Ukraine, Đất Thánh, Haiti… Những lần Đức Phanxicô bị đóng đinh

71

Ukraine, Đất Thánh, Haiti… Những lần Đức Phanxicô bị đóng đinh

Đức Phanxicô trong buổi nghi thức phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh 29 tháng 3-2024 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh thế giới thứ ba “từng mảnh”, Đức Phanxicô nhân lên các lời kêu gọi hòa bình. nhưng không phải lúc nào ngài cũng được hiểu.

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, Rôma, 2024-03-29

Khi đề nghị Ukraine “giương cờ trắng” với Nga, Đức Phanxicô đã gây xáo trộn. Một sai lầm ngoại giao? Công thức thật không may. Ngay lập tức những người chung quanh ngài làm dịu lời nói. Trong một phỏng vấn với Vatican News, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin lên tiếng: “Chúng ta không được quên bối cảnh và, trong trường hợp này, câu hỏi đã được đặt ra trước cho ngài, ngài đã nói về thương thuyết và đặc biệt là sự can đảm của thương thuyết, vốn không bao giờ là đầu hàng.”

Đức Phanxicô kêu gọi “thương thuyết” để “chấm dứt chiến tranh”

Tòa Thánh tiếp tục con đường này và tiếp tục kêu gọi “ngưng bắn”, chính những kẻ xâm lược phải ngừng bắn trước tiên. Khi báo Le Point đặt câu hỏi, hồng y Michael Czerny nhấn mạnh: “Câu này được nói trong bối cảnh của một cuộc phỏng vấn, và để trả lời câu hỏi của một nhà báo về màu trắng. Câu trả lời kém và tôi tiếc cho việc khai thác nó về sau. Nếu chúng ta bỏ qua biểu tượng của hình ảnh này, là điều không phải giáo hoàng muốn nói, chúng ta có thể hiểu, trước hết với ngài, chúng ta phải có can đảm thương thuyết  để giải quyết nỗi đau khủng khiếp của tất cả những ai ở trong cuộc xung đột này. Có can đảm, thông minh, khôn ngoan để thương thuyết. Tôi nghĩ tất cả những ai có thiện chí sẽ đồng ý một giải pháp thương lượng sẽ tốt hơn gấp ngàn lần so với việc đánh nhau bất tận hoặc tệ hơn là đánh nhau cho đến cùng, khi các quốc gia cùng nhau tự sát. Như Đức Phanxicô đã nói với tôi nhiều lần, không bao giờ có người chiến thắng trong bạo lực. Muốn thắng thì phải thương lượng.”

Lập trường này tiếp nối đường lối ngoại giao lâu dài của Vatican là trung lập trong các cuộc xung đột – kể từ khi Đức Bênêđíctô XV đối diện với Thế chiến thứ nhất – ngài xem “chiến tranh là một “thảm sát vô ích”, nhà sử học Andrea Riccardi nhắc lại, ông là người sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio, một tổ chức phi chính phủ công giáo làm trung gian cho hầu hết các cuộc xung đột và rất thân thiết với Đức Phanxicô. Ông nhấn mạnh: “Như Đức Gioan XXIII đã nói, Giáo hội giống như các bà mẹ, các người bạn đời, các cô gái, khi họ đối diện với những kẻ giết nhau, họ bảo vệ những mạng sống đã mất, đó không phải là Tòa án công lý quốc tế. Quan niệm này luôn làm cho những người tham chiến và dư luận thất vọng. Nhưng Đức Phanxicô, theo cách riêng của ngài, với những lời nói mang nhiều tính tiên tri, thiếu ngôn ngữ ngoại giao, xem chiến tranh là một sự dữ và muốn thúc đẩy để hòa bình nhanh chóng được thực hiện.” 

Tiểu sử của Đức Phanxicô: “Tôi sẽ không bao giờ được gọi là giáo hoàng danh dự” 

Ngoại giao nhân đạo

Theo bà Florence Mangin, đại sứ Pháp tại Tòa thánh, quan điểm của Đức Phanxicô ngày nay không có gì mơ hồ. Nhà ngoại giao lưu ý: “Ngài đã mất một thời gian dài để công khai thừa nhận, rằng có một kẻ xâm lược và một kẻ bị tấn công. Chúng tôi đã chờ đợi trong nhiều tháng. Nhưng ngài đã làm rõ quan điểm của ngài vào tháng 11 năm 2022, và kể từ đó ngài chưa bao giờ trệch. Ngài luôn nói ‘Ukraine tử đạo’, câu này rất mạnh. Quan điểm của ngài  rất rõ ràng và giống phương Tây. Không mơ hồ.”

Về Ukraine, bà đại sứ nhận xét, giáo hoàng tập trung vào “ngoại giao nhân đạo”, ngài ủy nhiệm cho hồng y Matteo Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, thân cận với cộng đồng Sant’Egidio để giải thoát các trẻ em Ukraine bị người Nga bắt cóc – cho đến nay là hoài công. Vì thế hồng y đã đi thăm Nga, Ukraine, Washington và Bắc Kinh. Một số người giải thích lập trường của Vatican với những động cơ thầm kín về mặt ngoại giao-thiêng liêng để bảo đảm cho Nga và Trung Quốc. Một tầm nhìn mà bà Florence Mangin không chia sẻ. Nhà ngoại giao nhấn mạnh: “Tôi không tin việc xích lại gần nhau của Nga và Trung Quốc sẽ có tác dụng. Về những vấn đề này, chúng tôi ghi nhận sự nhất quán trong lời nói, trong truyền thống ngoại giao của Vatican: Tòa Thánh không đứng về phía nào, và nhắc nhở còn có những cuộc chiến tranh khác, ở Nam Sudan, ở Congo, ở Haiti, ở Yemen, ở Syria.”

Hồng y Pietro Parolin: chiến tranh, giải pháp ngoại giao luôn có thể thực hiện được

Tạo ra tiếng nói hòa bình trong một thế giới khi ngọn lửa chiến tranh đang gia tăng gấp bội, vào thời điểm mà cán cân quyền lực đang căng thẳng không phải là một việc dễ dàng. Đối với Đức Phanxicô, Tuần Thánh đẫm máu này trên khắp thế giới, những cuộc chiến tranh ngày càng gia tăng này chắc chắn tượng trưng cho rất nhiều vụ đóng đinh.

Thật ra Đức Phanxicô luôn muốn ôm lấy hành tinh mà ngài mô tả đang ở trong tình trạng chiến tranh thế giới thứ ba “từng mảnh”. Đó cũng là điều thúc đẩy lập trường của ngài về tình hình ở Đất Thánh, ngài luôn cập nhật thông tin qua điện thoại liên lạc thường xuyên với các linh mục, các cộng đồng tôn giáo ở Gaza, có nhiều cộng đồng được thành lập ở đây từ lâu. Theo bà Florence Mangin, một khía cạnh khác không nên bỏ qua trong sự dấn thân quốc tế của ngài: “Kể từ năm 2013, với ngài, vấn đề ngoại giao về lợi ích chung là rất quan trọng. Về vấn đề y tế, ngài là người đầu tiên ủng hộ vắc xin. Về sinh thái học, ngài là người tiên phong, với hai tông huấn về khí hậu, tông huấn thứ hai rất có tính ứng dụng, ngài đã viết trước cuộc họp COP28 ở Dubai. Và chúng ta đừng quên ngài luôn đấu tranh cho người di cư và bình đẳng giới.” Thế giới theo Đức Phanxicô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Phục sinh 2024: lời kêu gọi hòa bình đầy đau đớn của Đức Phanxicô cho Gaza, Ukraine, Haiti