Sử gia Christophe Dickès: “Thế giới chúng ta mang ơn Giáo hội rất nhiều”

43

Sử gia Christophe Dickès: “Thế giới chúng ta mang ơn Giáo hội rất nhiều”

Giáo sư sử gia Christophe Dickès, tác giả quyển sách Vì Giáo hội (Pour l’Eglise, nxb. Perrin) cho biết, về mặt khoa học, chính trị, giáo dục, tổ chức thời gian… Thế giới của chúng ta mang ơn Giáo hội rất nhiều, một bối cảnh rộng lớn, uyên bác, cuốn hút dựa trên các năng lực tốt nhất. Giáo hội cho chúng ta cột sống để sống.

famillechretienne.fr, Charles-Henri d’Andigné, 2024-11-07

– Ảnh © Bruno Klein

Xin giáo sư cho biết điểm khởi đầu của quyển sách này là gì?

Giáo sư sử học Christophe Dickès: Khi nói về lịch sử Giáo hội, chúng ta thường nói đến những trang đen tối qua lăng kính méo mó về những vụ tấn công, những chỉ trích Giáo hội ở trong cũng như ở bên ngoài. Nhưng qua chương trình Au risque de l’Histoire (Dù có nguy cơ đến Lịch sử) trên kênh Công giáo KTO, tôi khám phá ra một chuyện khác: đó là sự đóng góp đáng kể của Giáo hội qua các thời đại. Vì vậy, tôi muốn nói đến công việc của các sử gia, những người thường ở trong bóng tối, nêu bật những điểm tích cực của lịch sử này. Và rất nhiều!

Nhưng có phải sự ăn năn tự nó là một điều tốt, một nét đặc trưng của kitô giáo đó sao?

Đúng vậy, văn minh tha thứ đích thực là nét đặc trưng của kitô giáo. Tuy nhiên theo tôi, việc giới hạn về những gì người của Giáo hội đã làm sai trong lịch sử là thành kiến. Khi ăn năn, Đức Gioan Phaolô II khuyến khích nghiên cứu lịch sử. Ngài xin chúng ta đừng rơi vào tầm nhìn nhị nguyên về lịch sử Giáo hội. Thật vậy, chúng ta phải vun trồng tình yêu cho chính chúng ta: đức ái bắt đầu từ chính chúng ta! Nếu Giáo hội chỉ là một thế lực hủy diệt thì Giáo hội sẽ không tồn tại được lâu. Nhưng toàn bộ lịch sử của Giáo hội cho thấy Giáo hội đã là động lực phát triển, thậm chí còn mang tính giải phóng trên nhiều lãnh vực: khoa học, chính trị, xã hội, kinh tế, v.v.

Chủ đề rất rộng. Tiêu chuẩn của giáo sư để lựa chọn các chủ đề được đề cập là gì?

Về cơ bản, tôi muốn đặt mình vào trình độ trí tuệ tương ứng với nghiên cứu tôi đã thực hiện trong các lãnh vực khác nhau trong mười năm qua. Tôi chọn những chủ đề ít mong chờ nhất: Giáo hội. Chẳng hạn, tôi quan tâm đến quan niệm về thời gian, dựa trên tác phẩm của François Hartog và Jean-Claude Schmidt, cùng với các tác giả khác, họ cho thấy nhận thức về thời gian tính của kitô giáo rất sâu sắc. Thể chế đầu tiên chia ngày thành từng giờ và sống theo sự phân chia này là các đan viện (ora et labora, cầu nguyện và làm việc). Một ví dụ rất quan trọng khác là khái niệm về ý thức. Quan niệm chúng ta có về ý thức cũng mang tính kitô giáo, phần lớn hình thành qua việc xưng tội cá nhân được thể chế hóa vào đầu thế kỷ 13. Ngược lại với niềm tin phổ biến, tâm linh cá nhân đã phát triển rất tốt trước đạo tin lành.

Giáo sư cũng giải thích câu hỏi về Nhà nước. Bang Capetian, “res publica”: nhà vua là người quản lý đến từ kitô giáo phải không?

Đúng, đó là cơ bản. Vào cuối thời Trung cổ, luật pháp của Nhà Nước tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng pháp lý xuất phát từ chính giáo luật, được thực hiện vào thời cải cách Gregorian nổi tiếng của thế kỷ 11: thời của Giáo hoàng Gregory VII. Một sự khác biệt cơ bản giữa hành động của nhà vua và luật pháp. Từ góc độ kitô giáo, việc giải quyết tranh chấp trong xã hội không còn thực hiện theo luật của kẻ mạnh nhất hay danh dự nhưng nhân danh luật pháp: nói cách khác, chúng ta phải đi theo “con đường của pháp luật” hơn là “tấn công”. Đây là yếu tố rất quan trọng, là nền tảng của xã hội phương Tây. Cuộc cách mạng pháp lý này đã cho phép ra đời các nghị viện và sau đó là các chế độ dân chủ. Chúng ta thường cho rằng Nhà nước hiện đại được xây dựng để chống lại Giáo hội nhưng thực ra chính chế độ giáo hoàng, thông qua quá trình phát triển mang tính nhà nước chính quyền, là nguồn gốc của Nhà nước hiện đại.

Sự phân biệt giữa thiêng liêng và thế tục sẽ làm nảy sinh chủ nghĩa thế tục?

Đúng, đây lại là một yếu tố thiết yếu trong sự đóng góp của kitô giáo. Thánh Ambrose giáo phận Ý Milan và cả Giáo hoàng Gelasius ở thế kỷ thứ 5 là những người đầu tiên thiết lập sự phân biệt giữa Nhà nước và Giáo hội, giữa thế tục và thiêng liêng. Rõ ràng, các khái niệm phát triển qua nhiều thế kỷ và chủ nghĩa thế tục bây giờ không giống chủ nghĩa của thế kỷ thứ 5. Tuy nhiên, từ quan điểm trí tuệ, sự phân biệt quyền lực – được thiết lập lại ở cấp độ thể chế bởi cuộc Cải cách Gregorian vào thế kỷ 11, theo đúng nghĩa đen đã được khắc sâu vào DNA của các xã hội phương Tây.

Điều gì trong kitô giáo đã phân biệt hai điều này?

Câu nói nổi tiếng của Chúa Kitô: “Của Xêda trả cho Xêda và của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Chúng ta không gặp sự phân biệt như vậy trong đạo hồi. Điều này cho phép Nhà nước thoát ra khỏi quyền lực tôn giáo và ngược lại, xác định các mối quan hệ của họ.

Năm 1905, sự tách biệt chỉ có thể thực hiện được vì từ nguồn gốc đã có sự phân biệt này. Vì vậy mọi người đều được hưởng lợi, Nhà nước và Giáo hội.

Chính xác. Nhưng chủ đề này phức tạp hơn chúng ta nghĩ, vì mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội đã có nhiều xáo trộn trong nhiều thế kỷ. Về vấn đề này, trong quyển sách của tôi, tôi phục hồi một trong những đóng góp của “Chủ nghĩa Constantin” chính trị, là sự chuyển đổi đế chế sang kitô giáo. Thật vậy, các hoàng đế Constantine rồi Theodosius ở thế kỷ thứ 4 đã làm cho người dân trở lại nhiều đến mức Đế quốc La Mã chuyển sang kitô giáo. Sự cải đạo này đã là tâm điểm của nhiều lời chỉ trích kể từ Công đồng Vatican II. Nhưng một trong những khía cạnh tích cực của sự hoán cải này là nó buộc Nhà nước phải áp dụng quan điểm Tin Mừng và khi làm như vậy, phải quan tâm đến những người yếu thế nhất. Đây cũng là một cuộc cách mạng chính trị.

Giáo sư cũng đề cập đến sự phát triển của khoa học. Vì sao khoa học phát triển ở phương Tây?

Trong bài phát biểu với các tu sĩ Bernardines, Đức Bênêđíctô XVI giải thích các xã hội đầu thời Trung cổ bị chi phối bởi việc Đi tìm Thiên Chúa (“Querere Deum”). Vì thiên nhiên là do Thiên Chúa tạo dựng nên con người mong muốn nghiên cứu vấn đề này. Vì thế đức tin và lý trí có mối liên hệ mật thiết với nhau: hiểu được thiên nhiên thực ra là hiểu được thần thánh. Trung Quốc phát minh ra nhiều kỹ thuật như clepsydra (đồng hồ nước) nhưng chúng ta không thấy khoa học ở Trung Quốc phát triển như ở phương Tây. Vì thế nhà trung cổ Jacques Le Goff chứng minh kitô giáo đặt ra những trụ cột cho trí tuệ khoa học: việc đặt ra các nghi ngờ, sự cần thiết phải chứng minh những gì đưa ra, sự từ chối lập luận từ chính quyền, ý tưởng cho rằng kiến thức là một giải phóng, v.v. Điều thú vị là chúng ta tìm thấy sự khiêm nhường trong cách tiếp cận khoa học kitô giáo này, một nhân đức mà chỉ có Giáo hội coi trọng, còn các nền văn hóa khác lại không hiểu rõ. Do đó, lịch sử Giáo hội có một số lượng lớn các nhà khoa học: từ Gerbert d’Aurillac, ông vua toán học đã giới thiệu các chữ số Ấn Độ-Ả Rập ở châu Âu đến Mendel, cha đẻ của ngành di truyền học hiện đại.

Chúng ta có thể nói Giáo hội là nguồn gốc của dân chủ không?

Sẽ hơi vội vàng… Điều chắc chắn là Giáo hội đã duy trì nguyên tắc bầu cử trong suốt lịch sử của mình: bầu giám mục, cha bề trên trong các tu viện, bầu giáo hoàng… Nhưng đó sẽ là một lạm dụng ngôn ngữ để nói rằng người dân đã tham gia vào các công nghị trong thời kỳ đầu của Giáo hội. Đối diện với các tà giáo, các giám mục quyết định tự mình giải quyết vấn đề để đáp ứng tốt hơn và góp phần truyền bá học thuyết Chính thống. Vì thế họ gặp nhau trong khuôn khổ các thượng hội đồng.

Mặt khác, đời sống công ty như chúng ta biết ngày nay gắn liền với ý thức về quyền lực của tu viện: người lãnh đạo có những người có trình độ, các cố vấn, hỗ trợ họ bằng cách tổ chức các cuộc họp. Nhà sử học Charles de Miramont nêu rõ, yếu tố đầu tiên làm cho các cuộc họp mang tính thể chế là các quy tắc. Dĩ nhiên các cuộc họp đã tồn tại trước đó, nhưng các quy tắc đã thể chế hóa chức năng của chúng. Luận án của bà Amandine Perrier nêu lên mối liên hệ sâu sắc tồn tại giữa kinh doanh và thế giới tu viện. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy các tu viện trở thành trung tâm kinh tế trong thời trung cổ và hiện đại.

Và nhân quyền?

Nhân quyền có nền tảng trong các tác phẩm của các tác giả Tây Ban Nha thế kỷ 16 như Las Casas, Vitoria, Suarez… Vào thời điểm đó, chúng ta không nói về nhân quyền mà nói về luật pháp của các quốc gia, vốn tạo thành nền tảng của luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế định hình luật pháp quốc gia. Chắc chắn nhân quyền đã bị báo chí chỉ trích nặng nề trong Giáo hội thế kỷ 19, vì cho rằng nhân quyền chống lại sự siêu việt của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Giáo hội hiểu, cùng với Đức Bênêđíctô XV, Đức Piô XI và đặc biệt là Đức Piô XII, rằng nhân quyền là nguồn cảm hứng cho kitô giáo. Giáo hội cũng thiết lập quan điểm cho rằng quyền bao gồm nghĩa vụ và ngược lại.

Chúng ta có thể nói rằng Giáo hội đã ủng hộ nữ quyền không?

(Cười) Câu hỏi của ông hơi khiêu khích… Vào các thế kỷ đầu, việc trở thành nhà hoạt động vì nữ quyền không có ý nghĩa gì! Tuy nhiên, nếu so sánh hoàn cảnh của phụ nữ theo luật la-mã và theo luật do thái với những gì phụ nữ được hiểu biết trong xã hội kitô giáo, chúng ta thấy đã có một cuộc cách mạng thực sự. Chắc chắn có những văn bản gay gắt với phụ nữ của giới tu viện, nhưng cũng có những văn bản tuyệt đẹp. Khi tác giả Bossuet cho rằng phụ nữ là một mẫu “xương thừa”, triết gia Pierre Lombard thế kỷ 12, đã đưa mẫu xương thừa này lên gần trái tim, vì thế phụ nữ đã trở thành ngang hàng với nam giới…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Christophe Dickès: “Giáo hội phải dựa vào lịch sử của mình để xây dựng tương lai”

Giáo sư sử gia Christophe Dickès, tác giả quyển sách Vì Giáo hội (Pour l’Eglise, nxb. Perrin)