1950-1980, những năm đen tối của tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp

208

1950-1980, những năm đen tối của tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp

famillechretienne.fr, Antoine Pasquier, 2021-09-30

Theo số liệu của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase) vào tháng 3 gần đây thì hai phần ba số nạn nhân bị một linh mục lạm dụng ở trong khoảng năm 1950 đến năm 1980. Làm thế nào để giải thích sự việc to lớn này đã xảy ra trong ba mươi năm?

Một nửa trong số 3000 nạn nhân đến với Ủy ban là những nạn nhân đã bị lạm dụng trong những năm 1950 và 1960 (18% trong những năm 1970 và 12% trong những năm 1980). Do đó, nạn nhân chủ yếu là người lớn tuổi: 30% trên 70 tuổi, 50% từ 50 đến 69 tuổi, 17% từ 30 đến 49 tuổi.

Báo cáo của Ủy ban Ciase chưa được công bố, nhưng các số liệu đầu tiên được ông Jean-Marc Sauvé,chủ tịch Ủy ban đưa ra vào tháng 3 gần đây xác nhận độ tuổi của phần lớn các vụ lạm dụng tình dục. Trong số 3.000 nạn nhân được Ủy ban tiếp xúc (ước tính đến năm ngoái Ủy ban tiếp xúc 10.000 người), một nửa trong số họ cho biết đã bị tấn công tình dục trong những năm 1950 và 1960 và 18% vào những năm 1970. Điều đó có nghĩa là tổng cộng hơn 2000 nạn nhân (68%).

Dữ liệu đầu tiên này hội tụ với những dữ liệu thu thập được ở Úc, Hoa Kỳ và ngay cả ở Bỉ cho thấy mức cao nhất về số vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội là trong những năm 1950 đến 1980. Nhiều chuyên gia chia sẻ nhận định này dù không ai trong số họ có thể để đưa ra lời giải thích thuyết phục. Bà Karlijn Demasure, cựu giám đốc Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Đại học Gregorian, Rôma thừa nhận: “Trên thực tế, chúng tôi vẫn không chắc chắn điều gì có thể đã xảy ra trong những năm đó. Bà Marie-Jo Thiel, giáo sư đạo đức học tại Đại học Strasbourg, trường đại học đầu tiên ở Pháp nghiên cứu về nguồn gốc lạm dụng tình dục từ cuối những năm 1990, khẳng định: “Chúng tôi chỉ có những tia sáng chỉ dẫn nhưng không phải lời giải thích cuối cùng.”

Đào tạo kém tại chủng viện

Chỉ có thể có các giả thuyết được đưa ra để giải thích tình trạng lạm phát trọng tâm của những năm 1960 và 1980. Với sự thận trọng vô hạn, và không kết luận vội vàng. Việc đưa đến một hành động lạm dụng luôn là và trên hết, là cơ chế nội tâm, cá nhân và riêng rẻ, nó được ghi lại mỗi lần trong một bối cảnh xã hội và giáo hội cụ thể. Như thế không thể loại trừ rằng các nguyên nhân bên ngoài ít nhiều đóng vai trò quyết định trong việc xảy ra các vụ lạm dụng này.

Đây là trường hợp của việc đào tạo chủng sinh. Những thiếu sót vào thời đó đã nhiều lần được các chuyên gia đưa ra. Linh mục Stéphane Joulain, nhà trị liệu tâm lý chuyên ngành lạm dụng tình dục cho biết: “Chúng tôi thấy việc bước qua hành động thường xảy ra rất nhanh sau khi rời chủng viện, chỉ trong mười năm đầu tiên. Tiến trình cổ điển hồi đó gồm ba giai đoạn chính: tiểu chủng viện, đại chủng viện và sau đó trực tiếp là chức linh mục. Linh mục Joulain nói tiếp: “Các linh mục tương lai đột nhiên thấy mình ở bên ngoài xiềng xích của chủng viện, trong một thế giới rộng mở, họ bước vào chủng viện khi còn rất nhỏ, khi vừa ra khỏi váy mẹ.” Bà Karlijn Demasure khẳng định: “Họ không có khi nào có thời gian để trở thành người trưởng thành. Họ không có quan hệ với những phụ nữ khác hoặc ngay cả với chị em của họ. Họ không phải đương đầu với những vấn đề thường xảy ra khi sống với gia đình hoặc ở trường đại học.”

Một cái nhìn khắc khổ của người giăng-xen về tình dục

Sự non nớt này của các linh mục không phải là một khám phá gần đây. Từ năm 1972 tại Hoa Kỳ, các giám mục đã nhờ nhà tâm lý học Eugene Kennedy nghiên cứu về vấn đề này, ông cho biết ước tính số lượng linh mục Mỹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc và tâm lý là hơn 70%… Bà Karlijn Demasure giải thích: “Khi chúng ta chưa trưởng thành, chúng ta bị thu hút bởi một người cũng ở độ tuổi chưa trưởng thành như chúng ta.”

Liên quan đến sự non nớt này của các linh mục là sự cấm kỵ tuyệt đối về tình dục của họ. Ông Michel Begny, nhà trị liệu tâm lý và là thành viên của văn phòng lắng nghe của giáo phận Meaux kể: “Họ phải chịu đựng một hình thức độc đoán để bịt miệng tình dục của họ. Ngay sau khi họ vào chủng viện hoặc vào nhà dòng, các linh mục, các nam tu sĩ và ngay cả các nữ tu sĩ trở nên như những sinh vật vô tính. Giám mục Éric de Moulins-Beaufort, tân giám mục tổng giáo phận Reims nhắc lại: “Từ thế kỷ 19, đã có một ý tưởng được nuôi dưỡng cho rằng bộ phận sinh dục là chuyện thú tính, được con người dung nạp để đáp ứng nhu cầu sinh sản giống loài.” Khi đó các tu sĩ được xem là những người “có ơn để sống phần tinh thần của Con Người và tránh được phần thú tính.”

Cái nhìn của người giăng-xen về tình dục, xem cơ thể như kẻ thù và người tu sĩ gần như thiên thần, không phải là không gây tổn hại. Linh mục Joulain tóm tắt: “Đó là nguyên tắc của khí nén: chúng ta càng kìm, càng nén thì chúng ta càng có nguy cơ nổ tung mọi thứ. Khi không cáng đáng được tình dục thì nó sẽ trở thành kẻ thù. Và vào một lúc yếu đuối hoặc dễ bị tổn thương nhỏ nhất, kẻ thù đó sẽ đâm sau lưng chúng ta.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm; Lạm dụng trong Giáo hội Công việc của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội cho thấy “một hiệu ứng sóng thần”

Đức Phanxicô kêu gọi “nhìn nhận” những “sai lầm” và “thất bại” của Giáo hội về ấu dâm