“Một Chúa Giêsu kỹ thuật số” giải tội cho 900 du khách ở thành phố Lucerne, Thụy Sĩ

95

“Một Chúa Giêsu kỹ thuật số” giải tội cho 900 du khách ở thành phố Lucerne, Thụy Sĩ

Chương trình ‘Deus in machina’ đã hoạt động ở thành phố Lucerne, Thụy Sĩ từ hai tháng nay | DR

cath.ch, Maurice Page, 2024-11-28

“Tôi có thể tìm được tình yêu đích thực không?”, “Điều gì xảy ra sau khi chết?”, “Tôi đã làm đủ để lên thiên đàng chưa?” Đó là một số câu hỏi được đặt ra cho hình đại diện kỹ thuật số của Chúa Giêsu sau tấm lưới tòa giải tội ở Nhà nguyện Thánh Phêrô của thành phố Lucerne, Thụy Sĩ.

Từ tháng 8 đến cuối tháng 10 năm 2024, tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm Deus in Machina trong nhà nguyện của thành phố cổ Lucerne đã có nhiều người đến xem. Không dưới 900 người đến hỏi Chúa Giêsu kỹ thuật số được cài đặt trong tòa giải tội. Ngày thứ tư 27 tháng 11, một Hội nghị chuyên đề đã được tổ chức tại đây để trình bày các bài học đầu tiên về trải nghiệm thần học-nghệ thuật này.

“Liệu tôi có thể tìm được tình yêu đích thực không?”, “Làm thế nào tôi có thể làm cho tình yêu của tôi được tốt hơn?”, “Điều gì xảy ra sau khi chết?”, “Tôi đã làm đủ để được lên thiên đường chưa?”, “Vì sao thế giới này có quá nhiều đau khổ?”, “Tôi nên làm gì nếu tôi cảm thấy cô đơn  lạc lõng?”, “Làm thế nào để tìm thấy tình yêu của Thiên Chúa?”, “Chúa có thực sự tồn tại không?”

Đó là những câu hỏi hiện sinh, tôn giáo, tâm linh thường được đặt ra, đã có khoảng 900 du khách đến nhà nguyện Thánh Phêrô ở thành phố Lucerne hỏi Avatar Chúa Giêsu. Cho đến cuối tháng 10, tác phẩm nghệ thuật mang tính thử nghiệm có sự tham gia của chương trình Deus in  Machina được trình diễn ở đó với sự cộng tác của Đại học Lucerne.

Hình đại diện kỹ thuật số của Chúa Giêsu được đặt phía sau tấm lưới của tòa giải tội | ảnh chụp màn hình youtube

 Tình yêu, sự sống, cái chết

Những câu hỏi này cho thấy các chủ đề chính được thảo luận vẫn là tình yêu, các mối quan hệ, cái chết, sự cô độc và hòa bình. Với Ban tổ chức, đó là trải nghiệm nghệ thuật thuần túy nhằm khám phá sự tương tác giữa công nghệ và tâm linh, họ không bao giờ cho rằng việc này sẽ thay thế bí tích hòa giải. Nhưng các người tham dự đã nói chuyện với “AI Jesus” về những lo lắng sâu sắc nhất, những hy vọng và cả những câu hỏi về đức tin của họ.

Theo Ban tổ chức, du khách thường ra về với lời cám ơn, nhấn mạnh đến sự cộng hưởng cảm xúc của dự án. Thiết kế này thu hút không chỉ những người có đức tin mà cả những người vô thần và những người theo thuyết bất khả tri.

Nhà nguyện Thánh Phêrô là nhà thờ giáo xứ lâu đời nhất ở thành phố Lucerne | © regula-pfeifer

Truyền cảm hứng và tôn trọng

Vào cuối buổi xưng tội, người tham dự trả lời các câu hỏi về kinh nghiệm của họ. Nhiều người cho biết kinh nghiệm này đầy cảm hứng và đáng trân trọng, đặc biệt họ cảm nhận có những khoảnh khắc thiêng liêng họ mong chờ. Thần học gia Marco Schmid giải thích: “Dù sao các khám phá này đặt ra những câu hỏi mới: Đức tin phát triển như thế nào trong thời kỹ thuật số? Công nghệ có thể đóng vai trò gì trong cuộc đi tìm một đời sống tâm linh? Dự án AI không chỉ cung cấp câu trả lời mà còn cho thấy các câu hỏi về tình yêu, cái chết và hòa bình vẫn có những liên quan như thế nào, dù với tôn giáo nào.”

Một hộp ý tưởng tôn giáo mới

Thần học gia Marco Schmid cộng tác để thực hiện tác phẩm sắp đặt ‘Deus in machina’ | © Team Peterskapelle

Khái quát hơn, liệu cuối cùng trí tuệ nhân tạo có trở thành hộp gợi ý tôn giáo mới cho những câu hỏi mà con người không thể trả lời không? Những câu hỏi chúng ta không còn dám hỏi nhau – đặc biệt vì, không giống trí tuệ nhân tạo, con người cuối cùng lại phản ứng một cách bực tức, hay vì ngày nay ngày càng có ít người và giáo sĩ được mọi người tin tưởng và lắng nghe?

Ông Marco Schmid lưu ý: “Tôi quan sát thấy ChatGPT thường được mọi người dùng khi họ cần lời khuyên và lúc đó họ không có ai để trao đổi. Chúng ta không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc dùng AI ở những người bị cô lập. Trên quan điểm mục vụ, sẽ rất hữu ích nếu có một công cụ hỗ trợ AI có trách nhiệm, luôn ở đây và có thể cho những lời khuyên theo quan điểm kitô giáo.”

Ít xấu hổ hơn khi đặt câu hỏi cá nhân cho hệ thống AI

Theo thần học gia Marco Schmid, AI trong tầm tay là một trong những lý do vì sao “Chúa Giêsu kỹ thuật số” được nhiều người ở nhiều môi trường khác nhau tìm đến: “Sự xấu hổ khi đặt những câu hỏi cá nhân và nhạy cảm chắc chắn sẽ ít hơn với hệ thống AI. Vì hệ thống không phán xét, không lên án, chỉ trả lời không dè dặt.”

Chương trình này không đo lường được niềm tin chung của người dân với các tác nhân mục vụ, ông Schmid kết luận: “Điều chắc chắn là lòng tin tưởng là nền tảng quyết định trong quan hệ mục vụ. Nếu mọi người tin tưởng vào hệ thống AI hơn vào con người, thì đó sẽ là một vấn đề rất nghiêm túc về hành động của chúng tôi, chúng tôi là những người làm mục vụ.”

Các Avatar tâm linh

Nhà nguyện Thánh Phêrô ở thành phố Lucerne phối hợp với Phòng thí nghiệm của phân khoa Nghiên cứu Mục vụ của Đại học Lucerne để lên chương trình sáng tạo này, nhằm khám phá việc sử dụng các nhân vật ảo dựa trên trí tuệ nhân tạo tổng hợp trong bối cảnh tâm linh.

Một nghiên cứu đi kèm cũng đang được nghiên cứu tại đây nhằm kiểm tra các chủ đề nảy sinh trong các cuộc trò chuyện với hệ thống AI vì mục đích tâm linh và phân tích cách AI tiếp cận các chủ đề khác nhau.

Khi kết thúc quá trình lắp đặt ngày 20 tháng 10 năm 2024, giáo sư Aljosa Smolic, thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Mục vụ cho biết: “Tôi rất ấn tượng với cách hệ thống hoạt động. Trong trường hợp này, AI rất đáng tin cậy và rất cảm xúc. Có những tranh cãi tích cực và tiêu cực, nhưng dù sao, trình độ kỹ thuật rất tốt.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch