Linh mục Cyril Hovorun nhìn lại chính thống giáo ngày nay
orthodoxy.com , Veronica Cibotaru và Cha Jivko Panev, 2022-03-02
Cha Cyril Hovorun là tu viện trưởng Hy Lạp, người Ukraine, cha gắn bó với Giáo hội chính thống Nga ở Ukraine. Cha giữ các chức vụ quan trọng của Giáo hội địa phương, Chủ tịch Cục Đối ngoại của Giáo hội chính thống Ukraine (2008-2009) và Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của Giáo hội chính thống Nga (2009-2012). Cha hiện là giáo sư giáo hội học và quan hệ quốc tế tại Cao đẳng Sankt Ignatios ở Stockholm, trường thần học và nhân quyền độc lập được Giáo hội Thống nhất Thụy Điển bảo trợ. Cha cũng là tác giả của nhiều sách về giáo hội học và thần học chính trị, viết bằng tiếng Nga, tiếng Ukraine và tiếng Anh, trong số đó có Chính trị Chính thống giáo: Những điều không chính thống của Giáo hội bị cưỡng bức (Political Orthodoxies: The Unorthodoxies of The Church Coerced, 2018), Giá đỡ của Giáo hội: Hướng tới Giáo hội học Hậu cấu trúc (Scaffolds of the Church: Towards Poststructural Ecclesiology (2017) và Meta- Giáo hội học, Biên niên sử về Nhận thức của Giáo hội (Meta-Ecclesiology, Chronicles on Church Awareness 2015).
Cha Cyrille Hovorun, cha là thần học gia nổi tiếng ở Ukraine, ở Nga và ở thế giới anglo-saxon. Xin cha cho chúng tôi biết về cha.
Linh mục Cyril Hovorun: Nói ngắn gọn, tôi bắt đầu với tư cách là chuyên gia về giáo phụ học. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi trong việc điều hành Giáo hội ở Mátxcơva đã thúc đẩy tôi hướng tới lãnh vực giáo hội học và cuối cùng là thần học chính trị và công cộng. Tôi cố gắng xây dựng những chiếc cầu nối giữa các lãnh vực thần học này, thường xa cách nhau.
Hôm nay, tất cả chúng ta đều lo ngại về cuộc chiến ở Ukraine. Hiện nay cha đang ở giữa vùng chiến sự Kiev. Cuộc chiến này, cha cũng như những người thân của cha sống như thế nào? Đức tin của cha đóng vai trò gì trong trải nghiệm này?
Trong cuộc chiến này, cũng như bất kỳ cuộc chiến nào, con người đang chết dần chết mòn. Chúng tôi hiểu cuộc sống của chúng tôi có thể chấm dứt bất cứ lúc nào. Loại nhớ đến cái chết này làm mọi người tan vỡ. Nhưng nó cũng có thể giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi. Đức tin và cầu nguyện là điều cần thiết giúp chúng tôi sống trong giai đoạn này. Theo chỗ tôi biết, với nhiều người ở Ukraine, cuộc chiến đã tạo một động lực đáng kể về tinh thần đoàn kết và sự hy sinh. Nhiều người cho rằng cảm giác của họ không khác nhiều so với những gì họ đã cảm nhận trong cuộc Cách mạng Nhân phẩm năm 2013-2014, thậm chí còn mạnh hơn. Cá nhân tôi cảm nhận cuộc chiến này là Maidan 3.0 (với hai Maidan, những năm 2004 và 2014 trước cuộc chiến này). Cũng như thời Maidans đầu tiên, người Ukraine bây giờ đã vượt ra khỏi tư lợi. Họ đoàn kết – không phải để chống lại cái ác chung của họ là Putin, mà vì lợi ích chung – cho tự do và phẩm giá.
Xin cha cho chúng tôi biết người tín hữu chính thống Ukraine trải qua cuộc chiến này như thế nào?
Đối với tất cả người dân Ukraine, cuộc chiến này là cú sốc triệt để. Có vẻ như cuộc chiến này có thể làm cho những người trước đây đối lập, bây giờ họ xích lại gần nhau hơn, như tín hữu của Giáo hội chính thống Tự lập Ukraina và tín hữu của tòa thượng phụ Matxcova. Nếu người Ukraine chúng tôi tồn tại như một quốc gia, chúng tôi có thể có cơ hội duy nhất để đoàn kết. Tôi ủng hộ có một hội đồng thống nhất, sẽ phù hợp với hội đồng của người sáng lập Giáo hội chính thống tự lập Ukraine tháng 12 năm 2018. Không thể bỏ lỡ cơ hội này.
Có nhiều phản ứng trái chiều của các thứ bậc Giáo hội chính thống Nga. Vì thế trưởng giáo chủ Onuphre của Giáo hội chính thống ở Kiev, trực thuộc tòa thượng phụ Mátxcơva đã lên án ngay lập tức và dứt khoát hành động xâm lược của Nga, bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Ukraine, trong khi Thượng phụ Kyrill của Giáo hội chính thống Nga sau đó lại lên tiếng bằng một giọng điệu khác. Cha giải thích thế nào về sự tương phản này và đặc biệt là những tín hữu Ukraine xung quanh cha cảm nhận như thế nào?
Trưởng giáo chủ Onuphre đã phớt lờ và im lặng trước cuộc chiến chậm đã diễn ra từ năm 2014. Tôi rất vui vì cuối cùng ngài cũng thừa nhận thực tế. Giáo chủ Kyrill vẫn chưa công nhận, ít nhất là công khai. Đây là khác biệt lớn giữa họ. Cá nhân tôi không tin các nhà lãnh đạo của Giáo hội Nga, dù ở Ukraine hay ở Nga, có thể thay đổi nhiều với những tuyên bố của họ. Thời gian cho các tuyên bố đã kết thúc. Đã đến lúc hành động. Nhiều tín hữu chính thống giáo ở Ukraine đang hành động, họ giúp đỡ những người có nhu cầu, họ tố cáo hành động xâm lược và kêu gọi các nhà lãnh đạo của họ cũng làm như vậy. Tôi nghĩ đã đến lúc giáo dân và các cộng đồng phải tự chủ động trong việc khôi phục sự hiệp nhất của Giáo hội.
Theo cha, cuộc chiến này có tác động đến sự lựa chọn của các tín hữu thuộc Giáo hội chính thống Ukraine (thuộc Mátxcơva) và Giáo hội chính thống tự lập ở Ukraine không?
Chắc chắn có. Đang có một làn sóng gia tăng các tín hữu chuyển sang Giáo hội chính thống tự lập hoặc những người muốn có một khả thể có một Giáo hội song song với Giáo hội chính thống tự lập ở Ukraine. Trường hợp Giáo hội song song này đáng chú ý. Họ không muốn gia nhập Giáo hội chính thống Ukraine vì sự tuyên truyền của Nga chống lại tòa thượng phụ Đại kết và Tomos tháng 1 năm 2019. Vì vậy, tôi nghĩ giải pháp giáo luật duy nhất cho những giám mục, linh mục thất vọng, những người đang tìm kiếm sự độc lập để ra khỏi Mátxcơva, là tham dự vào hội đồng thống nhất mà tôi đã nói trên. Sau khi thống nhất, họ có thể cùng tồn tại với phần còn lại của Giáo hội chính thống Ukraine, dưới cùng chiếc dù giáo luật, giống như cách mà tòa thượng phụ Nga ở Tây Âu đã tồn tại trong Tòa Thượng phụ Đại kết cho đến năm 2018.
Thưa Cha Cyrille, ngày nay chúng ta đang phải đối diện với một cuộc xung đột chết người, với những hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến hai quốc gia chủ yếu và lịch sử của chính thống giáo. Cuộc khủng hoảng chưa từng có này có kêu gọi chúng ta một mặt suy tư sẵn sàng về đức tin chính thống, và mặt khác, Giáo hội chính thống nên có các quan hệ như thế nào với các thể chế nhà nước?
Trên thực tế, cuộc chiến hiện tại cho thấy, các ý tưởng, kể cả những ý tưởng thần học, có thể giết chết theo đúng nghĩa đen. Chúng ta cần xem xét lại danh pháp của các ý tưởng thần học mà tôi nghĩ rằng đã dẫn đến cuộc chiến này. Những ý tưởng tương tự cũng do chính thống giáo đưa ra trong thời kỳ giữa các cuộc chiến của những năm 1930. Họ đã sử dụng những ý tưởng này để biện minh cho các chế độ độc tài và áp bức. Không giống như các nhà thần học tin lành và công giáo, chính thống chúng tôi chưa bao giờ đánh giá lại một cách nghiêm túc các ý tưởng thần học toàn trị. Đã đến lúc cần đánh giá lại. Tôi nghĩ đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta cần đánh giá và lên án tư tưởng “thế giới Nga”, gần như tôn giáo đã định hình cho sự xâm lược của Nga. Đây là phiên bản cập nhật của chủ nghĩa kết hợp giữa Giáo hội và Nhà nước (phylenism) và nên bị công kích theo tinh thần của Công đồng Constantinople năm 1872. Nói chung, chúng ta cần “khử putin-hóa” triệt để của thần học chính thống hiện đại. Trong số các đặc điểm của “chủ nghĩa putin”, tôi thấy có giấc mơ khôi phục bản giao hưởng byzantin giữa Giáo hội và Nhà nước, cũng như ý tưởng về một “nền văn minh chính thống”. Theo tôi, những ý tưởng như vậy đã trở nên nguy hiểm trong thời đại của chúng ta.
Triết gia Emmanuel Levinas đã để lại cho chúng ta một suy ngẫm rất đẹp về hòa bình: “Hòa bình không thể xác định với sự kết thúc các cuộc chiến vì không còn chiến binh, nhưng bởi sự thất bại của người này và chiến thắng của người kia, nghĩa là với nghĩa trang hoặc những đế chế hoàn vũ trong tương lai. Hòa bình phải là hòa bình của tôi, trong mối quan hệ bắt đầu từ cái tôi này và hướng tới cái tôi khác, trong (…) lòng tốt.”
Đâu là nguồn lực của chính thống giáo và nói chung là của kitô giáo để suy nghĩ và sống hòa bình là gì?
Có thể tôi ngây thơ, nhưng tôi tin chắc rằng những Người Cha và Người Mẹ của Giáo hội chính thống của chúng ta có thể cho chúng ta sự khôn ngoan tối cao để đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện đại. Thần học về hòa bình của chúng ta, dựa trên các nguồn giáo phụ học vẫn còn thô sơ. Chúng ta cần phát triển nó để nó không chỉ là lời nói, mà còn là nguồn cảm hứng để giữ hòa bình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Jivko Panev, đồng sáng lập và giám đốc biên tập của Orthodoxy.com. Nhà sản xuất chương trình ‘Orthodoxie’ trên France 2 và là nhà báo.
Bài đọc thêm: Nga, Ukraine và phương Tây
“Mỗi đêm tôi tự hỏi không biết ngày mai chúng tôi còn sống hay không”