Đức Phanxicô nói với Israel và Palestine: “Chúng ta tiếp tục mơ giấc mơ hòa bình”

33
Đức Phanxicô nói với Israel và Palestine: “Chúng ta tiếp tục mơ giấc mơ hòa bình”
Mười năm sau, ngày thứ sáu 7 tháng 6-2024, Đức Phanxicô kỷ niệm buổi cầu nguyện cho hòa bình của Tổng thống Israel Shimon Peres và người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas năm 2014. Ngài tiếp tục kêu gọi hai bên ngừng bắn.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2024-06-07
Thượng phụ Bartholomew, Đức Phanxicô, tổng thống Mahmoud Abbas và Shimon Peres trong vườn Vatican ngày 8 tháng 6 năm 2014. MAX ROSSI/POOL / EPA/MAXPPP
Ở cuối bãi cỏ được cắt tỉa hoàn hảo, cây ô liu nằm dưới ánh nắng chói chang của thành phố Rôma gần 10 năm trôi qua, ngay trung tâm vườn Vatican, trong số ba người trồng, hôm nay chỉ có một người ngồi vào chiếc ghế bành lớn màu trắng.
Gần mười năm sau, cây vẫn còn sống. Nhưng nền hòa bình mà cây là biểu tượng bị nghẻn lối trầm trọng. Đức Phanxicô lên tiếng: “Ngày nay, việc ghi nhớ sự kiện này là điều quan trọng, đặc biệt trước những biến cố đáng tiếc đang xảy ra ở Israel và Palestine. Từ nhiều tháng qua, chúng ta đã chứng kiến làn sóng thù nghịch gia tăng, chúng ta thấy nhiều người vô tội chết trước mắt chúng ta.”
“Ảo tưởng chiến tranh có thể giải quyết vấn đề”
Trước khoảng hai mươi hồng y và khoảng năm mươi đại sứ, họ đối diện nhau trong khu vườn, như để tạo hàng danh dự dẫn đến cây ô liu, một lần nữa Đức Phanxicô lên tiếng kêu gọi chống chiến tranh: “Thay vì tự ru mình trong ảo tưởng chiến tranh có thể giải quyết các vấn đề và dẫn tới hòa bình, chúng ta phải phê phán và cảnh giác trước hệ tư tưởng đáng tiếc đang thống trị thế giới: xung đột, bạo lực và rạn nứt là một phần hoạt động bình thường của xã hội.”
Trong những tháng gần đây, các bài phát biểu của ngài ngày càng trực tiếp nói đến hòa bình: “Với những ai có đức tin, với những ai thiện tâm, tôi muốn nói: chúng ta tiếp tục mơ về hòa bình và xây dựng các quan hệ hòa bình! Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện xin cho cuộc chiến này kết thúc.”
“Những sáng kiến này giúp ích cho chúng tôi, tất cả chúng tôi đều hy vọng”
Nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn, Đức Phanxicô xin thả các con tin Israel và xin viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine. Ở hàng ghế đầu, cách ngài vài mét, các đại sứ Israel và Palestine chăm chú lắng nghe.
Vài phút sau, cùng với đại diện của Giáo hội hồi giáo và cộng đồng người do thái ở Rôma, những người đã tưới nước cho cây ô liu được trồng cách đây 10 năm. Một cử chỉ mang tính biểu tượng vừa rất mạnh vừa rất nhỏ bé trước thảm kịch ở Đất Thánh.
Khi kết thúc buổi lễ tưởng niệm, giáo sĩ do thái Alberto Funaro, một nhân vật trong cộng đồng do thái Ý giải thích: “Những sáng kiến này giúp ích cho chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều hy vọng.” Cách đó vài bước, giáo sĩ hồi giáo Abdallah Redouane từ chối bình luận.
Buổi lễ diễn ra trong bối cảnh tế nhị, vì từ ngày 7 tháng 10, Vatican như bước đi trên sườn núi cheo leo. Kể từ khi Hamas tấn công khủng bố vào Israel, Vatican chưa bao giờ từ bỏ đường lối lịch sử của mình: ủng hộ sự cùng tồn tại của hai quốc gia Palestine và Israel, cũng như đặt thành phố Giêrusalem theo quy chế quốc tế.
Sự khó chịu của Israel
Nhưng trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Vatican và Israel thường xuyên bị căng thẳng. Vài ngày sau vụ tấn công khủng bố của Hamas, Tòa Thánh thông báo với chính phủ Israel, Vatican không chấp nhận việc “đáp trả khủng bố bằng khủng bố”.
Sau đó, hồng y Pietro Parolin đã nhiều lần lên tiếng về phản ứng “không cân xứng” của quân đội Israel. Về phần giáo hoàng, ngài tiếp tục kêu gọi thả các con tin Israel ngày 7 tháng 10, nhưng ngài luôn bị Tel Aviv nghi ngờ là nghiêng về phía người Palestine.
Họ đặc biệt chỉ trích Đức Phanxicô vì ngài luôn gọi cho giáo xứ công giáo ở Gaza. Phía Israel nói: “Ngài không làm bất cứ điều gì như vậy cho phía bên kia”. Nhưng ở Rôma, hai quốc gia ít nhất có một điểm chung: lời mời chung của tổng giám mục ngoại giao Paul Gallagher. Tổng giám mục có thể can thiệp sau mùa hè.
Một ngày trước buổi lễ ở Vatican, trong một buổi tiếp tân nhân lễ Quốc khánh Israel, tổng giám mục Gallagher nhấn mạnh: “Những xung đột rất nguy hiểm trên quy mô khu vực, nhưng Vatican không đóng cửa với bất cứ ai”. Một cách để biện minh cho việc đối thoại với tất cả các bên. Ngài cầu xin: “Có thể đối thoại và hiểu biết. Có một nhu cầu rất lớn cho hòa bình. Hòa bình, hòa bình và hòa bình.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch