Đức Phanxicô: “Mỗi lần tôi đi thăm nhà tù, tôi đều tự nhủ “vì sao là họ mà không là tôi?”

49

Đức Phanxicô: “Mỗi lần tôi đi thăm nhà tù, tôi đều tự nhủ “vì sao là họ mà không là tôi?”

Ngày chúa nhật 28 tháng 4, từ nhà tù nữ Giudecca ở Venise, nơi tổ chức gian hàng chính thức của Tòa thánh ở sự kiện Venise Biennale, Đức Phanxicô kêu gọi giáo dân sống tình huynh đệ, chống lại bất kỳ sự từ chối nào với những người nghèo nhất.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, đặc phái viên tại Venise, 2024-04-28

Đức Phanxicô ở sân trong của nhà tù nữ Venise trên đảo Giudecca ngày 28 tháng 4 năm 2024. HANDOUT / AFP

Chiếc trực thăng màu trắng hạ cánh xuống nhà tù. Trên bức tường rách nát của sân chính treo những dòng chữ lớn màu xanh lam: Chúng tôi ở với bạn trong đêm tối (“Siamo con voi nella notte”). Đó là lời của nghệ sĩ Pháp Claire Fontaine, bà chào đón Đức Phanxicô ngày chúa nhật 28 tháng 4.

Dưới bầu trời u ám, Đức Phanxicô đến thăm nhà tù dành cho phụ nữ của thành phố. Tòa Thánh đã chọn nơi này để dựng gian hàng chính thức cho Art Biennale nổi tiếng, cách xa lựa chọn của các Quốc gia khác, họ cạnh tranh nhau trong sự xa hoa và sang trọng.

Chuyến đi thăm nhà tù lần thứ mười bốn của Đức Phanxicô

Cuộc gặp này là cuộc gặp Đức Phanxicô hằng thích. Nhà tù nằm trên đảo Giudecca, phía nam thành phố, cũng là nhà tù thứ mười bốn ngài đi thăm kể từ đầu triều của ngài. Ngài nói với họ: “Tôi muốn gặp chị em khi bắt đầu chuyến đi Venise để nói với các bạn, các bạn có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi.”

Đứng trước một thực tế khắc nghiệt là thế giới nhà tù, dưới cái nhìn của những người lính canh trong bộ đồng phục màu xanh đứng chắp tay sau lưng, Đức Phanxicô nói với các tù nhân: “Nhà tù cũng là nơi tái xây dựng.” Ngài xin ban giám đốc tạo điều kiện để họ được tái hòa nhập, xin đừng đặt phẩm giá sang một bên nhưng xin đưa ra những khả năng mới.

Đằng sau những bức tường gạch đỏ cao, ngài tiếp tục: “Chúng ta đừng quên, tất cả chúng ta đều có những lỗi lầm cần được tha thứ và những vết thương cần được chữa lành.” Những tổn thương do vì những con đường đau đớn, những sai lầm. Ai cũng có vết sẹo của mình.

“Một địa ngục đội lốt công lý”

Ngồi ở cuối chiếc ghế sắt màu xanh lá cây trong sân nhà tù Giudecca, Giulia lắng nghe. Cô là một trong 80 tù nhân ở nơi mà cùng với những người khác, cô gọi là “ngôi nhà”. Trước khi phát biểu, Đức Phanxicô chào cô và chào tất cả các người khác trên chiếc xe lăn ngài đi gặp các tù nhân, không bỏ sót một ai.

Người phụ nữ trẻ, chưa đầy 30 tuổi, là một trong những người hướng dẫn du khách vào xem các tác phẩm của các nghệ sĩ của gian hàng Vatican.

Cô viết trong một bài thơ: “Ở nơi mà tình bạn và tình yêu không tồn tại. Không có riêng tư trong địa ngục được đội lốt công lý này. Và ở đây, nếu bạn chết đuối, họ sẽ đặt tay lên vai bạn, không phải để giúp mà để nhận chìm bạn sâu hơn. Dù có phạm pháp, chúng tôi cũng không vô cảm.”

Với Giulia và những người khác, Đức Phanxicô nói: “Các bạn thân mến, hôm nay chúng ta cùng nhau làm mới lại  niềm tin vào tương lai. Xin các bạn đừng đóng cửa lại. Luôn có một cánh cửa mở ra cho tương lai.” Khi nói điều này, ngài biết thông điệp của ngài không rõ ràng. Nhưng dường như ngài muốn cầu xin điều không thể tưởng tượng ở đây. Ngài nói với một nhà báo khi rời nhà tù: “Mỗi lần tôi vào thăm nhà tù, tôi tự nhủ: vì sao là họ mà không là tôi?”

“Thế giới cần nghệ sĩ”

Chính từ nhà nguyện trong nhà tù, ngài gởi thông điệp đến các nghệ sĩ: “Thế giới cần nghệ sĩ. Điều quan trọng là các hoạt động nghệ thuật khác nhau có thể tự thiết lập ở khắp mọi nơi như mạng lưới của các thành phố ẩn náu. Loại ra khỏi thế giới những hiện tượng vô nghĩa như “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại, bất bình đẳng, mất cân bằng sinh thái và chứng sợ người nghèo, nỗi ám ảnh người nghèo. Từ đó là từ chối người khác”.

Ngài nói thêm: “Nghệ thuật giáo dục chúng ta cách nhìn: không sở hữu, không khách quan, cũng không thờ ơ hay hời hợt. Nghệ thuật dạy chúng ta có một cái nhìn chiêm niệm. Các nghệ sĩ đang ở trong thế giới, nhưng họ được mời gọi vượt ra ngoài thế giới.”

Venise là thành phố bị đe dọa biến mất do mực nước dâng cao, Đức Phanxicô cảnh báo về nhiều vấn đề đang đe dọa thành phố. Trích dẫn “biến đổi khí hậu, có tác động đến vùng nước của đầm phá và lãnh thổ cũng như sự mong manh của các tòa nhà và di sản văn hóa”, ngài đặc biệt muốn nhấn mạnh đến các mối đe dọa đè nặng lên “con người”.

Lời kêu gọi bảo tồn “di sản nhân loại”

Đức Phanxicô đến Quảng trường Thánh Máccô bằng thuyền, chung quanh là các thuyền gondola. Ngài quan tâm đến những khó khăn trong việc quản lý kỹ nghệ du lịch, đến những thực tế có nguy cơ làm sụp đổ xã hội, đến chủ nghĩa cá nhân và sự cô độc. Ngài đến thăm thành phố Venise hôm nay cũng là để bày tỏ mối quan tâm của ngài về việc bảo tồn “di sản nhân loại”. Trước hàng chục ngàn giáo dân ở Quảng Trường Thánh Máccô, ngài lên tiếng: “Chúng ta cần các cộng đồng kitô giáo, các khu vực lân cận, các thành phố thành những nơi hiếu khách, thân thiện và hòa nhập.” Ngài mong muốn Venise trở thành thành phố của tình huynh đệ.

Sau thánh lễ, Đức Phanxicô trở lại nhà tù Giudecca để lên trực thăng về Rôma. Ngài nói trước khi từ giã: “Xin đừng bỏ cuộc. Xin cám ơn nhiều. Tôi sẽ còn nhớ mãi!” Cô Giulia nói với các khách đi ngang qua: “Cuộc hành trình thực sự không phải là cuộc hành trình đi ra ngoài, nhưng là cuộc hành trình trở lại.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Phanxicô ở Venise: một ngôi sao nổi bật