Làm thế nào một người do thái lại yêu đạo công giáo

181

Làm thế nào một người do thái lại yêu đạo công giáo

die-tagespost.de, Florian D. Vorisek, 2024-03-04

Yarden Ya’aqov Zelivansky là người do thái, bây giờ anh theo đạo công giáo: anh là quân nhân trừ bị của Lực lượng phòng vệ Israel. Anh kể câu chuyện trở lại của anh.

Thời tiết yên tĩnh lạ thường vào buổi sáng mùa đông năm nay tại trại Lực lượng Phòng vệ Israel, chỉ cách Gaza vài cây số. Yarden Zelivansky, 32 tuổi, người Israel, anh là quân nhân trừ bị đã đóng quân ở đây được hơn một tháng. Sau giờ tập buổi sáng, anh được nghỉ một giờ, anh cùng một số đồng đội rời trại để cầu nguyện giờ kinh sáng của người do thái. Anh cẩn thận lấy các viên nang cầu nguyện của người do thái có chứa các câu Kinh Torah ra khỏi túi, buộc chúng vào cánh tay trái và trên trán. “Xin Ngài ban hòa bình từ trên trời cao; xin Ngài ban hòa bình giữa chúng con và cho toàn dân Israel. Amen.” Sau đó, Yarden tháo một sợi dây bằng những hạt gỗ mà anh luôn mang theo bên mình để gắn vào đồng phục của anh. Anh nhắm mắt lại và để những viên ngọc trai trượt qua kẽ ngón tay. Các bạn do thái chính thống của anh không thể tin vào mắt họ, khi họ thấy một cây thánh giá được treo ở đó. “Bạn là người do thái hay người kitô giáo?”, họ bối rối hỏi anh. “Cả hai”, anh trả lời, anh đã rửa tội ở Vienna hai năm trước.

16 năm trước và cách đó 70 cây số về phía bắc: Vào đêm khuya, chàng trai trẻ thiếu niên Yarden ngồi uống ly cocktail với các bạn ở một quán bar trong đô thị nhộn nhịp Tel Aviv. Yarden và cô sinh viên trẻ Vera bắt đầu thảo luận sâu đậm về sự hiện hữu của Chúa. Yarden nhớ lại: “Sáng sớm khi chúng tôi từ giã nhau, tôi về nhà với mong muốn sâu đậm là chứng minh cho Vera thấy Chúa không tồn tại. Lúc đó tôi là người cộng sản và tự hào mình là người vô thần.” Anh bắt đầu bằng cách bác bỏ những lời dạy của kitô giáo. Trên Internet, anh tìm thấy danh sách những lời tiên tri về Đấng Thiên Sai trong Cựu Ước và sự ứng nghiệm của những lời này trong Tân Ước. Ban đầu anh tin chắc những điều này là lỗi dịch thuật có chủ ý từ tiếng do thái, anh ngạc nhiên khi biết các bản dịch là chính xác và không còn nghi ngờ gì, Chúa Giêsu thực sự là Đấng Thiên Sai của Israel. 

“Tôi đã yêu đạo Công giáo”

Yarden cố gắng tiếp xúc với cộng đồng kitô giáo để tìm hiểu thêm về đức tin kitô. Chỉ có giáo xứ công giáo Thánh Phêrô ở Tel-Aviv-Jaffa đáp ứng yêu cầu của anh. Chàng trai trẻ người Israel bắt đầu đi lễ ở đó, anh đưa Vera đi cùng, anh không còn muốn thuyết phục cô về chủ nghĩa vô thần nhưng muốn cô đọc Tân Ước. Yarden xúc động nhớ lại những kinh nghiệm đầu tiên của anh ở nhà thờ: “Tôi yêu đạo công giáo, tôi bắt đầu lần hạt Mân côi mỗi ngày, tôi đi lễ hàng tuần. Một đêm nọ, tôi có giấc mơ: trong thánh lễ, tôi đến gần linh mục đang cho rước lễ. Linh mục đưa tôi cái chén và nói tôi nên uống chén này. Khi tôi uống thì tôi tỉnh dậy và ngạc nhiên thấy môi mình ướt, có vị máu trong miệng. Lúc đó tôi hiểu Chúa đang gọi tôi đến với Giáo hội công giáo.

Tuy nhiên lúc đó Yarden mới 17 tuổi. Là người do thái ở tuổi vị thành niên, không ai cho anh rửa tội nếu cha mẹ không viết giấy đồng ý. Ông bà của Yarden đã là những người sống sót sau vụ diệt chủng người do thái ở Hungary, nhiều giám mục công giáo đã ủng hộ việc trục xuất người do thái. Còn cha mẹ của anh, thì mong muốn của con trai họ là điều không thể tưởng tượng. Cha mẹ đồng ý chờ khi anh 21 tuổi thì để anh tự quyết định.

Rửa tội không phải là xa đạo do thái

Yarden và Vera kết hôn tháng 4 năm 2013. Năm năm sau, họ dọn về Áo vì Yarden muốn học xong khóa đào tạo phi công ở đó. Anh rất vui khi biết Viện Thần học Quốc tế Trumau ở ngay bên cạnh nhà anh khi đó anh ở Basse-Autriche. Một linh mục công giáo và người cha đỡ đầu tương lai của anh giúp anh hiểu sâu hơn về chân lý đức tin mà trước đây anh không đào sâu được. Ngày 11 tháng 11 năm 2021, anh được rửa tội tại Vienna nhân kỷ niệm ngày cắt bao quy đầu của anh dưới tên Giacóp – nhà lãnh đạo do thái theo kitô giáo đầu tiên của cộng đồng đầu tiên ở Giêrusalem. Bây giờ anh người công giáo-do thái có tên rửa tội là tên đệm Ya’aqov.

Với anh Yarden, rửa tội không có nghĩa là xa đạo do thái: “Nhiều truyền thống của Giáo hội đã nhắc tôi về do thái giáo và làm cho tôi cảm nhận một sức hấp dẫn mới với kho tàng thiêng liêng của do thái giáo. Theo tôi, thật vô lý khi trong nhiều thế kỷ, người do thái đã được rửa tội bị cấm đưa truyền thống và văn hóa do thái vào việc giữ đạo công giáo của họ. Tân Ước là bằng chứng từ thời hậu tông đồ cho thấy những người theo do thái giáo trong Giáo hội vẫn tiếp tục duy trì bản sắc và truyền thống do thái của họ.”

Một cách cụ thể, với Yarden, điều này có nghĩa anh mừng các ngày lễ của người do thái và công giáo, cũng như ngày xa-bát và ngày của Chúa như những người theo Thiên chúa giáo đã làm trong những thế kỷ đầu tiên. Anh giải thích: “Đời sống cầu nguyện của tôi được định hình với các truyền thống do thái và công giáo, không mâu thuẫn với nhau nhưng bổ sung và soi sáng cho nhau một cách độc đáo.” Yarden tham gia vào “Hiệp hội những người công giáo do thái” hoạt động dưới sự chúc phúc và bảo vệ của các giám mục địa phương và các giáo hoàng kể từ thời Đức Gioan Phaolô II. Công việc của hiệp hội quốc tế này nhằm bảo tồn bản sắc và di sản phong phú của người công giáo gốc do thái trong Giáo hội công giáo.

Do thái giáo và kitô giáo bổ sung cho nhau

Tháng 7 năm 2022, Yarden là cha của hai đứa con trai song sinh, giống như tất cả người do thái, hai con Raphael và Jonathan của anh  được cắt bao quy đầu vào ngày thứ tám – theo giao ước của Chúa với Áp-ra-ham. Các con trai của anh được rửa tội ngay sau đó. Anh cho biết: “Với tôi, điều quan trọng là các con tôi lớn lên sẽ không chỉ là người công giáo mà còn là người do thái theo công giáo. Các con sẽ tự hào về đức tin, về Giáo hội, về di sản do thái của chúng, về dân của giao ước của Thiên Chúa theo xác thịt.

Đó là buổi tối, một ngày mùa đông năm nay, tại một trại quân sự cách Gaza không xa. Những ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời. Yarden Ya’aqov Zelivansky hướng ánh mắt về phía bắc, đến thành phố Petah Tikva. Ở đó, giống như mọi thứ sáu hàng tuần, Vera thắp nến xa-bát lúc màn đêm buông xuống. Tối hôm đó, từ xa Yarden chúc phúc cho hai con trai mình. Anh nhẹ nhàng hát những lời chúc phúc bằng tiếng do thái cho gia đình anh ở Petach Tikva. Petach Tikva có nghĩa là Cánh cửa Hy vọng. Anh muốn làm chứng cho ánh sáng hy vọng mà anh đã tìm thấy nơi Chúa Giêsu, rằng Thiên Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và ngự trong vinh quang của Ngài giữa dân Do Thái và Dân Ngoại của Ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch