‘Thương tích của chúng ta, Ngài đã mang lấy’ – Bài giảng của Đức Phanxicô với người bệnh và người khuyết tật

452

Ngày Chúa nhật 12-6, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ nhân Toàn xá cho Người bệnh và Người khuyết tật. Đức Thánh Cha kêu gọi tình tương thân tương ái và sự đón nhận lẫn nhau trong một thế giới bị ám ảnh bởi vẻ ngoài hoàn hảo.

Bài giảng của Đức Phanxicô với người bệnh và người khuyết tật

‘Tôi đã cùng bị đóng đinh thập giá với Ðức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi.’ (Gl 2, 19-20)

Với những lời này thánh Phaolô tông đồ đã mạnh mẽ trình bày mầu nhiệm đời sống Kitô, có thể gói gọn trong động năng vượt qua cái chết và sự sống lại nhờ phép rửa. Thật vậy, khi được nhận chìm trong nước, mỗi một người chúng ta chết và được chôn trong Chúa Kitô, rồi nổi lên, được đưa vào sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Sự tái sinh này bao trùm mọi khía cạnh đời sống chúng ta, ngay cả bệnh tật, đau khổ và cái chết đều được Chúa Kitô đón lấy, và trong Ngài chúng có được ý nghĩa tận cùng của mình. Hôm nay, trong ngày Toàn xá dành riêng cho người bệnh và người khuyết tật, lời sự sống này đặc biệt đồng hưởng với chúng ta.

Mỗi người chúng ta, sớm hay muộn đều được kêu gọi đối diện với sự sự mỏng manh và bệnh tật của mình hay của người khác. Biết bao nhiêu con người khác nhau đều đối diện với cảm nghiệm nhân loại chung này. Nhưng tất đều trực tiếp nêu lên chất vấn về ý nghĩa cuộc sống. Lòng chúng ta có lẽ đang âm thầm chấp nhận yếm thế, như là giải pháp duy nhất khi đối diện với những trải nghiệm này khi chúng ta chỉ biết dựa vào sức mình. Hay chúng ta đặt hết niềm tin nơi khoa học, nghĩ rằng chắc chắn ở một nơi nào đó trên trái đất người ta có thể trị được chứng bệnh này. Nhưng đáng buồn thay, không phải lúc nào cũng vậy, và dù cho có loại thuốc đó, thì không phải ai cũng tìm được.

Bị tổn thương vì tội lỗi, bản tính con người hằn dấu những hạn chế. Vậy mà chúng ta đã quen với việc không chấp nhận một cuộc đời bị hạn chế về thể lý, nhất là trong thời nay. Người ta nghĩ rằng người bệnh hay người khuyết tật không thể nào hạnh phúc, bởi họ không thể sống lối sống mà văn hóa lạc thú và giải trí dựng lên. Trong một thời đại mà việc chăm sóc cơ thể trở nên một thứ ám ảnh và một ngành kinh doanh phát đạt, thì bất kỳ điều gì không hoàn hảo đều bị giấu nhẹm đi, bởi nó đe dọa sự vui vẻ và thanh thản của số ít đặc quyền đặc lợi và gây hại cho hình mẫu đang thống trị. Họ bảo nhau, những người như thế tốt nhất nên giữ xa xã hội, trong một khu riêng, hay trong những hòn đảo của chủ nghĩa thương hại, để họ đừng kéo lùi nhịp độ phúc lợi giả tạo mà văn hóa thời nay đang tạo ra. Trong nhiều trường hợp, chúng ta còn nghe nói là tốt hơn nên loại trừ họ càng sớm càng tốt, bởi thế nào họ cũng sẽ trở thành gánh nặng kinh tế trong những thời khủng hoảng. Nhưng thật là ảo tưởng lừa dối khi con người thời nay bị mắt trước những người anh chị em bệnh tật và khuyết tật. Làm như thế, họ không hiểu được ý nghĩa thực sự của sự sống, vốn bao gồm chấp nhận đau khổ và giới hạn. Thế giới không trở nên tốt hơn khi chỉ có những con người có vẻ ‘hoàn hảo’, nhưng là khi tình tương thân tương ái, tinh thần đón nhận và tôn trọng ngày càng tăng. Những lời của thánh Phaolô tông đồ mới đúng làm sao: ‘Những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.’ (1Cr 1, 27)

Bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta một trường hợp đặc biệt của sự yếu đuối. Người phụ nữ chìm trong tội lỗi, bị phán xét và bị loại trừ, nhưng Chúa Giêsu đón nhận và bảo vệ cho cô. ‘Cô đã yêu nhiều’ Đây là kết luận của Chúa Giêsu, người chú tâm đến đau khổ và lời nài van của cô. Sự trìu mến này là một dấu chỉ của tình yêu mà Thiên Chúa tỏ ra cho những ai đau khổ và bị đẩy ra ngoài rìa. Đau khổ không nhất thiết chỉ là về thể xác, một trong những chứng bệnh thường xuyên gặp nhất của thời nay là về mặt tinh thần. Đó là đau khổ của tâm hồn, là buồn đau vì thiếu tình yêu thương. Đó là bệnh đau buồn. Khi chúng ta cảm nghiệm sự thất vọng hay phản bội trong một mối quan hệ quan trọng, chúng ta mới nhậ ra mình thật là dễ bị tổn thương và bất lực đến thế nào. Cám dỗ tự quy ngày càng mạnh hơn, và chúng ta liều mạng đánh mất cơ hội lớn nhất trong đời, là yêu bất chấp mọi sự.

Hạnh phúc mà mọi người khao khát , có thể được thể hiện nhiều cách, nhưng chỉ đạt được nếu như chúng ta có thể yêu thương. Luôn luôn là tình yêu thương. Ngoài ra, không còn cách nào khác. Biết bao nhiêu người khuyết tật và đau khổ đã lại mở lòng với cuộc sống khi họ nhận ra mình được yêu. Với một nụ cười, có thể đổ đầy biết bao tình yêu trong một tâm hồn. Liệu pháp nụ cười. Từ đó sự yếu đuối của chúng ta có thể trở nên một nguồn an ủi và nâng đỡ khi cô đơn.

Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến cùng, yêu thương đến cái chết, và trên thập giá Ngài biểu lộ tình yêu không giới hạn. Liệu chúng ta có thể trách Thiên Chúa vì những yếu đuối và đau khổ của mình không, khi đã nhận ra nỗi đau khổ vô cùng trên gương mặt Con Thiên Chúa chịu đóng đinh? Đau đớn thể xác của Ngài đi kèm với chế nhạo, sỉ nhục và khinh miệt, nhưng Ngài đã đáp lại bằng lòng thương xót đón nhận và tha thứ mọi sự. ‘Nhờ các thương tích của Ngài mà chúng ta được chữa lành.’ (Is 53, 5) Chúa Giêsu là thầy thuốc chữa lành với thang thuốc tình yêu thương, Ngài mang lấy đau khổ của chúng ta và đền bù cho nó. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa có thể hiểu được những yếu đuối của chúng ta, bởi chính Ngài đã tự mình cảm nghiệm chúng.

Cách chúng ta cảm nghiệm bệnh tật và khuyết tật là một kho tình yêu mà chúng ta sẵn sàng trao cho người khác. Cách chúng ta đối diện với đau khổ và hạn chế là thước đo cho sự tự do chúng ta để đem lại ý nghĩa cho cảm nghiệm cuộc đời, ngay cả khi nó gán cho chúng ta là vô nghĩa và vô giá trị. Đừng để nặng lòng vì những đau khổ đó. Chúng ta biết rằng khi yếu là chúng ta có thể trở nên mạnh, và đón nhận ơn để lấp đầy những gì còn thiếu trong đau khổ của Chúa Kitô. Thân thể Chúa Kitô phục sinh, vẫn giữ lại những vết thương, dấu tích của đấu tranh cùng cực, nhưng đó là những vết thương được biến đổi vĩnh viễn nhờ tình yêu.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio