Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 2023-03-03
Bà Emilce Cuda, thần học gia Argentina, thành viên Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh trong lần gặp Đức Phanxicô ngày 27 tháng 3-2017
Mười năm trước, ngày 13 tháng 3 năm 2013, Jorge Bergoglio được bầu làm giáo hoàng. Theo bà Emilce Cuda, thần học gia người Argentina, một trong những người lãnh đạo Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, Đức Phanxicô đã dựa vào kinh nghiệm về dân Chúa ở Châu Mỹ Latinh để áp dụng Công đồng Vatican II trong toàn Giáo hội.
Theo bà, bà sẽ cho Đức Phanxicô là giáo hoàng người Mỹ Latinh không?
Emilce Cuda: Chúng ta đã có 10 năm triều giáo hoàng của một giáo hoàng đến từ Châu Mỹ Latinh. Điều đầu tiên chúng ta phải nói, Mỹ Latinh không phải là một tổng thể đồng nhất. Với sự phức tạp này trong tâm trí, chúng ta có thể đặt Bergoglio ở Argentina với các tài liệu tham khảo đi kèm.
Thứ hai, khi ngài được bầu chọn, nhiều người ngạc nhiên khi thấy một giáo hoàng nói ngôn ngữ bình thường, rõ ràng không liên quan đến thần học. Không qua trung gian của triết học Đức, ngài dùng một trung gian khác là văn hóa Mỹ Latinh.
Vào đầu triều của ngài, người ta nói nhiều về thần học giải phóng hay thần học về dân chúng, nhưng bây giờ người ta không nói nữa. Vì sao?
Nhiều người đã dùng thần học giải phóng như một lập luận để hạ thấp ngài, để nói rằng, xét cho cùng, đó không phải là thần học. Không gì có thể sai hơn. Nó chỉ đơn giản là một thần học với một cách khác với cách của triết học Đức, trong một bối cảnh văn hóa khác.
Điều đó cho thấy tham chiếu này đã biến mất, bởi vì, trong nhiều năm, chúng ta nhận ra giáo hoàng đã làm một điều gì đó hoàn toàn khác. Vì ngày nay, Đức Phanxicô là người thúc đẩy việc áp dụng Công đồng Vatican II. Trong bối cảnh đó, nếu thần học giải phóng ra đời ở Châu Mỹ Latinh, thì đó là hệ quả trực tiếp của Công đồng Vatican II. Các nhà thần học, hồng y, giám mục đã chọn con đường thỏa hiệp với thực tế này. Nhưng ở châu Âu, con đường thỏa hiệp này ít xuất hiện hơn do sức nặng của những tiếng nói bảo thủ.
Ngôn ngữ Đức Phanxicô dùng là thần học hay nó thuộc về một lĩnh vực khác?
Thần học nói về gì? Thần học nói về Chúa và các công trình của Chúa. Đó là lời về Chúa. Thần học khởi đầu khi dùng hòa giải triết học với các giáo phụ trong những thế kỷ đầu tiên của thời chúng ta. Vào thời điểm đó, các tín hữu kitô phải tham gia vào cuộc thảo luận về thời đại của họ với thế giới hy lạp và do thái giáo, vì vậy thần học đã dùng ngôn ngữ của họ. Nhưng để nói về Chúa, chúng ta có cần thần học không? Không. Vì phúc âm là một điều đơn giản: Chúa Giêsu nói với người bình thường, không phải với các luật sĩ.
Ở Châu Mỹ Latinh, phương tiện trung gian được dùng sau Công đồng Vatican II không phải là thần học, mà là văn hóa. Không chỉ là ngôn ngữ, mà còn là truyền thống. Như Đức Phanxicô thường giải thích, truyền thống là ký ức về sự đau khổ của một dân tộc và ước mơ về một cuộc sống đàng hoàng cho tất cả mọi người.
Đó có phải là một hòa giải đến từ bên dưới, từ người dân?
Không nên nhầm lẫn dân chúng với người nghèo, hoặc những người ở bên dưới. Khi Đức Phanxicô nói về những người nghèo nhất, ngài nói về những người bị bỏ rơi hoặc bị từ chối, nhưng không nói về người dân. Dân của Chúa là một cái gì đó khác. Đây là một thảo luận lớn của thế kỷ 20, cụ thể là sự chiếm đoạt khái niệm về con dân chúng? Một dân tộc là gì? Đó có phải là người nghèo hay những người được hưởng tài sản tư nhân? Và trong Giáo hội, đó có phải là các hồng y, giám mục, hay tất cả những người đã được rửa tội không? Người ta có thể giao cho tất cả mọi người phân định không?
Về vấn đề này, Giáo Hội tại Châu Mỹ Latinh trả lời khá rõ ràng với Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh của họ, nơi tập hợp các giám mục, các hội đồng giáo hội. Các Hội đồng Giám mục quy tụ mọi thành phần dân Chúa: các hồng y, giám mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân nam nữ. Ở châu Âu, rõ ràng quan niệm về dân Chúa vẫn còn ở mức độ diễn từ. Ở Mỹ Latinh, đây là một thực tế cụ thể. Giáo hội phải tập hợp những khác biệt, và không phải là một Giáo hội của những người thuần túy.
Với Đức Phanxicô, khái niệm về tình bạn xã hội rất hiện diện trong thần học Argentina và mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó bao gồm những gì?
Tình bạn xã hội này, được gọi là đối thoại xã hội, không phải là đối thoại giữa những người bạn với nhau. Đó là đối thoại có thể xảy ra khi chúng ta có xung đột. Nhưng để có một đối thoại, trước hết, nhất là trong triết học, chúng ta cần nhìn nhận người khác như một chủ thể. Điều này có nghĩa là chúng ta phải công nhận người khác là người đối thoại hợp lệ và hợp pháp. Vì thế hai bên có khả năng cùng nhau quyết định.
Điều gì giữ Đức Phanxicô đứng vững
Đây chính xác là những gì tính đồng nghị đang làm. Để có thể đồng hành với nhau, chúng ta phải lắng nghe và nhận ra ở người kia là người đối thoại hợp pháp. Nhưng chúng ta cũng phải là người đối thoại uy tín cho người khác, kể cả trong các xã hội thế tục, chẳng hạn với các tín hữu của các tôn giáo khác. Tôi nghĩ chúng ta chưa làm được ở mức độ đòi hỏi này.
Theo bà, việc bầu Đức Phanxicô có phải là một cú sốc văn hóa cho Giáo hội Âu châu không?
Không. Hạ thấp giáo hoàng qua một văn hóa khác, vì ngài là người nước ngoài, là một cách đánh giá thấp giá trị của ngài. Nó đến từ 15%những người thừa kế các tổ phụ công đồng đã bỏ phiếu chống lại những thay đổi được đề xuất tại Công đồng. Họ có quyền thể nói quan điểm của họ, nhưng họ là thiểu số.
Bà trả lời như thế nào với những người nói Đức Phanxicô yếu kém vì ngài không phải là thần học gia?
Phân tâm học dạy chúng ta, loại nhận xét này nhằm mục đích loại bỏ tư cách chủ thể hợp pháp của một người, bằng cách xem họ là một thiếu sót, một suy yếu, như thể đó là một lỗi lầm. Đức Phanxicô biết rất rõ những tranh luận này. Ngài không phí thì giờ để biện minh với những người cho ngài không phải là thần học gia, ngài thích nói chuyện với mọi người hơn. Ngài hiểu thần học Đức, và có thể trả lời ở mức độ này, nhưng ngài không chọn làm như vậy.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Từ Bergoglio đến Phanxicô: đổi mới và truyền thống của một giáo hoàng trong lịch sử