“Mỗi đêm tôi tự hỏi không biết ngày mai chúng tôi còn sống hay không”
cath.ch, Bernard Hallet, 2022-03-03
Tu viện Mẹ Thiên Chúa cách trung tâm Kiev hai trạm tàu điện ngầm, rất gần với tháp truyền hình bị đánh bom gần đây | © Tomasz Samulnik
Linh mục Tomasz Samulnik, dòng Đa Minh của Tu viện Mẹ Thiên Chúa, ở trung tâm Kiev, kể với báo Công giáo Thụy Sĩ đời sống hàng ngày của cộng đồng kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Bất chấp nỗi sợ hãi, giờ giới nghiêm và điều kiện sống khó khăn, lời cầu nguyện là nhịp sống của các tu sĩ và người tị nạn.
“Không biết tu viện của chúng tôi có bị trúng tên lửa của Nga không? Không biết chúng tôi sẽ bị tấn công không? Mỗi đêm, tôi tự hỏi liệu ngày mai chúng tôi còn sống hay không”. Ngày thứ ba 1 tháng 3, qua điện thoại, linh mục Anh Tomasz Samulnik tỏ ra bình tĩnh, nhưng giọng nói của cha cho thấy cha bị mệt mỏi và căng thẳng, vào ngày thứ năm quân Nga xâm lăng Ukraine.
Nụ cười không che giấu được sự mệt mỏi, lo lắng của 6 anh em tu viện Kiev. Linh mục Tomasz, thứ hai từ phải qua | DR
Cha Tomasz, 40 tuổi, người Ba Lan, cha ở tu viện Mẹ Thiên Chúa, nằm rất gần trung tâm Kiev, cùng với năm anh em khác trong dòng, 3 người đồng hương và 2 người Ukraine. Có từ 12 đến 15 người đến trú ẩn ở tu viện, trong đó có từ năm đến sáu phụ nữ. “Số lượng người tị nạn chúng tôi tiếp nhận thay đổi từng ngày: một số quyết định rời thành phố, một số khác muốn ở lại và một số đến tìm nơi trú ẩn.” Đặc biệt là những người sống trong các khu vực đã trở nên nguy hiểm và những người không có hầm trong nhà của họ.
Một thành phố bị phong tỏa
Dù căng thẳng xảy ra khi bắt đầu chiến tranh, các tu sĩ cố gắng tiếp tục sinh hoạt bình thường nhất có thể. Ngày thứ ba, 1 tháng 3, linh mục Tomasz đến cử hành thánh lễ cho sáu nữ tu Thừa sai Bác ái và khoảng ba mươi người trong tu viện của các sơ cách đó 13 cây số. Một hành trình bằng xe đầy nguy hiểm sau khi qua ba trạm kiểm tra tỉ mỉ của quân đội Ukraine.
Các binh sĩ lo ngại sự hiện diện của lực lượng ly khai Nga xâm nhập thủ đô và tiến hành các hoạt động biệt kích khi mặc quân phục Ukraine. Linh mục cho biết: “Sau đó tôi phải sang bên kia sông Dnieper, khoảng 20 cây số để thăm một người và tôi phải trạm kiểm tra thêm ba lần nữa. Giao tranh diễn ra hàng đêm trong khu vực này”. Thành phố đang bị bao vây và việc đi lại vào ban ngày chỉ nên đi khi cần thiết.
Tăng thêm sự lo lắng do tiếng súng nổ mỗi ngày, lệnh giới nghiêm ban hành từ 8 giờ tối đến 7 giờ sáng. Sự im lặng làm nổi bật sự bạo lực của các vụ nổ và tiếng tên lửa rít trên bầu trời. Hai giờ trước cuộc phỏng vấn, có hai tiếng nổ lớn gần tu viện. Không thể biết tòa nhà nào trong khu phố đã bị trúng đạn và không biết có ai chết không. Căng thẳng càng tăng khi vụ pháo kích vào tháp truyền hình gần đây ở gần tu viện. Đêm mất ngủ lại càng thêm căng thẳng.
Cửa hàng vẫn mở
Khi còi báo động vang lên, các sư huynh và những người tị nạn đi xuống hai tầng hầm của tu viện. Họ ngủ qua đêm ở đó. Đây là nơi dùng cho sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng, bây giờ nơi đây thành phòng ngủ. Phụ nữ ngủ một phòng, các sư huynh và đàn ông ở phòng kia.
Các tầng hầm thường được dùng cho sinh hoạt cộng đồng, bây giờ thành phòng ngủ | © Tomasz Samulnik
Tạ ơn Chúa, hiện tại một số cửa hàng vẫn còn mở cửa, lối vào các cửa hàng này được binh sĩ Ukraine bảo vệ chặt chẽ, họ sợ các cuộc tấn công của quân ly khai Nga. Sớm nhất có thể, các sư huynh đi mua sắm và tích trữ. Trong ngày, người dân phải xếp hàng dài hơn ở các cửa hàng và ngày càng khó tìm được một hiệu thuốc nào còn mở cửa. Thuốc men bị thiếu hụt. Linh mục cho biết: “Chúng tôi sống từng ngày và chúng tôi tự làm bánh mì.”
Ngoài sinh hoạt nhà dòng, linh mục Tomasz còn cung cấp thông tin trên đài phát thanh, báo chí, truyền hình và viết thư cho gia đình, bạn bè. Thứ bảy tuần trước, cùng với một sư huynh khác trong dòng, cha đi hiến máu, và cha cùng đi với những người tị nạn trong tu viện đến các nơi thiện nguyện để giúp đỡ người dân.
Cha Petro Balog, bề trên tu viện rất lo lắng cho tương lai của cộng đồng. Khi bắt đầu chiến tranh, các văn phòng và nhà trẻ tư nhân thuê cơ sở của cộng đồng đã đóng cửa, cộng đồng không còn thu nhập, như thế ảnh hưởng đến nhà xuất bản Kairos và Viện Thánh Tôma Aquinô ở Kiev mà cha Balog điều hành, ngài không muốn thấy các cơ sở này biến mất. Trong một thư linh mục Tomasz gởi, cha kêu gọi giúp đỡ.
Cầu nguyện là trên hết
Dù sợ hãi và chiến tranh, các sư huynh vẫn giữ các Giờ kinh, thánh lễ, lần hạt Mân Côi, chầu Mình Thánh Chúa, đó là trọng điểm của các sư huynh. “Chúng tôi giữ nhịp cầu nguyện đều đặn và những người có mặt cùng dự giờ cầu nguyện với chúng tôi”. Cộng đồng dùng cơm với người tị nạn. Chúng tôi xem phim để cố gắng quên đi chiến tranh.
Người tị nạn cùng các sư huynh trong giờ kinh © Tomasz Samulnik
Là người Ba Lan, linh mục Tomasz có thể rời Kiev. Không có chuyện này: “Tôi nhìn tình hình từ quan điểm đức tin, tôi muốn tiếp tục làm việc ở đây. Đây là ý Chúa dành cho tôi.”
Cha Tomasz tâm sự: “Giống như nhiều người dân Kiev, chúng tôi sống trong căng thẳng đáng sợ, nhưng tôi vẫn cầu nguyện rất nhiều, tôi cố gắng đặt lòng tin vào Chúa. Tôi cũng cố gắng – như tôi vẫn làm hàng ngày – xin Chúa giải thoát chúng tôi khỏi nỗi sợ hãi. Và Ngài giải thoát chúng tôi.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Linh mục Andrzej không có ý định rời Ukraine: “Tôi sẵn sàng dâng thánh lễ và giải tội”