Sợ hãi như một ơn: quyển sách phỏng vấn mới của Đức Phanxicô
cath.ch, I.Media, 2023-01-24
Đức Phanxicô và nhà tâm lý học Salvo Noé trong buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô tháng 3 năm 2018
Đức Phanxicô thấy mối liên hệ giữa sự thánh thiện và khiếu hài hước. Ngài nói trong cuốn sách về chủ đề sợ hãi Sợ hãi như một ơn (La paura come dono, nxb. San Paolo) sẽ được phát hành ngày 25 tháng 1 năm 2023: “Chúng ta không được bán linh hồn mình trong siêu thị cuộc đời.”
Trao đổi với nhà trị liệu tâm lý người Ý Salvo Noè, ngài tâm sự mong muốn của ngài là các chủng sinh được các nhà tâm lý học theo dõi.
Với phong cách mục vụ, Đức Phanxicô nói các chủ đề quen thuộc của ngài – lòng thương xót, sự gần gũi, kết thúc cuộc đời – và ngài nhắc lại một vài giai thoại cá nhân ngắn. Trong cuộc phỏng vấn dài khoảng 40 trang lồng trong quyển sách 224 trang, ngài xin độc giả đừng “tìm an toàn nơi những điều đã qua”. Ngài gợi ý: “Chúng ta có thể quyết định cho hạnh phúc của mình, có một số người sợ hạnh phúc, vì niềm vui làm cho họ cảm thấy bất lực, họ sợ mọi thứ sẽ kết thúc. Nhưng nỗi buồn là thức ăn ngon nhất của ma quỷ”.
Không được tự mình biến mình thành nạn nhân, không tự thương hại”, năm 2017, ngài đã gắn trên cửa văn phòng của ngài tấm biển “Cấm phàn nàn” của ông Salvo Noé làm. Hai người đã gặp nhau trong một buổi tiếp kiến chung và Đức Phanxicô thường nhắc đến và ca ngợi công việc của nhà tâm lý học. Ngài xác định trong cuốn sách : “Sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta trau dồi óc hài hước, mang lại nụ cười và cam kết đi từ ‘nếu’ qua ‘vâng’.”
Theo Đức Phanxicô, sợ hãi có thể là bạn đồng hành của lẽ thường. Tuy nhiên, sợ hãi thái quá có thể thành “một trong những kẻ thù dữ nhất của đời sống kitô hữu chúng ta, dẫn đến thái độ tâm hồn bị giam cầm, không còn được tự do”. Để bớt sợ hãi, ngài khuyên chúng ta giữ hai điều đơn giản: khiêm tốn và cầu nguyện. Ngài hy vọng trong “những gì chúng ta gọi là thất sủng có ơn sủng”.
Chủng viện không phải là nơi ẩn náu
Nói về nạn lạm dụng tình dục của các giáo sĩ, Đức Phanxicô đề nghị nên có tâm lý gia để hướng dẫn tiến trình trưởng thành trong việc đào tạo các chủng sinh. Ngài nhấn mạnh: “Trước khi chịu chức, bạn phải nhận ra xem mình có khuynh hướng lạm dụng hay không. Chủng viện không phải là nơi trú ẩn cho những hạn chế hoặc khiếm khuyết tâm lý.”
Ngài cũng lên án “các linh mục muốn thăng quan tiến chức và thích thói thời thượng”, đó là sự đồi bại lớn nhất trong hàng ngũ Giáo hội. Ngài khuyên các linh mục nói với giáo dân với một trái tim rộng mở bởi vì “giáo dân cần thấy chúng ta cũng giống như họ, chúng ta có cùng nỗi sợ hãi và cùng một ước muốn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa”.
Ngừng phán xét lẫn nhau
“Nếu một người là người đồng tính, họ có thiện chí đi tìm Chúa thì tôi là ai mà đi phán xét họ?”, Đức Phanxicô đã nói câu trên trong cuộc họp báo tháng 7 năm 2013. Trong cuộc phỏng vấn, ngài nhắc lại lời này và lời này đã lan đi khắp thế giới: “Thiên Chúa là cha và không từ chối bất kỳ người con nào của mình. Phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, thương xót, dịu dàng. Chúa không phán xét và không gạt ai ra bên lề. Thiên Chúa mang tình yêu đến với từng người con của Ngài, từng người và tất cả mọi người. Trái tim của Ngài mở rộng với tất cả mọi người. (…) Tình yêu của Ngài không chia rẽ, nhưng hợp nhất”.
Đức Phanxicô kêu gọi mọi người ngừng phán xét lẫn nhau. “Người phán xét là người sai lầm, đơn giản vì họ chiếm chỗ không phải chỗ của họ”. Ngài nhìn thấy đằng sau phán xét là đạo đức giả, cũng là một loại sợ hãi sự thật. Ngài trích dẫn lời Thánh Augutinô: “Nếu bạn im lặng, bạn hãy im lặng vì tình yêu, nếu bạn nói, bạn hãy nói vì tình yêu.”
Từ Buenos Aires đến Nhà Thánh Marta
Sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô cảm thấy bình tâm và thanh thản. Ngài tâm sự: “Nếu có một điều mà hôm nay tôi nhớ rất nhiều, đó là tôi không thể ra đường như ngày xưa khi tôi còn ở Argentina. Họ sợ có gì xảy ra (…) và họ sợ đúng”, ngài đồng ý khi nói về việc bảo vệ an ninh. Ngài giải thích việc ngài quyết định sống ở Nhà Thánh Marta thay vì ở dinh tông tòa: “Ở đó tôi cảm thấy bị giam hãm và tôi sợ (…) Tôi muốn bỏ thói quen của một giáo hoàng bị cô lập.” Ngài thích trò chuyện với các cận vệ Thụy Sĩ, những người bảo vệ an ninh cho ngài. Ngài kể: “Có hôm tôi đưa bánh cho một anh cận vệ, anh không nhận, anh nói đó là lệnh của người chỉ huy. Tôi trả lời: ‘Người chỉ huy là tôi!’”.
Chuyến viếng thăm của một thiên thần
Ngài nói: “Ngay cả khi mọi thứ có vẻ ảm đạm (…), Chúa vẫn tiếp tục gởi thiên thần đến cho chúng ta”, ngài mong muốn người già, – đặc biệt những người cô đơn nhất – họ được thiên thần viếng thăm”. Ngài ca ngợi sự nâng đỡ của tình bạn, sự kỳ diệu của lòng biết ơn, sự xoa dịu của tha thứ.
Ngài cũng ngỏ lời với những người đang trải qua nỗi khổ cuối đời, trấn an rằng, cho dù họ không đi theo con đường đúng đắn, Chúa sẽ tha thứ cho họ, xóa bỏ tất cả. Ngài nói: “Chúa vĩ đại hơn nỗi sợ của chúng ta và ngài biết liệu tội lỗi của chúng ta có làm chúng ta sợ hãi hay không (…), liệu những lần chúng ta vấp ngã liên tục có làm chúng ta mất tinh thần hay không.”
Ngài mời gọi chúng ta suy nghĩ: “Cái chết buộc chúng ta phải suy nghĩ về những gì chúng ta để lại, về ‘dấu vết’ của sự tồn tại của chúng ta, về con đường của chúng ta đi trên trái đất. Ngày tôi đứng trước mặt Chúa Giêsu sẽ ra sao, nếu Ngài hỏi tôi đã làm gì với những tài năng Ngài đã cho tôi?”.
Theo Đức Phanxicô, “căn bệnh lớn nhất của đời người là thiếu tình yêu, đó là không thể yêu”. Tình yêu thì tự do, cụ thể, nó không nằm ở thành công và tiền bạc, cũng không ở trong công nghệ kỹ thuật số, cũng không ở nơi lớp trang điểm để che giấu “chúng ta là ai”, và cũng không nằm ở “những giải pháp của ảo thuật gia”.
Marta An Nguyễn dịch