Ký ức là cuộc sống, viết là hơi thở
Osservatoreromano.va, Francesca Romana de ‘Angelis, 2021-01-26
Phỏng vấn bà Edith Bruck, người sống sót từ các trại tập trung của Đức quốc xã
Dễ thương, tốt bụng, hay cười, hành động kiên nghị nhưng dịu dàng khi nói, chúng ta sẽ không bao giờ tưởng tượng được địa ngục mà bà Edith Bruck đã sống và trở về từ đó. Nhìn bề ngoài thì không thể đoán được tuổi của bà. Thân hình mảnh mai, nhanh nhẹn, khuôn mặt vẫn còn đẹp, đôi mắt sáng trong còn lưu lại nét dịu dàng và ngạc nhiên, bà chẳng có gì là ở tuổi gần chín mươi, bà trông như cô bé tóc vàng thắt bím mỉm cười trong bức ảnh. Bà kể căn hộ mình ở trung tâm thành phố Rôma, nơi ánh nắng của tháng giêng dịu nhẹ chiếu vào căn phòng và hai chiếc ghế sofa chung quanh là sách và tranh. Bà kể lại với một trí nhớ phi thường, không chỉ những sự kiện mà bà còn nhớ từng chi tiết nhỏ nhất, cả những suy nghĩ và cảm xúc của những người đã trải qua việc trục xuất và thủ tiêu. Auschwitz, Dachau, Bergen-Belsen: ba trại tập trung mà chỉ nghe tên là đã lạnh người. Bà nói và tôi nghe, nhưng đôi khi cơn đau trở thành không chịu đựng nổi, làm cho giọng của bà vỡ ra và đôi mắt ngấn lệ. Edith khóc và tôi khóc theo bà. Khi bà tiếp tục kể chuyện, tôi cầm bút lên nhưng tôi khựng trước tờ giấy trắng, tôi tự hỏi không biết làm sao tôi có thể kể lại nỗi kinh hoàng vô cùng này bằng lời nói của con người. Vậy mà bà Bruck đã để cả đời của bà để làm chứng. Đó là hai người lạ, hai người ở trại tập trung Bergen-Belsen xin bà làm chứng: “Con hãy kể, họ sẽ không tin con, nhưng nếu con còn sống sót, con kể, con kể giùm chúng tôi”. Edith đã giữ lời hứa.
Francesca Romana de ‘Angelis: Tôi muốn bắt đầu với câu hỏi mà tôi luôn hỏi người tôi phỏng vấn. Đâu là kỷ niệm đầu tiên trong đời của bạn? Nhưng tôi có chút e ngại khi nói về ký ức của bà.
Bà Edith Bruck: Cám ơn lòng tốt của bà, nhưng tôi sẵn lòng trả lời. Có một kỷ niệm “đẹp” mà bằng mọi cách tôi đã cố gắng bảo vệ và giữ gìn. Kỷ niệm đầu tiên gắn liền với khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời: khi viết chủ đề về mùa xuân, tôi được thắng giải là một bưu thiếp màu có vẽ con chim én. Phía sau bưu thiếp cô giáo Klara Tarpaivt viết hàng chữ: “Gởi cô học sinh giỏi nhất, học sinh xứng đáng nhất của tôi.” Tôi chạy như bay về nhà khoe với mẹ và các anh chị tôi.
Xin bà kể cho chúng tôi nghe về gia đình bà.
Tôi có sáu anh chị. Hai chị lớn Sara và Mirjam sống ở Budapest, các chị học nghề thợ may, còn anh David rời nhà đi làm việc khi vừa học xong tiểu học. Trong ngôi làng nhỏ ở quê nhà Hungary sát biên giới Slovakia, chúng tôi, chị Judit, anh Jonas và tôi, đứa con út trong gia đình ở với nhau. Gia đình chúng tôi là gia đình nghèo, nơi những thứ rất nhỏ bé có giá trị vô cùng lớn. Chúng tôi sống trong hai căn phòng sát mái nhà. Tôi nhớ tiếng giọt mưa rơi và mẹ tôi để xô dưới đất để hứng nước mưa. Tôi còn nhớ niềm vui vì có kẹo, có dải ruy băng đỏ thắt bím tóc, về con búp bê đúng thật con búp bê của chị Mirjam cho tôi. Từ hồi nào đến giờ, các con búp bê của tôi làm bằng ngô hoặc đất sét. Và tôi nhớ khi bà tôi qua đời, chúng tôi tìm thấy một kho báu nhỏ trong túi áo khoác ngủ của bà. Một vài đồng tiền, hai chiếc nhẫn cưới và một sợi dây chuyền vàng có hình Ngôi sao David. Di sản nhỏ bé mà bà tôi kiên quyết cất giữ dù có như thế nào để chúng tôi có ngôi nhà mới, dù nhỏ xíu nhưng có mái ngói đỏ và hàng liễu xinh đẹp mà từ cửa sổ chúng tôi có thể nhìn thấy chúng.
Và cha mẹ của bà?
Mẹ tôi thật đẹp, bà có màu mắt xanh ngã thành tím và nụ cười thắp sáng cả thế giới, nhưng dáng vẻ nghiêm khắc của bà đã lấy đi một chút sắc đẹp của bà. Cha tôi hiền lành, ít nói và thậm chí ít diễn tả. Tôi còn nhớ nụ hôn ông hôn tôi trước khi ra chiến trường và một nụ hôn khác khi ông trở về. “Cãi nhau vì nghèo”, mẹ tôi không tha cho cha tôi vì cảnh nghèo khốn khổ này. Cha tôi đi từ khuya ra thành phố để bán gia súc thay cho người khác, nhưng ông không giỏi buôn bán. Cả hai, dù khó khăn lắm mới có đủ thức ăn trên bàn nhưng cả hai đều có lòng hảo tâm phi thường. Mẹ tôi thường nói: “Ai gõ cửa, ai đưa tay ra, các con hãy cho.” Còn cha tôi, có một buổi tối, ông về nhà không có áo măng-tô. Mẹ tôi hỏi vì sao, ông cho biết đã tặng cho một người cần hơn ông.
Những dấu hiệu đầu tiên của cuộc bức hại là gì?
Lớp tôi có ba học sinh người Do thái, Piri, Eva và tôi, ba chúng tôi bị ngồi đàng sau. Một lần các bạn ném tôi vào bụi gai, một lần khác ném chó vào chúng tôi. Các bạn tôi bị đuổi học, tôi tiếp tục được vinh dự nhờ huy chương cha tôi mang về trong thời chiến tranh.
Khi sắp hàng ở giếng nước, có khi chúng tôi bị đẩy xuống hàng cuối hoặc có người nhổ vào xô nước chúng tôi. Và sau đó là những chuyện cấm. Không thể ra khỏi nhà sau 6 giờ tối hoặc không được rời làng, không được đi du lịch. Mẹ tôi nói: “Thế giới bị bệnh – nhưng Chúa sẽ cứu chúng ta”, đó là đức tin không lay chuyển của bà. Đó là cái bóng lớn không ngừng giương rộng cho đến khi bóng tối hoàn toàn phủ xuống và nỗi kinh hoàng phi lý của việc trục xuất bắt đầu.
Hai từ thường trở lại trong câu chuyện của bà. Từ đầu tiên là “bánh mì”, có lẽ đây là từ chỉ về thức ăn, đói khát, việc làm, nhưng từ khác là thơ ca, nghệ thuật, đức tin, có nghĩa là sự sống và biểu tượng đi cùng với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà tên quyển sách mới xuất bản của bà có tựa “Ổ bánh mì bị mất” (La nave di Teseo, 2021). Đó là những trang viết về vẻ đẹp cay đắng, bà kể câu chuyện của bà được đánh dấu bằng nỗi kinh hoàng của việc bị trục xuất và bà kết thúc với “Thư gởi Chúa” (Lettera a Dio) thật sâu đậm.
“Ổ bánh mì bị mất” (La nave di Teseo, 2021).
Địa ngục bắt đầu xung quanh ổ bánh mì. Đó là mùa xuân năm 1944 và Lễ Vượt Qua vừa kết thúc khi người láng giềng cho chúng tôi bột mì. Mẹ tôi vui mừng với món quà phong phú bất ngờ, tay bà thoăn thoắt trộn bột rồi để bột trong những chiếc bát to bằng gỗ để lên men. Lúc bình minh, bà dậy châm lửa để đốt lò thì bị hai hiến binh đến đập cửa dữ dội đến mức cửa bung ra. Họ đưa chúng tôi và tất cả những người Do thái trong làng, trước hết đi xe ngựa, sau đó đi xe lửa lên thủ đô, tại đây chúng tôi bị nhốt trong các nhà tập thể ghe-tô. Mẹ tôi tuyệt vọng với những ổ bánh mì bị bỏ rơi: năm ổ bánh mì, đó là sự sống sắp ra đi. Một cách nào đó, bánh mì đã đi với tôi trong cuộc đời tuyệt vọng của kẻ bị đày đọa như một khao khát, một tư tưởng cho một chuẩn mực. Tôi chưa bao giờ ăn cắp vỏ bánh mì của bất cứ ai, dù có đói cồn cào như thế nào, và tôi nhớ cử chỉ cuối cùng của mẹ tôi trên chuyến tàu đưa chúng tôi đến trại tập trung Auschwitz là bà đưa lát bánh mì cho một phụ nữ đang cho con bú.
Chuyện gì đã xảy ra trong khu ghe-tô?
Chúng tôi là tù nhân không biết được tương lai của mình, nhưng có một điều rất đẹp đã xảy ra. Một hình thức dân chủ ra đời một cách tự phát. Giàu, nghèo và rất nghèo ở bên nhau khi trước đây đất nước tôi có một hệ thống phân cấp xã hội rất cứng nhắc. Lần đầu tiên tôi chơi với con trai bác sĩ. Và sau đó, cha tôi, người chưa bao giờ có một cái gì trong đời, được đặc ân đọc kinh Torah. Khi nghe ông đọc, mẹ tôi nhìn ông với đôi mắt mơ màng và xúc động. Một sự kiện phi thường khác cũng đã xảy ra. Một người bạn không phải là người Do thái của cha tôi mang một đến cho chúng tôi một xe kéo đầy thức ăn. Cử chỉ đó làm tôi vô cùng xúc động, không chỉ cho riêng chúng tôi, đó là món quà của ông Gyula, người tôi rất yêu quý. Ông là cha của Endre, một học sinh trung học chăm chỉ, có văn hóa, yêu các nhà nhà thơ, tình yêu đầu tiên và tế nhị làm cho tôi khám phá, khi yêu nhau, thật hạnh phúc biết bao khi được nhìn nhau. Nhờ ông, một lần nữa, cha tôi trở thành nhân vật chính: nghèo như ông mà có thể nuôi người khác. Lòng quảng đại của ông Gyula không những chỉ mang lại thức ăn mà còn mang lại ánh sáng cho chúng tôi.
Ở đây bà vừa nói từ thứ hai mà bà thường hay dùng, đó là “ánh sáng”. Tất cả đều trở nên đẹp hơn vì nó tỏa ánh sáng trong bóng tối sâu thẳm và trong vô tri của sự diệt vong.
Xe thức ăn quý giá đó là một ánh sáng, cũng như nhiều khoảnh khắc khác. Còn một tuần nữa là đến cuối tháng năm khi họ chất chúng tôi lên toa xe gia súc. Tôi nhớ cảm giác xấu hổ và bẽ mặt trước tên Đức Quốc xã, đã chúc trong ngôn ngữ của chúng tôi câu “Thượng lộ bình an”. Chúng tôi không còn là người Hungary, chỉ là người Do thái và nhất là chúng tôi không còn là người dưới mắt họ. Con tàu đã đi, đã đi và chúng tôi không biết đi đâu. Trong những giây phút khủng khiếp này, tôi nhớ đến một ánh sáng khác, đó là mẹ tôi. Bà chải tóc cho tôi, tết tóc cho tôi, buộc tóc cho tôi bằng hai dải ruy băng đỏ và nắm chặt tay tôi trong tay bà. Tôi đã sống những ngày dịu dàng nhất đời, dù có khi đột nhiên tôi nghĩ: nếu mẹ tốt như vậy, thì tôi mãn nguyện. Và sau đó có những ánh sáng mà khi đó tôi dường như không nhận ra, chỉ sau này tôi mới nhận ra.
Bà có muốn kể cho chúng tôi nghe những khoảnh khắc này không?
Khi chúng tôi đến trại Auschwitz, vừa khi xuống tàu, quân Đức lọc chúng tôi thành hai bên. Lúc đó chúng tôi không biết ngã tư đó là gì, nhưng chúng tôi biết ngay lập tức: bên phải là lao động cưỡng bức, tức là bị chết dần vì đói lạnh và mệt mỏi, bên trái là đến phòng hơi ngạt. Họ chỉ Judit ở bên phải, mẹ và tôi ở bên trái. Một người Đức chận chúng tôi lại và bảo tôi đi qua bên phải. Tôi ôm mẹ hét lên “không, không”. Mẹ tôi cầu xin người lính để tôi ở lại với bà và nói tôi là con gái út của bà. Để trả lời mẹ tôi, người lính lấy báng súng đập bà và lặp lại với tôi, bên phải, bên phải. Mẹ tôi chỉ nói “vâng lời” và tôi buộc phải đi qua bên phải, vừa đi vừa khóc trong tuyệt vọng. Người Đức đó bứt tôi ra khỏi mẹ tôi, và như thế là đã cứu mạng tôi. Họ đưa chúng tôi đến túp lều 11, một tấm biển treo trên cổ tôi với số 11152 sẽ thay thế tên tôi kể từ lúc đó.
Chúng tôi bị cạo trọc, tôi không còn mái tóc đẹp mẹ tôi yêu thương chăm sóc, họ bắt chúng tôi mặc chiếc áo sơ mi màu xám thô và đi guốc. Tôi không ngớt gào khóc đòi mẹ tôi. Một buổi sáng, bà Alice, một kapo, giám sát viên người Do thái-Ba lan thay mặt cho người Đức, đưa tôi đến lối vào một túp lều và nói: “Con có thấy khói đó không? Mẹ của con đã bị làm xà phòng”. Tôi không nói gì với chị tôi, tôi buộc không nói gì với chị tôi, tôi tiếp tục khóc những ngày sau đó.
Đó là một tình tiết man rợ không thể tưởng tượng được.
Đó là trại tập trung, đó là sự tàn ác có hệ thống, là cái ác tuyệt đối. Nhưng, như tôi đã nói, có những giây phút ánh sáng. Ở trại Dachau, chúng tôi đào hào và làm đường xe lửa, một ngày nọ, có người lính Đức ném cho tôi hộp gà-men của ông để tôi rửa, nhưng dưới đáy gà-men ông để lại một ít mứt cho tôi. Một ít thời gian sau, chị tôi và tôi được chọn trong số 15 phụ nữ được làm trong nhà bếp của một lâu đài gần đó, nơi một số sĩ quan và gia đình của họ ở. Nếu không có cái tát mà những người lính Đức quốc xã tát chúng tôi mỗi buổi sáng không lý do, không thấy các vụ treo cổ những đứa trẻ bên ngoài khu trại mà chúng tôi buộc phải đến, thì đó là những ngày ít khổ nhất của chúng tôi trong trại tập trung. Một cái vỏ, một chiếc lá, một mẩu rau, trong bếp luôn có cái gì để bí mật bỏ vào miệng. Và ở đây, một ngày nọ có một ánh sáng khác đã sáng lên. Khi tôi đưa khoai tây đã gọt sạch cho người đầu bếp, ông hỏi tên tôi. Tôi run rẩy nói “Edith”, ông nói: “Tôi có đứa con gái bằng tuổi con.” Khi nói xong, ông rút trong túi ra chiếc lược, nhìn vào đầu tôi với mái tóc lưa thưa đang bắt đầu mọc lại, ông đưa chiếc lược cho tôi. Tôi có cảm giác như lần đầu tiên, sau một thời gian rất dài, tôi được đứng trước một con người. Tôi rất xúc động vì cử chỉ này giúp tôi thấy được sự sống và hy vọng. Một vài cử chỉ đủ để cứu thế giới.
Làm thế bà có thể sống sót qua quá nhiều kinh hoàng như thế?
Tôi không biết trả lời bà như thế nào. Cha mẹ tôi và một trong các anh chị của tôi đã không qua khỏi. Tôi nghĩ tôi được cứu nhờ chị tôi. Chị ôm tôi vào lòng, nhắc đi nhắc lại chị không bao giờ xa tôi, làm cho tôi hiểu tôi sẽ sớm gặp lại cha mẹ tôi và chị gọi cho tôi. “Ditke, Ditke” là từ yêu thương mà chúng tôi nói trong nhà. Với tôi, đó là âm thanh của tình yêu và sự dịu dàng.
Và làm thế nào để bà trở lại cuộc sống sau quá nhiều kinh hoàng như thế?
Rất khó để là người sống sót. Khi nghe tin ông Primo Levi tự tử, tôi nghĩ đây là nỗi đau người ta không thể chịu đựng được. Chúng tôi là bạn, “là anh, là chị Lager”, chúng tôi hay nói đùa với nhau, nhưng tôi không tha thứ cho cử chỉ đó của ông. Cuộc sống của chúng ta không chỉ thuộc về chúng ta, nhưng còn thuộc về lịch sử.
Một nghịch lý xém xảy ra với bà. Tuổi thơ và tuổi thanh xuân của bà bị hận thù và ngược đãi tiêu hủy, và sau đó là đời sống đầy tình yêu thương, một quan hệ tình cảm và trí tuệ phi thường với người chồng Nelo Risi kéo dài sáu mươi năm.
Sau một cuộc phiêu lưu dài, tôi đặt chân đến Ý, nhưng những kinh nghiệm làm việc đầu tiên không mấy vui vẻ, như tôi kể trong cuốn sách mà bà vừa đề cập đến “Ổ bánh mì bị mất ”. Một buổi tối, tôi được mời tham dự cuộc họp với một nhóm các nhà làm phim tài liệu trở về từ Trung Quốc. Sau đó là bữa ăn tối ở nhà hàng đường Via delle Carrozze, chúng tôi ngồi ở bàn có mười hai người và tôi ngồi đối diện với Nelo. Trước khi nói lời nào, anh ấy đã đi vào tâm hồn tôi. Những người khác bị chia trí vì máy truyền hình gắn cao trong góc phòng đang chiếu chương trình nổi tiếng thời đó là Rời hoặc Nhân đôi (Lascia o Raddoppia) với Mike Bongiorno, còn chúng tôi nhân cơ hội này nói chuyện với nhau. Nelo gọi món giăm-bông khai vị và mời tôi. Tôi nói “không, xin cám ơn” nhưng anh cố thuyết phục tôi món này ngon lắm. Khi đó, tôi nói “tôi là người Do thái” và tôi nói thêm, “tôi là người bị trục xuất.” Nelo khó thở khi nghe tôi nói câu đó, anh khựng lại, co cụm lại với khúc giăm-bông tiếp tục lơ lửng trên cái nĩa. Anh là người vô cùng đạo đức, kết tinh của lòng trung thực: yêu tự do, dấn thân trong nghĩa vụ công dân, ghét tiền bạc và các thỏa hiệp, có nhận thức sâu đậm về tự do và công lý. Nhưng anh cũng là nhà thơ và ý thức thực tế về sự tồn tại đã thoát khỏi mình. Có một tình tiết để nói lên điều này. Một ngày nọ, có con chuột vào trong phòng tắm nhà chúng tôi. Tôi xuất thân từ văn hóa nông dân, con chuột đương nhiên sẽ bị giết. Điều này không có trong đầu anh: anh đóng cửa phòng tắm, cố dụ cho con chuột tìm lại tự do của nó bằng cách đẩy nó ra ngoài cửa sổ. Tôi yêu Nelo vì những điểm mạnh và điểm yếu của anh, tôi đã ở gần anh cho đến ngày anh vào vực thẳm của căn bệnh Alzheimer.
Bây giờ bà lo sợ điều gì và điều gì làm cho bà có lý do để hy vọng?
Tôi sợ sự không khoan dung, thiếu đối thoại, không tin tưởng vào người khác, tôi sợ những ngọn gió của chủ nghĩa phát xít thổi ngày càng thường xuyên và nguy hiểm len lỏi vào cuộc sống chúng ta. Tôi hy vọng vào các thế hệ trẻ, vào lương tâm con người, vào ý thức công dân ngày càng bén rễ và lan rộng. Tôi hy vọng vào vị Giáo hoàng vĩ đại này, Đức Phanxicô. Khi tôi gặp ngài, ngài đơn giản nói “rất vui được gặp bà”, sau đó ngài mỉm cười và ôm tôi. Có một tình người ấm áp thật yên lòng. Tôi mến sự trong sáng, giản dị của những người nói để làm cho mình hiểu, sức mạnh các xác tín của ngài, sự hiểu biết về sự yếu đuối của con người, sự khiêm tốn khi ngài nói “Tôi là ai để phán xét.” Đứng trước Đức Phanxicô, tôi nghĩ “đây là một con người” và tôi cảm thấy một niềm hy vọng.
Nhà báo, làm truyền hình, điện ảnh, dịch thuật, bà làm rất nhiều chuyện nhưng trên hết, bà luôn dấn thân vào việc viết và là chứng nhân cho kinh nghiệm đau thương của các trại tập trung.
“Nếu hiểu là không thể, thì biết là cần thiết, bởi vì những gì đã xảy ra có thể xảy ra lại”, đó là lời của nhà văn Primo Levi mà tôi làm câu châm ngôn riêng cho tôi. Tôi chưa bao giờ nuôi hận thù hay cảm giác muốn trả thù, thay vào đó là sự hoài nghi và đau đớn vô hạn. Cái ác chỉ sinh ra cái ác. Tôi tự hào có người cha là nạn nhân nhưng tôi sẽ nhục nhã tận đáy lòng nếu tôi có người cha là đồ tể. Nhớ lại là đau đớn, nhưng tôi chưa bao giờ trốn tránh nó. Dù làm sáng tỏ chỉ cho một lương tâm thì cũng đáng bỏ công sức và nỗi đau để giữ cho ký ức này tồn tại như nó đã từng tồn tại. Đối với tôi, trí nhớ là sống và viết là thở.
Bà Edith Bruck sinh năm 1931 tại một ngôi làng nhỏ ở Hungary, là con út trong gia đình có 6 người con của một gia đình Do thái nghèo. Vào tháng 4 năm 1944, cùng với cha mẹ và hai anhø trai, bà bị trục xuất đến khu ghe-tô của thủ đô và sau đó đến các trại tập trung Auschwitz, Dachau, Bergen-Belsen. Sống sót với chị Judit, sau vài năm bà đến Ý và định cư ở Rôma. Ở đây bà ta bắt đầu viết bằng tiếng Ý, “ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ” nhưng cuối cùng là ngôn ngữ của bà để kể về kinh nghiệm khủng khiếp của việc bị đi đày. Bà đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, báo chí, sân khấu, điện ảnh, dịch thuật, nhưng viết lách và làm chứng là công việc bà dấn thân không ngừng. Nhiều sách của bà được chuyển thể thành phim.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Câu chuyện kể giữa Đức Phanxicô và bà Edith Bruck: “Bởi vì bà yêu ông”
Đức Phanxicô thăm bà Edith Bruck, người sống sót của Trại tập trung Auschwitz
Chuyến viếng thăm ngoài tưởng tượng của Đức Phanxicô và bà Edith Bruck
Video Đức Phanxicô đến thăm bà Edith Bruck. Hai người đã nói về “nỗi sợ hãi và hy vọng của họ ở thời chúng ta đang sống”.
Chiều thứ bảy, 20 tháng 2 năm 2021, Đức Phanxicô gặp bà Bruck tại căn hộ của bà ở Rôma.