Ai là người nghèo cần đến chúng ta?
la-croix.com, Jean de Saint-Cheron, Nhà văn, người viết thời luận nhật báo La Croix, 2024-11-26
Tác giả xem lại bài viết gần đây của ông: “Phục vụ người nghèo là cách duy nhất để là người tín hữu kitô” và các phản ứng về bài viết này. Ông tái khẳng định sự cần thiết của người tín hữu kitô trong việc “đưa tay ra giúp người nghèo trong cuộc sống”, nhưng ông không muốn đưa ra bài học.
Trong cuốn phim vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc Ánh đèn màu của nhà đạo diễn Charlie Chaplin (tên quen thuộc của ông là Charlot) đã nói lên cái nghèo một cách chưa từng có, đỉnh cao là cảnh cuối cùng đẹp nhất của lịch sử điện ảnh. Chúng ta bám vào cái nghèo, nhưng đó lại là một chuyện khác. Vì thế chúng ta có một kẻ lang thang, một kẻ không nhà không cửa “Người lang thang, The Tramp” là Charlot.
Phim Ánh đèn màu, Claire Bloom và Charlie Chaplin
Người nghèo trong phim của Charlot rất nghèo: đế giày bị rách, ăn bữa có bữa không, không có sổ ngân hàng. Dĩ nhiên cái nghèo của ông thấy rõ. Nhưng cô bán hoa xuất hiện trong câu chuyện này. Cô đáng yêu, ăn mặc đẹp dù rất đơn sơ, nhưng không thể phủ nhận cô rất nghèo: cô bị mù, cô không thấy ánh sáng mặt trời. Và người đàn ông triệu phú xuất hiện, với chiếc mũ chóp cao, với điếu xì gà danh tiếng thế giới. Chaplin cho chúng ta thấy ông cũng nghèo: ông cô đơn, ông bị giam hãm trong cuộc sống xa hoa. Chén chú chén anh khi có rượu, nhưng buồn bã, khổ sở, ích kỷ, tuyệt vọng khi không có rượu.
Tác giả Jean de Saint-Cheron / Aleister Denni
Một chuyên mục dạy đời sao?
Chuyên mục của tôi tuần trước dựa trên Sách Giáo lý Giáo hội công giáo và dựa trên quyển sách Bây giờ, Nước Trời (Maintenant, le Royaume, nxb. Desclée de Brouwer, 2024) của Linh mục François Odinet, quyển sách đã bị một số độc giả cho là quá dạy đời. Nhưng các thuật ngữ cấp tiến trong Sách Giáo lý và trong sách của Cha Odinet đều lấy thẩm quyền từ Kinh thánh. Và tôi thực sự không hiểu dựa trên cơ sở nào mà độc giả chống những giá trị tuyệt đối trong các khẳng định của họ.
Rõ ràng, nếu Giáo hội không thể bị thu gọn thành một tổ chức phi chính phủ nhân đạo, đó là vì Giáo hội sống với đức tin, với hy vọng, với một lòng bác ái mà sứ mạng của Giáo hội là truyền bá và thực hành. Tuy nhiên, những lời Giáo hội loan báo, các bí tích Giáo hội ban chỉ có ý nghĩa nếu những việc này làm cho tình yêu lớn lên. Nhà văn Bernanos đã khẳng định: “Không có nghi thức nào miễn cho chúng ta khỏi tình thương”. Tất cả là ở đó, là nơi mọi thứ đang hướng tới. Thánh Gioan Chrysostom còn đi xa hơn khi ngài nói, ai rước lễ ngày chúa nhật nhưng lại không giúp người nghèo trước cửa Nhà thờ thì họ rước họa vào thân. Vì thân xác người nghèo chính là thân xác Chúa Giêsu, Đấng sinh ra trong máng cỏ cách đây gần 21 thế kỷ.
Lời của Đức Gioan-Phaolô II
Khi bước vào Mùa Vọng, có lẽ chúng ta nên đọc lại lời của Đức Gioan-Phaolô II đã nói vào đầu thế kỷ 20: “Những người đói khát, trẻ em, phụ nữ, người già, người di cư, người tị nạn, người thất nghiệp đang đau đớn kêu cầu chúng ta. Họ hy vọng được chúng ta nghe đến. Làm sao chúng ta lại không mở tai, mở lòng để cho họ năm chiếc bánh và hai con cá Chúa đã đặt vào tay chúng ta? Tất cả chúng ta đều có thể làm điều gì đó cho họ, mọi người có thể làm trong sức của mình, nhưng điều này đòi hỏi nội tâm của chúng ta phải hoán cải sâu đậm. Dĩ nhiên chúng ta phải xem lại cách chúng ta tiêu dùng, cách chúng ta ứng xử với các thú vui khoái lạc, với thờ ơ, với tinh thần trách nhiệm.”
Tôi không tự nhận mình là tấm gương của lòng quảng đại, tôi còn xa, nhưng những lời mang tính tiên tri trong Kinh thánh vẫn vang lên trong tâm trí tôi khi tôi viết những dòng này. Dĩ nhiên tôi không có quyền nói độc giả phải làm gì và làm cho ai. Nhưng chắc chắn, chúng ta đều được lệnh phải cùng nhau góp sức giúp người nghèo. Nhờ Chaplin và một số nhà tiên tri khác, chúng ta hiểu người anh em khó nghèo Chúa dạy chúng ta phải yêu thương có thể ít nhiều hữu hình, có thể chạm được, giúp họ là chuyện chúng ta không thể không làm được.
Marta An Nguyễn dịch
“Phục vụ người nghèo là con đường duy nhất để trở thành người tín hữu kitô”