Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ Sa mạc: Lời cầu nguyện từ trái tim

141

Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ Sa mạc: Lời cầu nguyện từ trái tim (5/6)

fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2020-08-25

Mặc dù đã rời khỏi thành phố, các Giáo phụ sa mạc truyền lại giáo huấn của mình cho nhiều môn đệ khi họ đến thăm các ngài, đặc biệt thông qua các câu châm ngôn nổi tiếng của các ngài. Chiến lược truyền thông của các ngài? Các Giáo phụ sa mạc dùng ngôn ngữ đầy màu sắc, dễ tiếp cận và vẫn còn mang tính thời sự cho đến bây giờ.

Câu châm ngôn của các Giáo phụ: “Người tu sĩ chân chính luôn có lời cầu nguyện và thánh vịnh trong lòng”. Đối với các Giáo phụ Sa mạc, trái tim có một chỗ đứng hàng đầu. Đó là trọng tâm của bản thể, là nơi Chúa đến thăm và ngự trong lòng chúng ta.

Chúa Kitô đã kêu gọi chúng ta “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18, 1), Thánh Phaolô cũng kêu gọi “cầu nguyện không chùng lòng” (1Th 5,17), các Giáo phụ sa mạc có kỹ thuật cầu nguyện của trái tim. Đó là lời cầu nguyện đọc theo nhịp thở của mình. Giáo phụ Gregory ở Naziance còn nói “chúng ta phải nhớ đến Chúa nhiều hơn là chúng ta phải thở”.

Như vậy có nghĩa là gì? Giáo phụ đưa ra công thức: “Lạy Chúa, xin đến giúp con, lạy Chúa, xin mau đến giúp con” và bây giờ câu này mở đầu cho các buổi cầu nguyện “bàøy tỏ tất cả cảm xúc”, ngài giải thích “câu này thích ứng trong mọi trạng thái và phù hợp với mọi loại cám dỗ”. “Chúng ta tìm thấy ở đây Chúa lời kêu gọi chống lại mọi nguy hiểm, một lời tuyên xưng khiêm tốn và sốt sắng, lời cảnh giác của một tâm hồn luôn tỉnh thức, thấm nhuần lòng kính sợ liên lỉ, hiểu được sự mong manh của mình; người tu sĩ luôn tin tưởng lời cầu nguyện của mình sẽ được nhậm lời và tin chắc lúc nào mình cũng được cứu giúp và luôn hiện diện ở mọi nơi”.

Cầu nguyện và hành động

Chúng ta có nên cầu nguyện liên lỉ mà hy sinh hành động không? Thần học gia Origen, ngay cả trước các Giáo phụ Sa mạc đã đưa ra một yếu tố để trả lời. Ông giải thích trong Khảo luận về Cầu nguyện, “họ cầu nguyện không ngừng cho người liên kết cầu nguyện với hành động và hành động liên kết với cầu nguyện: đó là cách duy nhất để cầu nguyện không ngừng; có nghĩa là xem toàn bộ cuộc đời của thánh nhân là lời cầu nguyện dài không gián đoạn”. Nữ thần học gia Marie-Anne Vannier trong quyển sách 15 ngày cầu nguyện với các Giáo phụ sa mạc (Nouvelle Cité) nhắc lời của các Giáo phụ, “trọn cuộc sống của họ là cầu nguyện, dù họ ở đâu hay đang làm gì”. Qua việc cầu nguyện liên tục, họ cho thấy, “đến mức nào cầu nguyện là một thái độ, một ơn và một chọn lựa của cuộc sống, chọn lựa luôn liên lỉ trước sự hiện diện của Chúa, để cho mình là nơi ở của Ngài” đến mức có thể nói như Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi (Ga 2, 20).

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: 1.Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Con thuyền của sự sống

2.Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Bảo vệ tâm hồn

3.Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Các người đổi tiền

4.Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Cối xay bột

6.Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Đuổi chuột