Thượng Hội đồng: khóa cập nhật dành cho các linh mục

42

Thượng Hội đồng: khóa cập nhật dành cho các linh mục

Các linh mục giáo xứ từ khắp nơi trên thế giới được mời về Rôma để cùng nhau suy ngẫm về “một Giáo hội địa phương có tính đồng nghị đang truyền giáo”. Đây là điều cần thiết, đặc biệt vì các linh mục chưa đầu tư đầy đủ vào cách tiếp cận với tính đồng nghị. Vì sợ hãi hoặc thiếu động lực.

lavie.fr, Cécile Mérieux và Marie-Lucile Kubacki, 2024-04-25

Với Rôma, các linh mục, những người ở cấp độ đầu tiên của phẩm trật giáo hội là những mắt xích thiết yếu trong tiến trình đồng nghị. Cuộc gặp đồng nghị ở Fraterna Domus de Sacrofano  

Một linh mục Paris muốn giấu tên than thở: “Các linh mục là những người vắng mặt trong chính Thượng hội đồng này, và tôi rất thất vọng về chuyện này. Cuộc tham vấn diễn ra giữa các giám mục và giáo dân làm cho các linh mục phải đặt câu hỏi về vị trí của họ trong hệ thống. Các đồng hữu của tôi vẫn còn cảm giác bị gạt sang một bên.” Theo linh mục, cách nhìn linh mục theo hướng này là dấu hiệu cho thấy vị trí của linh mục trong Giáo hội.

Sự tham gia của các linh mục trong lần tham vấn đầu tiên của Thượng hội đồng là không đồng đều, đặc biệt ở Pháp. Một số nhà quan sát nhận thấy, có một số linh mục tham gia vào quá trình này nhưng một số đáng kể giữ khoảng cách với thượng hội đồng. Tuy nhiên, cũng như giáo dân, họ được mời để cho ý kiến. Linh mục Gilles Routhier, giáo sư thần học tại Đại học Laval, tỉnh bang Québec, Canada đồng hành với 300 linh mục từ khắp nơi trên thế giới về Rôma chuẩn bị cho cuộc họp thượng hội đồng tháng 10 sắp tới, ngài cho biết: “Họ phản kháng, sợ hãi, thiếu hứng thú hoặc thiếu thời gian, cảm giác bị chỉ trích, thêm nữa họ có một lịch làm việc tràn ngập các hoạt động…”.

Giám mục Jean-Marc Eychenne, giám mục giáo phận Grenoble-Vienne đã tham dự vào công việc thượng hội đồng ở giáo phận cho biết: “Trong một số tình huống nào đó, các linh mục có cảm giác cách tiếp cận đồng nghị được áp dụng để chống lại họ, chống lại những thái quá về quyền lực hoặc chủ nghĩa độc tài”. Theo ngài, việc thượng hội đồng bắt đầu cùng lúc với cuộc khủng hoảng lạm dụng có thể tạo những bế tắc. Thật vậy, một vài tháng trước khi công bố Thượng hội đồng, tháng 8 năm 2018 Đức Phanxicô đã công bố Thư gởi Dân Chúa, trong đó ngài xác định chủ nghĩa giáo sĩ trị và quan niệm xấu về quyền lực là một trong những nguyên nhân của lạm dụng. Sự trùng hợp về thời gian đã làm cho một số linh mục cảm thấy tiến trình đồng nghị chống lại họ.

Sự kháng cự của một số linh mục

Đặc biệt là vì, trong số những phản hồi nhận được từ cuộc tham vấn đầu tiên, thực sự có những cáo buộc mạnh mẽ hoặc khó nghe với các linh mục. Ở vị trí đầu tiên của hệ thống giáo hội, các linh mục đã nghe giáo dân chỉ trích, họ là những người ít nhiều dấn thân trong đời sống Giáo hội. Những lo ngại về việc tạo thêm vấn đề cho giáo xứ đôi khi khó thống nhất đã có thể làm cho các linh mục nản lòng trong việc đề xuất tranh luận về những vấn đề đáng lo ngại. Linh mục Gilles Routhier nhấn mạnh: “Tất nhiên có nguy cơ nhận những chỉ trích trực tiếp, nhưng nếu linh mục và giáo dân không có cơ hội bày tỏ những bất đồng quan điểm, những dè dặt và những sắc thái của họ với nhau, thì những lời chỉ trích sẽ không biến mất mà trở thành bí mật”. Một số linh mục rụt rè cho biết, họ không cảm thấy thoải mái lắm với quá trình tham vấn tập thể này. Giáo dân ngạc nhiên vì Thượng hội đồng không phát triển rộng rãi trong cộng đồng nên đã phải dùng phương pháp trực tuyến.

Giám mục Jean-Marc Eychenne cho biết thêm: “Một số linh mục có thể đã cảm thấy bị tấn công bởi các mạng lưới kitô hữu có cái nhìn ý thức hệ hiếu chiến. Áp lực này có thể phản tác dụng, làm cho họ phát triển phản xạ phòng thủ và không tạo điều kiện để bắt đầu dễ dàng hơn.” Trở về sau chuyến hành hương đến Assisi với 60 linh mục giáo phận, giám mục đã dành thì giờ để thảo luận về kinh nghiệm đồng nghị trong giáo xứ. Trọng tâm của các cuộc thảo luận, thực tế là tính đồng nghị không nhằm mục đích đặt câu hỏi về thẩm quyền, cũng không làm giảm căn tính của họ với tư cách là linh mục, nhưng giải thích rõ các thừa tác vụ trong Giáo hội để mọi người có thể khẳng định đặc sủng của mình thông qua việc đồng trách nhiệm.

Thần học gia Isabelle de la Garanderie, nữ tu thánh hiến lấy làm tiếc: “Cuộc tranh cãi nổ ra ngược dòng vì những người bảo vệ hay những người chống đều muốn bảo vệ thượng hội đồng ‘của mình’, khi thấy có phân cực, các linh mục sợ tranh luận. Các giáo xứ không quen tranh luận, một số linh mục không muốn tham gia vào Thượng hội đồng và đổ thêm dầu vào lửa. Trong khi Thượng hội đồng cho rằng, mọi người đều có vị trí và tiếng nói của mình trong Giáo hội, đây không phải là cuộc tranh giành quyền lực trong Giáo hội. Linh mục đóng vai trò người bảo vệ hiệp nhất. Nhưng chúng tôi bắt đầu với ý tưởng về cuộc đấu tranh để có thể làm được như vậy ngay từ đầu, nhưng chúng tôi đã lỡ mất cơ hội.”

Khó khăn trong việc giới thiệu tính đồng nghị

Linh mục Paris của chúng tôi kết luận: “Tôi đã có rất nhiều hy vọng khi bắt đầu Thượng hội đồng về tính đồng nghị với việc cải cách quản lý Giáo hội, cuối cùng tôi có cảm tưởng, tất cả chủ đề đều được đề cập ngoại trừ chủ đề này. Hầu hết các đồng hữu của tôi không cảm thấy xúc động trước thực tế của thượng hội đồng.”

Bà Béatrix Bréauté, giám đốc viện Talenthéo nhận định: “Phần lớn các linh mục đã bị thách thức vô cùng với các khủng hoảng Giáo hội đang trải qua và công việc mục vụ hàng ngày đã rất nặng nề. Hơn nữa, sự thay đổi trong văn hóa giáo hội hướng tới tiến trình đồng nghị không xảy ra chỉ sau một ngày. Đó là một trải nghiệm học tập thực sự, chuyển từ một văn hóa nơi chúng ta có tư duy phân cấp sang tư duy bình đẳng và cá nhân hơn.” Linh mục Gilles Routhier giải thích: “Sống trong giáo hội đồng nghị là một hoán cải. Đối diện với bất kỳ thay đổi nào cũng có thể có phản kháng, vì nhiều người sợ bị mất vai trò của mình.” Ý kiến được thần học gia Arnaud Join-Lambert chia sẻ: “Định nghĩa kinh điển về linh mục không phù hợp lắm với một Giáo hội hoàn toàn có tính đồng nghị, và đó là lý do vì sao Đức Phanxicô nói về sự hoán cải có tính đồng nghị của Giáo hội, ngài kêu gọi để có một phát triển sâu sắc hơn, và đó không bao giờ là dễ dàng vì điều này ảnh hưởng đến con người, cách hỗ trợ cũng như đào tạo. Chúng ta có thể hiểu có những lo ngại cho những thay đổi này. Vấn đề thiếu công nhận là khó khăn với một số linh mục, kể cả các linh mục đến từ các nơi khác, và số lượng các linh mục này ngày càng tăng. Nhưng chúng ta nên hiểu, một giáo xứ, một nhóm, một phong trào phát triển theo hướng thực hành đồng nghị trong việc lắng nghe nhau, với các đặc sủng và ân sủng rửa tội cho chúng ta trải nghiệm được sự nhìn nhận này và trở thành linh mục trọn vẹn. Thêm nữa, một số linh mục được giao những sứ mệnh bất khả thi, có nghĩa là họ không thể triển khai những gì họ cảm thấy được kêu gọi, thì đây chính là lúc tính đồng nghị là cơ hội thực sự cho Giáo hội ngày nay, vì đây là việc cùng nhau gánh một gánh nặng, chứ không phải đặt gánh nặng này trên các cá nhân. Đó là những gì Vatican II đã nói một cách rộng rãi và đa dạng.” Dù sao với cuộc gặp quốc tế này, Rôma gởi một thông điệp: mong muốn được suy ngẫm với các linh mục và chứng tỏ họ là mắt xích quan trọng trong cách tiếp cận đồng nghị.

Một cuộc họp quốc tế

Các linh mục giáo xứ cho Thượng hội đồng” quy tụ gần 300 linh mục giáo xứ từ khắp nơi trên thế giới về Rôma từ chúa nhật 28 tháng 4 đến thứ năm 2 tháng 5 – 2024. Sự kiện này được Tổng thư ký Thượng hội đồng, bộ Giáo sĩ, bộ Truyền giáo và các Giáo hội Đông phương tổ chức. Mục tiêu là lắng nghe và thúc đẩy kinh nghiệm đồng nghị của các linh mục sống trong các giáo xứ và giáo phận của họ. Trong cuộc gặp này, các linh mục giáo xứ được chọn theo kinh nghiệm và bối cảnh mục vụ đa dạng của họ, họ sẽ trải nghiệm phương pháp đồng nghị – đối thoại trong tinh thần, làm việc trong các nhóm nhỏ và chuẩn bị phiên họp toàn thể – trước khi gặp Đức Phanxicô.

Nhà Fraterna Domus de Sacrofano  

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Các cha xứ là những người vô hình của Thượng Hội đồng”

Trách nhiệm của 300 linh mục giáo xứ