Ngay từ đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô đã bị một số người Công giáo chỉ trích vì ngài được thế giới ưu chuộng. Phải thừa nhận rằng, có vẻ như nhiều người yêu thích ngài lại là những người lâu nay không có cảm tình với Công giáo, như tạp chí GQ, Time, và các buổi hòa nhạc của Eton John.
Sự khả ái này của giáo hoàng Phanxicô, khiến cho một số người Công giáo thấy khó chịu, có vẻ như thật là nhục nhã khi tảng đá thánh Phêrô lại được lòng tạp chí Rolling Stone vậy. Trong tin mừng thánh Gioan (15, 18), Chúa Giêsu đã nói rằng: ‘Nếu thế gian ghét các con, hãy biết rằng nó đã ghét ta trước.’
Nhưng liệu sự khả ái có phải là chuyện xấu đối với một giáo hoàng? Có phải sự khả ái là chuyện xấu đối với bất kỳ người Công giáo nào?
Chúa Kitô có được đại chúng yêu mến không?
Hãy bắt đầu với một câu hỏi khác: Chúa Giêsu có được yêu chuộng hay không? Để trả lời, chúng ta có thể xem trong Kinh thánh và lịch sử ghi lại những đoàn người đông đảo theo Chúa Giêsu. Tin mừng nhiều lần nói về ‘đám đông vô số’ theo Ngài. Hãy xem phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, trong đó có 5000 người ăn, chưa kể phụ nữ và trẻ em. Xét trên tổng thể dân số Do Thái thời đó, đây là con số quá ấn tượng.
Các tin mừng (Mc 3, 9-10) nói đến chuyện thường phải giữ đừng để các đám đông đến gần Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bị chối bỏ ở Nazareth, và bị người Pharisiêu thù ghét, nhưng nếu nghĩ rằng xét chung thì người ta không ưa Chúa Giêsu, thì thật là xuyên tạc.
Nếu Chúa Giêsu được nhiều người đời này yêu chuộng, thì câu Chúa nói trong tin mừng thánh Gioan có nghĩa gì? Thánh Augustino đã cho chúng ta một câu trả lời khả dĩ. Ngài viết rằng có những người yêu bản thân một cách bừa bãi đến độ coi khinh Thiên Chúa. Thánh Augustino thấy rằng những người này là thành phần trong cái mà ngài gọi là ‘thành đô trần tục.’
Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng nhưng người thuộc thành đô trần tục này ghét chúng ta, bởi họ ghét Ngài trước. Nhưng Chúa Giêsu không nói rằng tất cả mọi người trong thế giới đều ghét Ngài, hay ghét chúng ta.
Nếu chúng ta thực hành Đức tin của mình, người khác có thể ghét chúng ta. Nhưng phải nhớ rằng, chúng ta cũng được kêu gọi truyền phúc âm cho những người ghét chúng ta nữa. Chúng ta được kêu gọi hãy được lòng cả những người ghét chúng ta, và giúp họ đừng thù ghét nữa. Chúng ta được kêu gọi đáp trả thù ghét bằng yêu thương.
Bị ghét bỏ chỉ vì muốn như thế?
Hơn nữa, Chúa Giêsu không có ý nói rằng chúng ta phải tìm cách để bị ghét chỉ vì muốn như thế. Chúng ta không được mong muốn người ta phạm tội, dù là tội ham muốn, ghen tỵ hay giận ghét. Chúng ta có thể chấp nhận bị người khác ghét bỏ vì lòng mến Chúa, nhưng không bao giờ được hi vọng bị ghét bỏ. Xét thực tế, nếu các Kitô hữu chúng ta bị ghét bỏ, thì rất ít người sẽ thấy mến Kitô giáo qua chúng ta. Đây chỉ là một phép tính khá là đơn giản.
Nói tóm lại, người Kitô hữu, nếu cá nhân họ không bị thế giới ghét bỏ, thì không nhất thiết nghĩa là họ đang làm chuyện gì sai trái. Họ sẽ ‘biết rằng chúng ta là Kitô hữu nhờ tình yêu’ chúng ta dành cho người khác, chứ không nhất thiết bằng viêc người khác không yêu mến chúng ta.
Từ đây, chúng ta trở lại câu hỏi ban đầu. Về việc giáo hoàng được yêu chuộng, cần phải thấy rằng, thường thì người ta không phải yêu chuộng giáo hoàng Phanxicô, nhưng là yêu chuộng những ý tưởng về giáo hoàng Phanxicô. Ví dụ như, một vài người thích giáo hoàng Phanxicô vì nghĩ ngài thay đổi giáo lý. Nhưng không một ai chỉ ra được dù chỉ một giáo lý mà ngài đã thay đổi. Cũng như không mấy người chỉ ra một thay đổi khuôn khổ do tay ngài. Những người ái mộ giáo hoàng Phanxicô vì đã chuyển vần sự chính thống, là họ đang thần tượng một nhân vật hư cấu mà thôi.
Một giáo hoàng được yêu mến
Giáo hoàng Phanxicô phù hợp với việc trình bày Đức tin Công giáo đích thực. Ngài trình bày Đức tin bằng cách nhấn mạnh lòng cảm thương. Vì phẩm chất này, mà nhiều người yêu mến ngài. Và nếu họ mến ngài vì phẩm chất này, thì thật tốt. Người ta theo lẽ tự nhiên được lôi cuốn bởi lòng cảm thương và dường như họ cực kỳ bị cuốn hút bởi lòng cảm thương của Giáo hoàng Phanxicô.
Tất nhiên, ngài không phải là người đầu tiên tập trung và lòng cảm thương. Thánh Antôn, thánh Nicola, thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, và tất cả các thánh đều là chứng tá cảm thương, và người ta mến các thánh vì lẽ đó. Khi thực hành cảm thương, là các thánh đang theo Chúa Giêsu, Đấng đã động lòng thương cảm với người mù, người bệnh, người bị ruồng rẫy, người tội lỗi, người cùi, người đói, và người nghèo.
Đôi khi, một vài người Công giáo chúng ta đã quên mất vai trò của lòng cảm thương trong Đức tin chúng ta. Giáo hoàng Phanxicô đang nhắc nhở chúng ta đó. Nếu người ta mến chuộng ngài vì điều này, thì đừng lấy đó mà cáo buộc ngài, nhưng những người Công giáo chúng ta phải mừng mới phải.
Chúng ta cũng phải trân trọng ảnh hưởng của vị giáo hoàng được mến chuộng này trên thế giới. Có vô số cách để có Đức tin như, làm bạn với một người Công giáo, một cuộc chuyện trò đơn giản, đọc tiểu sử một người, và vô số cách khác. Lịch sử hoán cải cho thấy có nhiều ngả đường dẫn về Roma.
Khám phá thấy mình thích một giáo hoàng, sẽ là con đường tốt để khám phá thấy mình thích Đức tin Công giáo. Ít nhất, thì việc này cũng mở ra một đối thoại với thế giới.
Hãy giữ cho cuộc đối thoại này tiếp diễn.
J.B. Thái Hòa dịch