Đức Phanxicô và nước Pháp: Thực sự ngài nghĩ gì
Trên Facebook của nhà báo Patrice de Plunkett, 2023-09-23
Đức Phanxicô và Tổng thống Phanxicô Emmanuel Macron trong cuộc gặp ở Dinh Pharo ngày thứ bảy 23-9-2023
Nếu muốn nói với giáo hoàng, bạn phải nói với sự hiểu biết đầy đủ về các việc.
Nếu muốn nói về “lập trường” của ngài, bạn phải tìm hiểu kỹ trước.
Có nghĩa là phải lắng nghe những gì ngài nói.
Đây là phần cuối bài giảng của ngài tại sân vận động Vélodrome.
Phần cuối bài giảng
Thiên Chúa là mối quan hệ và Ngài thường đến thăm chúng ta qua những cuộc gặp giữa con người với nhau, khi chúng ta biết cách cởi mở với người khác, khi có sự rung động với cuộc sống của những người chúng ta gặp mỗi ngày và khi trái tim chúng ta không còn dửng dưng vô cảm trước những tổn thương của những người yếu đuối nhất. Các thành phố đô thị của chúng ta, và rất nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, nơi các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau cùng tồn tại, theo nghĩa này là một thách thức lớn chống lại sự kịch phát của chủ nghĩa cá nhân, chống lại ích kỷ và khép kín, những chuyện tạo ra cô độc và đau khổ. Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu để cảm thấy run rẩy trước những người sống bên cạnh chúng ta, chúng ta học nơi Ngài là Đấng, trước đám đông mệt mỏi và kiệt sức, đã động lòng thương (x. Mc 6:34), rung động vì thương xót trước thân xác bị tổn thương của những Ngài gặp. Như Thánh Vinh Sơn Phaolô vĩ đại của anh chị em đã nói, “chúng ta phải cố gắng làm mềm lòng mình và làm cho tâm hồn dễ rung cảm với những đau khổ và khốn khổ của người anh em, và xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần thương xót thực sự, đó là tinh thần của chính Thiên Chúa”, đến mức chúng ta có thể nhận ra người nghèo là “chúa tể và là thầy của chúng ta.” (Thư từ, phỏng vấn, tài liệu, Paris 1920-25, trang 341; trang 392-393).
Anh chị em thân mến, tôi nghĩ rất nhiều đến những “rung chuyển” mà Giáo hội Pháp đã trải qua, đến lịch sử giàu có về sự thánh thiện, văn hóa, nghệ sĩ, các nhà tư tưởng đã làm say mê biết bao thế hệ. Ngay cả ngày nay, cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của Giáo hội, của nước Pháp, của châu Âu cũng cần điều này: ân sủng của sự rung chuyển, một rung chuyển mới của đức tin, đức ái, đức cậy. Chúng ta cần khám phá lại niềm đam mê và lòng nhiệt thành, khám phá lại sở thích dấn thân cho tình huynh đệ, dám mạo hiểm tình yêu trong gia đình, với những người yếu đuối nhất, và khám phá lại trong Tin Mừng một ân sủng biến đổi và làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp. (…)
Anh chị em thân mến, cùng với anh chị em, tôi xin Đức Trinh Nữ, Đức Mẹ Bảo vệ, gìn giữ cuộc sống anh chị em, bảo vệ nước Pháp, bảo vệ toàn thể châu Âu, và làm cho chúng ta rung chuyển với Chúa Thánh Thần. Và tôi muốn làm điều đó với lời nói của thi sĩ Paul Claudel:
“Con thấy nhà thờ mở cửa. (…)
Con không có gì để dâng và cũng không có gì để xin.
Mẹ, con chỉ đến nhìn Mẹ.
Nhìn Mẹ, con khóc vì hạnh phúc, con biết điều này:
Rằng con là con của Mẹ, và Mẹ ở đó. (…)
Để được ở bên Mẹ, Mẹ Maria, ở nơi này, nơi Mẹ đang ở (…)
Vì Mẹ ở đây mãi mãi,
Đơn giản vì Mẹ là Mẹ Maria,
Đơn giản vì Mẹ tồn tại,
Mẹ Chúa Giêsu Kitô, con xin tạ ơn!”
(“Mẹ Maria vào buổi trưa”)
Lời chào của Đức Phanxicô với nước Pháp (cuối thánh lễ)
“Kết thúc chuyến đi này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn về sự đón tiếp nồng nhiệt anh chị em đã dành cho tôi, cũng như về tất cả công việc và chuẩn bị đã được thực hiện. Tôi xin cám ơn Tổng thống nước Cộng hòa và qua ông, tôi xin gởi lời chào thân ái đến tất cả người dân Pháp. (…) Và tôi xin ôm toàn thể Giáo hội Marseille, với các cộng đồng giáo xứ và tôn giáo, với rất nhiều cơ sở giáo dục và các công việc từ thiện của thành phố. Tổng giáo phận này là tổng giáo phận đầu tiên trên thế giới được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu năm 1720, trong một trận dịch hạch; như thế anh chị em cũng là dấu chỉ của sự dịu dàng của Thiên Chúa trong “đại dịch thờ ơ” hiện nay. Tôi xin cám ơn anh chị em vì sự phục vụ dịu dàng và quyết tâm của anh chị em, điều này anh chị em làm chứng cho sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Chúa!
Một số anh chị em đến từ nhiều vùng khác nhau của nước Pháp: tôi xin cám ơn! Tôi muốn chào các anh chị em đến từ Nice, cùng với giám mục và thị trưởng, và những người sống sót sau cuộc tấn công khủng khiếp ngày 14 tháng 7 năm 2016. Chúng ta cùng cầu nguyện để tưởng nhớ tất cả những người đã thiệt mạng trong thảm kịch này và trong tất cả các hành động khủng bố ở Pháp và ở mọi nơi trên thế giới. Khủng bố là hèn nhát. Chúng ta đừng mệt mỏi cầu nguyện cho hòa bình ở những vùng bị chiến tranh tàn phá, đặc biệt là cho người dân Ukraine đang bị thiệt hại nặng nề.
Tôi xin gởi lời chào thương yêu đến những người bệnh, trẻ em và người già, họ là người giữ ký ức của một nền văn minh; và một suy nghĩ đặc biệt dành cho những người gặp khó khăn và cho tất cả công nhân của thành phố; linh mục Jacques Loew là linh mục công nhân đầu tiên của Pháp làm việc ở cảng Marseille. Cầu mong phẩm giá của người lao động được tôn trọng, thăng tiến và bảo vệ!
Anh chị em thân mến, tôi sẽ mang trong tâm hồn tôi những cuộc gặp của những ngày này. Xin Đức Mẹ Gìn giữ chăm sóc thành phố này, thành phố đầy hy vọng, xin cho tất cả các gia đình và mỗi người trong anh chị em. Tôi chúc lành cho anh chị em. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Công việc này không dễ dàng chút nào! Tôi xin cám ơn.
Marta An Nguyễn dịch
Đức Phanxicô thắp lên ngọn lửa thiêng liêng tại sân vận động Vélodrome