Mặt tích cực của u sầu

648

Mặt tích cực của u sầu

Ronald Rolheiser, 26 Tháng Giêng 2015

Thông thường, không ai trong chúng ta thích cảm thấy buồn rầu, nặng nề, hay chán nản Nhìn chung, chúng ta thích ánh sáng hơn bóng tối, vui vẻ hơn u sầu. Đó là lý do vì sao, hầu như lúc nào, chúng ta cũng làm mọi việc có thể để tránh u sầu, tránh những nặng nề và buồn bã. Chúng ta có khuynh hướng chạy trốn những cảm giác bên trong gây buồn phiền hay lo sợ cho mình.

Đó là lý do vì sao, hầu như chúng ta đều nghĩ tiêu cực về u sầu và các con cái của nó là buồn bã, hoài niệm ão não, cô đơn, chán nản, mất mát, hối tiếc, những dự báo, cảm nhận hụt hẫng trong đời, sợ những sự nơi góc tối lòng mình, và sự nặng nề linh hồn. Nhưng những cảm giác này có mặt tích cực của chúng. Nói đơn giản, chúng giúp chúng ta chạm đến những phần tâm hồn mà chúng ta thường không để ý đến. Tâm hồn chúng ta sâu thẳm và phức tạp, và cố gắng lắng nghe những tiếng nói của linh hồn, phải bao gồm cả việc lắng nghe tất cả mọi tâm trạng trong đời, kể cả và đặc biệt là, những khi chúng ta thấy buồn và hụt hẫng. Trong nỗi buồn, u sầu, và sợ hãi, linh hồn nói với chúng ta những điều mà chúng ta vốn thường khước từ không chịu nghe. Do đó, xem lại mặt tích cực của u sầu là một việc quan trọng.

Nhưng buồn thay, ngày nay, người ta thường xem buồn bã và nặng nề trong lòng là một sự suy giảm, thiếu sinh lực, và là một tình trạng không lành mạnh. Nghĩ như thế vừa thật đáng buồn vừa hạn hẹp. Vi dụ như, trong nhiều sách y khoa thời trung cổ và phục hưng, u sầu được xem là một ơn cho linh hồn, một sự người ta cần phải trải qua, một lúc nào đó trong đời mình, để có được sự lành mạnh và toàn vẹn sâu sắc hơn. Tất nhiên, điều này không ứng với sự suy thoái lâm sàng, mất sức khỏe thực sự, nhưng là đang nói đến tất cả những trầm cảm khác đang kéo chúng ta hướng nội và chùng xuống. Tại sao chúng ta cần phải trải qua u sầu để có được sự toàn vẹn?

Thomas Moore, đã viết rất minh triết về việc chúng ta rất cần phải lắng nghe cẩn thận hơn nữa với những xung lực và nhu cầu của linh hồn mình: ‘Trầm cảm cho chúng ta các phẩm chất đáng giá mà chúng ta cần để làm người cho trọn. Nó cho chúng ta sức nặng, khi chúng ta quá nông nổi về đời mình. Nó cho chúng ta một mức độ trang trọng. Nó có chất chì cứng nên người ta bảo nó nặng nề. Nó cũng cho chúng ta già dặn thêm, để lớn lên cho đúng đắn và đừng giả vờ là mình trẻ hơn tuổi. Nó làm chúng ta lớn lên, và cho một loạt cảm xúc và đặc tính nhân văn mà chúng ta cần để đương đầu với những chuyện nghiêm trọng trong đời. Trong các hình ảnh thời phục hưng, trong các sách vở y khoa và các phương thuốc, trầm cảm được khắc họa là một lão nhân mang chiếc mũ chiêm tinh, đứng trong bóng tối, cầm đầu mình trên tay.’

Milan Kundera, nhà văn người Czech, trong tiểu thuyết kinh điển của mình, Sự Khinh suất không chấp nhận được của Hiện hữu, đã đồng hưởng với Moore. Nhân vật chính của ông, Teresa, đấu tranh để đời mình được bình an chứ đừng nặng nề, cuộc đời cô như thế có quá nhiều nhẹ nhõm, ánh sáng, và có vẻ là vô ưu, không có lo âu nào gợi lên u ám và sự chết. Nhưng, cô luôn luôn thấy cần có sự trang trọng, cần một sự gì đó có sức nặng cho thấy rằng cuộc đời cao hơn việc đơn thuần khỏe mạnh và thoải mái. Với cô, sự nhẹn nhõm cùng đồng nghĩa với hời hợt.

Trong nhiều nền văn hóa, và tất nhiên là trong tất cả mọi tôn giáo lớn trên thế giới,các giai đoạn u sầu và buồn bã được xem là con đường cần thiết mà người ta phải đi để giữ được cân bằng lành mạnh và sự toàn vẹn bản thân. Thật vậy, chẳng phải đây là một phần bản chất của mầu nhiệm vượt qua trong Kitô giáo hay sao? Chính Chúa Giêsu, khi chuẩn bị dâng lễ hi sinh tận cùng vì tình yêu, đã phải đau đớn, mà nhận rằng đường đến ngày Phục Sinh, không thể không có sự tăm tối của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh thật xấu, rất lâu trước khi trở nên tốt, ít nhất là khi nhìn từ bên ngoài. Và u sầu, buồn bã, và nặng nề trong lòng, gần như cũng bị xem như vậy.

Vậy chúng ta phải nhìn vào những quãng buồn bã và nặng nề trong đời mình thế nào? Làm sao để đương đầu với u sầu và các con cái của nó?

Trước hết, điều quan trọng là phải xem u sầu (dù là dạng gì) như một sự bình thường và lành mạnh trong đời. Nặng nề trong lòng không nhất thiết cho thấy rằng trong chúng ta có điều gì đó không ổn. Nhưng đúng hơn, là một sự bình thường, là linh hồn đang ra dấu muốn chúng ta chú tâm, muốn được lắng nghe, cố gắng truyền cho chúng ta một con đường sâu sắc hơn, để cho chúng ta già dặn đúng đắn. Nhưng để có được điều này, chúng ta cần phải chống lại 2 cám dỗ đối lập, cụ thể là làm ngơ hay chiều theo sự buồn bã. Làm sao chúng ta làm được thế? James Hillman đã cho chúng ta lời khuyên như sau: Phải làm gì với sự nặng nề linh hồn? ‘Hãy đặt nó vào trong vali và đem theo mình.’ Giữ nó gần mình, nhưng được gói lại, bảo đảm sẵn dùng, nhưng đừng để nó chiếm lấy mình.

Và lời của Hillman, là những lời kiểu thế tục, tương đồng với đòi hỏi của Chúa Giêsu rằng: ‘Nếu con muốn làm môn đệ Thầy, hãy mang thập giá mình hằng ngày và theo Thầy.’

discipleship-and-the-cross-featured-w740x493

J.B. Thái Hòa dịch