Âm mưu ở Vatican: một tài liệu nặc danh liệt kê các “khuyết điểm” của giáo hoàng và nêu lên việc kế vị ngài
Tập sách nhỏ xác định bảy ưu tiên cho mật nghị tiếp theo, được một phương tiện truyền thông công giáo cực kỳ bảo thủ thù nghịch với giáo hoàng xuất bản trong nhiều ngôn ngữ.
lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, 2024-02-29
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến hàng tuần tại Hội trường Phaolô VI ngày 28 tháng 2 năm 2024. Andrew Medichini – AP
Rôma.- Kền kền luôn bay lượn trên Vatican, đặc biệt khi có tin tức về một giáo hoàng không được khỏe, khi ngài bị bệnh. Dù Đức Phanxicô tiếp tục tiếp kiến ngày thứ năm tuần này, sau khi bị cảm nhẹ ngày thứ tư 28 tháng 2 phải vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe và ngài ra về trong ngày, sau đó ngài đã không tiếp kiến vào các ngày thứ bảy và thứ hai vừa qua, kền kền lại tiếp tục bay. Có nghĩa là phe đối lập cực kỳ bảo thủ đã luôn – kể từ đầu triều của ngài gần 11 năm trước – thù nghịch với giáo hoàng cải cách, có cái nhìn cởi mở với tất cả mọi người, tinh thần của một bệnh viện dã chiến điều trị cho tất cả những người bị thương.
Và thế là trang web La bàn hàng ngày (La bussola quotidiana) nổi tiếng với những tấn công vào Jorge Bergoglio, đã xuất bản độc quyền trong sáu thứ tiếng, một tài liệu ẩn danh “nhằm lưu hành giữa các hồng y để định hướng cho mật nghị tiếp theo,” trong đó họ mô tả “các đặc tính cần có của giáo hoàng tiếp theo”. Tập sách nhỏ này ký tên “Demos II” và xuất bản chỉ hai năm sau khi một tập sách nhỏ tương tự khác ký tên “Demos”, một bút danh tương ứng với không ai khác là hồng y người Úc George Pell, người dẫn đầu phe đối lập bảo thủ chống Đức Phanxicô, người sau khi ngài qua đời tháng 1 năm 2023, phe đối lập thành mồ côi và mất phương hướng.
La bàn hàng ngày cảnh báo: “Tác giả chính là một hồng y đã thu thập những gợi ý từ các hồng y và giám mục khác muốn giấu tên”.
Tập sách nhỏ xác định bảy ưu tiên cho mật nghị tiếp theo, công nhận “Điểm mạng của triều Đức Phanxicô là lòng trắc ẩn với những người yếu thế, đến gần với người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội, quan tâm đến phẩm giá của công trình sáng tạo và các vấn đề môi trường phát sinh từ đó, cũng như nỗ lực để đồng hành với những người đau khổ và bị xa lánh trong gánh nặng của họ.”
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày 28 tháng 2-2024 tại Hội trường Phaolô VI. Andrew Medichini
Tuy nhiên, qua bảy điểm chuyên đề, họ nhấn mạnh đến “những khuyết điểm của ngài: cách quản trị chuyên quyền, đôi khi tỏ ra thù hận; bất cẩn trong các vấn đề pháp luật; không khoan dung đối với những bất đồng thậm chí mang tính tôn trọng; và – nghiêm trọng nhất – một khuôn mẫu mơ hồ trong các vấn đề đức tin và luân lý làm giáo dân hoang mang”. Họ cảnh báo: “Sự hoang mang tạo chia rẽ và xung đột. Nó làm suy yếu niềm tin vào Lời Chúa, vào chứng tá Tin Mừng. Kết quả là một Giáo hội bị rạn nứt hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử gần đây.”
Họ cho rằng: “Vì thế nhiệm vụ của triều tiếp theo là khôi phục và tái lập những sự thật đã bị che khuất hoặc bị đánh mất nơi nhiều giáo dân. Những điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở các khía cạnh cơ bản như Thiên Chúa nhân hậu nhưng cũng công bằng, quan tâm sâu sắc đến mạng sống của mỗi con người, Ngài tha thứ nhưng cũng bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm, Ngài vừa là Đấng Cứu Độ vừa là Quan tòa.”
Kể từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô thường lặp lại, tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, Thiên Chúa là tình yêu và luôn tha thứ cho mọi người.
Các tác giả của lời phỉ báng, những người có tầm nhìn trắng đen về thực tế cho rằng, dù giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, người bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo hội, nhưng ngài không phải là người chuyên quyền và ngài không thể thay đổi giáo lý của Giáo hội.
Những tấn công
Trong những tháng gần đây, những người gièm pha ngài tấn công tài liệu Fiducia supplicans – chúc phúc cho những cặp bất hợp pháp (ly dị và tái hôn) hoặc những người đồng tính, nhưng đây không phải là một nghi thức tương tự như một hôn nhân. Những người phản đối tố ngài thay đổi giáo lý, dù tài liệu này không cho thấy có một thay đổi nào về giáo lý truyền thống và giáo lý về hôn nhân vẫn còn hiệu lực.
Một cô dâu tựa đầu vào vai Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 28 tháng 2 năm 2024. TIZIANA FABI – AFP
Sau đó, văn bản tấn công sự mơ hồ của ngài, đã không mang tính phúc âm hay chào đón, nhưng lại tạo ra những nghi ngờ và nuôi dưỡng những xung lực ly giáo. Ngay từ đầu, triều giáo hoàng hiện tại đã chống lại sức mạnh Tin Mừng và sự sáng suốt về mặt trí tuệ của những người tiền nhiệm trực tiếp của ngài. Việc dỡ bỏ và tái sử dụng Viện Gioan Phaolô II ở Rôma và việc loại bỏ các văn bản như Thông điệp Ánh rạng ngời Chân lý, Veritatis Splendor cho thấy sự đề cao ‘lòng trắc ẩn’ và cảm xúc bất chấp lý trí, công lý và sự thật. Với cộng đồng đức tin, điều này không lành mạnh và vô cùng nguy hiểm.
Họ cũng chỉ trích ngài “quá tin tưởng vào tự sắc, xem đây là công cụ của chính phủ và sự thiếu quan tâm cũng như ác cảm nói chung với giáo lý kinh điển. Thêm nữa, có sự mơ hồ của học thuyết, coi thường giáo luật và tiến trình giáo luật làm suy yếu niềm tin vào sự trong sạch của sứ mệnh Giáo hội”.
Hơn nữa, sau khi nhắc lại Giáo hội là “mẹ và thầy” của nhân loại, như Đức Gioan XXIII đã mô tả, họ tố cáo Đức Phanxicô về sự cởi mở của ngài với người đồng tính và các nhóm LGBT. Giáo hội “không bao giờ có thể bị thu gọn thành một hệ thống đạo đức linh hoạt hoặc một phân tích và tái cấu trúc xã hội học để thích ứng với các bản năng và ham muốn (và những nhầm lẫn về tình dục) của một thời đại. Một trong những khiếm khuyết chính của triều hiện tại là xa rời “thần học về thân xác” đầy thuyết phục và thiếu một nền nhân học kitô giáo lôi cuốn… chính vào thời điểm mà các cuộc tấn công vào bản chất và bản sắc con người, của chủ nghĩa chuyển giới gia tăng, chạm đến bản chất và bản sắc con người, từ chủ nghĩa chuyển giới sang chủ nghĩa xuyên nhân loại.
Tập sách nhỏ cũng chỉ trích giáo hoàng đã đi vòng quanh thế giới quá nhiều, một điều rất hữu ích vào thời Đức Gioan Phaolô II, nhưng – theo tài liệu ẩn danh – thì không phải bây giờ. “Thời thế và hoàn cảnh đã thay đổi. Giáo hội ở Ý và khắp châu Âu – ngôi nhà lịch sử của đức tin – đang gặp khủng hoảng. Bản thân Vatican rất cần một cuộc đổi mới tinh thần, làm trong sạch các thể chế, thủ tục và nhân sự, cũng như một cuộc cải cách sâu sắc về tài chính để chuẩn bị cho một tương lai khó khăn hơn. Đó không phải là những điều nhỏ nhặt. Họ yêu cầu sự hiện diện, sự quan tâm trực tiếp và cam kết cá nhân của bất kỳ giáo hoàng tương lai nào.”
Đây là đoạn văn quá kỳ lạ vì ngay từ đầu triều của ngài, Đức Phanxicô đã phát động một cuộc cải cách giáo triều, mục đích chính xác là làm trong sạch hệ thống tài chính của Vatican và chấm dứt chế độ chuyên chế và tham nhũng vốn đã ẩn sâu trong đó.
Ở điểm thứ bảy và là điểm cuối cùng, sự chỉ trích liên quan đến Hồng y đoàn hiện nay, mang tính quốc tế nhiều hơn so với các triều khác, đại đa số hồng y cử tri dưới 80 tuổi (73%) được Đức Phanxicô bổ nhiệm: “Nhiều hồng y cử tri trong mật nghị tiếp theo không biết nhau, vì thế có thể dễ bị thao túng hơn. Các hồng y nên chủ động hiểu nhau hơn và hiểu tầm nhìn khác nhau của mỗi người về Giáo hội, hoàn cảnh của các Giáo hội địa phương và tính cách của mỗi vị hồng y – tất cả những yếu tố quan trọng cần suy nghĩ về giáo hoàng tương lai.”
Cuối tập sách, họ giải thích phải ẩn danh vì sợ bị trả thù. Họ tố cáo một bầu khí khủng bố ở Vatican, trong đó “sự chân thành không được hoan nghênh và hậu quả có thể gây khó chịu”. Họ kết thúc và cho biết còn nhiều điều nữa để suy ngẫm và phê bình, đặc biệt triều giáo hoàng này phụ thuộc nhiều vào Dòng Tên; những hành động có vấn đề gần đây của hồng y Víctor Manuel Fernández, bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin và sự nổi lên của một nhóm gồm những người thân tín có ảnh hưởng quá mức ở Vatican – tất cả đều bất chấp những tuyên bố phi tập trung hóa về tính đồng nghị, cùng những chuyện khác.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch