Những người công giáo hoài nghi và những thù nghịch với giáo hoàng Phanxicô

106

Những người công giáo hoài nghi và những thù nghịch với giáo hoàng Phanxicô

international.la-croix.com, Massimo Faggioli, 2024-02-15

Trong 11 năm qua kể từ khi Đức Phanxicô được bầu làm Giám mục Rôma, việc làm hàng ngày của một nhà sử học và thần học chuyên nghiệp là phải chứng minh cho một số người công giáo và những người khác rằng, giáo hoàng này thực sự là người công giáo. Có điều gì đó khá khó tin khi chúng ta nghĩ về chuyện này.

Đức Phanxicô đã không biến người tín hữu công giáo thành người theo chủ nghĩa cực đoan ultramontanists “không có hy vọng nếu không có giáo hoàng” của thế kỷ 19. Người công giáo biết, không phải mọi điều giáo hoàng nói và làm đều không thể sai lầm. Và việc chỉ trích giáo hoàng còn được cho là hợp pháp, miễn là việc đó được thực hiện một cách tôn trọng. Nhưng ngài là giáo hoàng, và không nên nói, đặc biệt là ở nơi công cộng, như chúng ta nói với đồng nghiệp; hoặc tệ hơn như chúng ta chê bai một chính trị gia hoặc một người nổi tiếng mà chúng ta không thích.

Trong những năm này, chúng tôi đã chứng kiến thái độ tiêu cực đối với ngài, mà dường như chưa từng có trong triều giáo hoàng đương đại. Và đó không chỉ do phong cách không ổn định của ngài. Sự chống đối ngài triệt để là từ những người công giáo “luật pháp và thứ trật”, của những kẻ phản động chống Vatican II. Nhưng nó không chỉ là về hệ tư tưởng tôn giáo. Đó là sự nổi lên của một loại vỡ mộng nào đó, một thái độ hoài nghi đội lốt đạo công giáo “biết hết”.

Những người công giáo hoài nghi và tính ưu việt về nhận thức

Một bài báo thú vị, được một đồng nghiệp chuyển cho tôi, đã làm sáng tỏ những gì đã xảy ra trong thập kỷ qua vì nó giúp vạch trần “huyền thoại về thiên tài hoài nghi”, tin rằng những kẻ hoài nghi và sự tiêu cực của họ (thậm chí cả chủ nghĩa hư vô) đại diện cho năng lực và nhận thức, ưu thế hơn những người tin và ít hoài nghi hơn. Nghiên cứu học thuật này được Tiến sĩ Olga Stavrova và Tiến sĩ Daniel Ehlebracht thuộc Viện Xã hội học và Tâm lý xã hội tại Đại học Cologne, Đức thực hiện. Tài liệu được xuất bản năm 2018 với tựa đề “Ảo tưởng về thiên tài hoài nghi: Khám phá và vạch trần niềm tin của người dân về tính hoài nghi và kỹ năng” (The Cynical Genius Illusion: Exploring and Debunking Lay Beliefs About Cynicism and Competence”.).

Bà Stavrova và ông Ehlebracht bắt đầu từ giả định được chia sẻ rộng rãi rằng “hoài nghi có thể được xem là một dấu hiệu của kỹ năng. Kết hợp lại với nhau, những lập luận này cho thấy, trong niềm tin của những người bình thường, sự hoài nghi có thể liên quan tích cực đến kỹ năng”. Bài báo của họ (được xuất bản sau các nghiên cứu khác mà họ là tác giả về tinh thần đoàn kết, phi xã hội và hành vi hoài nghi hay ủng hộ xã hội) xây dựng dữ liệu từ các nghiên cứu khác, một nghiên cứu dựa trên dữ liệu của khoảng 200.000 cá nhân từ 30 quốc gia. Bà Stavrova và ông Ehlebracht thách thức ý tưởng, xuất phát từ quan điểm tiến hóa, theo đó “sự nghi ngờ, lý luận phòng ngừa và sự tán thành của phương pháp suy nghiệm ‘thà an toàn còn hơn xin lỗi’, vốn là thuốc tính cố hữu của chủ nghĩa hoài nghi là dấu hiệu của một người ra quyết định có kỹ năng. Với lượng dữ liệu dồi dào, họ cho rằng điều ngược lại mới đúng.

Họ kết luận: “Ý tưởng cho rằng những cá nhân hoài nghi có kỹ năng, thông minh và kinh nghiệm hơn những người ít hoài nghi dường như khá chung chung và phổ biến, tuy nhiên, như ước tính của chúng tôi về mối liên hệ thực nghiệm thực sự giữa tính hoài nghi và kỹ năng đã chứng minh, chúng phần lớn vẫn mang tính minh họa.” Họ nói: “Như diễn viên hài, nhà văn và người dẫn chương trình truyền hình người Mỹ Stephan Colbert đã nói, ‘sự hoài nghi giả dạng là khôn ngoan, nhưng đó là điều xa vời nhất’, diễn giải của một trong những người nổi tiếng người Mỹ cảm thấy thoải mái và đáng tin cậy nhất khi nói chuyện công khai về đức tin công giáo của mình.”

Lo lắng về sự thay đổi trong Giáo hội

Cuộc thảo luận mang tính học thuật này ủng hộ hành vi chống hoài nghi và chống lại mối tương quan giữa tính hoài nghi và kỹ năng áp dụng cho những gì đã xảy ra trong Giáo hội công giáo, đặc biệt là trong thập kỷ qua. Chúng ta đã chứng kiến những người phản đối Đức Phanxicô phô trương tính tiêu cực và “quan điểm của người trong cuộc” trái ngược của họ như một huy hiệu danh dự, nhưng họ thực sự đang che giấu lo lắng của mình về sự thay đổi trong Giáo hội. Chúng ta không chỉ thấy giáo dân công giáo bình thường dần dần trở nên hoài nghi về giáo hoàng hiện tại và triều của ngài. Chúng ta thực sự đã thấy thái độ hoài nghi này ở một số nhân vật công giáo hàng đầu ngay từ đầu năm 2013. Thậm chí có những giám mục không cho Đức Phanxicô hưởng giả định vô tội, người mà họ phải hiệp thông để vẫn là thành viên hợp pháp của Giáo hội, trong Giám mục đoàn.

Sự phát triển của chủ nghĩa hoài nghi phải được đặt trong bối cảnh xã hội và văn hóa của chúng ta: hơn hai thập kỷ xảy ra cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục toàn cầu của Giáo hội công giáo; sự sụp đổ của các câu chuyện thể chế từng được kiểm soát bởi các phương tiện truyền thông quần chúng và Giáo hội; kỳ vọng gần như toàn trị về sự minh bạch hoàn toàn; sự trỗi dậy của bản sắc cá nhân và nhóm như dấu hiệu của tính xác thực và sự thật; ám ảnh phàm tục hóa và giải trí; ranh giới mong manh giữa nghi ngờ và cả tin.

Chủ nghĩa hoài nghi là một vấn đề xã hội và chính trị, một “ảnh hưởng của chủ nghĩa tân tự do (…) cảm giác sống trong những điều kiện cơ cấu hạn chế các loại chủ quan tự quyết, vốn được cho là đương nhiên như một đặc điểm của nền dân chủ tự do phương Tây” và vẫn là nền tảng để hình dung cho các mô hình bất đồng chính kiến.

“Điều quan trọng là phải biết cách dành tình yêu cho Giáo hội”

Nhưng hoài nghi cũng là một vấn đề tâm linh. Đó là hậu quả của việc thừa nhận sâu xa rằng mình đã biết rồi, không có gì để học hỏi từ Giáo hội, nghĩa là từ các anh chị em trong đức tin, và thậm chí không phải từ giáo hoàng. Hoặc còn tệ hơn, xuất phát từ giả định hư vô rằng không thể biết được sự thật hoặc không quan trọng. Cuộc khủng hoảng đa dạng của Giáo hội (lạm dụng, phân biệt chủng tộc, giới tính) là một thử thách, nhưng cũng là dịp để đưa ra một bài học về lòng trung thành và cam kết có thể vượt qua sự phản bội và vỡ mộng.

Từ tháng 3 năm 2013 đến nay, chúng ta đã chứng kiến một cuộc tranh luận công khai chưa từng có về triều Đức Phanxicô. Nó được thiết kế riêng cho các blog và phương tiện truyền thông xã hội, cho các phương tiện truyền thông cổ động cho một “công giáo của riêng tôi”, nơi mà ai cũng thấy mình được phép buộc tội người khác là dị giáo như một điều đương nhiên. Đã từng có một phong cách bảo vệ một hình thức công giáo nào đó, nhưng dường như nó đã bị mất trong vài năm qua – ngay cả với một số nhà lãnh đạo Giáo hội, cả giáo sĩ lẫn giáo dân.

Điều này đặc biệt áp dụng cho những người chống Đức Phanxicô, nhưng không chỉ có họ. Điều quan trọng là phải nỗ lực cải cách Giáo hội, chống tham nhũng và chủ nghĩa giáo sĩ trị: điều này đòi hỏi sự sáng suốt, tầm nhìn xa và khả năng phân biệt tiên tri thật với tiên tri giả. Nhưng như nhà thần học và nhà âm nhạc học người Ý Pierangelo Sequeri đã nói, điều quan trọng là phải biết cách dành cho Giáo hội một chút tình yêu.

Quả thực có huyền thoại về người công giáo hoài nghi. Nhưng nó hoàn toàn trái ngược với sự khôn ngoan cần có để yêu mến Giáo hội như hiện nay, không phải là điều chúng ta hy vọng một ngày nào đó sẽ đến hoặc điều chưa bao giờ thực sự tồn tại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch