Ronald Rolheiser, 2011-05-01
Cha Henri Nouwen có lẽ là tác giả thiêng liêng được ưa chuộng nhất của cuối thế kỷ 20 và sách của cha vẫn được chuộng cho đến ngày hôm nay. Hơn bảy triệu quyển sách được bán ra trên khắp thế giới và được dịch ra 30 ngoại ngữ khác nhau. Mười lăm năm sau khi cha chết, lúc nào cũng có một quyển sách của cha đang in.
Rất nhiều chuyện tạo nên tính phổ thông này, ngoài chiều sâu và tính cách học hỏi mà các quyển sách của cha đem lại. Cha đã góp phần rất nhiều để đánh tan các nghi ngờ tồn tại từ lâu giữa giáo hội Tin Lành và Phúc âm đối với vấn đề thiêng liêng, đánh dấu trong đầu óc dân chúng như một cái gì của Công giáo La mã và đặc biệt là cuộc sống bình thường. Cả hai chuyện, giảng dạy và các bài viết của cha đã góp phần tạo nên một cái gì cho đời sống thiêng liêng của Công giáo La Mã, và nói chung giáo hội Ki-tô và trong chính xã hội thế tục. Chẳng hạn, bà Ngoại trưởng Mỹ, Hilary Clinton, đã tuyên bố quyển sách Người Con Hoang Đàng Trở Về là quyển sách có tác động lớn trong cuộc đời của bà.
Cha viết như một tâm lý gia và một linh mục nhưng các bài viết của cha mang dấu vết của một người đàn ông. Và cha là một người đàn ông phức tạp, luôn luôn bị xâu xé nội tâm, một người thánh thiện tận hiến cuộc đời cho Chúa và một người luôn luôn bị ám ảnh bởi tình thương của một người đàn ông với các khát vọng trần tục, muốn làm lại cuộc đời từ đầu. Cha thích trích dẫn Soren Kierkegaard, người nói làm thánh là người “chỉ muốn một điều”, ngay cả khi cha thừa nhận cha đã phải gắng gỗ ra sao để làm như vậy. Cha thật sự muốn là thánh, nhưng cha còn muốn nhiều điều khác: “Tôi muốn là thánh”, cha từng viết, “nhưng tôi muốn thử hết tất cả cảm giác của những người tội lỗi.” Cha thú nhận trong các bài viết, dao động này đã tác động như thế nào trên cuộc đời cha và đôi khi nó đã làm cho cha không thể nào tự chủ được cuộc đời.
Rốt cùng, cha đã là thánh, nhưng luôn luôn là một vị thánh đang tiếp tục được đào luyện. Cha không bao giờ khớp trọn vẹn với hình ảnh một vị thánh mộ đạo, kể cả khi cha luôn được coi là người của Chúa mang đến cho chúng ta nhiều điều hơn cả ân sủng bình thường và thức ngộ. Việc cha không bao giờ che dấu các yếu đuối của mình lại làm cho cha càng thêm được yêu mến. Các độc giả thấy mình nơi cha vì cha chân thành chia sẻ các gắng gỗ gian nan của cha. Cha kể các yếu đuối, các đấu tranh trong cầu nguyện, và vì thế rất nhiều độc giả nhìn đó như nhìn mình trong gương. Như nhiều người khác, khi đọc sách của cha Henri Nouwen lần đầu, tôi có cảm tưởng như tôi trực diện với chính tôi.
Và cha trau dồi kỹ năng này, chăm chỉ và kỹ lưỡng, Nouwen thường viết đi viết lại sách của cha, có khi hơn năm lần, cố gắng làm cho nó đơn giản hơn. Điều cha tìm kiếm là tiếng nói của trái tim. Vốn được đào tạo để thành nhà tâm lý, nên các bài viết đầu tiên của cha có tính cách giống bài trong lớp. Tuy vậy, khi tiếp tục viết và làm người hướng dẫn thiêng liêng, càng ngày cha càng bỏ đi các thuật ngữ kỹ thuật và hàn lâm, và cố gắng đơn giản tối đa, nhưng không đơn giản hóa quá mức, có chiều sâu nhưng không ủy mị; bộc bạch bản thân nhưng không phô diễn; mang dấu ấn cá nhân sâu sắc, mà vẫn vô cùng phổ quát; và để nhạy cảm với những yếu đuối của con người, kể cả khi cha đang chật vật để vươn tới những gì cao cả hơn.
Hiếm có nhà văn nào, dù thuộc tôn giáo hay thế tục, gây ảnh hưởng sâu sắc trên tôi như cha Henri Nouwen. Tôi gắng bắt chước cha, biết rằng cái gì bắt chước không bao giờ là cái sáng tạo, và cái gì sáng tạo thì không bao giờ là cái bắt chước. Vì thế tôi cố gắng bắt chước nét đơn giản của cha, viết đi viết lại những chuyện đã viết, cố gắng đơn giản hơn, nhưng không đơn giản hóa quá mức. Giống như cha, tôi tin rằng có một thứ ngôn ngữ của trái tim (mà mỗi thế hệ sáng tạo một cách mới) vượt qua được sự chia cách giữa các học giả hàn lâm và người bình thường, thứ ngôn ngữ có sức mạnh có thể trực tiếp đi vào lòng mỗi người, dù họ có nền tảng và chuyên môn ra sao. Chúa Giê-su làm được điều đó. Cha Nouwen đã tìm cách để nói và viết theo lối thẳng thắn này. Cha không làm hoàn hảo, chẳng ai làm được cả, nhưng cha đã làm điều đó một cách hiệu quả hơn nhiều người. Cha cũng biết đây là một kỹ năng phải được đào luyện, cũng gần giống như việc học một ngôn ngữ.
Tôi dành tặng cha quyển “Nỗi khát khao thiêng liêng” (The Holy Longing) của mình, với lòng tri ân này: Cha là Kierkegaard của thế hệ chúng tôi. Cha đã giúp chúng tôi cầu nguyện trong khi không biết cầu nguyện ra sao, an tâm trong khi đang xáo động, bình an thanh thản trong khi đang bứt rứt thôi thúc, cảm thấy an lòng khi vẫn bất an, được ánh sáng bao quanh trong khi vẫn ở trong u tối, và để thương yêu khi trong lòng vẫn hồ nghi.
Nếu có lúc bạn bị dằn vặt trong tình trạng phức tạp của chính mình, dù ước muốn sâu xa của bạn là “chỉ muốn một điều thôi”, có thể bạn sẽ tìm được người hướng dẫn tinh thần và vị thánh bổn mạng là cha Henri Nouwen. Cha động viên chúng ta vượt lên chính bản thân mình, cả khi cha tôn trọng cuộc hành trình đó phức tạp và gian khó ra sao. Cha chỉ cho chúng ta biết làm sao để xích lại gần hơn với Chúa, kể cả khi chúng ta vẫn bị giằng xé bởi những mối dây vướng víu trần tục của chính mình.
J.B. Thái Hòa dịch