Linh mục Antonio Spadaro: Vatican sẽ tìm cách đối thoại với Tổng thống Trump
cruxnow.com, Ban biên tập, 2024-11-07
Đức Phanxicô và Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro / Ảnh Vatican News.
Dù có những xung đột giữa Đức Phanxicô và Tổng thống Trump về các vấn đề từ nhập cư và biến đổi khí hậu đến Trung Quốc và Trung Đông, nhưng theo linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, thứ trưởng Bộ Văn hóa, cố vấn thân cận của Đức Phanxicô, Rôma luôn chủ trương đối thoại.
Ngày thứ tư 6 tháng 11, trong các cuộc phỏng vấn với các cơ quan thông tin Ý, Linh mục hy vọng sẽ đối thoại với Tổng thống Trump về các vấn đề trong nước và quốc tế. Theo Linh mục, cần phải có đối thoại “để có một xã hội Mỹ tốt đẹp hơn vì có nhiều người không cảm thấy mình được đón nhận, được bảo vệ, được lắng nghe ở chính đất nước của họ.”
Linh mục Spadaro cho biết, về mặt quốc tế, đối thoại giữa Washington và Rôma là rất quan trọng: “Quan điểm của Tòa thánh luôn rộng mở, mang tính quốc tế, công nhận Hoa Kỳ có vai trò quan trọng để tránh các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới, từ Ukraine bị tử đạo đến Palestine bị tử đạo để tình trạng không trở nên xấu hơn.”
“Cần tìm ra giải pháp”
Linh mục Spadaro cho biết sự tương phản giữa Đức Phanxicô và Tổng thống Trump về nhiều vấn đề không nhất thiết là trở ngại cho việc đối thoại: “Tòa thánh chưa bao giờ chia thế giới thành người tốt và người xấu, mở cửa cho người tốt, đóng cửa với người xấu, nhưng luôn xây dựng liên minh chính trị. Ở Mỹ, người công giáo không thiên bên này bên kia, họ giữ vững lập trường chính trị, họ không đứng về bên nào để tránh sự pha trộn giả tạo giữa tôn giáo và chính trị. Đối thoại và ngoại giao là để xây dựng cầu nối và phá bỏ các bức tường.”
Theo Linh mục, trong quá khứ đôi khi Tổng thống Trump kết hợp tôn giáo với chính trị (bài diễn văn Liên bang năm 2018) làm cuộc đối thoại với Vatican không chỉ đáng mong muốn mà còn cần thiết. Thước đo của sự vĩ đại là quan tâm đến người nghèo, người thiệt thòi, người thiếu thốn, những người như ông Ladarô đứng ngoài cửa, chứ không phải vĩ đại theo tiêu chuẩn của Tổng thống Trump. Điều này áp dụng cho rất nhiều người bị lãng quên ở Mỹ, những người cảm thấy họ không còn thuộc về nơi này nữa và cũng áp dụng cho những người di cư, những người tạo nên chính cấu trúc của xã hội Mỹ.
Cho đến nay, bình luận của Linh mục Spadaro là tuyên bố công khai duy nhất của một viên chức Vatican về kết quả bầu cử ở Mỹ. Ngày thứ tư 6 tháng 11, Vatican News, cơ quan thông tin chính thức của Vatican đăng một bài viết về việc tái đắc cử của Tổng thống Trump, nhấn mạnh đến bản chất chiến đấu, bất chấp mọi khó khăn để trở lại chính trường của ông: “Sự nghiệp chính trị của ông được cho là một kỳ tích chưa từng có, khi ông đã xoay xở để trở lại Nhà Trắng sau hai lần luận tội, nhiều phiên tòa khác nhau và hai bản án hình sự. Sau vụ tấn công Đồi Capitol, vòng xoáy đi xuống của ông là rõ ràng, ông còn bị chính đảng của ông từ bỏ, và ông đã xoay xở để giành lại quyền kiểm soát.”
Thường thường, các giáo hoàng không gởi thông điệp chính thức đến các tân tổng thống Mỹ cho đến khi họ nhậm chức, nhưng có một tiền lệ phá vỡ nghi thức này – Đức Bênêđíctô XVI đã gởi thư chúc mừng Tổng thống Barack Obama ngay sau khi ông đắc cử tháng 11 năm 2008. Năm 2016, Đức Phanxicô đợi đến ngày nhậm chức mới viết thư chúc mừng nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
“Donald Trump và James David Vance trở thành các nhà lãnh đạo của kỷ nguyên công giáo mới ở Mỹ”
Hồng y Pietro Parolin chúc Tổng thống Donald Trump có “nhiều khôn ngoan”