Khi nói về ‘chủ nghĩa chiêu mộ,’ giáo hoàng Phanxicô đang nói về ai?

446
Giáo hoàng Phanxicô nói với Giovanni Traettino, một mục sư Tin Lành, và là bạn của ngài, tại Caserta, Ý quốc

Khi nói về ‘chủ nghĩa chiêu mộ,’ giáo hoàng Phanxicô đang nói về ai?

Thực sự có lẽ ngài không hoàn toàn nói về người Công giáo thôi đâu

Crux – John L. Allen Jr

25 tháng 1, 2015

Trong danh sách mà ngòi bút người Ý Vittorio Messori, gọi là ‘những phức tạp’ về Giáo hoàng Phanxicô, nghĩa là những điều khó xác định, có một điểm về thái độ của giáo hoàng đối với các nỗ lực truyền giáo.

Một mặt, Đức Phanxicô không ngừng nói về mệnh lệnh phúc âm hóa và loan truyền đức tin. Trong chuyến công du mới đây đến Sri Lanka chẳng hạn, ngài kêu gọi những người Công giáo Á châu hãy bừng lên ‘nhiệt tâm truyền giáo.’

Măt khác, Đức Phanxicô hiếm khi bỏ lỡ dịp để lên án cái ngài gọi là ‘chủ nghĩa chiêu mộ.’ Ngài đã có lời nổi tiếng gọi đây là điều ‘hết sức vô nghĩa’ trong bài phỏng vấn năm 2013, và trong buổi phụng vụ đại kết đêm chúa nhật tại vương cung thánh đường thánh Phaolô Ngoại thành, ngài đã kêu gọi tất cả mọi giáo hội Kitô giáo hãy loại bỏ ‘chủ nghĩa chiêu mộ và cạnh tranh đủ loại.’

Vậy, ý là gì? Mọi người Công giáo nên cố gắng hoán cải người ta và đưa họ về Giáo hội mà, có phải vậy không?

Để mở đầu cho câu trả lời, tôi xin xác định lại những lời hùng hồn của Đức Phanxicô về chủ nghĩa chiêu mộ hoàn toàn không phải là chuyện mới. Các giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI cũng đã có sự phân biệt như thế, gữa việc giới thiệu đức tin, được hiểu là việc tốt và là bổn phận, với việc áp đặt đức tin bằng những kỹ thuật công kích và cưỡng bức, những việc sai trái.

Nhưng với thiên hướng nắm bắt những đường hướng truyền thống rồi diễn đạt mới bằng những ngôn từ khéo léo, thì những người Công giáo đang tận tụy trong nỗ lực truyền giáo hãy nên bỏ qua một chút mơ hồ về ý nghĩa chính xác những gì giáo hoàng đang muốn nói với họ.

Mà hãy nghĩ về những chuyện này: Khi Giáo hoàng Phanxicô lên án ‘chủ nghĩa chiêu mộ’ thực sự có lẽ ngài không phải chỉ hoàn toàn nói với người Công giáo thôi đâu

Phải nhớ rằng khung quy chiếu ban đầu của Đức Phanxicô là trên cương vị một mục tử ở châu Mỹ La tinh. Trong khoảng 20 năm qua, không có phần nào trên thế giới có những chiến dịch công kích và có tổ chức nhằm chiêu mộ, cho bằng ở đây, và nhìn chung thì những người Công giáo không phải là người làm việc này.

Mà là nạn nhân thì đúng hơn.

Có thể xem việc tái phân ranh tôn giáo lớn nhất trong thế kỷ XX, chính là sự chuyển mình của châu Mỹ La tinh từ một châu lục hầu như toàn Công giáo, trở thành một siêu thị tôn giáo nở rộ, và người thu lợi lớn nhất là những người phái Phúc âm và phái Ngũ tuần.

Cha Franz Damen, người Bỉ, thuộc nhóm Khổ nạn (Passionist), là thông tín viên kỳ cựu của các giám mục Bolivia, đã kết luận rằng trong thập niên 1990, số người Công giáo cải sang Tin Lành ở châu Mỹ La tinh vào cuối thế kỷ XX, còn nhiều hơn cả suốt một thế kỷ sau cuộc Kháng cách Tin Lành nữa.

Hầu toàn bộ sự phát triển của Tin Lành ở đây đều là nhờ các phong trào vô cùng đa dạng của phái Phúc âm và phái Ngũ tuần, một số từ nước ngoài, nhưng phần nhiều là từ ngay trong lục địa này.

Tương tự như thế, một nghiên cứu về truyền giáo cuối thập niên 1990 của CELAM, Hội đồng Giám mục Mỹ La tinh và Caribbe, cho thấy trong thập kỷ qua, mỗi ngày có đến 8000 người châu Mỹ La tinh rời bỏ Giáo hội Công giáo.

Trong khi chiều hướng này đã chậm dần lại, nhưng khảo sát của hãng Latinobarometro, đặt trụ sở tại Chilê, trên 17 nước châu Mỹ La tinh, đã dự báo là đến năm 2025 sẽ chưa đến 50% người Mỹ La Tinh nhận mình là người Công giáo.

Và phải biết rằng, chính Đức Phanxicô là người đầu tiên đã nhìn nhận rằng chủ nghĩa chiêu mộ của phái Phúc âm và phái Ngũ tuần, không phải là yếu tố duy nhất chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm người Công giáo.

Tại hội đồng giám mục Mỹ La tinh 2007, vị giáo hoàng tương lai đã chủ bút cho văn kiện tổng kết trong đó, các giám mục thừa nhận rằng khi mặc định đặc tính Công giáo cho châu lục này, cũng thường đồng nghĩa với việc Giáo hội đã không làm việc đủ siêng năng để chăm lo mục vụ cho dân mình.

Nhưng Đức Phanxicô và các giám mục Mỹ La tinh khác cũng đã phải chứng kiến chủ nghĩa chiêu mộ dữ dội hơn các nơi khác đang nhằm vào Giáo hội Công giáo.

Chẳng hạn như trong thập niên 1990, giám mục Sergio von Helde của Giáo hội Toàn thể Nước trời ở Brazil, một trong những phái Ngũ tuần lớn nhất ở châu Mỹ La tinh, đã lên truyền hình trong lễ Đức Mẹ Aparecida, thánh bổn mạng của Brazil, và đá một tượng Đức Mẹ, mà tuyên bố rằng, ‘Đây không phải là thánh!’

Sergio von Helde chỉ trích dữ dội cái mà ông gọi là sự suy đồi thờ ngẫu tượng của Giáo hội Công giáo, một luận điệu cố hữu của phái Phúc âm và phái Ngũ tuần. Màn trình diễn của ông gây phản xung từ nhiều người Công giáo Brazil, và cuối cùng, chiếu theo luật Brazil, ông bị buộc tội ‘công khai bất kính một biểu tượng tôn giáo.’

Năm ngoái, ở Ecuador, mục sư  Eduardo Mora của ‘Giáo hội Phúc âm Hiện xuống Quốc Tế Đấng Toàn Năng’ đã bị tuyên án 1 năm tù, vì tổ chức các cuộc tuần hành bài Công giáo, với các hoạt động đem ảnh tượng các thánh và Đức Trinh nữ Maria đập nát và đốt đi, đồng thời giảng các bài gay gắt chống lại Công giáo, xem Công giáo là sự báng bổ Kinh thánh.

Trong khi đường hướng của von Helde và Mora có lẽ quá cực đoan, và trong khi giữa những người Công giáo, phái Phúc âm và phái Ngũ tuần ở nhiều vùng châu Mỹ La tinh vẫn tăng tiến đối thoại, thì vẫn không thể chối bỏ sự thật là các nỗ lực truyền giáo gõ cửa từng nhà của các mục sư Tin Lành trên khắp châu lục này, đôi khi mang một khía cạnh bài Công giáo.

Tôi nhớ có lần ở Peru cách đây 10 năm, tôi đã hỏi một linh mục địa phương về quan hệ Công giáo – phái Ngũ tuần ra làm sao. Ông dẫn tôi đi, chỉ mất một ngã rẽ, là đến một nhà thờ lớn của phái Ngũ tuần, với một bảng điện tử khổng lồ, xứng đáng đặt ở Quảng trường Thời đại, đang chạy dòng chữ: “Đến mà nghe Bài giảng ngày chúa nhật về 7 tội của Giáo hội Công giáo.’

Vị linh mục bảo tôi, ‘Đó là tóm gọn cho mối quan hệ giữa chúng tôi.’

Không điều nào ở trên nói rằng Đức Phanxicô muốn giao đấu nảy lửa, dấy lên một kiểu thập tự chinh chống lại phái Phúc âm và phái Ngũ tuần. Ngược lại, ở Buenos Aires, ngài từng có chuyện nổi tiếng là để cho các mục sư của Tin Lành chúc lành cho mình trong một buổi cầu nguyện chung, và khi làm giáo hoàng, ngài vươn ra bằng đủ mọi cách, trong đó có chuyến đi đặc biệt đến viếng một nhà thờ phái Ngũ tuần của một người bạn mục sư cũ ở Argentina.

Và trong chuyến viếng thăm này, ngài có lời xin lỗi lịch sử.

‘Người Công giáo cũng góp phần bách hại và lên án người phái Ngũ tuần, gần như thể nổi điên vậy. Tôi là mục tử của những người Công giáo, và tôi xin anh tha thứ cho các anh chị em Công giáo của tôi, những người đã không hiểu và đã bị ma quỷ xúi giục.’

Nhưng, từ kinh nghiệm của mình, Đức Phanxicô cũng vẫn biết rằng chủ nghĩa chiêu mộ xấu xa đến mức nào.

Nền tảng này giúp nhưng người Công giáo đang chuyên tâm lo cho ‘Công cuộc Tân Phúc âm hóa’ nghĩa là nỗ lực thổi bùng lên lại những ngọn lửa truyền giáo của Giáo hội, sẽ thấy bớt lo lắng về lập trường của Đức Phanxicô.

Và dòng cuối xác định là, khi giáo hoàng gốc Mỹ La tinh này lên án ‘chủ nghĩa chiêu mộ’ và ‘cạnh tranh,’ thì chắc rằng, người đầu tiên mà ngài nghĩ đến không phải là những người Công giáo đang lo toan phúc âm hóa đâu.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch