Robert Mickens | 26 – 01 – 2015
“Mọi chuyện đều phụ thuộc vào cách bạn diễn giải tông huấn Đời sống Con người.”
Điều tiên quyết là phải hiểu giáo hoàng Phanxicô ‘thực sự có ý gì’ trong một loạt những nhận định mới đây về chuyện con cái.
Mà đây đúng là một đường hướng của chính giáo hoàng.
Ngài đã thể hiện trong bài phỏng vấn hồi tháng 3 năm ngoái với tờ nhật báo Ý, Corriere della Sera. Biên tập viên đã hỏi giáo hoàng liệu giáo hội có nên nhìn lại giáo huấn trong tông thư của Đức Phaolô VI. ‘Hồng y Martini đã nghĩ rằng đến lúc rồi đó,’ biên tập viên thêm một câu khiêu khích.
Và giáo hoàng trả lời: ‘Tất cả dựa vào cách diễn giải tông thư Đời sống Con người.’
Và bắt đầu đáng chú ý rồi đây. ‘Chính Đức Phaolô VI, đã thúc giục các linh mục giải tội hãy có lòng rất thương xót, để tâm đến các trường hợp cụ thể.’ Rồi Đức Phanxicô nhận định vị tiền nhiệm của ngài ‘có tính ngôn sứ’ và khen ngợi vì ngài đã có ‘dũng cảm để đứng lên đương đầu với đa số, để bảo vệ khuôn khổ đạo đức … và chống lại chủ nghĩa tân Malthus đương thời và tương lai.’
Đức Phanxicô kết câu trả lời bằng cách xác định rằng, vấn đề không phải là có thay đổi giáo huấn của tông thư hay không, nhưng là ‘bảo đảm chăm lo mục vụ cho các tình trạng cụ thể và những gì người đó có thể làm được.’
Buổi phỏng vấn này cho chúng ta một chìa khóa diễn giải để lĩnh hội được ý của giáo hoàng dòng Tên này khi ngài nói cụ thể về chủ đề kiểm soát sinh sản. (Cho đến trước chuyến công du Phi Luật Tân, ngài hiếm khi nhắc đến.)
Còn có một chìa khóa diễn giải khác nữa. Đó là một nguyên tắc mà ngài đã đặt ra trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng, và đã nhiều lần nhắc lại: ‘Thực tế thì cao hơn ý niệm.
Có 2 phương thế thiết yếu để hiểu được cách Giáo hoàng Phanxicô diễn giải tông thư Đời sống Con người.
Trước hết, là những nhận định của ngài lúc ở Phi Luật Tân, trên chuyến bay về Roma, và cuối cùng là trong buổi tiếp kiến chung liền ngay sau đó, tất cả đều cho thấy một điều: giáo hoàng là người thực tế.
Thực tế thì quan trọng hơn ý niệm – hay lý tưởng. Và Jorge Mario Bergoglio biết rõ điều này. Ngài đã gắn bó với hiện thực mỗi ngày của đời sống dân mình bằng hết sức của một giám mục. Ngài biết nhiều người Công giáo đã khó khăn trong việc đón nhận giáo huấn của tông thư về kiểm soát sinh sản nhân tạo, và nhiều người đã đơn giản bác bỏ tông thư này.
Về phần mình, hay đúng hơn là nghĩ cho phần các cặp vợ chồng, ngài cũng tin rằng tông thư có nhiều điều để nói với chúng ta về những giá trị cao quý, chứ không phải chỉ việc chống dùng thuốc tránh thai và bao cao su. Trong diễn giải của Đức Phanxicô, thông điệp của tông thư này với các cặp vợ chồng Công giáo phải là hãy sống quảng đại và trách nhiệm. Về căn bản, thông điệp là, ‘Đừng ích kỷ! Đừng vô trách nhiệm!’ Tông thư kêu gọi mọi người hướng đến những nhân đức cao hơn, dù cho người ta có vấp váp khi cố gắng sống các nhân đức đó.
Đức Phanxicô biết rằng, thực sự mọi người là như vậy. Và Đức Phaolô VI cũng biết rõ là thế. Do đó, ngài kêu gọi các linh mục hãy hết sức có lòng thương với những người vấp phải vấn đề này. Dù bạn có đồng ý với ngài hay không, thì có vẻ như giáo hoàng vẫn nghĩ rằng không cần phải thay đổi một giáo huấn vững vàng. Ngài tin rằng, điều quan trọng hơn chính là phải hiểu được ý nghĩa cao quý hơn của văn kiện này.
Thứ hai, Đức Phanxicô xem giáo huấn của Đời sống Con người là nguyên tắc căn bản trong việc bảo vệ người nghèo. Theo ngài, đặc tính ngôn sứ thực sự của thông điệp gây nhiều tranh cãi này (được viết cách đây nửa thế kỷ) chính là tầm nhìn xa, chống lại thuyết tân Malthus, quan niệm cho rằng phải kiểm soát tăng trưởng dân số. Mà các xã hội nào thực hiện các mục tiêu kiểm soát dân số gắt gao nhất? Các xã hội nghèo và các nước nghèo.
Giáo hoàng bác bỏ những lập luận cho rằng giảm dân số thực sự xoa dịu được nỗi cùng khổ, thiếu đói, nghèo nàn của nhân loại, và còn cần thiết hơn về mặt môi trường. Ngài cũng lặp lại nhiều lần rằng, sự thật đã được khoa học chứng minh cho thấy có đủ thức ăn trên thế giới cho tất cả mọi người. Ngài cũng nhiều lần lên tiếng cho rằng cần phải phân bổ đúng đắn hơn các của cải và lợi ích, cũng như cần phải có nền giáo dục tốt hơn. Đây là câu trả lời của ngài cho chủ nghĩa tân Malthus, mà ngài xem là một lời đáp ích kỷ và vô trách nhiệm của những người giàu trên thế giới dành cho các anh chị em nghèo của họ. Với ngài, đơn giản là không thể chấp nhận được sự tai ác rằng một thiểu số rất nhỏ cứ giàu có, còn đa số lại phải sống trong cảnh nghèo đói. Theo quan điểm của Giáo hoàng Phanxicô, các chương trình kiểm soát dân số chẳng là gì ngoài một nỗ lực cố gắng hạ thấp nạn đói nghèo bằng cách hạ thấp con người.
Trong chuyến công du Phi Luật Tân, như lâu nay vẫn vậy, ngài đã dùng những lời sắc sảo và hình ảnh sinh động, để cố gắng nêu bật ra những điểm này và những điểm khác nữa sao cho thật dễ hiểu. Nhưng một vài người yêu mến ngài lại lo lắng ngài sẽ hơi thái quá và thiếu suy tư trong những lúc tự do bình luận tự phát. Còn những người khó chịu với triều giáo hoàng của ngài, thì công khai cáo buộc ngài đã gây mơ hồ xáo trộn.
Nhưng, những nhận định của ngài về việc mang thai, tỷ suất sinh và thậm chi cả hình ảnh ‘sinh như thỏ’ phải được hiểu trong một bối cảnh rộng hơn và quan trọng hơn. Đến đây, sẽ hữu ích khi nhớ lại một câu châm ngôn khác nữa của giáo hoàng Phaxicô: ‘Toàn thể thì cao hơn các bộ phận.’
Robert Mickens là tổng biên tập của Global Pulse. Từ năm 1986, ông sống ở Roma, nghiên cứu thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregory, trước khi làm việc cho Vatican Radio trong 11 năm, rồi sau đó làm thông tín viên cho The Tablet of London.
J.B. Thái Hòa dịch