Hồng y Poola, người đalit đầu tiên: “Sứ mệnh của tôi là giúp được càng nhiều trẻ em nghèo càng tốt”
vaticannews.va, Deborah Castellano-Lubov, Rôma, 2022-06-10
Tổng Giám mục Anthony Poola của Hyderabad ở Ấn Độ. AFP
Tổng giám mục Anthony Poola của Hyderabad, Ấn Độ sẽ được phong hồng y trong công nghị ngày 27 tháng 8. Ngài mô tả sứ mệnh của ngài là “giúp càng nhiều trẻ em nghèo càng tốt” và phục vụ “những người không thể chạm tới”, những người nghèo nhất và thường bị lãng quên ở Ấn Độ.
Có nguồn gốc từ tiếng phạn, từ “đalit” có nghĩa là “tan vỡ” hoặc “bị áp bức”, dùng để chỉ những người có địa vị xã hội thấp đến mức bị xem là ruồng bỏ hoặc nằm ngoài hệ thống đẳng cấp bốn tầng của xã hội ấn giáo. Thường được gọi là “không thể chạm tới”, những người này bị bóc lột nặng và phải chịu những hành động tàn bạo.
Trong một phỏng vấn dài với Vatican News, tân hồng y Anthony Poola 60 tuổi giải thích chế độ đẳng cấp, mặc dù trên nguyên tắc đã bị xóa bỏ nhưng vẫn còn dấu tích, ý nghĩa của việc phục vụ “những người không thể chạm tới” ở Ấn Độ và tình trạng tự do tôn giáo của thiểu số tín hữu kitô hiện nay ở Ấn Độ.
Cha đang làm gì khi biết tin Đức Phanxicô bổ nhiệm cha làm hồng y?
Hồng y Anthony Poola: Hôm đó tôi đến bang Kerala để dự lễ phát bằng của phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo nhân dịp Năm Thánh Vàng. Một số bạn của tôi ở Sardinia và Catania nhắn tin cho tôi: “Chúc mừng cha được phong hồng y”. Tôi trả lời tôi là tổng giám mục Hyderabad, không phải hồng y, và tôi phục vụ ở đây đã 14 tháng. Sau đó, họ gửi đường kết nối: “Đây là tin Đức Phanxicô loan báo hôm nay. Họ cho tôi biết tên của tôi có trên danh sách cách đây lúc 17 phút, 12 hay 13 giây, hoặc đại loại như thế”.
Việc bổ nhiệm này có ý nghĩa gì đối với cá nhân cha và cha mong muốn được giúp và cố vấn cho Đức Phanxicô như thế nào?
Tôi đã bị sốc. Thật quá bất ngờ với tôi, tôi không thể ngờ. Tôi chưa bao giờ mơ chuyện này, tôi cảm thấy đây là ơn của Chúa và ý của Ngài qua Đức Phanxicô khi tôi nhận được tiếng gọi này. Đức Phanxicô, Đức Thánh Cha của chúng ta. Tôi xem đây là dịp may tuyệt vời để phục vụ giáo dân, phục vụ người dân Nam Ấn và tất cả mọi người đặc biệt là người nghèo ở các Bang Telugu Telangana và Andhra Pradesh.
Cha giải thích thế nào về việc Đức Phanxicô chọn hồng y “đalit” đầu tiên trong lịch sử? Cha nghĩ ngài muốn gửi thông điệp nào?
Từ đầu triều giáo hoàng của ngài, tôi đã hiểu. Theo cá nhân tôi hiểu, ngài là: tình thương, lòng trắc ẩn và bàn tay dang rộng ra vùng ngoại vi đến những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Vì thế khi chúng tôi phục vụ ưu tiên cho người nghèo và những người bị thiệt thòi, chúng tôi có một thông điệp mạnh về “một Giáo hội nghèo cho người nghèo”. Tôi có thể nói, bất cứ khi nào có một vụ tàn phá nào xảy ra, một cơn lốc xoáy, một thảm họa thiên nhiên hoặc gần đây là chiến tranh giữa Nga và Ukraine, là tôi thấy sự quan tâm của ngài với tất cả các dân tộc trên vũ trụ. Một cách cụ thể, tôi nghĩ có lẽ đây là tình huống mà ngài mong tôi giải quyết các vấn đề của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và cũng là vấn đề của người đalit. Điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ quên người khác, những người thuộc trách nhiệm mục vụ của chúng ta. Tôi có trách nhiệm chăm sóc tất cả những người được giao phó cho tôi theo nhu cầu của họ.
Trẻ em đường phố ở Jaipur
Trên nguyên tắc, chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ đã bị xóa bỏ, nhưng trên thực tế thì như thế nào?
Chúng ta có thể nói chế độ đẳng cấp đã bị xóa bỏ, nhưng vẫn còn những yếu tố xã hội nào đó tồn tại. Chúng ta không thể nói chúng đã bị bãi bỏ hoàn toàn. Trong thực tế, có một số khác biệt. Có những người thực sự đấu tranh để tài năng, để các hoạt động khác nhau của họ được công nhận. Đã từ rất lâu, những người ở giai cấp cùng đinh không được giáo dục, không được đến trường. Nhưng ngày nay, chính phủ Ấn Độ, đặc biệt là ở các bang Telangana và Andhra Pradesh quê tôi, đang có nhiều chương trình, tạo cơ hội cho người sống bên lề, người nghèo và người đalit tiến thân, tôn trọng và khuyến khích người nghèo đến trường và tiếp tục theo đuổi việc học. Có một chút ghen tị trong bản chất con người. Tôi nghĩ những gì tôi mong chờ ở mọi người và những gì chúng tôi cố gắng thực hành là nâng cao nhận thức về con người, về các tình huống, và cố gắng mang lại bình đẳng cho mọi người.
Cha có thể nêu một ví dụ về những gì cha thấy trong sứ vụ của cha cho người đalit, hoặc những người nghèo nhất Ấn Độ đã làm cho cha đặc biệt xúc động hay để lại ấn tượng lâu dài không?
Giáo phận Kurnool là giáo phận quê hương tôi. Nhưng tôi đã học ở giáo phận Kadapa, một giáo phận lân cận với Kurnool. Sau khi học xong ở chủng viện và là linh mục, tôi dấn thân làm việc, quan tâm của tôi là phục vụ mọi người, dù ở giáo xứ, ở địa phận hay ở các trường, tôi là người đứng đầu các chương trình hỗ trợ, v.v. Nhưng ở mỗi giáo xứ có những ngôi làng xa xôi, những nơi này rất nghèo và dễ bị khô hạn. Khi chúng tôi phải đi thăm làng, chúng tôi chỉ có thể đi vào buổi tối vì ban ngày mọi người đi làm, và như các bạn biết, họ chỉ đến vào buổi tối và họ ở đó. Chúng tôi rung chuông nhà thờ và tập hợp các em lại để dạy giáo lý cho các em. Và mọi người đôi khi phải nấu ăn và đến nhà thờ. Thật là cảm động. Tôi cảm thấy trắc ẩn và đầy tình thương, trên hết là trách nhiệm lớn lao với các em, đó là cho các em được học vì các em không có tiền hay hàng hóa để bán. Nhưng nếu mình cho các em một nền giáo dục, đó sẽ là một món quà to lớn. Tôi nhìn vào chính cuộc đời của tôi.
Ý của cha là gì?
Học hết lớp bảy, tôi phải nghỉ vì gia đình nghèo. Tôi nghĩ vậy là chấm dứt việc học của tôi. Nhưng các nhà truyền giáo đã lo cho tôi, đưa tôi đến Kadapa và cho tôi tiếp tục học. Sau khi học xong, tôi nghĩ tôi không có liên hệ gì với các nhà truyền giáo này. Nhưng họ đã chăm sóc tôi, giúp tôi đi học và giúp tôi trở thành người xứng đáng. Đó là lý do vì sao tôi vào chủng viện. Tôi đến Kadapa.
Tôi đã học và ý định của tôi là giúp càng nhiều trẻ em nghèo càng tốt. Vì vậy, tôi chấp nhận công việc này trong tư cách linh mục, tôi đến thăm các làng mạc và làm việc như một cha xứ. Đó là những giây phút đẹp của đời tôi. Và như thế mỗi lần tôi nhìn các em bé nghèo. Tôi đưa các em lên xe và đưa các em vào trường nội trú. Các giáo dân đi truyền giáo cũng có chiếc xe jeep. Vào thời đó có những chiếc rương, những em vào trường mang theo đồng phục, tất cả những gì các em có để vào rương này. Và họ đưa các em vào trường nội trú, giao cho hiệu trưởng cũng ở trong giáo xứ hoặc trong trường. Điều này gây ấn tượng với tôi. Đó là lý do vì sao tôi cố gắng làm nhiều mục vụ ở các làng mạc.
Và thế là truyền cảm hứng cho mục vụ của cha?
Cả đời tôi, tôi là một linh mục đơn sơ, một nhà truyền giáo đơn sơ. Tôi đã làm việc gần mười năm như nhà truyền giáo. Sau đó, tôi đến Hoa Kỳ vài năm để theo đuổi việc học, chủ yếu tôi làm việc trong các giáo xứ như người phụ tá. Khi về lại Ấn, tôi được giao làm các chương trình tài trợ. Với tư cách là phụ tá giám đốc, tôi có trách nhiệm ở các trường công giáo trong giáo phận. Ở đó, tôi hăng hái làm mục vụ cho người nghèo, 90% trong số họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Cũng có những nơi khác có người nghèo và chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu của họ.
Một em bé Ấn Độ cầu nguyện.
Cha đã thấy những kiểu phân biệt đối xử hoặc lạm dụng nào không?
Phân biệt đối xử trong cuộc sống cá nhân của tôi và thời thơ ấu của tôi. Có cả một hệ thống trong làng. Có một hệ thống kỳ thị của xã hội. Chúng tôi làm được gì? Chúng tôi không làm được gì. Trước đây, nhà chúng tôi ở cuối làng phía bắc, ở góc làng. Khi chúng tôi đến với những người thuộc đẳng cấp thượng lưu, có một cái giếng và khi chúng tôi khát, họ đổ nước vào tay chúng tôi và chúng tôi phải uống. Nhưng điều này không làm chúng tôi mệt mỏi và đau đớn. Chúng tôi chấp nhận sự kỳ thị này của xã hội. Nhưng kiểu phân biệt đối xử này không còn thấy ở thành phố hay ở những vùng tập trung lớn, mà ở những ngôi làng xa xôi. Ngày nay, tục lệ này không còn, ý tôi muốn nói là uống bằng tay hoặc dùng ly đĩa riêng cho người đalit. Đó là một chút phân biệt đối xử.
Cha có bao giờ cảm thấy nguy hiểm trong công việc của cha không?
Như các bạn thấy, chúng tôi có quyền tự do tôn giáo. Mọi công dân Ấn đều có quyền tự do giữ đạo, chính quyền chấp nhận bất kỳ tôn giáo nào và sống thích ứng theo tôn giáo của mình. Ở miền nam Ấn Độ, với kinh nghiệm của tôi, tôi có thể nói chúng tôi rất tự do, trong các đảng phái chính trị cũng vậy, chúng tôi không nghiêng về phe nào. Bất cứ ai ở vị trí có thẩm quyền, chúng tôi đều hợp tác 100% với họ. Tôi chưa gặp bất kỳ nguy hiểm nào trong công việc, chúng tôi cũng không đối xử phân biệt với các người thuộc các tôn giáo khác, hinđu, hồi giáo, kitô giáo. Chúng tôi đối xử với họ như nhau và xem họ đều là con cái của Chúa.
Nói chung, tình hình thiểu số tín hữu kitô ở Ấn bây giờ như thế nào?
Nói chung, có một cảm giác bị đe dọa vì có một số sự cố xảy ra ở các vùng khác nhau của Ấn, đặc biệt là ở phía bắc, nhưng cũng ở phía nam Ấn. Có những nhóm cuồng tín. Nhưng khi chúng tôi tiếp xúc với chính quyền, họ rất hợp tác, thấu hiểu và thân thiện. Họ cố gắng giải quyết vấn đề. Nhưng ở Karnataka, việc phá hủy một số tượng và những thứ khác làm chúng tôi thất vọng. Ở đây, có những sự cố rất nhỏ đã diễn ra tại một số nơi. Nhưng khi chúng tôi liên hệ với chính phủ, tôi có thể nói chúng tôi được đảm bảo an toàn 100%.
Cha có kính mến một thánh nào đặc biệt mà cha thường cầu nguyện mỗi ngày để xin giúp đỡ không?
Tôi rất kính mến Mẹ Maria. Chúng tôi có nhà nguyện trong làng. Có tượng Đức Mẹ Lộ Đức ở đây. Tôi đặc biệt kính mến Mẹ, những khi gặp khó khăn, tôi cầu nguyện với Mẹ, cả ở trong văn phòng của tôi. Tôi cũng có tượng Đức Mẹ Velankanni hiện ra ở Ấn bên cạnh tôi. Từ khi còn nhỏ tôi đã kính mến Mẹ. Mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn, tôi đều cầu nguyện. Tôi cầu nguyện với Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và tôi được an ủi. Hướng về cầu nguyện, với tất cả công việc của tôi, với các vấn đề phải giải quyết, tôi có được thành công. Và thánh bổn mạng của tôi là Thánh Antôn Pađua, tôi kính mến ngài. Mỗi khi cầu nguyện, tôi có thể tin chắc tôi được Đức Mẹ và Thánh Antôn Padua cầu bàu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Anthony Poola, tổng giám mục đầu tiên thuộc đẳng cấp cùng đinh Ấn Độ được phong hồng y