“Phục vụ người nghèo là con đường duy nhất để trở thành người tín hữu kitô”

41

“Phục vụ người nghèo là con đường duy nhất để trở thành người tín hữu kitô”

la-croix.com, Jean de Saint-Cheron, người viết thời luận nhật báo La Croix, 2024-11-18

Hiệp hội Cứu trợ Công giáo (Secours catholique) vừa công bố báo cáo thường niên về tình trạng nghèo đói với dữ liệu đáng báo động, tác giả Jean de Saint-Cheron nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc hướng về người khác. Ông tin cách duy nhất để trở thành người tín hữu kitô là giúp đỡ những người thiếu thốn nhất, đó là việc khẩn cấp.

Mỗi buổi sáng trước khi đạp xe đạp đến sở làm tôi đều đeo  găng tay. Và mỗi tối khi kiểm các thư nhận trong ngày, tôi đều nhận thư của các Cơ quan từ thiện, Hiệp hội Cứu trợ Công giáo, Mẫu bánh, Anh em Người nghèo. Cái lạnh đã về, nó đang móc hầu bao của tôi và làm trái tim tôi nghẹn lại với hình ảnh người phụ nữ tôi gặp hàng ngày bây giờ cô nằm trong chiếc túi ngủ, với hình ảnh người vô gia cư co ro ngoài công viên, người hát dạo trên băng ghế công cộng, họ sẽ ngủ ngoài trời lạnh. Chúng ta trấn an lương tâm day dứt của mình: “Việc này Nhà nước sẽ lo”, “Chúng ta không thể lo hết mọi đau khổ trên thế giới”. Nhưng Tin Mừng và Truyền thống lại nhắc một chuyện khác. Vào ngày cuối cùng, chúng ta sẽ bị những người nghèo trong lịch sử phán xét. Chúa Giêsu đã nói. Tin Mừng và mọi Truyền thống đều dạy chúng ta đừng bao giờ rời mắt khỏi người anh em đang trần trụi, xa lạ và đói khát.

Người nghèo và Giáo hội

Vì vậy, phục vụ người nghèo không phải là một trong những cách để là người tín hữu kitô, nhưng là cách duy nhất. Chỉ cần xem lại Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo là rõ: “Thiên Chúa chúc lành cho những ai đến giúp đỡ người nghèo và khiển trách những ai quay lưng với họ. (…) Tình thương cho người nghèo là một trong những lý do buộc chúng ta phải làm việc để ‘có thể làm điều tốt bằng cách giúp đỡ người túng thiếu’” (Êp 4:28). Thánh Gioan Kim Khẩu Chrysostom mạnh mẽ nhắc: “Không chia sẻ với người nghèo là cướp của họ, là lấy mạng sống của họ. Chúng ta nắm giữ không phải của cải của chúng ta mà là của cải của họ.” Khi chúng ta cho người nghèo những thứ thiết yếu, chúng ta không cho họ của cải của mình nhưng chúng ta trả lại cho họ phần của họ. Chúng ta làm nghĩa vụ công lý nhiều hơn là làm bác ái (Thánh Gregory Cả 3, 21).” Việc cứu rỗi thế giới và an ủi người nghèo (cũng là một chuyện), chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường công lý và bác ái.

Linh mục François Odinet, tuyên úy của Cơ quan Cứu trợ Công giáo vừa xuất bản quyển sách Bây giờ, Nước Trời (Maintenant, le Royaume, nxb. Desclée de Brouwer, 2024), một tiểu luận rất hữu ích có phụ đề “Loại bỏ người nghèo, không có cứu rỗi”. Tác giả chứng minh người nghèo nắm giữ một quyền lực trong Giáo hội, điều này thật nghịch lý nhưng không thể tranh cãi được: “Giống như Nước Trời của Chúa đang đến, theo một nghĩa nào đó, Nước Trời đã ở đó, đã ở giữa chúng ta và chúng ta không thấy. Nhưng niềm tin Nước Trời đang đến, đến qua những kẽ hở vẫn tồn tại bất chấp việc con người dùng quyền lực, niềm tin này nuôi dưỡng hy vọng cho chúng ta. Sự sáng tạo của các môn đệ Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần khơi dậy mời gọi chúng ta xem sứ mệnh của Giáo hội, không chỉ là việc loan báo một thông điệp nhưng là một kinh nghiệm thực sự của con người, vừa cá nhân vừa mang tính quan hệ và xã hội.”

Nếu có một nơi mà người tín hữu kitô phải là dấu hiệu của mâu thuẫn cũng như của hiệp thông, thì đó là nơi của tình yêu và sự phục vụ người nghèo.

Mỗi chúng ta đều phải cởi mở với người mà nỗi đau khổ của họ làm chúng ta băn khoăn, đau khổ đến mức đôi khi chúng ta ước mong mình đừng chứng kiến. Những đợt sương giá đầu tiên là dịp để chúng ta thực hiện một trong nhiều sáng kiến của giáo xứ, của giáo phận đã lên chương trình để làm những việc này.

Marta An Nguyễn dịch