Chuyến viếng thăm ngoài tưởng tượng của Đức Phanxicô và bà Edith Bruck
Chiều thứ bảy 20 tháng 2, Đức Phanxicô nói chuyện với bà Edith Bruck, người sống sót sau thảm họa diệt chủng người do thái tại nhà của bà ở trung tâm thành phố Rôma. (Ảnh CNS / Vatican Media)
catholicnews.com, Cindy Wood, 2021-02-22
Một tháng sau khi đọc bài phỏng vấn bà Edith Bruck trên nhật báo Osservatore Romano, Đức Phanxicô đã đến thăm bà tại căn hộ của bà ở trung tâm Rôma.
Bà Edith Bruck nói với Vatican News sau khi Đức Phanxicô về: “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được chuyện này. Khi tôi mở cửa ra, tôi bật khóc và chúng tôi ôm nhau. Cả hai chúng tôi đều rất xúc động”.
Bà Bruck, 88 tuổi, sinh ở Hungary trong một gia đình do thái nghèo. Tháng 4 năm 1944, gia đình bà và gia đình những người láng giềng do thái của bà bị vây bắt và đưa đến khu gettô Đức Quốc xã ở Budapest, cuối năm đó họ bị đưa đến trại tập trung Auschwitz, mẹ của bà đã qua đời tại đây. Sau đó, gia đình bị đưa đến Dachau, cha của bà đã qua đời tại đây, rồi bà bị đưa đến Bergen-Belsen, nơi được quân đội Đồng minh giải phóng năm 1945. Năm 1954 bà về Rôma và kể từ đó bà ở tại đây.
Quyển sách mới nhất của bà, “Ổ bánh mì bị mất” (“The Lost Bread”) được xuất bản ngày 20 tháng 1. Quyển sách xuất bản trùng với Ngày Tưởng niệm Holocaust hàng năm, ngày 27 tháng 1. Nhật báo nhật báo chính thức của Vatican Osservatore Romano có cuộc phỏng vấn dài với bà, bà kể lại tình trạng kinh hoàng của trại tập trung Shoah, nhưng bà cũng kể các điểm sáng nhỏ – những hành vi nhỏ của con người – trong thời gian bà sống đọa đày ở đây.
Bà kể Đức Phanxicô đến thăm gần hai giờ, bà chia sẻ câu chuyện đời mình với ngài, kể cả “năm ngọn đèn” mà bà đã trải qua trong các trại, nhưng ngài đã biết tất cả về chúng. “Ngài biết quyển sách của tôi gần như từng dòng một”.
Theo văn phòng báo chí Vatican, “hai người nói chuyện về những giây phút ánh sáng gieo rắc trong kinh nghiệm địa ngục của trại tập trung, nỗi sợ hãi và hy vọng của họ với thời chúng ta đang trải qua hiện nay, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ký ức và vai trò của người lớn tuổi trong việc nuôi dưỡng và lưu truyền ký ức này.”
Đức Phanxicô nói với bà: “Tôi đến thăm bà để cám ơn chứng từ của bà và để bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đã tử vì đạo vì sự điên cuồng của Đức quốc xã. Với tấm lòng chân thành, tôi xin lặp lại lời tôi đã phát biểu ở Đài Tưởng niệm Yad Vashem (đài tưởng niệm nạn diệt chủng do thái ở Giêrusalem) và tôi lặp lại trước mỗi người như bà, những người đã rất đau khổ ở đó: ‘Lạy Chúa, xin tha thứ cho nhân loại’.”
Bà Bruck nói, Đức Phanxicô bày tỏ sự đau buồn của ngài trước những người vô tội đã bị tiêu diệt trong thời Đức quốc xã.
Bà nói: “Nhưng luôn có hy vọng. Luôn có một tia sáng nhỏ dù trong bóng tối. Không có hy vọng, chúng ta không thể sống. Trong các trại tập trung, chỉ cần một người Đức nhìn bạn với cái nhìn của một con người. Tất cả những gì chúng tôi cần ở đây là một cử chỉ, một cái nhìn của con người. Họ cho tôi chiếc găng đã lủng lỗ; họ để lại cho tôi một ít mứt dưới đáy gà-men. Đó là cuộc sống bên trong. Đó là hy vọng”.
Bà nói: “Sự độc ác là có hệ thống, sự độc ác tuyệt đối” trong các trại.
“Nếu hiểu là không thể, thì biết là cần thiết, bởi vì những gì đã xảy ra có thể xảy ra lại”, đó là lời của nhà văn Primo Levi mà tôi làm câu châm ngôn riêng cho tôi. Tôi chưa bao giờ nuôi hận thù hay cảm giác muốn trả thù, thay vào đó là sự hoài nghi và đau đớn vô hạn. Cái ác chỉ sinh ra cái ác. Tôi tự hào có người cha là nạn nhân nhưng tôi sẽ nhục nhã tận đáy lòng nếu tôi có người cha là đồ tể. Nhớ lại là đau đớn, nhưng tôi chưa bao giờ trốn tránh nó. Dù làm sáng tỏ chỉ cho một lương tâm thì cũng đáng bỏ công sức và nỗi đau để giữ cho ký ức này tồn tại như nó đã từng tồn tại. Đối với tôi, trí nhớ là sống và viết là thở.
Trong quyển sách mới nhất của bà “Ổ bánh mì bị mất”, bà viết một bức thư cho Chúa mở đầu bằng câu: “Con viết cho Chúa, Chúa sẽ không bao giờ đọc
Mấy hàng chữ nguệch ngoạc của con, và Chúa cũng sẽ không bao giờ trả lời các câu hỏi của con, những suy nghĩ của một đời sống”. Không ai biết có phải cùng một Chúa này mà Đức Phanxicô nhân danh nhân loại xin Ngài thứ lỗi đã đọc những hàng chữ “nguệch ngoạc” của bà, nhưng Chúa Quan Phòng hình như cuối cùng cũng đã đã gởi đến cho bà một dấu chỉ của lòng dịu dàng.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô thăm bà Edith Bruck, người sống sót của Trại tập trung Auschwitz
Câu chuyện kể giữa Đức Phanxicô và bà Edith Bruck: “Bởi vì bà yêu ông”