Điều gì đã bùng nổ trong não khi chúng ta lên cơn giận?

96

Điều gì đã bùng nổ trong não khi chúng ta lên cơn giận?

Nổi giận, thấy hừng hực, phát hoảng: những hiện tượng vật lý mà tất cả chúng ta đều biết bắt nguồn từ não bộ. Đi sâu vào các mạch thần kinh rất bí ẩn này với nhà thần kinh học người Mỹ Douglas Fields.

lavie.fr, Anne Guion, 2023-05-26

Việc lái xe có thể làm chúng ta đối đầu với chín nguyên nhân gây ra bạo lực đã được khoa học xác định. Hình minh họa

Một ngày nọ, khi đang ở Barcelona, Tây Ban Nha, nhà thần kinh học Douglas Fields đã có kinh nghiệm một cơn giận bộc phát bùng nổ. Sáng hôm đó, ông cùng đi với cô con gái 17 tuổi, ông là nạn nhân của một vụ cướp giữa đường. Ông làm cho kẻ móc túi bất ngờ và giận dữ dí người này xuống đất, lấy lại chiếc ví của mình. Giống như một phản xạ tự động. Bạo lực bất ngờ này đến từ đâu? Để trả lời cho câu hỏi này, ông đã viết một quyển sách, Vì sao chúng ta bất thần giận (Why we snap), trong đó ông giải thích các cơ chế não bộ nào đã vô thức làm chúng ta nổi giận.

Xin ông mô tả những gì diễn ra trong não của một người đang bùng cơn giận dữ dội.

Douglas Fields. Đập vỡ chén bát trong lúc tức giận hoặc bẻ gãy gậy đánh gôn sau khi đánh trượt là những hành động bạo lực bốc đồng và bất ngờ ngoài tầm kiểm soát có ý thức của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có khả năng này, một khả năng đã được ghi vào bộ não chúng ta. Từ quan điểm sinh học, điều này là cần thiết cho sự sống còn của chúng ta.

Là một loài, chúng ta cần bảo vệ bản thân, gia đình và tài sản của mình khi chúng ta đấu tranh để sinh tồn trong tự nhiên, nơi bộ não con người phát triển. Các nghiên cứu gần đây đã xác định các mạch não cụ thể nào chịu trách nhiệm cho hành vi bạo lực.

Trung tâm của các mạch này được tìm thấy ở phần sâu nhất của bộ não chúng ta, ở vùng mà các hành vi tự động và thiết yếu của cuộc sống được kiểm soát, như ăn uống và tình dục. Phần não này (hypothalamus) thoát khỏi ý thức chúng ta, được tạo ra ở lớp ngoài của não, vỏ não.

Vấn đề: Bộ não có ý thức của chúng ta quá chậm để phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trước mối đe dọa bất ngờ. Vì vậy, chúng ta có cơ chế rất nhanh và vô thức này giúp chúng ta kích hoạt sự hung hăng để đáp lại mối đe dọa. Khi một người bất thình lình bị đe dọa dữ dội thì chính những mạch thần kinh được thiết kế cho mục đích phòng thủ này sẽ kích hoạt, nhưng thường là không thích ứng.

 Ông viết, khi lái xe là lúc đặc biệt nhạy cảm. Vì sao?

Chúng ta chỉ bối rối trong một số tình huống cụ thể liên quan đến sự sống còn. Tôi đã xác định được chín yếu tố kích hoạt hành vi bạo lực mà tôi đặt tên là “những kẻ chết sống” (lifemorts). L cho cuộc sống khi cuộc sống của chúng ta bị đe dọa; I là xúc phạm khi danh dự bị xúc phạm; F cho gia đình khi người thân của chúng ta gặp nguy hiểm; E vì môi trường, khi vùng đất của chúng ta bị xâm chiếm; M cho người phối ngẫu khi chúng ta có nguy cơ mất họ; O là tổ chức, khi trật tự xã hội bị đặt vấn đề; R là tài nguyên, khi nhu cầu cơ bản của chúng ta không còn được đáp ứng; T cho bộ lạc, khi mối đe dọa treo lơ lửng trên nhóm của chúng ta và S cho dừng lại, khi chúng ta cảm thấy bị mắc kẹt về thể chất.

Và lái xe có thể kích hoạt tất cả chín Lifemorts! Chẳng hạn khi chúng ta bất chợt thấy một chiếc xe cắt ngang và lấn đường (E). Hoặc khi người tài xế bên cạnh không tôn trọng luật đi đường của xã hội (O). Khi chúng ta bị kẹt xe hàng giờ đồng hồ (S)…

Chú ý, những mạch thần kinh này rất hữu ích cho chúng ta: chúng ta thực sự cần chúng. Đây cũng chính là những mạch chịu trách nhiệm cho chủ nghĩa anh hùng quên mình, như khi một người đến giúp một người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ thiệt mạng.

Vì thế, điều tương tự cũng có thể xảy ra trong não của một kẻ sát nhân hay của một anh hùng… Tại sao một số người có thể kiểm soát được bản thân trong khi một số khác lại bị sự hung hăng chiếm lấy họ?

Nó phụ thuộc trước hết vào bối cảnh và tình huống. Trong thời gian căng thẳng kinh niên, ngưỡng kích hoạt các tác nhân gây hấn giảm xuống. Và đó là logic! Khi đó, hệ thống phát hiện và phản hồi mối đe dọa của bộ não sẽ ở trạng thái báo động.

Do đó, căng thẳng kinh niên là yếu tố rủi ro chính dẫn đến bạo lực. Như thế chúng ta có thể cố gắng ngăn chặn những cơn giận bộc phát này. Nói với người đang rất căng thẳng hoặc đang nổi giận nên bình tĩnh lại hiếm khi có hiệu quả… Điều tốt nhất nên làm là phải nhận ra, chúng ta có nhiều khả năng bùng phát dữ dội hơn khi bị stress kinh niên.

Vì thế các biện pháp phòng ngừa bổ sung phải được thực hiện. Ví dụ, đi làm trễ sẽ tăng thêm stress và sẽ có khả năng nổi giận khi lái xe. Vậy chúng ta có thể tránh đi làm trễ bằng cách xem lại thì giờ cho đúng! Mặt khác, những căng thẳng khác nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta: khó khăn về tài chính, bệnh tật, các vấn đề trong mối quan hệ. Khi chúng ta bị căng thẳng quá mức, điều quan trọng là phải nhận thức được rằng chúng ta dễ mất kiểm soát hơn.

Ông nghĩ có một số người dễ bị bạo lực xâm chiếm hơn người khác không?

Đúng, nhất là nam giới: 95% tù nhân bạo lực là nam giới. Ở nhiều loài, con đực rất hung dữ. Điều này đúng với các động vật bộ khỉ và con người.

Thứ hai, một số người dễ bị bạo lực hơn những người khác. Vỏ não tiền trán (nằm phía sau trán) kiểm soát các mạch phát hiện mối đe dọa và gây hấn của não. Mạch này rất có thể bị thay đổi do chấn thương, bệnh tật, di truyền, các kinh nghiệm sống đầu đời và ma túy.

Hầu hết các tội phạm bạo lực liên quan đến nghiện ma túy. Hình ảnh chụp não cho thấy tỷ lệ bất thường ở những vùng não này ở các tù nhân bạo lực rất cao so với tù nhân bất bạo động hoặc so với công chúng nói chung. Cũng cần phải nhận ra rằng mạch kiểm soát sự bốc đồng và hung hăng này chưa phát triển đầy đủ ở tuổi thiếu niên.

Chức năng não này không thích nghi với xã hội hiện đại…

Chúng ta có cùng bộ não giống như 100.000 năm trước, nhưng chúng ta sống trong một môi trường hoàn toàn khác, nơi mà bộ não của chúng ta không được thiết kế để phù hợp! Cuộc sống hiện đại, với tốc độ cao của thông tin liên lạc, du lịch và sự gần gũi chung chạ làm tăng nguy cơ kích hoạt các mạch thần kinh bạo lực một cách vô trật tự.

Yếu tố kích họat T (bộ lạc, nhóm) của bạo lực là một ví dụ. Hàng ngàn năm trước, loài người có lẽ đã biết từng người trong nhóm của mình. Một cuộc chạm trán với nhóm bên ngoài là một mối đe dọa. Yếu tố T là gốc rễ của bạo lực băng đảng, bạo lực tôn giáo, bạo lực chủng tộc và khủng bố. Giao tiếp tức thời qua Internet và giao thông tốc độ cao làm tăng khả năng gặp gỡ giữa những người khác nhau và do đó làm tăng nguy cơ bạo lực.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bạo lực gia đình: Điều gì xảy ra trong đầu của những người đàn ông đánh vợ?