Đức Hồng y Christoph Schönborn: “Giáo hoàng không hời hợt đưa ra quyết định”

278

Đức Hồng y Christoph Schönborn: “Giáo hoàng không hời hợt đưa ra quyết định”

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2019-10-27

Thành viên của ban biên tập tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng Amazon, hồng y Christoph Schönborn trả lời phỏng vấn độc quyền của báo La Vie về các định hướng lớn của tài liệu này. Bản tài liệu hiện nay ở trong tay Đức Giáo hoàng.

Trong khi Thượng hội đồng Amazon đang kết thúc trong bầu khí sôi sục, hồng y Christoph Schönborn dành một giờ trong lịch làm việc bận rộn của ngài để trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Thanh thản và mỉm cười, ngài tiếp chúng tôi trong một văn phòng của Nhà Thánh Marta nổi tiếng, nơi trọ của các khách của Tòa Thánh, nổi tiếng kể từ ngày Đức Phanxicô ở đây. Cuộc phỏng vấn diễn ra bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ ngài thông thạo, ngài đã học thần học ở Saulchoir, ở Viện Công giáo Paris. Là người Áo, Tổng Giám mục giáo phận Vienne, chủ tịch hội đồng giám mục Áo, ngài là một trong các hình ảnh chính của ba tuần họp thượng hội đồng vừa qua ở Rôma. Thật vậy, Đức Phanxicô đã tỏ ra tin tưởng ngài hai lần: cách đây vài tuần, ngài chỉ định hồng y Schönborn trong số 33 chuyên gia đặc biệt của thượng hội đồng mà đa số ở ngoài khu vực, vì thế ngài là một trong số hiếm hoi người châu Âu ngoài Giáo triều, nhưng nhất là chỉ định ngài vào ban biên tập tài liệu cuối cùng, một nhóm nhỏ gồm 12 người, trong đó có 4 người được Đức Phanxicô trực tiếp chỉ định, để kiểm lại xem tài liệu có trung thành với các trao đổi không.

Nếu ngài được lưu ý như vậy và ở một địa vị chiến lược nổi bật này vì ngài là tu sĩ Dòng Đa Minh ngoại hạng về ý thức hệ, vừa là người thừa kế của Đức Bênêđictô XVI, vừa là người thân cận với Đức Phanxicô, rất được kính trọng ở Rôma về sự quân bình và khôn ngoan của ngài, ngài có được một hào quang ở Vatican và trong Giáo hội. Tiếng nói của ngài được mong đợi, được lắng nghe, được mời lên tiếng; nhất là ngài tham gia chặt chẽ trong việc biên tập Giáo lý Giáo hội Công giáo. Ngài ở trong danh sách các “hồng y có thể làm giáo hoàng” mà tên của ngài được nhắc đến trong lần mật nghị cuối cùng. Sau Thượng hội đồng về gia đình năm 2014, phần giải thích của ngài về Tông huấn Niềm vui Yêu thương, Amoris Lætitia đã giải hòa được những người bảo thủ và tự do. Một tầm nhìn cao và đáng quý cho Thượng hội đồng Amazon đang mở ra với các quan điểm mới cho Giáo hội. Thật vậy, tài liệu cuối cùng được các nghị phụ bỏ phiếu vào ngày thứ bảy 26 tháng 10 đề nghị các con đường táo bạo, dù phải chờ tông huấn sẽ được Đức Phanxicô đưa ra trong vài tháng sắp tới mới có các quyết định chính thức của thượng hội đồng này. Các vấn đề biểu tượng nhất là khả năng phong chức linh mục cho các ông “đã có gia đình hợp pháp và ổn định”, cho các “phó tế vĩnh viễn” bằng cách “đào tạo đầy đủ để họ lãnh nhận chức thánh.” Và cũng mở lại ủy ban nghiên cứu về vấn đề phó tế phụ nữ, một đề xuất được Đức Phanxicô xác nhận trong bài phát biểu kết thúc của ngài.

Xin cha cho biết cảm nhận của cha về những gì đã sống và đã nghe trong Thượng hội đồng Amazon này? 

Hồng y Christoph Schönborn: Trước khi nói thì phải lắng nghe. Tôi đã bỏ một thời gian dài để lắng nghe, và tôi đã do dự rất nhiều trước khi nói trong thượng hội đồng này. Thật vậy, vì tôi chưa bao giờ sống ở vùng Amazon, tôi là một trong số ít người châu Âu có mặt trong thượng hội đồng này, ba phần tư người tham dự đến từ vùng Amazon. Mới đầu, Đức Thánh Cha nói với chúng tôi: “Chúng ta phải nhón gót để đến gần người bản địa Amazon.” Và đó là thái độ mà người châu Âu chúng tôi, những cựu thực dân của vùng Mỹ-Latinh phải có, bởi vì nói với người bản địa là nói đến lịch sử truyền giáo cao cả và thánh thiện, nhưng cũng lắm đau đớn và đổ máu. Sức nặng của một lịch sử chinh phục, nỗi đau của các dân tộc bản địa ngày nay đang trên đà thu nhỏ và có nguy cơ tuyệt chủng phải đặt ra ngay từ đầu, trước khi nói đến các giải pháp và sáng kiến thực tế cần thực hiện.

Và tiếp đó là vùng rừng họ sống. Phần lớn người dân bản địa bị đe dọa vì vùng Amazon là vùng bị khai thác hàng loạt, tôi khó quên được lời báo động của chuyên gia khí hậu, giáo sư Schellnhuber nổi tiếng thế giới, giáo sư đã có lời nói kinh khủng: “Sự tàn phá rừng Amazon là sự hủy diệt thế giới”… Đức Giám mục Emmanuel Lafont, giám mục người Pháp ở rừng Amazon đã lên tiếng, thượng hội đồng này muốn đặt một trong các vùng ngoại vi của thế giới vào trọng tâm Giáo hội, tôi chia sẻ phân tích này của Giám mục. Chuyến đi đầu tiên của Đức Phanxicô là chuyến đi đến đảo Lampedusa nước Ý và đến nước Albania, châu Âu: Đức Phanxicô liên tục đến các vùng ngoại vi để đưa các vùng này vào trọng tâm Giáo hội.

Tội sinh thái là tội đánh cắp tương lai của các thế hệ tương lai.

Nhiều nghị phụ bày tỏ cảm nhận cấp bách này…

Như một nghị phụ đã nói: “Sau đó, là đã quá trễ.” Bài Tin Mừng chiều thứ bảy 26 tháng 10 ngày bỏ phiếu cho tài liệu cuối cùng nói đến lời Chúa Giêsu: “Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu kể dụ ngôn cây vả không cho trái từ ba năm nay: người chủ vưòn ra lệnh cho người làm vườn chặt nó đi, nhưng người làm vườn xin hoãn lại một năm để cứu. Bài Tin Mừng của ngày cuối thượng hội đồng cũng mang tính biểu tượng: sự đe dọa cho đời sống hành tinh là đe dọa thật chứ không phải là nói quá. Có một án treo, nhưng… đó là án treo.

Trong tài liệu cuối cùng, có nói đến “tội sinh thái”, xin cha cho biết, cụ thể đó là tội gì?

Đây là lãnh vực của công lý, là điều răn thứ bảy: “Chớ ăn cắp của người”. Tội sinh thái là tội ăn cắp tương lai của các thế hệ tương lai. Cho đến bây giờ, chúng ta chưa đánh giá đủ ý nghĩa của nó về mặt trách nhiệm cá nhân.

Một số người tham dự nói lên sự áp đảo của các Giáo hội ngũ tuần, họ thu hút tín hữu nhiều hơn là Đạo công giáo. Cha nghĩ thượng hội đồng có đương đầu được với vấn đề này không?

Chủ đề này không được đề cập đến nhiều, và nó làm cho tôi ngạc nhiên một chút. Nếu các con số thống kê là đúng, thì hơn một nửa kitô hữu qua “bên” giáo phái ngũ tuần và “từ” giáo phái ngũ tuần, có một số trở về đạo công giáo, có một số bỏ không giữ đạo nào, họ thất vọng vì sự đa dạng của các Giáo hội ngũ tuần, nhưng rõ ràng đây là một hiện tượng lớn. Trong thượng hội đồng, các nghị phụ nói đến việc phải đi từ mục vụ viếng thăm qua mục vụ hiện diện vì các người thuộc giáo phái ngũ tuần rất hiện diện. Điều này tôi cũng có nghe trong các cuộc trao đổi cá nhân trong giờ giải lao. Rõ ràng có một thiếu sót trong mục vụ công giáo: linh mục hiếm khi đến các vùng xa, trong khi các người thuộc giải pháp ngũ tuần luôn ở đó.

Như thế người công giáo có thể rút ra bài học nào ở đây?

Đầu tiên phải ý thức, mỗi người được rửa tội là một nhà truyền giáo, là chứng nhân, họ có thể và phải loan báo Tin Mừng. Tôi đánh động khi nghe một vài nhận xét được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: những người thuộc giáo phái ngũ tuần loan báo Chúa Kitô một cách trực tiếp, còn người công giáo chúng ta thường rụt rè ngại ngùng khi loan báo. Khía cạnh này cần được làm sáng tỏ. Một số người còn tự hỏi: “Chúng ta rất dấn thân để bảo vệ người bản địa và các vấn đề xã hội, nhưng đồng thời chúng ta có tiếp tục loan báo Tin Mừng: Chúa Giêsu đã chết và sống lại cho chúng ta không?”

Phải ý thức, mỗi người được rửa tội là một nhà truyền giáo, là chứng nhân, họ có thể và phải loan báo Tin Mừng

Nhưng một cách cụ thể, làm thế nào để phát triển loan báo này: bằng cách phát triển các sứ vụ Lời Chúa?

Đúng, chủ đề được nhắc đến nhiều. Có nhiều nguồn lực để phát triển và nhất là vai trò của phụ nữ trong các cộng đoàn và các làng mạc. Một vài người kể, phụ nữ rửa tội cho các em bé vì linh mục chỉ đến một hoặc hai lần một năm, họ giúp chuẩn bị hôn nhân và sau đó linh mục đến làm phép cưới. Ở nước Áo chúng tôi, càng ngày càng có nhiều phụ nữ cử hành các phụng vụ mai táng. Còn rất nhiều khả năng có thể phát triển.

Về vấn đề này, một số người ủng hộ cho chức phó tế phụ nữ. Cha nghĩ gì?

Chức phó tế đã có trong Giáo hội cổ đại, thậm chí còn có nghi thức phong chức các nữ phó tế. Nhưng về mặt thần học, câu hỏi liệu chức phó tế này thực sự có ở trong bí tích của thiên niên kỷ đầu tiên hay không thì chưa rõ ràng. Ngày nay, câu hỏi này có hai mặt: giáo huấn của Giáo hội công giáo về sự hiệp nhất của ba thứ trật – phó tế, linh mục, giám mục là như thế nào? Nhưng cũng là câu hỏi ba thứ trật này có phải dành riêng cho đàn ông không? Thật ra giáo huấn của Giáo hội chỉ quy định linh mục và giám mục phải là đàn ông. Còn về chức phó tế thì không có quy định một cách dứt khoát. Khi Công đồng Vatican II thiết lập chức phó tế vĩnh viễn thì các phó tế được phong không phải phong chức linh mục mà chức phục vụ. Nếu rõ ràng chức phó tế không phải là chức linh mục, và giáo huấn Giáo hội cho rằng chức linh mục dành cho đàn ông, thì chúng ta được phép hỏi một cách hợp pháp, liệu có thể phong chức phó tế cho phụ nữ không. Chừng nào Giáo hội chưa lên tiếng thì tiếp tục nghiên cứu và tìm tòi các sáng kiến về vấn đề này là điều hợp pháp, cho đến khi nào Giáo hội quyết định. Và tôi nghĩ giáo hoàng sẽ không làm mà không có một sự đồng ý lớn trong Giáo hội.

Thượng hội đồng hướng về việc khuyến khích cho chức phó tế vĩnh viễn mà ở Châu Mỹ La Tinh và vùng Amazon chưa phát triển nhiều.

Làm thế nào để hiểu định hướng của tài liệu cuối cùng về “viri probati” (các ông đã lập gia đình được công nhận là tốt lành có thể làm linh mục khi nhu cầu địa phương cần) và về chức phó tế vĩnh viễn và điều gì sẽ xảy ra kể từ bây giờ?

Khi một phần của Giáo hội đề nghị một yêu cầu cho giáo hoàng, cho mục tử của Giáo hội thì điều này cần được phân định. Và giáo hoàng sẽ không hời hợt đưa ra quyết định trên một vấn đề gây tranh cãi một cách nghiêm túc như vấn đề viri probati, tranh cãi về truyền thống, về thuận tiện và về các khía cạnh thực tiễn khác. Thượng hội đồng hướng về việc khuyến khích cho chức phó tế vĩnh viễn mà ở Châu Mỹ La Tinh và vùng Amazon chưa phát triển nhiều, trong khi đó là cánh cửa mà Công đồng Vatican II đã mở ra. Trong Giáo hội đã có các ông đã có vợ, đã có kinh nghiệm gia đình, đã có đời sống nghề nghiệp và đức tin, họ nhận chức phó tế. Chúng ta đã có 50 năm kinh nghiệm: vì sao ở Châu Mỹ La Tinh chúng ta ít có kinh nghiệm này? Chưa kể là nếu phong chức linh mục cho các ông đã lập gia đình, thì trước hết họ phải qua chức phó tế, như tôi đã nhắc trong bài can thiệp của tôi ở thượng hội đồng. Phát triển chức phó tế vĩnh viễn là làm thử nghiệm để xem đương sự có thật sự có ơn gọi không. Thời gian suy nghĩ này rất quan trọng vì các lý do thực tiễn: các ông viri probati linh mục, cũng như các ông viri probati phó tế phải sống bằng chính phương tiện của mình, công việc phục vụ của họ là thiện nguyện. Thật vậy, trong các Giáo hội nghèo như Giáo hội ở vùng Amazon, Giáo hội không có tiền để trả lương phù hợp cho một người cha gia đình. 

Về mặt ơn gọi, điều này thay đổi cả một quan điểm…

Điều này bao gồm một chuyện rất quan trọng: chúng ta thường hình dung ơn gọi linh mục dưới một khía cạnh rất cá nhân. Chiều kích cá nhân vẫn có đó nhưng chúng ta đừng quên tiếng gọi của Giáo hội và của cộng đoàn. Với các phó tế vĩnh viễn, các viri probati phó tế, Giáo hội sẽ có một thử nghiệm, trong khi cộng đoàn có thể hỏi giám mục: “Chúng tôi cần một cha xứ. Thầy phó tế này rất tốt, nhưng chúng tôi thích ngài cho chúng tôi một linh mục.” Đây sẽ là một tiến trình khác tiến trình của một ơn gọi cá nhân – “tôi, tôi được gọi để là linh mục của Chúa Giêsu Kitô” – và chúng ta so sánh với những gì đã được thực hiện trong các Giáo hội sơ khai, khi một số ơn gọi được cộng đoàn kêu gọi. Chẳng hạn Thánh Âugutinô đã không có ý định trở thành linh mục, nhưng người dân Hippone đã nhìn thấy ngài trong nhà thờ, họ chạy đến ngài và đưa ngài đến giám mục, giám mục đặt tay lên ngài. Và ngài thành linh mục!

Các quyền có thể được trao cho các giám mục (để phong chức cho các ông đã lập gia đình) nhưng đây vẫn là một lựa chọn đặc biệt, không phải là một quy tắc chung.

Cho đến nay, các định hướng này được thượng hội đồng khu vực đề xuất. Như vậy theo cha có nên phát triển suy nghĩ ở tầm mức phổ quát để tránh các nguy cơ phân mảnh không?

Trong thực tế, nó đã được thực hiện trong Giáo hội hoàn vũ. Nhưng tôi nghĩ với lời kêu gọi này, phải lượng định tình trạng vùng, địa phương, vì các viri probati không phải là mô hình công giáo, phổ quát của linh mục công giáo la mã. Chắc chắn nơi các người công giáo Đông phương có các linh mục lập gia đình, nhưng Giáo hội la mã, bậc sống độc thân của linh mục vẫn là chuẩn mực cơ bản và phải duy trì như vậy. Đúng là có những trường hợp ngoại lệ: trong giáo phận của tôi, tôi đã phong chức cho một mục sư giáo phái luther, đã lập gia đình và là cha gia đình. Đức Bênêđictô XVI đã chuẩn chi cho trường hợp này. Vì thế các uỷ quyền cũng được giao cho các giám mục ở một số vùng, nhưng điều này vẫn là một lựa chọn đặc biệt, không phải là một quy tắc chung. 

Cha có cảm nhận Giáo hội đang sống giây phút quyết định trong lịch sử của mình không?

Có. Giáo hội ở trong thế giới và thế giới ở trong bản lề. Chúng ta ở cuối chu kỳ kinh tế, nhân khẩu học, văn hóa và kỹ thuật. Nhân loại đang ở một bước ngoặt và điều này ảnh hưởng sâu đậm đến Giáo hội, vì Giáo hội ở đó, trong thế giới  này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã sai Con của Người…” Và tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới đòi hỏi Giáo hội phải ở đó cho thế giới này, trong bước ngoặt này. Chúng ta chưa thấy những gì Chúa sẽ chỉ cho chúng ta. Có rất nhiều mối quan tâm trong Giáo hội và trên thế giới, sự bất an và những nguy hiểm rất nghiêm trọng cho thế giới, cho Giáo hội. Một ngày trước khi kết thúc thượng hội đồng, Đức Phanxicô đã cho tất cả chúng tôi xem quyển sách của một trong những người tham dự về sự tồn tại của ma quỷ. Ngài nói một cách ngạc nhiên về Hoàng tử của Thế giới này. Nhưng ngài nhắc lại điều này: chúng ta không bao giờ được quên Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết và Quỷ dữ. Chiến thắng này có được với giá của Thập giá và sẽ ở lại cho đến vinh quang cuối cùng. Ôm lấy Thập giá, đó là con đường cứu rỗi thực sự.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Thượng hội đồng Amazon, một chủ đề địa phương với phạm vi toàn bộ?

Thượng hội đồng Amazon, tài liệu cuối cùng mang tiếng kêu của vùng Amazon

Thượng hội đồng Amazon: Các giám mục xin Đức Phanxicô phong chức linh mục cho các phó tế đã lập gia đình

“Hãy trung thành với giáo hoàng”: Một thái độ công giáo đơn giản và cơ bản