. Theo truyền thông, Đức Phanxicô đã có những tuyên bố thần học cấp tiến về sự tạo dựng, dù cho những gì ngài nói đều là lặp lại những lời giáo hoàng Piô XII đã viết cách đây 50 năm. Truyền thông nói, ngài rời Vatican giữa đêm để đem thức ăn đến cho người vô gia cư, dù chính giáo hoàng đã nói, ngài chưa bao giờ làm việc đó. Và mới đây, chúng ta được nghe rằng Giáo hoàng nói, thú nuôi trong nhà cũng có thể lên thiên đàng. Mà chuyện này đơn thuần là sự bùng nổ thông tin sai lầm đến từ một câu chuyện mạo nhận về giáo hoàng Phaolô VI.”
Cha Borg tin rằng, Phanxicô thật thì tuyệt vời hơn nhiều so với Phanxicô giả mà truyền thông dựng lên. “Ngài đã thổi bùng trí tưởng tượng của giáo dân và thấm nhuần cho họ một niềm hy vọng bằng các hành động biểu tượng, các so sánh dũng cảm của mình, và biểu lộ sự thật ngàn năm bằng cách nói đơn sơ thường ngày dính với mọi người. Đóng góp lớn nhất của ngài chính là đã tự giải thoát mình khỏi mẫu giáo hoàng mà bộ máy quan liêu của Vatican đã áp đặt lên các giáo hoàng. Đức Phanxicô đã bỏ qua một vài bộ áo lễ hoa mỹ và đã đơn giản hóa các nghi lễ rất nhiều đến mức làm cho người Công giáo cánh hữu phải bực mình. Ngài sống trong Nhà trọ của Vatican cùng với các tu sĩ khác thay vì ở trong cung điện giáo hoàng một mình. Ngày thứ năm tuần thánh, ngài dâng thánh lễ với những người bị áp bức và dễ bị tổn thương, chứ không phải với các hồng y cấp cao. Ngài từ chối dùng chuyên xa chống đạn của giáo hoàng, ngài tự gọi điện thoại, ngài trò chuyện với các nhà báo, và còn nữa, còn nữa.”
Đọc các bài viết của ngài, sẽ thấy ngài có cùng một nền thần học với Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô, “người đã bị truyền thông bêu rếu một cách bất công.” “Đức Phanxicô còn mạo hiểm hơn nữa khi cố gắng tìm các giải pháp mục vụ để giúp đỡ những người bị đẩy ra bên rìa Giáo hội. Các độc giả chính của ngài, không phải là những người an toàn trong vùng tiện nghi thoải mái của các tổ chức Giáo hội, nhưng là những người, vì lý do lý do kia cảm thấy khó chịu hay không được chào đón trong Giáo hội, hoặc đã từ bỏ Giáo hội lâu rồi.”
Về Hội đồng gia đình hồi tháng 10 vừa qua, cha Borg hy vọng Hội đồng này có thể chỉnh đốn lại chiến lược mục vụ gia đình của Giáo hội, và sẽ có bước tiến lớn, nếu Hội đồng thành công trong việc chấp nhận các gia đình không hoàn hảo, đồng ý cho rước lễ đối với những người mà hôn nhân đã tan vỡ vô phương cứu chữa nhưng không phải do lỗi của họ và hiện đang sống trong một mối quan hệ bất thường theo quan điểm của Giáo hội. “Ngay cả nếu điều này không xảy ra, thì Hội đồng vẫn còn nhiều điều có thể làm để giúp đỡ những người Công giáo, đặc biệt là những người gặp vấn đề về hôn nhân.”
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các buổi họp tiền mật nghị đã đặt ra với tân giáo hoàng, chính là cải tổ Giáo triều Roma. Đức Phanxicô đã cật lực làm việc để xây dựng một cơ cấu mới, đạt được sự minh bạch trong hoạt động và thấm nhuần một tinh thần phục vụ. Đây không phải là chuyện cải tổ dễ dàng, nhưng nếu được, sẽ có tác động lâu dài đối với đường lối điều hành tổng thể và địa phương của Giáo hội. Mang tính hội đồng nhiều hơn, giáo dân có vai trò lớn hơn, toàn cầu hóa hơn các trị trí chủ chốt, giảm bớt tuổi của các trưởng cơ quan, và tổ chức hợp lý cơ cấu bộ máy giáo triều sao cho hiệu quả hơn.
Giáo hoàng Phanxicô, Tội nhân
Giám mục Mario Grech của địa phận Gozo cho biết: “Giáo hoàng Phanxicô tự nhận mình là tội nhân, như người môn đệ tín thác vào lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Chúa, như một người cần được cầu nguyện, như một đứa con của Giáo hội. Và chính ngài đã sống sứ mạng làm Giáo hoàng bằng việc phục vụ rao giảng “Niềm vui Tin mừng.” Là con người cầu nguyện, ngài để Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn mình và cho mình thấy con đường đi tới của Giáo hội trong thời buổi này. Tôi nghĩ một trong những khía cạnh chính của triều giáo hoàng Phanxicô là tinh thần “hội đồng” đang được thăng tiến trong Giáo hội. Tất cả những người được rửa tội tạo nên một Dân Chúa và tất cả đều được kêu gọi đóng góp vào sự hoán cải luôn mãi của Giáo hội. Chúng ta cảm nhận được một tinh thần như thế trong vài tháng trước Hội đồng về Gia đình, và trong các tranh luận thẳng thắn giữa các giám mục chúng tôi tại Roma.
“Hơn nữa, Giáo hoàng Phanxicô dẫn dắt bằng gương sáng về cách công bố Tin mừng trong thế giới ngày nay. Ngài đang giúp chúng ta tái khám phá bản chất đức tin và xác định cho đúng những ưu tiên hàng đầu trong sứ mạng của Giáo hội trong thế giới. Giáo hoàng chạm đến lòng của mọi người, vì ngài giúp họ gặp được Chúa Giêsu Kitô và cảm nhận được tình yêu trìu mến và đầy thương xót của Chúa. Ngài là con người của dân và vì dân, vì ngài là nô bộc trung thành của một Thiên Chúa đã trở nên xác phàm sống giữa phàm nhân và ban cả mạng sống của mình cho nhân loại.”
Giám mục Grech tin rằng, “Giáo hoàng Phanxicô đang thách thức mọi cộng đoàn Kitô hữu hãy xác định cho đúng các ưu tiên hàng đầu của mình. Tiến trình này cần thời gian, nhưng những gì mà Giáo hoàng Phanxicô đã mở ra sẽ cho Giáo hội được chân thành hơn với sứ mạng đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu. Nếu chúng ta thật tâm tin vào Thần Khí soi sáng những người Chúa đã chọn làm mục tử chăn dắt đàn chiên của Ngài, thì đừng sợ thay đổi nhưng hãy bám chặt vào hành động sống động của Thánh Thần đồng hành cùng Giáo hội đến muôn đời.”
Còn về kỳ vọng cho Giáo hội trong năm 2015, đức cha Grech nói rằng mình không chắc chuyện gì sẽ xảy đến trong năm nay, nhưng “Tôi chắc rằng Giáo hoàng sẽ tiếp tục hướng dẫn Giáo hội theo con đường mà ngài đã vạch ra trong tông huấn Niềm vui Tin mừng.”
Khá ít thay đổi để thử thách và hiện đại hóa Giáo hội
Nhạc sĩ và là người tự nhận mình vô thần, Roger Tirazona, tin rằng “trong năm qua, Giáo hoàng Phanxicô đã có khá ít thay đổi và tuyên bố hấp dẫn nhằm thử thách và hiện đại hóa Giáo hội. Ví dụ như, ngài đã có một cuộc khảo sát toàn cầu với các tín hữu Công giáo về quan điểm đối với các vấn đề như gia đình đơn thân, tránh thai và hôn nhân đồng tính.
“Tôi nghĩ đã có một nỗ lực thật sự để làm cho Giáo hội cởi mở và dễ gần hơn, đặc biệt là với những người đã và vẫn đang bị các thế lực bảo thủ trong Giáo hội xa lánh. Tuy nhiên, theo tôi, tất cả những gì tôi thấy là Giáo hoàng Phanxicô đang cố gắng thực hiện tinh thần Công đồng Vatican II, và có lẽ việc này là quá ít ỏi, và quá trễ. Tôi nghĩ, bất kỳ đóng góp nào cho một xã hội cởi mở, công bằng, và chính đáng, biết tôn trọng sự tự trị của các cá nhân, và thể hiện nhạy cảm với các thực tiễn xã hội thì luôn là một công việc tích cực.
Nếu Giáo hội muốn tận tâm với các thực tiễn này, thì không còn cách nào khác ngoài việc đổi mới giáo lý, một việc khá là chẳng đặng đừng. Vấn đề là Giáo hội càng cố gắng giữ các giá trị tự do, thì lại càng xa rời với các vận động hành lang bảo thủ vốn giữ rất nhiều quyền lực trong Giáo hội. Có lẽ Giáo hoàng Phanxicô đã nhận ra rằng Giáo hội cần phải theo xu thế chuyển vần đạo đức của cả xã hội chung, vốn đang cố gắng cởi mở hơn và chấp nhận cũng như tôn trọng các quyền con người hơn.”
Ông Tirazona nói rằng Giáo hội cần phải thay thế các giáo sĩ bảo thủ bằng những người tự do và cấp tiến hơn, đồng thời đổi mới quan điểm của mình về các nhóm thiểu số xã hội và phụ nữ. “Khi Giáo hội không còn kỳ thị với các nhóm thiểu số và phụ nữ bằng tiền đề “tự do tôn giáo” thì khi đó Giáo hội mới có thể nói về một vai trò bảo vệ nhân quyền hơn hiện nay. Giáo hội cũng cần chọn lựa việc đoạn tuyệt hẳn với vũ đài chính trị để tập trung vào các sứ mạng mục vụ của mình với các tín hữu của mình.”
J.B.Thái Hòa dịch