Phong thánh Đức Phaolô VI, các giáo hoàng phải là thánh?
la-croix.com, Nicolas Senèze, 2018-10-14
Chúa nhật 14 tháng 10 – 2018, Đức Phanxicô phong thánh cho Đức Phaolô-VI, một trong các vị tiền nhiệm của mình, ngài là giáo hoàng thứ tư của thế kỷ 20 được phong thái, người thứ ba trong vòng năm năm.
Các giáo hoàng phải là thánh? Tất cả các giáo hoàng đều là thánh?
Ngày chúa nhật 14 tháng 10-2018, Đức Phanxicô phong thánh cho Đức Phaolô-VI cùng với sáu thánh khác ở quảng trường Thánh Phêrô. Sau Thánh Piô X, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Giovanni Battista Montini là thánh thứ tư của thế kỷ 20 được phong, hai giáo hoàng khác, Đức Piô XII và Gioan-Phaolô I đang trên đường được phong chân phước.
Các giáo hoàng thế kỷ 20, tất cả là thánh? Vấn đề được đặt ra vì các vụ phong thánh giáo hoàng được quyết định bởi… các vị kế nhiệm họ. Như thế có sự nghi ngờ hậu ý của các giáo hoàng về chính sách giáo hội và ý muốn khẳng định uy quyền giáo hoàng.
Đức ông Guido Mazzotta, cố vấn bộ Phong thánh, người theo dõi án phong thánh của Đức Phaolô-VI có ý kiến: “Phải cẩn thận để đừng có một hình thức ái kỷ trong giáo hội.” Tuy nhiên ngài cũng nêu lên, Đức Bênêđictô XV, giáo hoàng của Thế Chiến Thứ Nhất cũng như Đức Piô XI, một trong các giáo hoàng lớn nhất của lịch sử chưa là đối tượng của án phong chân phước. Đức Piô Lêô XIII cũng không, dù ngài là giáo hoàng của giáo huấn xã hội. .. Đức ông thần học gia Mazzotta giải thích: “Trước hết phải có khía cạnh thần nghiệm: Giáo hội không phong thánh các giáo hoàng vì đó là các giáo hoàng lớn nhưng vì họ tận hiến đời sống của mình cho Giáo hội. Đó là trường hợp của Đức Phaolô-VI.”
Nhìn lại sơ qua quá trình lịch sử chúng ta sẽ thấy, trong số 266 giáo hoàng có 74 thánh và 10 chân phước, như vậy chưa đến một phần ba. Nhưng sự phân chia khác nhau theo từng thời kỳ: đa số các giáo hoàng được phong thánh sống ở thế kỷ đầu tiên. Đó là những người sáng lập. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19, chỉ có năm giáo hoàng, lần này là các nhà tái sáng lập: các nhà cải cách Gregoria và Đức Piô V, thầy của Công đồng Trente, giáo hoàng Célestin V, người từ chức vào cuối thế kỷ 13. Sau đó là chân phước Innocent XI (1676-1689), từ đó không có giáo hoàng nào được lên bàn thờ cho đến thế kỷ 20…
Nhà báo và nhà xuất bản Michel Cool giải thích: “Thế kỷ 20 là giai đoạn của quyền lực thế gian của các giáo hoàng. Gần như Giáo hội phải chờ đến khi mất chủ quyền thế gian mới phong thánh các giáo hoàng, tái khẳng định tính ưu việt thiêng liêng của giáo hoàng.” Quả thật, các giáo hoàng được phong chân phước và phong thánh ở thế kỷ 20 tương ứng với việc mất mát lãnh thổ Tòa Thánh năm 1871 dưới thời chân phước Piô IX, nhưng cũng do loại bỏ quyền “độc quyền” phủ quyết cho quyền lực công giáo khi mật nghị và được Đức Piô X bãi bỏ năm 1904, trao lại cho Thần Khí quyền năng của mình trong việc bầu giáo hoàng!
Giai đoạn này cũng là giai đoạn tái thành lập lại Giáo hội, đánh dấu bởi Công đồng Vatican I và II. Năm 2000, Đức Gioan-Phaolô II đã phong chân phước Đức Piô IX và Đức Gioan XXIII do nguồn gốc của hai công đồng này. Với Đức Phaolô-VI, một cách nào đó, Đức Phanxicô muốn hoàn thành công trình này. Tác giả Michel Cool tóm tắt: “Bây giờ chúng ta có Thánh Gioan XXIII người mở Công đồng Vatican II, Thánh Phaolô VI người đưa công đồng về đến bến và Thánh Gioan-Phaolô II người mục tử áp dụng công đồng.” Nhưng theo tác giả thì phải thêm vào đây chiều kích lịch sử: “Có thể chế của con người nào khác có thể có một dòng lãnh đạo đáng kể như vậy không?, tác giả đặt câu hỏi. Dù các triều giáo hoàng của các ngài có lúc thăng lúc trầm, thậm chí còn có các khoảng tối, chúng ta chỉ có thể thấy tính cách vượt trội của họ.”
Vì dù là giáo hoàng, thì đây là cá tính được phong thánh hơn là do triều giáo hoàng. Theo Đức ông Guido Mazzotta, việc phong thánh không dựa trên các quyết định của triều giáo hoàng, Đức ông giải thích: “Chính Giovanni Battista Montini được phong thánh chứ không phải Phaolô VI. Đó là toàn bộ kinh nghiệm của con người và lịch sử của Montini được tính đến, Đức Phaolô-VI trước hết là mục tử của một linh đạo lớn và con người của gặp gỡ cá nhân”.
Tác giả Michel Cool nói thêm: “Đức Phaolô-VI không phải thánh vì ngài là giáo hoàng, ngài thánh vì ngài là người noi gương Chúa Kitô. Trọn đời ngài là con đường giúp các tín hữu kitô đến gần Chúa Kitô, trước hết ngài là người tiêu biểu của mối phước thật thứ nhì, ‘phúc cho ai hền lành’”. Tác giả tóm tắt: “Ngài có sự dịu dàng không bạo lực, luôn diễn tả sự ngọt ngào thuyết phục, còn về các khủng hoảng trong triều giáo hoàng của ngài, qua đó ngài cho thấy sự can đảm của tính nhất quán, làm cho ngài trở thành ‘chuyên gia thánh thiện của khủng hoảng’, luôn là giáo hoàng mở ra với đối thoại. Theo tôi, lòng can đảm này đúng thật là một hình thức thánh thiện.”
Hơn cả đời sống và triều giáo hoàng của các ngài, chính “danh tiếng thánh thiện” gắn liến với con người của các ngài đã là yếu tố chính để phong thánh cho các ngài. Bà Stefania Falasca, phó chủ tịch án phong thánh Đức Gioan-Phaolô I, Nhà báo của nhật báo công giáo Ý Avvenire nhắc lại: “Đây là điều kiện để phong thánh và đó là điều không thể bị lèo lái.” Bà ghi nhận: “Một giáo hoàng bị ‘thực bào’ bởi lịch sử, ít được nghiên cứu và phải chịu đựng đàm tiếu chung quanh cái chết của mình.” Ngược với các giáo hoàng khác, Đức Gioan-Phaolô I không có thư ký bảo vệ cho mình sau khi qua đời như các hồng y Loris Capovilla và Stanislaw Dziwisz cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II hay Đức ông Pasquale Macchi cho Đức Phaolô-VI, các thư ký này đã mang lại ký ức cho các ngài sau khi các ngài qua đời.
Tuy vậy điều này không ngăn Đức Gioan-Phaolô I, “giáo hoàng của nụ cười” có được một sự tôn kính kín đáo nhưng chân thành. Bà Stefania Falasca ghi nhận: “Ngài có được danh tiếng thánh thiện rất phổ biến trên thế giới. Từ những năm 1990 đã có nhiều kiến nghị trên toàn thế giới đề nghị phong chân phước cho ngài”. Rất nhiều giáo dân đã đi hành hương đến sinh quán của ngài gần thành phố Belluno miền bắc nước Ý để xin ơn.
Trường hợp của Đức Gioan-Phaolô I là trường hợp gây nhiều thú vị vì triều giáo hoàng ngắn ngũi một tháng của ngài chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc đời của ngài. “Ngài không phải là giáo hoàng của các cử chỉ lớn, nhưng ngài chính là người mang lại cho Giáo hội gương mặt thật của mình”, bà Stefania Falasca tóm tắt: một “Giáo hội của Tám Mối Phước Thật”, gần gũi với giáo dân như công đồng khao khát, trong mong muốn trở về với nguồn gốc của mình. Bà nhấn mạnh, án phong thánh của Đức Gioan-Phaolô I phải không nằm trong thời hạn tôi đa ba mươi năm sau ngày ngài qua đời, để không bị xem là “án cũ” theo các tiến trình của Giáo hội.
Tuy nhiên bà Falasca nhắc lại, về mặt lý thuyết, các án phong thánh của các giáo hoàng rất hiếm khi là con đường suông sẻ. Bà cho biết: “Con đường phong thánh của Đức Phaolô-VI thì phức tạp và nhiều chông gai, và đây không phải là trường hợp ngoại lệ.” Vì giới truyền thông nói nhiều đến các giáo hoàng và các quyết định khó khăn trong triều giáo hoàng của họ, nên như một cái phanh cho con đường phong thánh các ngài. Đức Piô IX phải chờ gần một thế kỷ giữa ngày mở án và ngày phong chân phước, Đức Piô X ba mươi mốt năm, Đức Gioan XXIII ba mươi lăm năm nhưng án của ngài được mở ra rất nhanh, chỉ năm năm sau ngày ngài qua đời… Và Đức Gioan-Phaolô II, qua đời năm 2005, phong chân phước năm 2011, phong thánh năm 2014 là giáo hoàng được phong thánh nhanh nhất với một hồ sơ mỏng nhất: 3 tập so với Đức Gioan XXIII có 12 tập và Đức Gioan-Phaolô I với triều giáo hoàng 1 tháng có đến 5 tập…
Câu “phong thánh ngay! Santo subito” của Đức Gioan-Phaolô II có thể là câu để không còn nghi ngờ gì về việc phong thánh các giáo hoàng. Không phải sự thánh thiện cá nhân là điều phải đặt vấn đề, nhưng sự nhanh chóng trong tiến trình có thể không cho phép lịch sử có đủ thì giờ để chứng thực sự thánh thiện của triều giáo hoàng của các ngài. Điều này được chứng minh qua các câu hỏi gần đây về việc quản lý lạm dụng tình dục vào cuối đời của ngài.
Bà Stefania Falasca nhớ lại: “Một trong các người đỡ đầu của tôi trong ngành báo chí nói với tôi rằng, phải chờ ít nhất là năm mươi năm trước khi phong thánh một giáo hoàng.” Một thời gian khá lâu nhưng có lẽ cần thiết cho lịch sử làm công việc của mình. Tác giả Michel Cool nhấn mạnh: “Đức Phaolô-VI được phong thánh bốn mươi năm sau khi ngài qua đời, đó là thời gian của cuộc Xuất hành. Nhưng đó là điều quan trọng để có một độ lùi để thấy tầm cao cả của một người và chiều dày các đức tính nhân bản và thiêng liêng của ngài.”
Michel Cool là tác giả quyển sách, Phaolô VI, Ngôn sứ. Mười hành vi đánh dấu lịch sử. (Paul VI prophèe. Dix gestes qui ont marqué l’histoire, nxb. Salvator)
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Sự trở lại huy hoàng của Đức Phaolô-VI
Làm giáo hoàng có tất nhiên là thánh không?
Vì sao phong thánh cho nhiều giáo hoàng như vậy?
Đức Phanxicô có phải là giáo hoàng của các thánh và các vị tử đạo?