Người con hoang đàng, hình ảnh quen thuộc của nhiều gia đình
Người con hoang đàng trở về. Michel Martin Drolling | Wikipedia CC của SA 3.0
fr.aleteia.org, Philippe-Emmanuel Krautter, 2022-05-17
Đứa trẻ trong Kinh thánh là câu chuyện dụ ngôn trong Tin Mừng Thánh Luca. Một đứa trẻ bực mình ra đi và trở về với người cha khi nó đã tiêu hết tài sản, đã trở nên nghèo khó, khiêm tốn. Dụ ngôn Người con hoang đàng luôn là bài học về tình cha con.
Giống như tất cả các dụ ngôn của Chúa Giêsu, dụ ngôn Người con hoang đàng là dụ ngôn của cảm xúc và của sự dịu dàng của Thiên Chúa với thân phận yếu đuối nghèo hèn của chúng ta. Thánh Luca kể câu chuyện này như câu chuyện rất quen thuộc của nhiều gia đình: “Một người cha có hai người con. Người con út nói với cha mình: ‘Xin cha cho con phần tài sản của con.’ Và người cha cho. Anh gom góp tất cả những gì mình có rồi bỏ đi phương xa, nơi anh sống một cuộc sống bừa bãi, phung phí tất cả tài sản.” (Lc 15:11-13)
Một đứa trẻ thoát ly
Phần mở đầu quan trọng: người cha có hai người con, đứa con út kém khôn ngoan, ít nhất là khi còn trẻ. Anh muốn ra khỏi nhà, sống cuộc sống phóng túng, anh không muốn ở dưới quyền lực của người cha, dưới sự cai trị tuyệt đối, đó là hình ảnh của một quan hệ cha con ngày xưa trong Kinh thánh. Vì thế việc người con út ra đi là một ngoại lệ, sự chính trực về mặt đạo đức của người con cả là một quy luật. Và giờ đây, logic vẫn ở trong tâm trí chúng ta sẽ bị Chúa Giêsu làm ngược lại.
Một hoán cải bất ngờ
Câu chuyện tạo xúc động mạnh, sau khi phung phí tài sản, người con phải đi chăn heo và nhịn đói, đã không còn niềm tự hào, anh quyết định đi về với cha mình: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,còn chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin cha xem con như người làm công cho cha (Lc 15:17-19)”.
Dù muốn ra khỏi mọi ràng buộc với người cha và đòi tự do, nhưng người con nhận thức được tình yêu mà nó đã phản bội. Trong một bài suy niệm, Đức Bênêđíctô XVI đã viết: “Trong những giai đoạn này, chúng ta đọc được những khoảnh khắc trên đường đi của con người trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Chúng ta có thể có một giai đoạn giống như thời thơ ấu: một tôn giáo bị thúc đẩy bởi nhu cầu, bởi sự phụ thuộc. Dần dần, con người lớn lên và giải phóng chính mình, muốn ra khỏi sự phục tùng này, muốn được tự do, trưởng thành, muốn hành động một mình, muốn có các lựa chọn của mình và nghĩ đến việc có thể sống không cần đến Chúa. Chính xác giai đoạn này rất tế nhị, nó có thể dẫn đến chủ nghĩa vô thần, nhưng đây cũng là hình thức che giấu nhu cầu khám phá khuôn mặt thật của Thiên Chúa.” (Kinh Truyền Tin ngày 14 tháng 3 năm 2010).
Lòng thương xót tha thứ tất cả
Điểm quan trọng ở đây là phản ứng của người cha, ngay từ khi thấy người con từ đàng xa, ông đã tha cho đứa con. Lòng thương xót vô điều kiện này luôn lay động chúng ta, đó chính là nguồn gốc của tình yêu đích thực, không tính toán, không cần phải xứng công. Con người được tạo dựng tự do, và nếu họ muốn bỏ Chúa vì nghĩ rằng mình không còn cần đến Chúa Cha, nhưng bất cứ lúc nào họ cũng có thể quay về với Chúa, được Chúa đón nhận như người cha trong trong dụ ngôn.
Tình thương không điều kiện này đã làm cho người con cả tức giận vì cha mình đã mổ con bê béo làm tiệc mừng đứa em hoang đàng về nhà. Phản ứng này ngược với lòng thương xót, thay vì vui mừng thấy em về, người anh còn non dại, ích kỷ, muốn người em phải trả lẽ công lý nhưng anh quên mất công lý thiêng liêng: “Con ơi, con luôn ở bên cha, tất cả những gì của cha là của con. Chúng ta nên ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay đã được tìm thấy!”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch