Có 330.000 nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp
lavie.fr, Sophie Lebrun và Félicité de Maupeou, 2021-10-05
Ngày thứ ba 5 tháng 10, ông Jean-Marc Sauvé, chủ tịch Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase) trao bản báo cáo cho giám mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp. THOMAS COEX / POOL / AFP
Một “cơ chế im lặng” đã cho phép có được các vụ lạm dụng hàng loạt, cũng như công cụ hóa các giáo huấn công giáo: Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp do ông Jean-Marc Sauvé điều hành tiết lộ khía cạnh u tối của Giáo hội Pháp và cuối cùng trả lời cho các câu hỏi luôn ám ảnh tâm trí mọi người.
“Làm sáng tỏ” 70 năm lịch sử để “hiểu” cách Giáo hội xử lý các vụ lạm dụng trong thời kỳ này, đánh giá các biện pháp mà các giám mục đã thực hiện gần đây và đưa ra các đề xuất cải cách: sứ mệnh được các giám mục Pháp giao cho Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp do ông Jean-Marc Sauvé làm chủ tịch từ tháng 11 năm 2018 đến nay đã hoàn thành.
Ngày 5 tháng 10 năm 2021, Ủy ban công khai đệ trình bản báo cáo, trước sự hiện diện của những người giao trọng trách cho Ủy ban, giám mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ Pháp (CEF) và nữ tu Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng Nam nữ tu sĩ Pháp (Corref). Dựa trên nhiều trục phân tích (từ nghiên cứu nạn nhân đến điều tra lịch sử và xã hội học, thông qua việc thu thập lời khai và phỏng vấn các chuyên gia, các thủ phạm của các vụ tấn công), công việc của Ủy ban nêu bật tội ác đã phạm một cách có hệ thống.
Có bao nhiêu nạn nhân?
Những con số thật đáng sợ. Kể từ năm 1950 đến nay có 216.000 người đã bị các nam nữ tu sĩ Pháp tấn công tình dục trong tuổi vị thành niên của họ. Con số này sẽ là 330.000 nếu chúng ta cọng thêm các nạn nhân của các giáo dân (tình nguyện viên hoặc nhân viên) trong các cơ quan dạy học của Giáo hội hoặc trong các phong trào thanh niên khác. Những con số “chóng mặt” được ông Jean-Marc Sauvé đưa ra khi trình bày bản báo cáo của Ủy ban Ciase. Đó là bản điều tra của Viện Y tế và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia, Inserm, thực hiện với sự hỗ trợ của Ifop trên một mẫu gồm 28.000 người đại diện cho người dân Pháp, mà từ đó ước tính này đã được thiết lập.
Những con số này vượt quá số nạn nhân được xác định của Ủy ban Ciase, tức là 2.700 người, có nghĩa chỉ 1,25% trong số những người có liên quan. Ông Jean-Marc Sauvé cho biết các số liệu của Viện Inserm “vừa là chỉ số trừu tượng nhất… vừa đáng tin cậy nhất. Đối tượng này, những người mà chúng tôi không biết, là những người sẽ không làm tiến trình báo cho tòa án, cho giáo phận hay cho Ủy ban Ciase. Nhưng khi họ ở trong một mẫu, ẩn danh và được che giấu trong quần chúng, thì ở đây họ đồng ý lộ diện”. Theo ông “con số được xác định thông qua các tài liệu lưu trữ và các cuộc gọi lấy lời chứng là con số tối thiểu”; ước tính thống kê của Viện Inserm “đưa chúng ta đến gần sự thật hơn nhiều”, ông Sauvé giải thích khi trình bản báo cáo. Điều tra của Viện Inserm cũng giúp chúng ta so sánh thực tế bạo lực trong Giáo hội với các nơi khác: Giáo hội là nơi xảy ra bạo lực tình dục đầu tiên (sau môi trường gia đình và bạn bè), trước trường học, trại hè và các sinh hoạt thể thao, nếu chúng ta nhìn vào tỷ lệ phổ biến, nghĩa là tỷ lệ giữa số nạn nhân trong một môi trường nhất định và số người đã thường xuyên lui tới môi trường đó. Tổng cộng, 4% bạo lực tình dục ở Pháp do các tu sĩ, 6% nếu chúng ta thêm vào đây các giáo dân làm việc trong môi trường nhà thờ. Ông Jean-Marc Sauvé lưu ý: “Ở các cơ quan xã hội hóa khác, số nạn nhân luôn thấp hơn. Cuộc khảo sát rộng lớn của Viện Inserm cũng xác nhận mức độ bạo lực tình dục trên toàn xã hội, chủ yếu diễn ra trong các môi trường gia đình, trong vòng thân thiện vì có 5,5 triệu người liên hệ, tức là 10,7% tổng số người trưởng thành hiện nay.
Các nạn nhân này là ai?
Ủy ban đưa ra chân dung trong báo cáo này gồm cả đàn ông và phụ nữ. 30% nạn nhân tiếp xúc với Ciase trên 70 tuổi và 50% từ 50 đến 69 tuổi, trong khi 17% từ 30 đến 49 tuổi. 87% sự kiện được báo cáo cho Ủy ban Ciase liên quan đến trẻ vị thành niên, những sự kiện khác ảnh hưởng đến những người trưởng thành dễ bị tổn thương và trong trường hợp này, một phần ba là các nam nữ tu sĩ hoặc các chủng sinh.
Các nạn nhân, gần 80%, là nam giới: đây là một đặc điểm của các vụ lạm dụng trong môi trường giáo hội, báo cáo cho biết, trong môi trường gia đình, đối tượng chủ yếu là trẻ em gái, đối với trường học và thể thao, tỷ lệ này là 55 -60% trẻ em gái và 40-45% trẻ em trai.
Thủ phạm là ai?
Từ nhiều tháng nay, ông Sauvé đã cho biết, đưa ra con số của những kẻ lạm dụng tình dục trong môi trường giáo hội là một nhiệm vụ khó khăn của Ủy ban. Cuối cùng họ cũng đi đến một lượng định, có từ 2.900 đến 3.200 linh mục và thủ phạm tấn công tình dục trong Giáo hội Pháp. Để thiết lập con số này, Ủy ban đã dựa vào kho lưu trữ tài liệu. So với tổng số giáo sĩ từ năm 1950 đến năm 2020 (115.500), con số này dẫn đến tỷ lệ linh mục và tu sĩ ở Pháp khoảng 2,5%. 2/3 là linh mục triều.
Như thế Pháp ít bị tác động hơn các Giáo hội lân cận: ở Đức và Mỹ có tỷ lệ 4,4% và 4,8%, ở Úc và Ai-len từ 7 đến 7,5%. Làm thế nào để giải thích vì sao số nạn nhân lại cao hơn nhiều so với các quốc gia này? Trước hết vì có rất ít ủy ban ở nước ngoài tìm hiểu để biết “những nạn nhân không biết nói” qua cuộc điều tra thống kê quốc gia về dân số chung, sau đó vì chân dung các tu sĩ tấn công dường như làm nổi bật lên hai loại: những kẻ săn mồi vì xung năng, chắc chắn họ sẽ thực hiện trên 100 nạn nhân; những kẻ săn mồi “cơ hội” được Ủy ban công nhận, dù họ khai ít nạn nhân trong các vụ này, nhưng họ thường được thuyên chuyển…
Các chân dung này được thiết lập thông qua 11 cuộc phỏng vấn với các thủ phạm (mẫu lớn nhất từng thu được cho đến nay) và tham khảo ý kiến của gần 35 giám định tâm thần và điều tra nhân cách trong các hồ sơ tư pháp. Nếu các nhà nghiên cứu của Ủy ban Ciase không thể xác định được tỷ lệ giữa hai điều này, nhưng họ có thể xác định tỷ lệ của cả hai trường hợp, họ thấy ở đây các đặc điểm chung của mô hình “ấu dâm”: lôi cuốn đến với các bé trai trước tuổi dậy thì; tìm kiếm một môi trường nghề nghiệp có lợi để ở gần trẻ em.
Một thành viên của Ủy ban Ciase nhận xét hôm trước ngày đưa ra bản báo cáo: “Không có chuyện trường hợp cá biệt của một con chiên ghẻ.” Một thành viên khác nói với báo La Vie: “Chúng tôi không loại trừ người tái phạm có thể có nhiều hơn chúng tôi nghĩ, như trường hợp của linh mục Bernard Preynat”. Đối với mức độ bạo lực của các sự kiện, chúng cũng bạo lực như những người không phải giáo sĩ gây ra: gần như có rất nhiều vụ cưỡng hiếp được tính đến. Bản báo cáo không ngần ngại sử dụng các từ như: sờ mó, đụng vào, đút vào, tra tấn, cưỡng bức nô lệ…
Để hiểu “phương thức hoạt động” của thủ phạm các vụ tấn công, Ủy ban đã phát triển bảy “lôgic” trong đó có bốn lôgic chiếm ưu thế: 35% là “lạm dụng ở trường học”, có nghĩa là ở các trường công giáo với tỷ lệ cao cho đến năm 1970 và giảm mạnh cho đến ngày nay; một phần ba là “lạm dụng ở giáo xứ” cũng giảm nhiều trong các thập kỷ vừa qua nhưng ít mạnh hơn; 20% là những kẻ “lạm dụng bên ngoài bức tường”, thường xảy ra trong các phong trào giới trẻ, trại tuyên úy, tĩnh tâm hay hành hương… và có biểu hiện ngày càng tăng. Một loại lạm dụng thứ tư đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, “lạm dụng trong môi trường gia đình”: 15% các trường hợp, cũng đang gia tăng từ năm 1950 đến nay: đó là linh mục thành viên của gia đình, hoặc bà con, hoặc một cách tượng trưng.
Trong 22 trường hợp các sự kiện đã không còn thời hiệu; trong 40 hồ sơ, các cơ quan trách nhiệm của các thủ phạm vẫn còn sống đã được cảnh báo.
Các cuộc tấn công xảy ra khi nào?
Ba giai đoạn lịch sử xuất hiện từ cuộc khảo sát của Ủy ban Ciase: từ năm 1950 đến năm 1970, từ năm 1970 đến năm 1990, và từ năm 1990 đến năm 2020. 56% nạn nhân đã bị tấn công trong thời kỳ đầu tiên, gồm 121.000 người, từ năm 1970 đến năm 1990 là 48.000 người và từ năm 1990 đến nay là 47.500 người.
Trước năm 1970, đây là thời kỳ của các tiểu chủng viện, các cơ sở giáo dục công giáo với rất nhiều trường nội trú và các linh mục ở tại chỗ. Nếu vẫn còn một số bị lạm dụng nhưng việc đóng cửa các trường nội trú đã dẫn đến việc kết thúc nhiều nơi lạm dụng. Ông Jean-Marc Sauvé nói trong cuộc họp báo: “Có một sự sụt giảm trong các vụ lạm dụng từ năm 1970. Việc này phải được đặt trong mối liên hệ với việc giảm số lượng linh mục và tu sĩ, cũng như giảm các cơ sở của Giáo hội công giáo, nơi dấu ấn xã hội của họ đã thu hẹp trong nhiều thập kỷ. Nếu tính đến điểm này thì chúng ta thấy kể từ năm 1990, sự suy giảm vẫn chưa dừng lại… chúng ta đang ở trên một bình nguyên: chúng ta phải loại bỏ ý tưởng, bạo lực tình dục trong Giáo hội đã bị xóa bỏ và vấn đề này ở phía sau chúng ta. Nó vẫn còn.”
Ông thừa nhận, nhiều sự việc tập trung vào 30 năm qua trong thập kỷ 1990, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng không được quên “sự im lặng đau thương” và hành trình dài của nó có thể ảnh hưởng đến các số liệu của những giai đoạn gần đây.
Các giám mục có bao che các vụ lạm dụng?
Ủy ban cũng có nhiệm vụ đưa ra cái nhìn bên ngoài về phản ứng của thể chế đối với lạm dụng. Báo cáo cho biết: “Cho đến năm 1970, Giáo hội có hai mục tiêu:“ Đề phòng tai tiếng, khoanh tay trước lỗi chứ không quan tâm đến việc làm tổn thương đến trẻ em; và duy trì chức tư tế của kẻ phạm tội, cho họ thấy họ được hết sức quan tâm. Trong bối cảnh này, trẻ em không được nói. Khi trẻ em nói, đó là tùy vào cha mẹ các em. Những người này im lặng, đôi khi họ chia sẻ với các bạn thân. Rất hiếm khi họ báo cáo cho Giáo hội, bản báo cáo cho biết: Giáo hội chỉ biết 4% nạn nhân. Sự sụp đổ của các chủng viện, ngừng thâu dụng, giảm đào tạo, sự ra đi hàng loạt của các giáo sĩ: từ năm 1970 đến 1990, đó là thời gian có các cuộc khủng hoảng linh mục.
Kể từ những năm 1990 mới có nhận thức ngày càng tăng liên quan đến bạo lực tình dục. Nhưng Ủy ban Ciase lưu ý, có sự khác biệt sâu sắc giữa xã hội cũng như các thể chế dân sự, những nơi đang thay đổi thực hành của họ, và Giáo hội (các giám mục cũng như tất cả những người phụ trách hàng giáo sĩ), chỉ phản ứng khi có sự thúc đẩy và dưới áp lực của giới truyền thông và quần chúng. Cho đến năm 2015-2016, cả xã hội dân sự và luật của Giáo hội đều không được sử dụng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng nhiều.
Bản báo cáo nhấn mạnh, rất hiếm khi những ví dụ về “cơ cấu tội phạm” ở các nơi trong Giáo hội, nơi việc lạm dụng trẻ em được thực hiện bởi các băng nhóm được đưa ra. Ví dụ, chúng ta thấy điều này ở một vài tân cộng đồng hiếm hoi vào những năm 1990 và trước đó, tại tiểu chủng viện Chavagnes-en-Paillers ở Vendée.
Nhận xét chung đáng chú ý: “Trong 70 năm, một điểm chính phải được nhấn mạnh. Cho đến đầu những năm 2000, đó là một sự dửng dưng sâu đậm, một sự dửng dưng hoàn toàn, và thậm chí tàn nhẫn đối với các nạn nhân. Ngoài những sai sót do các thủ phạm và các nhà lãnh đạo Giáo hội đôi khi gây ra, báo cáo còn cho thấy những sai sót mang tính hệ thống trong Giáo hội. Về phía Giáo hội, phải cấp bách nhận ra và chịu trách nhiệm về các việc này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: 1950-1980, những năm đen tối của tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp
Những điểm cần ghi nhớ từ báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp
Năm con số quan trọng của báo cáo Ciase về lạm dụng tình dục trong Giáo hội công giáo
“Ở nhiều quốc gia, chúng tôi không muốn bôi bẩn Giáo hội”
Đối diện với các vụ lạm dụng tình dục, làm thế nào để Giáo hội đào tạo các linh mục tương lai
Đức Phanxicô bày tỏ “nỗi đau vô biên” của ngài trước các vụ lạm dụng ở Pháp