“Coca-Cola thiêng liêng” nghĩa là gì?

102

“Coca-Cola thiêng liêng” nghĩa là gì?

Ngày thứ ba 5 tháng 11, Đức Phanxicô đã dùng ẩn dụ “Coca-Cola thiêng liêng” để nói về việc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chúng ta có thể xem đây như bài phát biểu mở rộng của các bài phát biểu gay gắt của ngài ở Bỉ. Thứ bảy hàng tuần, đặc phái viên thường trực của báo La Croix tại Vatican sẽ đưa quý độc giả vào hậu trường của quốc gia nhỏ nhất thế giới này.

la-croix.com, Mikael Corre, đặc phái viên thường trực tại Rôma, 2024-11-09

Ngày 5 tháng 11 Đức Phanxicô phát biểu ở Giáo hoàng Học viện Gregorian Rôma: “Đáng tiếc chúng ta có rất nhiều môn đệ của Coca-Cola thiêng liêng!”, việc Đức Phanxicô dùng ẩn dụ mơ hồ này vào ngày người Mỹ đi bỏ phiếu không thể là điều tầm thường, chúng ta cần tìm hiểu ẩn dụ này mang ý nghĩa gì. Trước tiên chúng ta phải quay lại phần mở đầu bài phát biểu của ngài và bối cảnh của nó. Ngày 5 tháng 11 này, ngài phát biểu trước cộng đồng học thuật của ba học viện Rôma ngài vừa quyết định sáp nhập: Giáo hoàng Học viện Gregorian (Collegium Maximum), Học viện Đông phương và Học viện Kinh thánh Giáo hoàng. Ngài nói: “Khi tôi nhận dự án hợp nhất, tôi chấp nhận ngay, tôi nghĩ đây không phải là tái cơ cấu hành chính đơn thuần nhưng là dịp để tái phát triển sứ mệnh các giám mục Rôma tiếp tục giao phó cho Dòng Tên theo thời gian.” 

“Đức tin dễ dàng”

Đức Phanxicô nói tiếp: “Sẽ không tốt khi tiến tới việc sáp nhập ba tổ chức, nếu chúng ta không có tầm nhìn, nếu chúng ta để tính hiệu quả hướng dẫn, xem thường những gì đang xảy ra trên thế giới và trong Giáo hội, chúng ta cần một tầm nhìn được nuôi dưỡng về mặt tâm linh. Khi chúng ta bước đi và chỉ lo bị vấp ngã thì cuối cùng chúng ta sẽ bị ngã. (…) Chúng ta phải biết mình đang đi đâu để không bị mất tầm nhìn về hướng chân trời (…). Trong một trường đại học, tầm nhìn và nhận thức về mục đích sẽ ngăn cản việc ‘coca-cola hóa’ trong nghiên cứu giảng dạy vì như thế sẽ dẫn đến việc ‘uống coca thiêng liêng’. Tiếc thay, chúng ta có rất nhiều môn đệ “coca-cola thiêng liêng!”

Ở đây, ngài xin chúng ta đừng đánh mất tinh thần nghiên cứu: đó là tinh thần truyền giáo. Chính vì sứ mệnh này mà Dòng Tên được thành lập ở thế kỷ 16 trong bối cảnh công giáo phản cải cách (để phản ứng trước sự xuất hiện của đạo tin lành). Ngài nhấn mạnh: “Điều này phải được duy trì, sứ mệnh của Giáo hoàng Học viện Gregorian và rộng hơn là các trường Đại học Công giáo, để chúng ta không bị vấp ngã, không tạo tranh cãi, không làm hài lòng thời trang – để thưởng thức ly nước ngọt có ga – dám làm mọi việc theo quan điểm truyền giáo, dù có thể sẽ bị chỉ trích. Về bản chất, đó là những gì Đức Phanxicô nói trong bài phát biểu đầu tiên của ngài tại Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) tháng 9 vừa qua.

Được hỏi về sự bất cập giữa thông điệp của Giáo hội công giáo và nhiều vấn đề học thuật ngày nay – nghiên cứu về giới, tính giao thoa, v.v. – Đức Phanxicô dẫn lời của nhà văn Franz Kafka: “Tôi tin bạn không chỉ quan tâm đến sự thật vì nó quá khó” (1 ). Ngài nói: “Việc tìm kiếm sự thật là đau đớn vì nó buộc chúng ta phải thoát ra khỏi chính mình, chấp nhận rủi ro, tự đặt câu hỏi.” Đó là lý do vì sao khi tâm trí mệt mỏi, chúng ta bị cuộc sống hời hợt cuốn hút, chúng ta không đặt quá nhiều câu hỏi; cũng như một “đức tin” dễ dàng, nhẹ nhàng, thoải mái thu hút chúng ta, chúng ta không bao giờ nghi ngờ bất cứ điều gì.” Tất cả những gì còn lại là đề xuất định nghĩa này vào một từ điển các cách diễn đạt và cụm từ: Coca-Cola thiêng liêng: đức tin dễ dàng, nhẹ nhàng, thoải mái không bao giờ thắc mắc điều gì.

(1) Trích từ tuyển tập truyện ngắn xuất bản sau khi nhà văn qua đời: Racconti, Milan, 1990.

Marta An Nguyễn dịch