Trường nội trú ở Québec, Canada: Nỗi đau của cả một đời

452

Trường nội trú ở Québec, Canada: Nỗi đau của cả một đời

lapresse.ca, Fanny Lévesque, Olivier Jean, 2021-06-05

 Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

Bà Jeannette Siméon đã mất nhiều năm để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với người em gái Julienne của bà, cô em không bao giờ trở về từ trường nội trú ở Fort George, phía Bắc Québec.

Việc phát hiện hài cốt của 215 trẻ em bản địa ở khuôn viên của một trường nội trú cũ ở Kamloops, tỉnh bang British-Columbia đã khơi lại vết thương lòng sâu đậm trong cộng đồng Mashteuiatsh, Lac-Saint-Jean. Tỉnh bang Québec cũng không thoát được tác hại của các trường nội trú, nơi lạm dụng tình dục và thể chất đã phạm trong nhiều năm. Làm thế nào để sống còn với một di sản như vậy? Làm thế nào để chữa lành? Ba chứng từ.

Mashteuiatsh. “Tôi đã hứa với mẹ tôi là tôi sẽ tìm ra em tôi”

Cô em gái Julienne Siméon không bao giờ trở về.

Vào cuối những năm 1950, em bé đã bị tách khỏi gia đình để đến trường nội trú Fort George ở Bắc Québec. Trường ở hàng trăm cây số cách làng Mashteuiatsh nơi gia đình sinh sống. Cha mẹ em qua đời mà không biết chuyện gì đã xảy ra với con mình. Không biết con mình chôn ở đâu. Lúc đó em mới 9 tuổi.

Jeannette Siméon và hình của em gái Julienne. Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

“Tôi tự nhủ, một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại em.”

Một đống giấy tờ trải trên bàn bếp của bà Jeannette Siméon. Bà đã hứa với mẹ sẽ tìm ra sự thật. Em Julienne của bà bây giờ ở đâu.

“Ai đã đưa em đi? Ai săn sóc em? Chúng tôi đặt rất nhiều câu hỏi. Đôi khi tôi phẫn nộ. Đây là cả một thảm kịch. Hôm nay chúng ta nhìn chuyện xảy ra ở nơi khác, nhưng ở đây cũng có những chuyện như thế này”, bà Jeannette người Innu 68 tuổi nói, bà muốn nói đến thảm kịch ở Kamloops nơi hài cốt của 215 đứa trẻ vừa được phát hiện.

Jeannette Siméon. Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

Chúng ta cũng cần biết những gì đã xảy ra ở đây. Jeannette Siméon

Bà đã gởi thư cho tất cả các bệnh viện ở Québec. Các bức thư đều viết tay. Bà viết cho Văn phòng điều tra những người chết bất thường, cho giám đốc Văn phòng hộ tịch. Con gái của bà giúp bà khi bà phải viết bằng tiếng Anh. Bà đã mất 9 năm cố gắng – cũng bằng số năm cuộc đời ngắn ngủi của em bà – để tìm ra câu trả lời. 53 năm sau, vào năm 2012.

Marie Rose Ghislaine Siméon, được biết dưới tên Julienne Siméon, qua đời tại bệnh viện Maisonneuve ở Montréal ngày 3 tháng 12 năm 1959. Với lý do tim yếu. Julienne được chôn ở nghĩa trang Kahnawake, gần thành phố Montréal. Bà Jeannette Siméon đã đến nghĩa trang. Có một dãy dành cho những người qua đời năm 1959.

“Nhưng chính xác thì mộ em tôi ở đâu?” Bà hỏi.

“Người ta nói tôi phải tự tìm.”

“Vì em tôi còn nhỏ nên tôi đến xem mộ có cây thánh giá nhỏ nhất,” người chị cả tiếp tục kể. Bà biết sẽ không bao giờ mình biết chỗ nào chính xác để đặt hoa. Nhưng với bà, đây là nơi em Julienne an nghỉ. “Chúng tôi đã đau khổ rất nhiều.”

Jeannette Siméon chỉ bức hình của người em Julienne. Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

Cha mẹ tôi … có 13 người con, khi thiếu một người, mẹ tôi thường nói với tôi: “Mẹ không biết em ở đâu, em của con. Jeannette Siméon

Bà Siméon sẽ về Kahnawake ngày 3 tháng 7 để tổ chức một buổi lễ. “Tôi muốn đặt một cây thánh giá thật, làm bằng sắt.”

Trong những năm 1950, các em bé của làng Mashteuiatsh, gần Roberval, được gửi đến trường Fort George trước khi có một trường nội trú được mở trong cộng đồng năm 1960. Bà Jeannette Siméon ở đó hai năm. Bà kể lại: “Họ cắt tóc cho chúng tôi, xem chúng tôi có chấy hay không và cho chúng tôi một con số.” Và khi bà khóc nhớ em mình, các nữ tu nhốt bà dưới tầng hầm.

 Vết thương mở ra lại

Vụ xảy ra ở Kamloops đã khơi lại nỗi đau trong các cộng đồng trên khắp đất nước. Ông Claude Boivin bình tĩnh giải thích: “Kể từ khi vụ này được nói lên, tôi đã cảm thấy kỳ lạ. […] Nó đánh thức mọi thứ thêm một lần nữa.” Ông Boivin cũng được nhận vào trường nội trú năm 1962. Khi đó ông 6 tuổi. “Dù ở tuổi 65, khi nhìn lại chuyện này, tôi tự nghĩ: ‘Nào, mình chưa xong chuyện này sao?

 Ông Claude Boivin. Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

Trường Pointe-Bleue, Mashteuiatsh là trường nội trú cuối cùng mở ở Québec và cũng là trường cuối cùng đóng năm 1991. Thời đó người ta biện minh cho việc xây trường này là vì cơ sở ở Amos đã tràn ngập. Trường ở Mashteuiatsh nhận một tỷ lệ lớn các em Atikamekw từ vùng Haute-Mauricie, những người trước hết đã được gởi đến Abitibi-Témiscamingue.

Các tu sĩ Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm quản lý trường học, trường có thể nhận đến 200 học sinh nội trú. Như những nơi khác, các lạm dụng thể chất và tình dục được các cựu học sinh ở Mashteuiatsh làm chứng, đặc biệt là tại Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada (Commission de vérité et réconciliation du Canada, TRC), cơ quan này đã đưa ra báo cáo của họ năm 2015.

Chúng tôi bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đứa nào sẽ biến mất? Mỗi buổi tối, một người biến mất. Người đó đi với một sư huynh. Ông, ông nghĩ họ ngủ. Họ không ngủ. Chúng tôi nghe tiếng người rống. Chúng tôi nghe họ trở lại. Claude Boivin

Các con gấu bông trước trường nội trú khu bảo tồn Pointe-Bleue, ở Mashteuiatsh, nơi bây giờ là trường trung học. Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

Ông Boivin kể, các anh em của ông đều bị tấn công, nhưng ông không bị. Vì ông đã trốn thoát một lần, ông tóm tắt kể nhưng không đưa ra nhiều chi tiết.

“Ở nội trú, họ chà đạp mình, mày không là gì, mày dơ bẩn. Hôm nay tôi để tóc dài vì tôi, tôi quyết định khi nào thì cắt tóc. Ở đó, họ cạo trọc chúng tôi. Tôi nhìn các anh em khác của tôi ở phòng ăn hay ở sân chơi, nhưng tôi không thể nói chuyện với anh em tôi.”

Cả đến bây giờ, ông thú nhận là “không thực sự” biết ai là anh chị em của mình.

Gia đình của ông đã tan vỡ trong thời kỳ học nội trú.

Ông Claude Boivin. Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

Các cha mẹ, họ bắt đầu uống rượu. Họ không còn đi vào rừng nữa, họ buồn […] Một làng không có con cái là một làng chết. Claude Boivin

Khi nghĩ về mẹ, quả tim của ông thắt lại. Chín người con của bà ở trường nội trú xa bà trong nhiều năm. “Chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi không thực sự hiểu. Còn cha mẹ, họ phải chịu đựng.” Tâm tư của ông hướng về các cha mẹ ở Kamloops.

“Trường học nội trú đã lấy đi cuộc sống của chúng tôi.”

Trường nội trú Mashteuiatsh qua tám giai đoạn

Hình ảnh của Cơ quan lịch sử và khảo cổ  Masteuiatsh

Trường nội trú ở Pointe-Bleue

Tháng 10 năm 1960

Khai trương trường nội trú ở Pointe-Bleue (Mashteuiatsh). Cơ sở được các tu sĩ Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm quản trị và có thể nhận 207 học sinh nội trú trong năm đầu tiên.

Mùa thu năm 1965

Một loạt các vụ bỏ trốn xảy ra ở trường nội trú. Ngày 13 tháng 11, ba cô gái từ 11 đến 15 tuổi đi bộ bỏ trốn để đến La Tuque, nơi cha mẹ họ sống. Các em được tìm thấy cách trường nội trú 80 cây số, người bị tê lạnh một nửa.

Năm 1968

Trường nội trú chuyển thành “nhà cho sinh viên” đón nhận các sinh viên theo học ở các trường công lập. Đây là sự thay đổi do chính phủ liên bang áp đặt để không cho các tu sĩ Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm thực hiện sứ mệnh đầu tiên của họ: truyền giáo cho trẻ em bản xứ. Hệ thống giáo dục Québec thay đổi và người bản địa muốn giành lại quyền kiểm soát việc học của con cái họ.

1969-1980

Trường nội trú hoàn toàn thuộc chính phủ liên bang

1986

Các linh mục Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm bỏ tất cả các cơ sở của họ ở Mashteuiatsh.

1980-1989

Ủy ban Người miền Núi Lac-Saint-Jean chịu trách nhiệm về ngôi trường ở Pointe-Bleue.

1991

Đóng vĩnh viễn nhà cư trú. Ngôi nhà được chuyển giao cho Ủy ban miền Núi Lac-Saint-Jean, và trở thành sở hữu của nó. Cơ sở này không còn được xem là của chính phủ.

1995

Các cơ sở được chuyển thành trường trung học, bây giờ được gọi là Kassinu Mamu. Các công trình chính được thực hiện vào năm 1997.

Nguồn: Lịch sử các trường dân cư người da đỏ công giáo ở Quebec (Histoire des pensionnats indiens catholiques au Québec. Henri Goulet, tháng 8 năm 2016), Bảo tàng Mashteuiatsh và trường Kassinu Mamu

Con đường dài để phục hồi

“Sự thức tỉnh đến với tôi vào năm 35 tuổi. Trước đó, tôi chẳng là gì cả.” Ông Claude Boivin bắt đầu con đường dài để hồi phục ngày 27 tháng 10 năm 1991. Ông nhớ ngày đó. Đó là ngày ông tự tử lần thứ ba.

“Đâu là vấn đề? Tôi đã thử ba lần và tôi hụt. Đó là khi tôi nhận ra có một việc nào đó tôi phải làm trên Trái đất này.”

Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

Ông Claude Boivin được nhận vào trường nội trú Mashteuiatsh năm 1962, khi ông mới 6 tuổi.

Cửa sổ phòng khách nhìn ra khu thiên nhiên rộng lớn, nơi đây bây giờ ông đón các nhóm và du khách đến khám phá cuộc sống bản địa. Ở khắp nơi là các vật dụng truyền thống. Ông Claude Boivin đã trở thành người hướng dẫn tâm linh.

Chính văn hóa của ông đã cứu ông. Và đó là văn hóa người ta muốn tách ông ra khỏi.

Nhưng con đường đầy cả cạm bẫy.

Ông kể: “Tôi bùng ra khi tôi 18-19 tuổi. Cách mạng hoàn toàn, tôi muốn giết tất cả mọi thứ, tôi muốn phá vỡ mọi thứ. Tôi vô cùng thất vọng vì thế tôi ra đi… Vancouver, Hoa Kỳ… Cuộc sống lang thang kéo dài 25 năm. […] Tôi đã gặp những người da đỏ khác ở đó, chúng tôi sống trong xe lửa, trên toa xe, dưới gầm cầu. Chúng tôi là những kẻ lang thang, vô gia cư.”

Ngày 27 tháng 10 năm 1991, ông Boivin nghĩ mình sẽ kết liễu đời. Ông nghĩ mình nên chấm dứt với cuộc đời đen tối này. “Và đó như một nút bấm.” Từ ngày đó ông không uống rượu. Ông chạm vào chiếc ghế gỗ của ông khi ông  nói như vậy.

Là người yêu thiên nhiên, ông tìm bình an bằng cách truyền dạy văn hóa cho những người trẻ trong cộng đồng của ông, bằng cách đồng hành với họ trong quá trình chữa lành của họ. Vì trường hợp của ông không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều người bản địa đã không tìm lại được căn tính, lịch sử của họ, sau những năm tháng đen tối sống trong các trường nội trú, đã tác hại nhiều thế hệ. Và vẫn còn tạo tác hại.

Tìm lại niềm tự hào của mình

Bà Chantal Niquay, 52 tuổi, nói: “Chúng tôi phải làm quen lại với văn hóa của chúng tôi”, bà là một trong những thế hệ cuối cùng theo học tại trường nội trú Mashteuiatsh cũ. Vào thời đó, cơ sở đã thành nhà trọ sinh viên có phòng ngủ. Các tu sĩ Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm đã ra đi, nhưng văn hóa chưa đòi lại được quyền của nó.

Bà Chantal Niquay học trường nội trú cũ ở Mashteuiatsh. Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

Bà đến Mashteuiatsh theo ý muốn của mình mà không nhận ra bà đã để lại đàng sau những gì. Bà nhớ lại: “Đó là cái gì như sự ngây thơ.”

Trường nội trú đã phá vỡ gia đình bà từ lâu. Cha của bà đến Fort George và bị lạm dụng tình dục. Mẹ của bà đến Pointe-Bleue. Họ rơi vào tình trạng nghiện rượu. Bà cũng vậy, sau này.

Đã từ lâu tôi không nói gì về những chuyện này. Tôi đã học trên tiến trình này. Tôi đã đi trên con đường chữa lành từ 13 năm nay. Chantal Niquay

Bà đã dành nhiều thời gian để tìm lại văn hóa, niềm tự hào của mình. Bà Niquay bắt đầu học làm nữ trang. Bà mơ sẽ làm được bông tai và thêu y phục truyền thống. Cuối cùng bà định cư ở Mashteuiatsh và tự an ủi: “Tôi thích làm những chuyện này, tôi muốn bày cho các con gái tôi, nhưng văn hóa thì tôi đã mất tất cả.”

Sophie, con gái 34 tuổi của bà cũng muốn về với cộng đồng, cô giải thích: “Tôi đã chống lại mẹ tôi trong một thời gian dài. Bây giờ tôi hiểu bà không có công cụ. Tôi đã rất tức giận, tôi không biết tôi đã bị như vậy”. Và một ngày, cô đã tha thứ cho mẹ: “Tôi tự hào về mẹ tôi. Mẹ đã dạy tôi tính kiên cường.”

Ông Clifford Moar, tộc trưởng cộng đồng Mashteuiatsh. Hình ảnh Olivier Jean, La Presse

Tộc trưởng Moar không giấu ông thuộc nhóm muốn phá ngôi trường, nhưng cộng đồng đã thuyết phục ông nên giữ ngôi trường lại. Ngôi trường cũ bây giờ là trường trung học Kassinu Mamu, có nghĩa “Tất cả cùng nhau”.

Các người trẻ Innu của cộng đồng có 7.711 cư dân, trong đó có 2.125 người sống trên địa bàn, mỗi ngày họ nhận giáo dục phản ánh với thực tế của họ.

“Nó đã trở thành hành động chữa lành của cộng đồng. Chúng tôi nhận ra, nếu chúng tôi muốn bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ và bản sắc của mình, thì phải thông qua giáo dục và thông qua các tổ chức của chính chúng tôi. Chúng tôi đã biến con quái vật thành chiếc ca nô tuyệt đẹp.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Kamloops: Đức Phanxicô mời gọi “quay lưng lại với mô hình thuộc địa”

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Canada và Giáo hội công giáo điều tra vụ hài cốt của 215 trẻ em được tìm thấy ở Kamloops

“Người Québec, Canada bây giờ mới bắt đầu mở mắt”

Các trường nội trú bản địa Canada: Đức Phanxicô trao đổi với hai hồng y Canada

Tội ác đối với người bản xứ Canada: giáo hoàng được kêu gọi để xin lỗi