Buổi tiếp kiến riêng của tôi với Đức Phanxicô

76

Buổi tiếp kiến riêng của tôi với Đức Phanxicô

ncregister.com, Ines Murzaku, 2023-07-26

Tôi rời buổi tiếp kiến riêng với Đức Phanxicô lòng tràn đầy năng lượng hơn bao giờ hết để tiếp tục ơn gọi học thuật của tôi.

Đức Phanxicô tiếp bà Ines Murzaku ngày 10 tháng 7 tại Nhà Thánh Marta

Với tôi, ngày 10 tháng 7, khi tôi được Đức Phanxicô tiếp kiến riêng sẽ không bao giờ là một ngày như mọi ngày. Đây là ngày tôi sẽ nhớ và kỷ niệm mỗi năm.

Chúng tôi gặp ngài ở thư viện riêng của giáo hoàng ở Dinh tông tòa, nơi làm việc chính thức của giáo hoàng ở Vatican. Khung cảnh và bàn làm việc của ngài rất quen thuộc – đây là nơi ngài làm công việc hàng ngày và tiếp các hồng y, quốc vương, tổng thống, đại sứ và những người đứng đầu các bộ của Vatican.

Các căn hộ của giáo hoàng cũng ở trong dinh tông tòa nhưng Đức Phanxicô không sống ở đây. Ngài sống ở Nhà Thánh Marta như ngài đã giải thích trong buổi tiếp kiến Năm Thánh Lòng Thương Xót ngày 30 tháng 1 năm 2016:

Tôi sống ở Nhà Thánh Marta, đó là ngôi nhà lớn, nơi có khoảng 40 linh mục và một vài giám mục – những người làm việc với tôi trong Giáo triều – sinh sống, và cũng có một số khách đến thăm: các hồng y, giám mục, giáo dân đến Rôma để họp trong các bộ…

Bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên và cựu sinh viên đã hỏi tôi: Làm thế nào để có thể được giáo hoàng tiếp kiến riêng? Một người bạn là linh mục và là nhà truyền giáo ở Nairobi, Kenya viết: “Xin chúc mừng bà. Được gặp giáo hoàng là một ơn của Chúa.”

Đúng vậy, tôi cảm thấy còn hơn cả được chúc lành. Làm công việc giáo hoàng có lẽ là một trong những công việc căng thẳng nhất trong số các nhà lãnh đạo thế giới. Thông lệ các cuộc tiếp kiến riêng hoặc các cuộc gặp mặt trực tiếp với giáo hoàng chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo chính phủ, các tân đại sứ của Vatican tại Tòa thánh, các nhóm giám mục trong chuyến thăm ad limina – một chuyến thăm bắt buộc đối với tất cả các giám mục để kính viếng các ngôi mộ của Thánh Phêrô Phaolô và để gặp Người kế vị Thánh Phêrô, giám mục giáo phận Rôma – nói chung là tiếp giới ưu tú thế giới.

Nhóm chúng tôi không thuộc nhóm nào trong những nhóm trên, và chúng tôi không phù hợp với bất kỳ tiêu chuẩn nào dành cho các buổi tiếp kiến riêng của giáo hoàng. Chúng tôi đến từ vùng ngoại vi (Albania) để gặp giáo hoàng của vùng ngoại vi. “Hãy ra ngoài, hãy đi đến các vùng ngoại vi” – đó là chủ đề chính của triều giáo hoàng của ngài.

Linh mục Dòng Tên Zef Bisha, bề trên Dòng Tên ở Albania hướng dẫn nhóm chúng tôi, linh mục tặng Đức Phanxicô quyển sách nói về Lịch sử Dòng Tên ở Albania (1841-1946). Quyển sách này tôi viết và được nhà xuất bản Dòng Tên ở Albania phát hành. Quyển sách là công trình nghiên cứu học thuật về lịch sử Dòng Tên ở Albania, quốc gia có đa số người dân là người hồi giáo và một phần là kitô giáo.

Quyển sách dựa trên các nguồn chính chưa được khám phá cho đến nay, trong tài liệu lưu trữ của Vatican, chính phủ Ý và Albania. Quyển sách tiếng Albania đã được giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô đã viết trong lời nói đầu quyển sách: “Tôi vui mừng vì quyển sách Lịch sử Dòng Tên ở Albania được xuất bản.”

Đó là sự thật: Những cử chỉ nhỏ nhất và bất ngờ nhất có tác động lớn nhất. Trước đó vào tháng 6, Đức Phanxicô phải mổ ruột kết, từ đó ngài đi đứng bị hạn chế. Tôi ngạc nhiên khi thấy ngài đứng, bắt tay và mỉm cười với từng người trong nhóm chúng tôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi là cái bắt tay đầy ý nghĩa của ngài. Tôi cảm thấy mình được nhận cảm hứng và hình thành một mối quan hệ tin cậy ngay lập tức. Tôi sẵn sàng bắt đầu cuộc trò chuyện.

Món quà của Đức Phanxicô là nụ cười của ngài, đôi khi chúng ta quên trao món quà này, nhưng lại mong nhận. Ngài là hiện thân cho sự tốt lành của Thiên Chúa qua nụ cười, như ngài đã nói về người tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan-Phaolô I: “Thật đẹp biết bao khi Giáo hội có khuôn mặt hạnh phúc, thanh thản và tươi cười”.

Khi ngồi vào bàn làm việc, ngài chú ý đến chúng tôi và những gì chúng tôi sẽ trình bày cho ngài. Sau khi bắt tay và để nhóm chúng tôi ngồi quanh bàn làm việc của ngài, Đức Phanxicô bắt đầu trò chuyện, ngài hỏi chúng tôi dạo này thế nào, và nói Albania là quốc gia đầu tiên ở Âu châu ngài đến thăm khi là giáo hoàng. Giáo hoàng với cái nhìn đặc biệt về các vùng ngoại vi, đã không thể chọn một quốc gia tốt hơn là một phần của châu Âu, nhưng không phải là một phần của Liên minh châu Âu.

Ngài nói: “Tôi đi đến những vùng ngoại vi. Tôi đến thành phố Marseille, không phải đến Pháp.” Theo tạp chí Smithsonian , điều này rất có ý nghĩa, vì nó thể hiện sự quan tâm vừa cá nhân, vừa ngoại vi với văn hóa và con người -, Marseille có lẽ là thành phố đa dạng nhất của châu Âu, còn được gọi là món súp châu Âu – gồm người hồi giáo, chính thống giáo Armenia, do thái giáo, phật giáo, nơi người dân và các văn hóa khác nhau đã cùng tồn tại từ lâu.

Sự quan tâm của ngài đến giá trị của những người nhập cư, người tị nạn và phụ nữ, tất cả đều là người dân ở vùng ngoại vi và dễ bị tổn thương trong xã hội hiện đại, đã được nhiều người biết đến. Trong cuộc trò chuyện, ngài cho chúng tôi biết, một nữ bác sĩ phẫu thuật người Albania tài năng đã theo dõi ngài khi ngài nằm viện, ngài nói: “Người Albania đang làm những điều tốt lành trên thế giới.” Trả lời câu hỏi “Có điều gì tốt lành có thể đến từ Nazareth không?” Ngài mạnh mẽ trả lời “có”, có người nhập cư và người tị nạn là những người anh em, họ có nhiều tài năng để đóng góp cho xã hội. Họ là “những người bạn đồng hành đặc biệt trên con đường của chúng ta, được yêu thương và chăm sóc như anh chị em. Chỉ bằng cách đi cùng nhau, chúng ta mới có thể tiến xa và đạt được mục tiêu chung trong hành trình của mình.”

Xuất thân từ một gia đình di dân, trực tiếp biết những khó khăn của người di dân, giải thích cho sự gần gũi mật thiết của Đức Phanxicô với hoàn cảnh khó khăn của người di dân và tị nạn sống ở các vùng ngoại vi kinh tế xã hội – cuộc đấu tranh của họ để tìm việc làm, để có đời sống ổn định và để được chấp nhận ở nước sở tại.

Linh mục Bisha tặng ngài quyển sách được bọc trong tấm vải sọc đỏ trắng truyền thống được dùng ở vùng công giáo Zadrima ở tây bắc Albania được gọi là ‘mesalle‘ trong tiếng Albania. Tấm vải này được các phụ nữ Albania dệt trên khung cửi truyền thống. Tấm vải nhỏ được dùng như khăn lót cá nhân khi ăn; tấm vải lớn hơn được dùng để gói thức ăn được làm phép trong lễ Phục sinh. Nhiều tấm vải mesalle kết lại với nhau được dùng làm khăn trải bàn.

Linh mục Bisha giải thích ý nghĩa của những mesalle này trong thời đàn áp áp khắc nghiệt nhất của cộng sản ở Albania Đông Âu: “Các linh mục dùng các tấm khăn để che bàn thờ của họ trong tù khi họ cử hành thánh lễ bí mật, vì cộng sản canh phòng nghiêm ngặt các nhà tù.”

Tấm vải mesalle bọc quyển sách tặng Đức Phanxicô được làm sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, được dệt cùng một khung cửi truyền thống, tượng trưng cho tử đạo – của linh mục Dòng Tên người Albania, Daniel Dajani, Zadrima – khu vực nổi tiếng với mesalle dệt thủ công. Các vị tử đạo là trọng tâm chính trong chuyến tông du Albania ngày 21 tháng 9 năm 2014 của Đức Phanxicô. Hai năm sau, tháng 4 năm 2016, Đức Phanxicô đã phong chân phước cho 38 vị thánh tử vì đạo trong các nhà tù cộng sản từ năm 1945 đến năm 1974. Ngài công nhận những hy sinh của Albania và cuộc đàn áp khắc nghiệt mà cả quốc gia này phải gánh chịu. Ngài cũng nhắc đến tấm gương của Albania trong việc cứu người Do Thái. Trong Thế chiến II, khi Albania bị Đức chiếm đóng, quốc gia nhỏ bé này trở thành nơi ẩn náu của người Do Thái chạy trốn khỏi châu Âu. Người Albania – hồi giáo, chính thống giáo Đông phương và công giáo – từ chối chống lại các gia đình do thái mà họ giấu bí mật trong nhà của họ.

Buổi tiếp kiến riêng với Đức Phanxicô tập trung vào giá trị của các vùng ngoại vi, tình trạng nhập cư và tử đạo – các chủ đề thiết thân định hình triều giáo hoàng của ngài theo nhiều cách khác nhau.

Tôi rời buổi tiếp kiến riêng với Đức Phanxicô lòng tràn đầy năng lượng hơn bao giờ hết để tiếp tục ơn gọi học thuật của tôi, chia sẻ với các sinh viên của tôi các vấn đề về trí tuệ và tinh thần đã được phản ánh trong buổi nói chuyện của chúng tôi với giáo hoàng. Tôi tin chắc cuộc họp kéo dài 40 phút này sẽ thay đổi cuộc đời học sinh của tôi cũng như của tôi. Xin cám ơn Đức Phanxicô.

Tiến sĩ Ines Murzaku, giáo sư Lịch sử Giáo hội, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Công giáo, và là chủ tịch Sáng lập Khoa Nghiên cứu Công giáo tại Đại học Seton Hall ở New Jersey. Bà có bằng tiến sĩ nghiên cứu tại Học viện Giáo hoàng Phương Đông ở Rôma, giáo sư tại Đại học Bologna và Calabria ở Ý, Đại học Münster ở Đức. Bà là cộng tác viên thường xuyên về các vấn đề tôn giáo cho các phương tiện truyền thông  Associated Press, CNN, Catholic World Report, Voice of America, Relevant Radio, The Catholic Thing, Crux, The Record, The Stream, Vatican Radio và EWTN.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch